192. Bình luận quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền và hợp đồng vay tài sản trong dự thảo BLDS 2015.

(DCVPL)Bài này bình luận các quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền và hợp đồng vay tài sản trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (bản cập nhật ngày 19-5-2015), trong đó trọng tâm là về giới hạn lãi suất cho vay, một trong 10 nội dung đã lấy ý kiến nhân dân và là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

1.          Về nghĩa vụ trả tiền:

Khoản 2, Điều 289 về “Thực hiện nghĩa vụ trả tiền”, Dự thảo Bộ luật quy định “2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” Viết như vậy thì sẽ phải hiểu theo nghĩa, tiền lãi chỉ được tính trên nợ gốc. Như vậy là mâu thuẫn với quy định tại khoản 1, Điều 432 về “Trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền” với quy định: “1. Trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì bên vi phạm phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.” Theo quy định tại khoản này, thì phải hiểu rằng, nếu chậm trả nợ gốc, thì phải trả “tiền lãi trên nợ gốc” và nếu chậm trả tiền lãi, thì cũng phải trả cả “tiền lãi trên nợ lãi”.

Quy định như Dự thảo chưa giải quyết được vấn đề đã được nêu tại điểm a, khoản 4, Mục I, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao,  Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản” như sau:

a) Về nguyên tắc, tiền lãi chỉ được tính trên số nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài nguyên tắc tiền lãi chỉ được tính trên số nợ gốc, các bên có thể thoả thuận về việc nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời hạn vay tiếp theo. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bên cho vay có thể lợi dụng thoả thuận này để thu lợi trái pháp luật, thì toà án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần đối với loại vay có kỳ hạn giữa các bên ở ngoài tổ chức ngân hàng, tín dụng tại thời điểm đến hạn trả nợ mà người vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình. Các trường hợp khác đều phải tính theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự.” [2]

Vì vậy, cần phải chỉnh sửa hai điều luật nói trên theo hướng, xác định rõ có hay không việc trả tiền lãi tính trên lãi hay lãi nhập gốc, để tránh việc tranh cãi trên thực tế lâu nay.

2.          Về việc yêu cầu trả lại tài sản trước hạn:

Khoản 3, Điều 480 về “Nghĩa vụ của bên cho vay”, Dự thảo Bộ luật quy định một trong những nghĩa vụ của bên cho vay là:

3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 485 của Bộ luật này hoặc luật có quy định khác.”

Quy định không được yêu cầu trả lại tài sản trước hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 485 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn” là mâu thuẫn với quy định tại Điều 482 về “Sử dụng tài sản vay” của Dự thảo Bộ luật, với quy định như sau:

Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.”

Theo Điều 485, thì bên vay không chỉ có quyền đòi lại tản sản trước hạn đối với hợp đồng vay có kỳ hạn, mà đối với cả hợp đồng vay không có kỳ hạn, trong trường hợp bên vay sử dụng tài sản trài với mục đích đã thoả thuận.

Đồng thời, Điều 480 chỉ quy định một trường hợp được đòi lại tài sản trước hạn cũng không bao quát được các trường hợp đòi lại tiền cho vay trước hạn theo quy định của pháp luật ngân hàng. Theo đó, bên cho vay được quyền yêu cầu bên vay trả lại trước hạn đối với cả trường hợp vay có thời hạn, nếu “phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng”. Ngoài ra, các khoản vay giữa Việt Nam với nước ngoài, trong đó có các khoản vay của Chính phủ Việt Nam, cũng bị ràng buộc điều kiện trả nợ tương tự như trên.

Vì vậy, cần sửa đổi Điều này theo hướng, bổ sung trường hợp bên cho vay được quyền đòi lại tiền vay trước thời hạn, nếu pháp luật có quy định.

3.          Về lãi suất nợ quá hạn:

Khoản 5, Điều 481 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay”, Dự thảo Bộ luật quy định như sau:

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, lãi suất quá hạn trong trong các Bộ luật Dân sự được xử lý rất khác nhau. Bộ luật Dân sự năm 1995 trước đây thì quy định hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất chậm trả do Ngân hàng Nhà nước quy định (bằng không quá 150% lãi suất trong hạn). Bộ luật Dân sự năm 2005 thì theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (từ 8 – 14%/năm). Còn Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định bằng 150% lãi suất trong hạn (không dựa vào quy định của Ngân hàng Nhà nước). Quy định “lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay” trong Dự thảo Bộ luật là không hợp lý, vì những lý do sau:

Thứ nhất, đã nợ quá hạn, thì tính chất như sau, cần chịu một chế tài tương tự, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Quy định như Dự thảo, thì mức lãi suất quá hạn có thể khác nhau quá nhiều. Nếu lãi suất cho vay thấp, do được ưu đãi, thì khi quá hạn sẽ chỉ phải trả lãi ở mức thấp và ngược lại nếu lãi suất cho vay ở mức cao, không bị giới hạn như hiện nay cũng như trong Dự thảo Bộ luật đối với các tổ chức tín dung, có thể lên đến 50 – 60%, thì lãi suất quá hạn sẽ quá cao (cộng thêm 25 – 30%);

Thứ hai, quy định của Bộ luật hiện hành, lãi suất quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, tức trong vòng gần 5 năm qua giữ nguyên mức 9%/năm;

Thứ ba, quy định áp dụng trong ngành Ngân hàng từ năm 2001 đến nay theo khoản 2, Điều 11 về Lãi suất cho vay”, Quy chế Cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, được ban hành kèm theo Quyết định số 1627 /2001/QĐ-NHNN  ngày 31-12-2001 (đã được sửa đổi năm 2005, 2011 và 2013), lãi suất quá hạn do các bên thoà thuận cũng chỉ là “không vượt quá 150% lãi suất cho vay”, chứ không chốt cứng “bằng 150%”.

4.          Về việc đòi lại tài sản vay nếu sử dụng trái mục đích:

Điều 482 về “Sử dụng tài sản vay”, Dự thảo Bộ luật quy định:

Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.

Quy định bên cho vay có quyền đòi lại tài sản vay trước hạn với điều kiện “nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích” là chưa bao quát được quy định của pháp luật ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng được quyền đòi lại tiền cho vay trước hạn mà không cần phải nhắc nhở mà bên vay vẫn không khắc phục, vì mục tiêu bảo đảm an toàn vốn vay. Đồng thời, cụm từ “trái mục đích” cũng không rõ ràng và hợp lý.

Vì vậy, cần xem xét sửa đổi theo hướng, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác, để bao đảm sự bao quát hơn hơn. Đồng thời, cần sửa cụm từ “trái mục đích” thành “sai mục đích” để phù hợp hơn và tương thích với vế trước là “đúng mục đích”

5.          Về giới hạn lãi suất:

Khoản 3, Điều 483 về “Lãi suất”, Dự thảo Bộ luật quy định:

3. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác.

Quy định trần lãi suất như trên có một số điểm không hợp lý như sau:

Thứ nhất, quy định giới hạn này, mặc dù đã tăng từ không vượt quá 150% lãi suất cơ bản trong Bộ luật hiện hành lên 200%, nhưng vẫn còn quá xa rời thực tế suốt mấy chục năm nay. Tại thời điểm này, mức trần lãi suất theo Bộ luật hiện hành chỉ là 13,5%/năm, còn theo Dự thảo thì chỉ là 18%/năm, trong khi lãi suất cho vay trong giao dịch kinh tế, dân sự nói chung, cho vay cầm đồ nói riêng và kể cả của một số tổ chức tín dụng đang ở mức thấp trong nhiều năm qua, thì cũng vẫn có thể cao hơn, thậm chí lên đến mức 50 – 70%/năm (đối với cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính);

Thứ hai, quy định bắc cầu như trên vừa không hợp lý, vừa gây khó khăn cho việc nắm bắt và thực hiện trên thực tế. Vì vậy, cần quy định một mức trần lãi suất cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Trường hợp cần thiết phải điểu chỉnh cho phù hợp với tình hình lạm phát thì có thể giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định. Không nên lo ngại việc biến động giới hạn này, vì đó là một mức trần khá rộng rãi, có thể ổn định trong nhiều năm. Đặc biệt thực tế mức lãi suất phạt cũng đã được ấn định cụ thể trong một đạo luật. Ví dụ như quy định tại khoản 4, Điều 92 về “Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế”, Luật Quản lý thuế năm 2006, đã được sửa đổi,bổ sung năm 2012: “Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.”, tức tương đương 18%/năm. Tương tự là quy định tại khoản 1, Điều 78 về “Thủ tục nộp tiền phạt”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: Nếu quá thời hạn nộp phạt, “thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.”;  

Thứ ba, giới hạn nói trên đã “trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác” là hàm ý, không áp dụng trần lãi suất của Bộ luật Dân sự đối với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Như vậy là tạo ra sự bất công bằng rất lớn giữa lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng và các đối tượng khác. Trần lãi suất quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động một cách bình thường, thực tế theo cơ chế thị trường của các tổ chức tín dụng, thì phải tạo trần đủ hợp lý để tránh bóp nghẹt cơ chế tự do hoá lãi suất, chứ không thể bóp một bên và bông một bên. Không cần nghĩ ra giải pháp mới, mà chỉ cần tham khảo quy định tại khoản 1, Điều 473 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 1995 trước đây: “1- Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng.” Như vậy, khi đó, lãi suất cho vay phi ngân hàng được phép cao hơn 50% so với lãi suất cho vay của ngân hàng. Còn hiện nay và Dự thảo Bộ luật thì theo hướng hoàn toàn ngược lại: Lãi suất cho vay ngân hàng có thể cao gấp nhiều lần lãi suất cho vay phi ngân hàng. Các tổ chức tín dụng là đơn vị cho vay chuyên nghiệp, áp dụng lãi suất theo cơ chế thị trường mà không chấp nhận được mức trần lãi suất như vậy, thì không thể bắt các tổ chức, cá nhân khác phải tuân thủ trần lãi suất đó.

Ngoài ra, còn bất cập khác từ quy định “trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác”. Vì khoản 2, Điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:

“2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.”

Vậy, lãi suất tín dụng của các tổ chức tín dụng vẫn phải theo quy định của pháp luật. Như vậy, thì vẫn phải theo quy định của văn bản có hiệu lực cao nhất là Bộ luật Dân sự về lãi suất.

Thứ tư, quy định “lãi suất thoả thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản” thì có thể dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau. Đó là lãi suất tối đa bằng 200% lãi suất cơ bản và tối đa bằng 300% lãi suất cơ bản. Bằng chứng là hai quy định hoàn toàn khác nhau xong lại được hiểu là một mức giống nhau. Đó là quy định tại khoản 1, Điều 473 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 1995 trước đây: “1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng.” Và khoản 1, Điều 476 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện hành: “1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.” “Không được vượt quá 50%” và “không được vượt quá 150%” cuối cùng vẫn cho ra cùng một đáp số “tối đa bằng 150%” của mốc lãi suất so sánh.

Thứ năm, mức trần lãi suất này không nên nhằm để thực hiện các mục tiêu khác. Thực tế nhiều năm nay, nếu cho vay vượt 150% mức lãi suất cơ bản cho đến mức dưới 10 lần mức lãi suất cao nhất do pháp luật quy định thì hoàn toàn không bị xử phạt hành chính. Thậm chí vượt quá 10 lần lãi suất cao nhất nhưng chưa “có tính chất chuyên bóc lột” thì cũng không hề bị xử phạt.

Đặc biệt, không thể dựa vào trần lãi suất này để làm cơ sở xử lý tội cho vay lãi nặng trong Bộ luật Hình sự. Tội phạm hình sự cho vay lãi nặng thì cần phải được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự là cho vay với mức lãi suất từ bao nhiêu phần trăm trở lên (chẳng hạn từ 200%/năm trở lên) thi phạm tội, chứ không thể bắc cầu sang mức lãi suất trong Bộ luật Dân sự mà vẫn gây ra tranh cãi nhiều năm nay. Rồi cách ấn định tỷ lệ vượt quá để xử lý hình sự cũng rất kỳ lạ, trước năm 1999 thì tính bằng 5 lần, Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tình bằng 10 lần, rồi dự thảo Bộ luật Hình sự hiện nay thì lại quay về bằng 5 lần lãi suất cao nhất.

Vì vậy, nếu không bỏ được quy định về giới hạn lãi suất trong Dự thảo Bộ luật, thì cần quy định một trần lãi suất một cách cụ thể, hợp lý, đủ rộng để áp dụng chung cho mọi lĩnh vực. Và dù theo phương án nào, thì ít nhất giới hạn đó cũng phải là 30%/năm, còn hợp lý hơn là phải từ 50 – 70%/năm.

6.          Về lãi suất vượt quá giới hạn:

Đoạn 2, khoản 3, Điều 483 về “Lãi suất”, Dự thảo Bộ luật quy định:

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”.

Quy định trên ghi nhận thực tế xét xử nhiều năm nay của Toà án. Tuy nhiên, đến lúc cần phải xem lại, vì như vậy thì luôn tạo ra tình trạng vi phạm tràn lan, coi thường pháp luật. Mọi giao dịch cứ tha hồ vượt trần lãi suất mà không bị chế tài gì, khi ra toà thì vẫn cứ bảo đảm quyền lợi đúng y sì như luật định. Muốn tạo ra sự nghiêm minh của pháp luật, thì cần quy định theo hướng, nếu thoả thuận vượt trần lãi suất thì pháp luật sẽ không thừa nhận toàn bộ lãi suất. Có như vậy thì mới buộc các chủ thể tham gia giao dịch có ý thức tuân thủ pháp luật, bằng cách phải quyết định lựa chọn giữa “được ăn cả, ngã về không”. Tất nhiên, điều này chỉ hợp lý khi pháp luật tạo ra một mức trần lãi suất không quá bất hợp lý như trên.

7.          Về quyền đòi và trả lại tài sản vay không kỳ hạn và có lãi:

Khoản 2, Điều 484 về “Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn” quy định:

“2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”

Quy định này chưa bao quát và hợp lý đối với trường hợp ngân hàng là bên đi vay vốn (được gọi là huy động hay nhận tiền gửi của khách hàng). Theo quy định từ trước đến nay của ngành Ngân hàng, thì đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn, không phân biệt có hay không có lãi, khách hàng gửi tiền (cho vay tiền) không phải “báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý” hoặc nếu có thì chỉ cần báo trước đối với số tiền lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thực hiện chi trả. Đặc biệt là đối với tiền gửi thanh toán của khách hàng (theo quy định tại khoản 12, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.”) thì người gửi (tức cũng là người cho vay) đương nhiên được “đòi lại” bất cứ lúc nào.

Vì vậy, cần quy định đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì cũng tương tự như đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi theo hướng như sau: Bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho bên vay biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định về việc không bắt buộc phải phải báo trước.

8.          Về quyền đòi và trả lại tài sản vay có kỳ hạn và không có lãi:

Khoản 1, Điều 485 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn” quy định:

1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

Cần xem lại quy định “bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý”, vì bên đã cho vay không có lãi thì cần phải có quyền đòi lại tài sản bất kỳ lúc nào, ít nhất cũng phải trong một số trường hợp.

9.          Về quyền đòi và trả lại tài sản vay có kỳ hạn và có lãi:

Khoản 2, Điều 485 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn” quy định:

2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn đồng thời có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý.”

Quy định này đã khắc phục được sự bất hợp lý về việc, trả nợ trước hạn thì “phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn” tại Điều 478 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo quy định “có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý” thì lại quá chung chung, mơ hồ, có thể dẫn đến cách hiểu phải trả gần 100% sô tiền lãi như vẫn xảy ra trên thực tế.

Vì vậy, cần quy định rõ theo hướng, khi trả nợ trước hạn thì bên vay phải trả lãi với mức không quá 50% lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác với mức thấp hơn hoặc pháp luật có quy định khác.

10.       Về họ, hụi, biêu, phường:

Họ, hụi, biêu, phường được quy định tại Điều 486, Dự thảo Bộ luật. Cần xem lại tên Điều luật, chỉ nên sử dụng một từ, vì họ, hụi, biêu, phường là 4 từ khác nhau để cùng chỉ một loại giao dịch, tương tự như cách viết một cá nhân chết, mất, từ trần, qua đời, hy sinh,…

Đồng thời, đã có một Nghị định quy định về việc này, thì cần phải xem xét chọn lọc những nội dung hợp lý của Nghị định để đưa vào Bộ luật, không nên tiếp tục duy trì một Nghị định riêng.

Ngoài ra, cần bảo đảm sự thống nhất với việc sử dụng từ “nặng lãi” hay “lãi nặng”. Hiện nay, khoản 3, Điều này quy định “Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.” Trong khi đó, khoản 1, Điều 12 về “Lãi suất”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “1. Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.” Còn Bộ luật Hình sự năm 1985 trước đây cũng như Bộ luật Hình sự năm 1999 hiện hành và Dự thảo Bộ luật HÌnh sự năm 2015 thì đều quy định về “Tội cho vay lãi nặng”. Vậy “nặng lãi” và “lãi nặng” là hai khái miệm khác hay giống nhau?

Và nếu “nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi” đến mức phạm tội hình sự, thì việc tổ chức dưới hình thức cho vay vượt 200% lãi suất cơ bản (vượt trần của Bộ luật Dân sự) đến dưới mức phạm tội hình sự cho vay lãi nặng thì có bị nghiêm cấm hay không? Chẳng lẽ cùng là vi phạm pháp luật, nhưng phải đến một mức nào đó thì mới bị nghiêm cấm?

———————————-

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Hà Nội 8-2015

 

BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN VÀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015[1]

[1]   Bài thứ 28 trong loạt bài góp ý xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2]   Khoản 2, Điều 313 về “Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định như sau:

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,615