2.176. Thuế tài sản: Chưa đạt được công bằng đích thực

(NH) – Tại phiên thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chương trình nghị sự của Chính phủ chưa chủ trương xây dựng luật cho thuế tài sản này. Hiện còn rất nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ về thuế này. 

Thuế tài sản chưa phù hợp thì chưa áp dụng

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính không phải là đơn vị đề xuất mà chỉ là cơ quan thực hiện nghị quyết của các kỳ họp Quốc hội trước và các nghị quyết của Đảng. Và xét tất cả các yếu tố pháp lý thì việc đặt vấn đề thuế tài sản là đầy đủ, bây giờ mới đưa ra vấn đề thuế tài sản thậm chí còn là… chậm.

“Chúng tôi chỉ đưa ra ý kiến để bà con cứ góp ý, rồi chúng tôi tiếp thu hoàn chỉnh, giải trình rồi mới trình. Còn cả một quá trình dài lâu nữa, còn ra Quốc hội nữa. Giả sử có làm được thuế đó bây giờ thì cũng là cho nhiệm kỳ sau đấy chứ không phải là bây giờ”, ông Dũng nói.

Còn rất nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ về thuế tài sản

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh thì khẳng định thẳng thừng: không nên thu thuế tài sản. Với Việt Nam, thuế tài sản là loại thuế không hiệu quả, chẳng những không công bằng mà còn gây ra hậu quả tồi tệ hơn do bộ máy nhà nước kém hiệu quả và thiếu minh bạch. Nếu như thuế thu nhập là loại thuế kém hiệu quả hơn so với thuế tiêu thụ, thì thuế tài sản là loại thuế còn kém hiệu quả hơn nữa vì đây là loại thuế đánh cả vào vốn lẫn thành quả lao động.

Đất đai là loại vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong hầu hết các hoạt động sản xuất và dịch vụ. Việc đánh thuế đất đai thực chất khiến cho chi phí vốn đầu tư trở nên đắt đỏ hơn nên không khuyến khích đầu tư. Thuế tài sản đối với nhà ở là loại thuế đánh vào thành quả lao động. Tất cả những người lao động chân chính đều cố gắng làm việc, tiết kiệm với kỳ vọng được hưởng thành quả lao động đó. Sở hữu nhà ở, dù to hay bé, là một trong những khát vọng lớn nhất mà con người từ trước tới nay hướng đến. Đánh thuế nhà ở không khác gì việc triệt tiêu động lực lao động của con người. Loại thuế triệt tiêu động lực cả ở khâu sản xuất lẫn hưởng thụ chắc chắn sẽ khiến cho hiệu quả tổng thể của nền kinh tế giảm.

Một trong những lý do chính cho việc cổ vũ áp dụng thuế tài sản là tính công bằng. Người giàu sở hữu nhiều tài sản nên đánh thuế tài sản thì người giàu sẽ phải trả nhiều thuế hơn và nhà nước sẽ dùng thuế này để điều tiết lại cho người nghèo. Nhưng muốn công bằng thì cần phải lưu ý đến giá trị tương đối của khoản thuế với khả năng chi trả của người nộp thuế. Những người giàu luôn có tiền dư dả để nộp thuế nếu như họ muốn giữ lại một bất động sản nào đó.

Tuy khoản tiền thuế người giàu nộp cho nhà nước nhiều hơn so với người trung lưu nhưng khả năng trả thuế tài sản của người trung lưu thấp hơn rất nhiều so với người giàu. Nếu các quy định trong luật thuế không được cân nhắc kỹ thì sẽ khiến cho tầng lớp trung lưu bị cào bằng xuống tình trạng vô sản chứ không phải là sự công bằng đích thực. Vì lý do này nên nhiều nước thường chỉ áp dụng thuế tài sản với những người có căn nhà thứ hai vì nếu không đủ tiền trả thuế thì phải bán một căn nhà đi để trả thuế. Và như thế thì tuy cũng là sự cào bằng xuống mức thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo cho bạn là người hữu sản chứ không phải là vô sản.

Không phải các nước khác áp dụng Việt Nam cũng áp dụng

Trong khi nhiều ý kiến phản đối với ngưỡng tính thuế 700 triệu mà Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến thì Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương PGS.TS.Trần Kim Chung tính rằng theo như dự thảo thì  nhiều căn hộ chung cư có giá đến vài tỷ cũng chưa chắc phải đóng thuế nhà.

Các nước phát triển đánh thuế tài sản vì đây là sắc thuế giúp điều tiết việc sử dụng nguồn lực quốc gia là đất đai và tài sản quốc gia, ai dùng nhiều thì đánh thuế nhiều, dùng ít đánh thuế ít nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Nhưng không phải thấy các nước khác áp dụng thì nước mình cũng áp dụng, Chính phủ phải nghiên cứu kỹ về thời điểm áp dụng về trình độ phát triển và thu nhập của người dân. Và để thu được thuế tài sản thì phải có hệ thống đăng ký bất động sản cực tốt, theo dõi được chủ sở hữu bất động sản, giá và biến động của thị trường, liên thông giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý liên quan.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, bản thân quy định đất đai là sở hữu của Nhà nước, người dân chỉ có quyền sử dụng đất hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Khi đánh thuế tài sản trên phần đất không thuộc sở hữu của người dân, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều vướng mắc. 

Trấn an dư luận, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhắc lại, sắc thuế này vẫn đang nằm trong chương trình nghiên cứu, chưa được đưa vào xây dựng pháp luật. Trong năm nay và sang năm chưa thể áp dụng luật thuế này. Ông Phụng nhấn mạnh quan điểm: “Đối với Việt Nam, cái gì thấy phù hợp thì học theo, chưa phù hợp thì chưa áp dụng. Tất cả các sắc thuế đều phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn là sức chịu đựng của người dân”.

Linh Linh

——-

Thời báo Ngân hàng (Kinh tế) 25-5-2018:

http://thoibaonganhang.vn/thue-tai-san-chua-dat-duoc-cong-bang-dich-thuc-76139.html

(66/1.138)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,581