2.177. Người gửi tiền phải làm gì để tự bảo vệ mình?

(NS) – Sau hàng loạt vụ tiền gửi ngân hàng “bốc hơi”, nhiều người đặt câu hỏi cần làm gì để không mất tiền, xử trí thế nào khi sự cố xảy ra.

Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn luật sư Hà Nội giải đáp các câu hỏi mà nhiều người gửi tiền đặt ra thời gian gần đây về trách nhiệm của ngân hàng, quy định và nghĩa vụ của ngân hàng, nhân viên ngân hàng khi sự cố mất tiền của khách xảy ra.

– Theo quy định hiện nay, các ngân hàng có trách nhiệm gì đối với tiền gửi của khách?

– Quy định trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay tương đối chặt chẽ, nằm trong rất nhiều văn bản từ Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư về mở sử dụng tài khoản, về thẻ thanh toán ngân hàng, Quy định về Tiền gửi tiết kiệm… Trong đó yêu cầu người gửi tiền phải thực hiện đúng các quy định, chịu trách nhiệm về những thiếu sót, sơ hở của mình có thể dẫn đến việc mất tiền.

Ngược lại, về phía ngân hàng có nhiều yêu cầu hơn, đòi hỏi cao hơn để bảo đảm sự chính xác và an toàn tiền gửi của khách hàng. Có thể nói đơn giản là khách hàng có thể sai sót, cũng có thể vì thiếu hiểu biết dẫn đến rủi ro, nhưng ngân hàng thì phải bảo đảm đúng nguyên tắc, không được phép sơ suất, không được phép sai.

Theo quan điểm của tôi, nếu ngân hàng làm đúng về mặt quy trình, nguyên tắc thì gần như không có chuyện mất tiền của khách.

 Nếu người gửi phát hiện tiền trong tài khoản bị “bốc hơi”, họ phải làm gì?

– Thứ nhất, đây là quan hệ dân sự. Do đó, khách hàng phải khiếu nại càng sớm càng tốt đối với ngân hàng để xem xét, xử lý, ngăn chặn vi phạm tiếp theo, nhằm hạn chế tối đa tổn thất và gia tăng cơ hội thu hồi tài sản thất thoát.

Thứ hai, nếu ngân hàng giải quyết không thỏa đáng thì có thể đề nghị các tổ chức liên quan như báo chí, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước. Nếu có thấy những dấu hiệu của tội phạm hình sự vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản thì cần tố cáo với Công an và Viện kiếm sát để xem xét xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự.

Theo quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, lỗi của nhân viên ngân hàng cũng chính là lỗi của ngân hàng.

Thứ ba, nếu sự việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng, thì đành phải khởi kiện ra Tòa án để phân xử ai đúng ai sai, ai phải có trách nhiệm bồi thường thất thoát này.

Khi ra tòa, điều quan trọng nhất là phải tìm mọi cách chứng minh lỗi và trách nhiệm của ngân hàng. Theo quan điểm của tôi, lỗi của nhân viên ngân hàng cũng chính là lỗi của ngân hàng. Khi đó, người mất tiền phải yêu cầu tòa án, yêu cầu cơ quan pháp luật quy trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng thay vì quy trách nhiệm cho từng nhân viên ngân hàng.

Nếu nhân viên ngân hàng có tội chiếm đoạt tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự với Nhà nước. Còn việc nhân viên gây thất thoát tiền gửi của khách hàng thì ngân hàng phải bồi thường, sau đó mới truy cứu trách nhiệm và truy đòi lại từ nhân viên. Đó là mối quan hệ trách nhiệm lao động, trách nhiệm dân sự trong nội bộ giữa nhân viên với ngân hàng.

Nếu Tòa án tuyên ngân hàng phải bồi thường thì khách hàng chắc chắn sẽ lấy lại được tiền. Còn nếu Tòa án tuyên cá nhân là người phải bồi thường thì khách hàng có nguy cơ không bao giờ lấy lại được tiền.

Do vậy, khi Tòa án tuyên nhân viên ngân hàng bồi thường, thì khách hàng cần tiếp tục khiếu nại, yêu cầu xét xử theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm. Để thay đổi bản án đã có hiệu lực pháp luật là điều vô cùng khó khăn, nhưng tất cả cần quyết tâm hành động đến cùng để hy vọng một ngày nào đó thay đổi.

– Trong trường hợp nhân viên ngân hàng không có tài sản để thu hồi, phát mại, thì người bị hại phải làm gì?

– Hậu quả xấu nhất sẽ xảy ra đối với khách hàng đó là chỉ thắng ở trên lý thuyết, với bản án luôn tuyên là khách hàng được bồi thường, nhưng thực tế thì sẽ mất tiền.

Vẫn có hy vọng thu hồi được tiền nếu bị hại phát hiện ra nhân viên ngân hàng đó có thu nhập mới, tài sản mới sau khi mãn hạn tù. Khi đó cần yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thu hồi. Việc này có thể khiến khách hàng phải theo đuổi vụ án nhiều năm, thỉnh thoảng vẫn phải nhắc lại yêu cầu để tránh hết thời hiệu thi hành án (5 năm). Nếu sau 5 năm không yêu cầu thi hành án thì mặc nhiên sau đó bị hết thời hiệu thi hành, dù người bị thi hành án có tài sản thì không thi hành được nữa.

Như vậy, nguy cơ có thể dẫn đến tình huống xấu nhất là không thu hồi được tiền gửi, kể cả khi đã có bản án tuyên được bồi thường. Do đó người gửi tiền cần hết sức cảnh giác, khi giao dịch phải làm đúng, tránh nhầm lẫn, tránh sơ suất như ký khống giấy tờ, chủ quan, dễ dãi, cả tin, phó thác cho cán bộ ngân hàng. Thận trọng và làm đúng pháp luật, nguyên tắc, quy định, quy trình là cách tốt nhất để hạn chế rủi ro đối với người gửi tiền tại ngân hàng. 

Thành Tâm

Hàng loạt vụ việc tiền gửi tại ngân hàng bị bốc hơi thời gian qua khiến nhiều khách hàng hoang mang.

Diễn biến gần đây nhất là phiên xử “kiều nữ” Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, trú xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) – nguyên là nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương bị hoãn hôm 16/5 do vắng người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo cáo trạng, từ 2012 đến 8/2016, Lam đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, giả mạo chữ ký của khách hàng, tự viết tay những yêu cầu về nội dung khách hàng cần rút hoặc chuyển tiền. Với chiêu thức này, Lam đã rút ra khỏi hệ thống Eximbank số tiền 50 tỷ đồng của 6 khách.

Cũng tại Eximbank những với quy mô lớn hơn là bà Chu Thị Bình đã bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, do tin tưởng ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP HCM, trực tiếp thực hiện toàn bộ giao dịch. Ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.

Nhiều vụ việc tiền gửi bị bốc hơi khác như khách Ngô Phương Anh tố bị mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng BIDV vào năm 2016. Tại VPBank, khách hàng Trần Thị Thanh Xuân khiếu nại lên VPBank cũng như làm đơn tố giác lên Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM từ tháng 9/2015 về việc khoản tiền 26 tỷ đồng trong tài khoản bỗng dưng biến mất.

Quy mô lớn nhất và kéo dài suốt 7 năm qua là vụ án Huyền Như – nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh TP HCM, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận trong thời gian dài., Trong đó, riêng 5 công ty gồm Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc đã bị Huyền Như lợi dụng quyền hạn, chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty sang tài khoản Huyền Như, thiệt hại tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Hôm 9/2, TAND TP HCM tuyên Huyền Như là người phải trả số tiền đã chiếm đoạt cho 5 công ty. Tuy nhiên, các công ty viết đơn kháng cáo yêu cầu ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường. SBBS, một trong những nạn nhân thiệt hại lớn nhất lập luận, các tài khoản của công ty được mở tại ngân hàng hợp lệ, tiền cũng đã chuyển vào tài khoản của công ty tại Vietinbank, vì vậy ngân hàng phải có trách nhiệm với khoản tiền này. Do đó, nguyên đơn đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới với các bị cáo bồi thường cho khách hàng.

Phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các nguyên đơn sẽ diễn ra tại TP HCM vào ngày 28/5 tới.

——-

Ngôi sao (Thời cuộc) 26-5-2018:

https://ngoisao.net/tin-tuc/thoi-cuoc/nguoi-gui-tien-phai-lam-gi-de-tu-bao-ve-minh-3754608.html

(1.077.1.645)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,402