2.096. Khuyên người dân phải kiểm tra tài khoản: Gửi tiền ngân hàng dễ mất vậy sao?

(TTVN) – Ngân hàng Nhà nước khuyên người dân phải kiểm tra tài khoản thường xuyên phải chăng gửi tiền ngân hàng dễ dàng bị mất và không an toàn?

Ngân hàng Nhà nước khuyên người dân phải kiểm tra tài khoản thường xuyên phải chăng gửi tiền ngân hàng không còn an toàn, phải chăng gửi tiền ngân hàng dễ mất như vậy? Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, trả lời câu hỏi của báo chí về việc người dân khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm thời gian gần đây Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách khắc phục và đưa ra những khuyến nghị đối với người dân khi gửi tiền.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với một số vụ mất tiền, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp người gửi tiền.

“Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra lời khuyên.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra lời khuyên kiểm tra tài khoản sau hàng loạt vụ khách hàng bị mất tiền. Mới đây nhất là vụ một khách hàng của Eximbank bị mất 245 tỉ đồng. Ảnh minh họa

Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra lời khuyên khách hàng nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi đặt ra câu hỏi: Phải chăng ngày nào khách hàng cũng phải kiểm tra tài khoản mình xem có bị mất không? Điều đó chứng tỏ việc gửi tiền vào ngân hàng đang có nhiều rủi ro.

Bình luận về lời khuyên của Ngân hàng Nhà nước, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, lời khuyên của Ngân hàng Nhà nước có thể hiểu theo hai cách rất khác nhau.

“Nếu hiểu theo nghĩa tích cực, thì khi có nghi ngờ, khách hàng cần kiểm tra số dư nhằm nhanh chóng phát hiện sự sai sót, rủi ro để góp phần ngăn chặn vi phạm tái diễn và kịp thời xử lý rủi ro. Tuy nhiên, điều này cũng rất dễ bị nhiều người hiểu theo nghĩa, ngân hàng không an toàn, nên đã đẩy trách nhiệm và rủi ro sang cho khách hàng”, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Luật sư Đức khẳng định: “Trách nhiệm bảo đảm chính xác và an toàn tiền gửi hoàn toàn là của ngân hàng. Khách hàng kiểm tra thì mất tiền rồi mới biết và nếu ngân hàng cứ chối bỏ trách nhiệm như nhiều vụ việc trong thời gian qua thì việc kiểm tra cũng chẳng để làm gì”.

Luật sư Trương Thanh Đức

Về lời khuyên khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, theo Luật sư Đức, đây cũng là lời khuyên ngược đời, bởi khách hàng giao dịch ở ngoài trụ sở của tổ chức tín dụng vẫn hợp pháp, hợp lệ, và được được phép. Việc ngân hàng đến tận nơi phục vụ khách hàng là không sai quy định và là hợp lý, vì lợi ích của cả 2 bên. Nếu việc đó không an toàn, thì là do lỗi của ngân hàng chứ không phải là do khách hàng.

Trao đổi về các quy định liên quan đến thủ tục gửi tiền, Luật sư Đức khẳng định, không có quy định nào cấm giao dịch tại nơi ở của khách, trừ giao dịch lần đầu tiên khách hàng phải đến ngân hàng. Các ngân hàng cũng thường có quy định cụ thẻ về dịch vụ ngân hàng tại nhà hay còn gọi là tại chỗ.

Cho dù đến tận nơi làm thủ tục, nhưng khi xảy ra việc mất tiền thì ngân hàng có chịu trách nhiệm hay không mới là quan trọng? Mấu chốt của câu chuyện vẫn là ai chịu trách nhiệm nhiệm nếu khách hàng bị mất tiền, Luật sư Đức cho biết.

Theo Luật sư Đức trong mọi trường hợp khi khách hàng mất tiền do lỗi ngân hàng, điển hình như vụ mất 245 tỷ đồng tại Eximbank, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền cho khách hàng. Sau đó mới là việc xem xét xử lý trách nhiệm sai phạm của cá nhân là cán bộ đối với ngân hàng.

Đưa ra lời khuyên cho người gửi tiền, Luật sư Đức cho rằng, về lý, trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi là của ngân hàng, nhưng trong lúc vấn đề trách nhiệm bồi thường chưa rõ ràng, thì người gửi tiền cần lưu ý làm thêm một số việc để góp phần hạn chế rủi ro. Đó là việc thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục giao dịch, kiểm tra đầy đủ, chính xác các giấy tờ, nội dung.

Đặc biệt là tuyệt đối không ký khống các giấy tờ, vì rất rủi ro. Người gửi tiền cũng cần thận trọng hơn khi giao dịch ở môi trường phi chính thống (ngoài quầy giao dịch của ngân hàng), vì dễ bị lợi dụng. Ngoài ra, việc đăng ký tin nhắn và kiểm tra số dư cũng sẽ giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý để phần nào hạn chế rủi ro.

 

Hoàng Lâm/Tạp chí SHTT


Tin tức Việt Nam (Tài chính bất động sản) 07-04-2018:

https://tintucvietnam.vn/ngan-hang-nha-nuoc-khuyen-nguoi-dan-phai-kiem-tra-tai-khoangui-tien-ngan-hang-de-mat-vay-sao-31624

 (623/1.041)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,917