196. Kinh doanh taxi: 1 xe, 5 xe hay 50 xe?

(CP) – Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ không được phép kinh doanh taxi tại Hà Nội và TPHCM.

Một loạt điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung, bằng xe taxi nói riêng, trong đó có số lượng xe tối thiểu và niên hạn sử dụng xe, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016 trở đi.

Nguy cơ loại bỏ doanh nghiệp nhỏ

Trước hết, quy định về điểu kiện kinh doanh trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô là đúng với thẩm quyền ban hành theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014. Khoản 7, Điều 17 Nghị định số 86 quy định một trong 7 điều kiện kinh doanh xe taxi kể từ ngày 01/01/2016 trở đi là “doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.

Tại Nghị quyết số 59/NQ-CP năm 2014 về thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành rà soát, đánh giá tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo nguyên tắc: bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết và không hợp lý, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư; đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.

Trước đây, theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, thì tại hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, chỉ cần 5 xe cũng có thể được phép kinh doanh xe taxi.

Theo tính toán, với số lượng tối thiểu 50 xe, cộng với các điều kiện bắt buộc khác nữa, thì vốn kinh doanh của doanh nghiệp phải trên 10 tỷ đồng và lao động phải trên 50 người. Và như vậy, để có đủ điều kiện kinh doanh thì chỉ có thể là doanh nghiệp loại vừa và lớn theo cách phân loại tại khoản 1, Điều 3 về “Định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 “Về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Thậm chí doanh nghiệp có tổng nguồn vồn trên 50 tỷ đồng, tức được xếp vào nhóm doanh nghiệp lớn, nếu đầu tư 50 chiếc xe rẻ tiền thì đủ điều kiện kinh doanh, nhưng nếu chỉ đầu tư 49 chiếc xe đắt tiền, chất lượng cao, thì cũng không được phép kinh doanh taxi ở Hà Nội.

Thế nhưng có thể thấy, đặt ra điều kiện số lượng xe tối thiểu lớn như vậy không có tác dụng gì trong việc hạn chế quá tải về hạ tầng giao thông, thậm chí ngược lại. Cũng không nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc pháp luật hay để nâng cao chất lượng dịch vụ, vì doanh nghiệp lớn không đồng nghĩa với tốt.

Trong khi, vấn đề cốt lõi cần quản lý đối với loại loại hình vận tải nói chung, kinh doanh taxi nói riêng là bảo đảm chất lượng dịch vụ và tuân thủ nghiêm túc mọi điều kiện cần thiết, chứ không phải là nhiều hay ít xe. Nếu doanh nghiệp có ít xe, dẫn đến ít khách, không cạnh tranh được, không hiệu quả, thì sẽ tự lượng sức không tham gia hoặc sẽ sớm tự rút lui. Quy luật thị trường sẽ điều chỉnh việc này tốt hơn nhiều quy định pháp luật. Chưa kể, nếu doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng biết liên kết, tận dụng công nghệ hiện đại như Grab hay Uber, thì cả việc quản lý kinh doanh và quản lý nhà nước còn thuận tiện, hiệu quả hơn quản lý đối với taxi truyền thống.

Quy định về điều kiện kinh doanh taxi như trên đã chặn đứng cơ hội khởi nghiệp và kinh doanh taxi của các doanh nghiệp nhỏ tại hai thị trường lớn nhất cả nước, thậm chỉ nếu chỉ muốn kinh doanh trong phạm vi một huyện miền núi ở hai thành phố này cũng không được.

Cũng tương tự như điều kiện kinh doanh xe taxi, số lượng xe tối thiểu cũng mới được đặt ra đối với việc kinh doanh các loại xe khách khác. Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đều không có quy định về việc kinh doanh vận tài đường bộ phải có vốn pháp định hay số vốn tối thiếu phải có. Như vậy có thể hiểu là theo các đạo luật này, thì doanh nghiệp hay hộ kinh doanh chỉ cần có 1 chiếc xe ô tô là đều có thể tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ngoài ra, Nghị định 86 cũng quy định điều kiện về số lượng xe ô tô phụ thuộc vào nơi “đơn vị có trụ sở đặt tại” thành phố đặc biệt, trực thuộc trung ương hay tỉnh, huyện nghèo. Đây là quy định dễ dẫn đến áp dụng tuỳ tiện. Từ trước đến nay, pháp luật đều xác định rất rõ doanh nghiệp có trụ sở chính, ví dụ như một trong những yếu tố bắt buộc phải ghi nhận là “địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 2, Điều 24 về “Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Còn trụ sở của doanh nghiệp thì đó có thể là trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, trụ sở văn phòng đại diện hay trụ sở địa điểm kinh doanh khác. Do Luật Giao thông đường bộ và Nghị định không quy định về chi nhánh của doanh nghiệp, thì đương nhiên phải thực hiện theo quy định chung của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, quy định điều kiện về số lượng xe gắn với “trụ sở”, mà không phải là “trụ sở chính”, thì có thể hiểu theo hai cách hoàn toàn khác nhau.

Niên hạn sử dụng xe taxi

Bên cạnh quy định về số lượng xe tối thiểu, việc quy định niên hạn sử dụng xe taxi cũng có phần không hợp lý và quá chặt chẽ so với các loại hình kinh doanh khác. Điều 17, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định, niên hạn sử dụng xe taxi không quá 12 năm, riêng tại các đô thị loại đặc biệt, tức Hà Nội và TP HCM không quá 8 năm.

Liệu có phải taxi ở Hà Nội thì phải mới, phải đẹp hơn nơi khác? Không thể có lý do về tiêu chuẩn an toàn cho hành khách, vì niên hạn này không đồng nghĩa với số km lăn bánh và tình trạng chất lượng, an toàn của xe, nhất là đối với các loại xe taxi có chất lượng khác xa nhau.

Niên hạn sử dụng của xe taxi cũng khác các loại xe ô tô chở khách. Theo Nghị định số 86, chẳng hạn xe ô tô du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chở từ 10 hành khách trở lên theo tuyến cố định và theo hợp đồng, tuỳ thuộc vào cự ly hoạt động trên 300 km hay 300 km trở xuống, mà có niên hạn sử dụng không quá 15 và 20 năm.

Xe taxi đưa vào kinh doanh rất đa dạng, chất lượng rất khác nhau và thời gian chạy xe nhiều hay ít cũng rất khác nhau. Trên thực tế có nhiều xe rẻ tiền, chất lượng kém, độ bền thấp nhưng khai thác 2 ca gần 24/24 giờ mỗi ngày (2 tài xế). Trong khi đó có những loại xe đắt tiền, chất lượng tốt, độ bền cao nhưng lại chỉ chạy nửa ngày. Vì vậy, việc đánh đồng niên hạn sử dụng đối với các trường hợp này là không hợp lý. Chưa kể, nếu tính theo số km lăn bánh mới là yếu tố quan trọng nhất, thì xe chạy đường dài còn nhiều hơn taxi, liên quan đến tính mạng nhiều người hơn.

Hay quy định niên hạn này là vì tiêu chuẩn môi trường đô thị? Nhưng như phần trên đã đề cập, cũng là xe taxi, loại cao cấp thì chạy 8 năm chắc chắn còn tốt hơn, bảo đảm ít ô nhiễm hơn loại xe bình dân mới chạy 4 năm. Chưa kể pháp luật đã có tiêu chuẩn về điều kiện an toàn và khí thải ô tô. Nếu cần thì áp cụ thể hơn vào taxi sẽ hợp lý hơn là việc rút ngắn niên hạn sử dụng xe.

Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải là cần thiết vì ảnh hưởng đến an toàn, trật tự xã hội và môi trường sống. Nhưng rõ ràng là quy định về số lượng xe tối thiểu và niên hạn sử dụng xe taxi nói riêng như hiện nay còn không ít bất cập.

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

(1.588/1.588)

——————–
Bài gốc gửi đăng Báo Điện tử Chính phủ                                                   Hà Nội 24-01-2016

 

Kinh doanh taxi tại Hà Nội và TPHCM: Loại bỏ doanh nghiệp nhỏ

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

Một loạt điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung, bằng xe taxi nói riêng, trong đó có số lượng xe tối thiểu và niên hạn sử dụng xe, đã được ban hành từ năm 2014, nhưng mới lần lượt có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2016 trở đi. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ không bao giờ được phép kinh doanh taxi tại Hà Nội và TP HCM.[1]

Số lượng tối thiểu xe taxi

Trước hết, quy định về điểu kiện kinh doanh trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ “Về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô”, là đúng với thẩm quyền ban hành theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014. Khoản 7, Điều 17 về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi”, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định một trong 7 điều kiện kinh doanh xe taxi kể từ ngày 01-01-2016 trở đi là “doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.

Trước đay, theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, thì tại hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, chỉ cần 5 xe cũng có thể được phép kinh doanh xe taxi. Với số lượng tối thiểu 50 xe, cộng với các điều kiện bắt buộc khác nữa, thì đương nhiên vốn kinh doanh của doanh nghiệp phải trên 10 tỷ đồng và lao động phải trên 50 người. Và như vậy, để có đủ điều kiện kinh doanh thì chỉ có thể là doanh nghiệp loại vừa và lớn theo cách phân loại tại khoản 1, Điều 3 về “Định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 “Về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Thậm chí doanh nghiệp có tổng nguồn vồn trên 50 tỷ đồng, tức được xếp vào nhóm doanh nghiệp lớn, nếu đầu tư 50 chiếc xe rẻ tiền thì đủ điều kiện kinh doanh, nhưng nếu chỉ đầu tư 49 chiếc xe đắt tiền, chất lượng cao, thì cũng không được phép kinh doanh taxi ở Hà Nội.

Đặt ra điều kiện số lượng xe tối thiểu lớn như vậy không có tác dụng gì trong việc hạn chế quá tải về hạ tầng giao thông, cũng không nhằm chấp hành nghiêm túc pháp luật hay để nâng cao chất lượng dịch vụ, vì doanh nghiệp lớn không đồng nghĩa với tốt. Nhưng có thể dễ dàng suy đoán rằng, do hạn chế về khả năng quản lý, nên đặt ra điều kiện này để loại trừ bớt đầu mối tham gia kinh doanh.[2]

Trong khi, vấn đề cốt lõi cần quản lý đối với loại loại hình vận tải nói chung, kinh doanh taxi nói riêng là bảo đảm chất lượng dịch vụ và tuân thủ nghiêm túc mọi điều kiện cần thiết, chứ không phải là nhiều hay ít xe. Nếu doanh nghiệp có ít xe, dẫn đến ít khách, không cạnh tranh được, không hiệu quả, thì sẽ tự lượng sức không tham gia hoặc sẽ sớm tự rút lui. Quy luật thị trường sẽ điều chỉnh việc này tốt hơn nhiều quy định pháp luật. Chưa kể, nếu doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng biết liên kết, tận dụng công nghệ hiện đại như tham gia vào mạng Grap taxi, thì cả việc quản lý kinh doanh và quản lý nhà nước còn thuận tiện, hiệu quả hơn quản lý đối với taxi truyền thống.

Quy định về điểu kiện kinh doanh taxi như trên đã chặn đứng cơ hội khởi nghiệp và kinh doanh taxi của các doanh nghiệp nhỏ tại hai thị trường lớn nhất cả nước, thậm chỉ nếu chỉ muốn kinh doanh trong phạm vi một huyện miền núi ở hai thành phố này cũng không được.

Chủ trương và nguyên tắc thì luôn nhằm tới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí còn đang xây dựng một đạo luật về việc này, nhưng các quy định cụ thể thì nhiều khi đang ngược lại.[3]

Số lượng tối thiểu xe khách khác

Cũng tương tự như điều kiện kinh doanh xe taxi, số lượng xe tối thiểu cũng mới được đặt ra đối với việc kinh doanh các loại xe khách khác.

Khoản 4, Điều 15 về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định”, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định, từ ngày 01-7-2016, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 ki lô mét trở lên thì phải có tối thiểu 20 xe nếu có trụ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương (gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), tối thiểu 10 xe nếu có trụ sở tại các tỉnh, tối thiểu 5 xe nếu có trụ sở tại các huyện nghèo.[4]

Khoản 4, Điều 18 về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô”, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định: Từ ngày 01-01-2017, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng xe tối thiểu 10 xe nếu có trụ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương; tối thiểu 5 xe nếu có trụ sở tại các tỉnh và tối thiếu 3 xe nếu có trụ sở tại các huyện nghèo.[5]

Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đều không có quy định về việc kinh doanh vận tài đường bộ phải có vốn pháp định hay số vốn tối thiếu phải có. Tức là, theo đúng các đạo luật này, thì doanh nghiệp hay hộ kinh doanh chỉ cần có 1 chiếc xe ô tô là đều có thể tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong khi đó Nghị định lại quy định số lượng tối thiểu phải 50 xe, 20 xe, 10 xe và ít nhất trong mọi trường hợp là phải có 3 xe. Như vậy đây chính là một dạng quy định đòi hỏi cao hơn gấp từ 3 đến 50 lần so với luật định, giống với yêu cầu phải có vốn pháp định khá cao, hay nói cách khác, nghị định có dấu hiệu trái luật. [6]

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định điều kiện về số lượng xe ô tô phụ thuộc vào nơi “đơn vị có trụ sở đặt tại” thành phố đặc biệt, trực thuộc trung ương hay tỉnh, huyện nghèo, cũng là quy định mập mờ, khó hiểu, dễ dẫn đến áp dụng tuỳ tiện. Từ trước đến nay, pháp luật đều xác định rất rõ doanh nghiệp có trụ sở chính, ví dụ như một trong những yếu tố bắt buộc phải ghi nhận là “địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 2, Điều 24 về “Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Còn trụ sở của doanh nghiệp thì đó có thể là trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, trụ sở văn phòng đại diện hay trụ sở địa điểm kinh doanh khác. Do Luật Giao thông đường bộ và Nghị định không quy định về chi nhánh của doanh nghiệp, thì đương nhiên phải thực hiện theo quy định chung của Luật Doanh nghiệp.

Vì vậy, quy định điều kiện về số lượng xe gắn với “trụ sở”, mà không phải là “trụ sở chính”, thì có thể hiểu theo hai cách hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp có trụ sở chính ở một tỉnh thì chỉ cần có 10 xe taxi, nhưng vẫn được mở chi nhánh tại Hà Nội và đương nhiên được kinh doanh taxi tại Hà Nội. [7]

Cách hiểu thứ hai, cũng doanh nghiệp đó, ngoài việc phải có 10 xe để được kinh doanh taxi ở tỉnh, nhưng muốn mở chi nhánh ở Hà Nội, thì lại phải có thêm ít nhất 50 xe nữa, vì quy định cứ có trụ sở tại Hà Nội là phải có 50 xe. [8]

Niên hạn sử dụng xe taxi

Bên cạnh quy định về số lượng xe tối thiểu, việc quy định niên hạn sử dụng xe taxi cũng có phần không hợp lý và quá chặt chẽ so với các loại hình kinh doanh khác.

Điều 4, Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13-01-2004 và Điều 4, Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 đều quy định, niên hạn sử dụng của xe tô tô chở người không quá 20 năm (có thể hiểu là cho cả xe taxi, vì không có quy định loại trừ). [9]

Điều 8, Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28-9-2006 và Điều 15, Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 đều quy định, niên hạn sử dụng xe taxi không quá 12 năm, tức ngắn hơn xe nói chung 8 năm.[10]

Điều 17, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 quy định, niên hạn sử dụng xe taxi không quá 12 năm; riêng tại các đô thị loại đặc biệt, tức Hà Nội và TP HCM không quá 8 năm, tức ngắn hơn xe nói chung 12 năm và xe taxi ở nơi khác 4 năm. [11]

Đối với xe ô tô không tham gia kinh doanh, thì không có niên hạn sử dụng, tức là nếu muốn thì có thể sử dụng mãi mãi cho đến khi nào không thể chạy được nữa thì thôi. [12]

Tại sao taxi nói chung có niên hạn sử dụng 12 năm, còn ở Hà Nội và TP HCM thì lại chỉ có 8 năm? Liệu có phải taxi ở Hà Nội thì phải mới, phải đẹp hơn nơi khác? Không thể có lý do về tiêu chuẩn an toàn cho hành khách, vì niên hạn này không đồng nghĩa với số km lăn bánh và tình trạng chất lượng, an toàn của xe, nhất là đối với các loại xe taxi có chất lượng khác xa nhau.

Càng thấy sự bất hợp lý khi so sánh với niên hạn sử dụng của các loại xe ô tô chở khách khác được quy định tại chính Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.[13] Chẳng hạn xe ô tô du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chở từ 10 hành khách trở lên theo tuyến cố định và theo hợp đồng, tuỳ thuộc vào cự ly hoạt động trên 300 km hay 300 km trở xuống, mà có niên hạn sử dụng không quá 15 và 20 năm. Vậy tại sao xe taxi lại chỉ có niên hạn sử dụng 8 – 12 năm, trong khi các loại xe khác là từ 15 – 20 năm? Cũng không thấy lý do về việc bảo đảm an toàn cũng như bảo vệ môi trường ở đây.

Xe taxi đưa vào kinh doanh rất đa dạng, chất lượng rất khác nhau và thời gian chạy xe nhiều hay ít cũng rất khác nhau. Trên thực tế có nhiều xe rẻ tiền, chất lượng kém, độ bền thấp nhưng khai thác 2 ca gần 24/24 giờ mỗi ngày (2 tài xế). Trong khi đó có những loại xe đắt tiền, chất lượng tốt, độ bền cao nhưng lại chỉ chạy nửa ngày. Vì vậy, việc đánh đồng niên hạn sử dụng đối với các trường hợp này là không hợp lý. Chưa kể, nếu tính theo số km lăn bánh mới là yếu tố quan trọng nhất, thì xe chạy đường dài còn nhiều hơn taxi, liên quan đến tính mạng nhiều người hơn.

Hay quy định niên hạn này là vì tiêu chuẩn môi trường đô thị? Nhưng như phần trên đã đề cập, cũng là xe taxi, loại cao cấp thì chạy 8 năm chắc chắn còn tốt hơn, bảo đảm ít ô nhiễm hơn loại xe bình dân mới chạy 4 năm. Chưa kể pháp luật đã có tiêu chuẩn về điều kiện an toàn và khí thải ô tô. Nếu cần thì áp cụ thể hơn vào taxi sẽ hợp lý hơn là việc rút ngắn niên hạn sử dụng xe. Và vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ quản lý hiện đại cũng như chức năng kiểm định an toàn của cơ quan đăng kiểm phương tiện giao thông ở đâu, mà không dựa vào thực trạng chất lượng của xe, lại dựa vào cách thức cổ điển rất hình thức là xe ấy đăng ký năm nào và chạy theo tuyến đường dài hay ngắn, bất biết xe tốt hay dở, đường đẹp hay xấu, chạy nhiều hay ít và còn bảo đảm chất lượng hay không. [14]

Còn nữa, khi xe taxi đã hết niên hạn sử dụng, thì có buộc phải phá bỏ hay có được phép chuyển thành xe không kinh doanh để thoát khỏi niên hạn sử dụng? Cần phải tính dến thực tế so sánh, phần thu nhập bỏ ra để mua 1 chiếc ô tô ở các nước phát triển chỉ tương đương với việc mua 1 chiếc xe đạp ở Việt Nam. [15]

Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải là cần thiết vì ảnh hưởng đến an toàn, trật tự xã hội và môi trường sống. Tuy nhiên, quy định về số lượng xe tối thiểu quá cao và niên hạn sử dụng xe ô tô nói chung, xe taxi nói riêng quá ngắn như hiện nay còn nhiều sự bất hợp lý, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. [16]

———————————-

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

[1]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[2]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[3]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[4]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[5]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[6]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[7]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[8]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[9]   Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[10] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[11] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[12] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[13] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[14] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[15] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

[16] Đã bị lược bỏ trong bài đăng báo.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

————–

Cạnh tranh quốc gia (Chính sách và cuộc sống) 01-2-2016:

http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Kinh-doanh-taxi-1-xe-5-xe-hay-50-xe/247195.vgp

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,811