2.011. Phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tích cực.

(LĐ) – Với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, trong năm qua (2017) công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật. Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017. Theo đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm. Việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp 2016-2017 là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà. Ảnh: A.C

Vẫn còn nghiêm trọng

Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017. CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Thang điểm được chấm từ 0-100, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch.

Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam, cho rằng việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp 2016-2017 là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

Theo TI, năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, cụ thể như tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng. TI nêu, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai kế hoạch hành động quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững và “giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng, hối lộ” đến năm 2030, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa tham nhũng; củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội…

TI cũng cho rằng, tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tham gia phòng chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để phát triển bền vững. Đặc biệt, tham nhũng không thể bị đẩy lùi nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí, người dân và các tổ chức xã hội.

Năm 2016, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ (tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015).

Cần có sự cạnh tranh minh bạch

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức và cũng là thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhận định chung là có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp thì còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, ông Đức cho rằng hiện nay doanh nghiệp muốn được việc đa phần phải “lót tay”, chạy chọt. Cũng trong năm qua, ông Đức dẫn ra nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng đã được đưa ra xét xử.

Khi được hỏi về sự hài lòng với nền quản trị công, thái độ làm việc của cán bộ quản lý khi tiếp xúc với doanh nghiệp trong năm qua, ông Đức thẳng thắn nói không hài lòng, những cơ chế chính chưa thay đổi. Để giải quyết được việc này, ông Đức cho rằng cần phải có sự minh bạch, dân chủ, cạnh tranh thì rất tốt.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – nói chuyện vòi vĩnh, đòi “bôi trơn”, “lót tay” còn khá phổ biến, nhiều trường hợp diễn ra rất trắng trợn. Đối với DN, họ coi đây là “tham nhũng vặt”, buộc phải chấp nhận chứ không thể tránh khỏi được. “Những DN nào chấp nhận bôi trơn, bỏ tiền vào bôi trơn thì giành được dự án, được thuận lợi trong công việc” – bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lan, đáng lo ngại là hiện nay, quyền đang nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ công chức. Vấn đề “cho hay không cho”, phân bổ nguồn lực đang bị chi phối bởi thực trạng “bôi trơn”. DN có năng lực tốt cần được dành nguồn lực (đất đai, nguồn vốn…) để phát triển nhưng lại dễ dàng rơi vào tay những DN chấp nhận chi tiền “bôi trơn” nhiều nhất, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Còn TS Đặng Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) – đánh giá chỉ số xếp hạng và nhận định trên của TI phản ánh đúng vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam. Mỗi người dân đều trải nghiệm vấn đề tham nhũng ở khu vực công khi đến cơ quan hành chính, khi vào bệnh viện hay trường học.

TS Đặng Hoàng Giang cho biết dự kiến đầu tháng 4.2018 tới đây, CECODES tiếp tục phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và các cơ quan thẩm quyền công bố chỉ số PAPI năm 2017. Các vấn đề khảo sát vẫn tập trung vào nội dung tham nhũng ở khu vực công, như vòi vĩnh đòi “lót tay” khi làm thủ tục hành chính; sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân; nhận “lót tay” trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công… Phạm vi khảo sát được tiến hành ở 63 tỉnh, thành trên cả nước.

CAO NGUYÊN – THÔNG CHÍ


Lao động (Pháp luật) 27-2-2018:

https://laodong.vn/phap-luat/phong-chong-tham-nhung-co-chuyen-bien-tich-cuc-593093.ldo

(174/1.101)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,408