2.230. Nở rộ ứng dụng gọi xe cạnh tranh Grab: Cần bộ khung quản lý “taxi công nghệ”

(PLXH) – Gần đây, hàng loạt ứng dụng gọi xe xuất hiện, để cạnh tranh cùng Grab sau ngày Uber rời bỏ cuộc chơi. Tuy nhiên, điều đáng nói, các ứng dụng này hoạt động khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, chưa được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động.

Cuộc chơi sòng phẳng

Ngay sau khi Uber rời khỏi Việt Nam cuối tháng 3, thị trường khi đó gần như chỉ còn lại Grab. Nắm bắt thời cơ kinh doanh, hàng loạt ứng dụng gọi xe mới thi nhau ra mắt thời gian gần đây như: Aber, FastGo hay T.Net… Chị Lê Hoài Thu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, rất muốn ủng hộ các ứng dụng gọi xe của Việt Nam nhưng hiện rất khó đặt được chuyến đi. “Có lần tôi đặt một chuyến xe của T.Net Car ở ngay tuyến phố trung tâm, mặc dù tài xế đó “bắt” nhưng không tới đón. Một vài lần như vậy nên tôi gỡ bỏ ứng dụng khỏi máy”. Cũng theo chị Thu, với tiềm lực hạn chế, rất ít ứng dụng gọi xe đủ khả năng chạy chương trình khuyến mại lớn và liên tục cho khách. Đây chính là “điểm trừ” của các ứng dụng mới. Hồi Uber, Grab mới ra mắt, hai hãng này luôn đua nhau tung các khuyến mại “khủng” để thu hút khách.

Trong khi đó, giới tài xế cũng chưa toàn tâm, toàn ý cho các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe Việt. Một tài xế Grab cho hay, dù cơ chế đãi ngộ của Grab có giảm đi nhiều so với trước, nhưng nhiều tài xế vẫn không dám chia tay mà chỉ đăng ký các ứng dụng mới với tâm lý thử nghiệm. “Tôi thường bật song song cả Grab và Aber, nhưng một ngày chỉ có một vài cuốc khách từ Aber. Thế nên tôi vẫn xác định chạy chính Grab để đảm bảo thu nhập, trả nợ ngân hàng“, tài xế này chia sẻ.

Thực tế cũng ghi nhận, thị trường gọi xe Việt không chỉ có ứng dụng trong nước mà cũng xuất hiện thêm đối thủ nước ngoài. Ứng dụng gọi xe GoViet với sự hậu thuẫn của “ông lớn” Go-Jek của Indonesia đó có mặt tại Việt Nam. Nhận định về việc này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với số tiền 500 triệu USD tuyên bố rút vào thị trường, ứng dụng này được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng với Grab. Nếu xét về cả tiềm lực tài chính và quy mô doanh nghiệp, Go-Jek là cái tên xứng tầm với Grab.

Hai phiên bản ứng dụng mới của Go-Jek tại Việt Nam và Thái Lan.

Mới chỉ là thí điểm

Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về thí điểm khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho phép triển khai tại 5 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP HCM với 9 đơn vị (sau khi Uber sáp nhập vào Grab) cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử gồm: Cty TNHH Grabtaxi, Cty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Cty CP Sun Taxi (S.Car)… Ngoài các đơn vị này, các ứng dụng mới ra đời có được thí điểm hay nói cách khác là có được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động hay không đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuất, GĐ FastGo Việt Nam cho biết, FastGo chỉ tập trung khai thác dịch vụ xe cá nhân và taxi. “Để hoạt động đúng pháp luật, Cty đã trình Bộ GTVT đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và đang trong quá trình chờ Bộ trả lời”, ông Tuấn cho biết.

Mới đây, Bộ GTVT cho biết, sau khi tổng kết Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, Bộ GTVT đã giao Vụ Vận tải phối hợp với các Sở GTVT xem xét các Đề án của các đơn vị có nhu cầu. Thời gian qua, Bộ GTVT đã nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa đề nghị xem xét tạm thời chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm để tránh tăng thêm số lượng phương tiện xe dưới 9 chỗ gây ảnh hưởng đến quy hoạch số lượng phương tiện, có nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Mặt khác, Bộ GTVT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 để trình Chính phủ, trong nội dung dự thảo Nghị định đó đề cập nội dung quản lý đối với hoạt động này. Do vậy, Bộ GTVT khẳng định, nếu các đơn vị có nhu cầu thí điểm cần gửi Đề án đến địa phương (đó được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm tại Văn bản 1850) xin được thí điểm để có ý kiến chính thức bằng văn bản. Trên cơ sở ý kiến các địa phương, Bộ GTVT sẽ xem xét quyết định.

Cần có khung pháp lý để quản

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI ngoài việc tạo điều kiện để loại hình taxi công nghệ hoạt động, cũng cần đặt vấn đề bảo vệ an toàn và quyền lợi vật chất cho hành khách khi sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ. Các đơn vị cung cấp phần mềm trực tiếp ký hợp đồng thực hiện vận tải với các tài xế, cung cấp phần mềm cho tài xế, quyết định giá cước phải chịu trách nhiệm quản lý tài xế. Trong các trường hợp xảy ra rủi ro, chúng ta phải xác định, chịu trách nhiệm đầu tiên là lái xe, phía đơn vị cung ứng phần mềm có nghĩa vụ liên quan.

“Dù đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, loại hình vận tải ứng dụng công nghệ còn gây nhiều tranh cãi, nhưng đây vẫn được xem là mô hình mới giúp giải quyết được những bất cập của các hãng vận tải truyền thống. Các ứng dụng này nhận được sự ủng hộ của người dùng vì được chủ động từ việc gọi xe, theo dõi vị trí xe, nắm được thông tin tài xế và số xe, nắm được giá cước, đánh giá dịch vụ”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, phải quản lý đơn vị cung cấp phần mềm như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Người lái xe đăng ký sử dụng phần mềm sẽ thuộc quản lý của doanh nghiệp, phải đăng ký với cơ quan thuế và đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, việc quản lý tài xế, cũng như truy thu thuế sẽ được thực hiện tại nguồn là doanh nghiệp, vừa chống thất thu thuế, vừa giải quyết vấn đề an ninh xã hội. Nhìn ở góc độ kinh doanh vận tải, mô hình Grab và các ứng dụng khác là một loại hình kinh doanh vận tải hành khách có điều kiện. Vì vậy, Nhà nước cần quy định về các điều kiện hoạt động để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như tại khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

“Do đó, Nhà nước cần xem xét quy định thành một loại hình vận tải hành khách riêng. Tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới, tiết kiệm chi phí, an toàn và tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp là đòi hỏi chính đáng của thị trường. Chính sách phải luôn thay đổi để bắt kịp với sự vận động của đời sống”, ông Đức cho hay.

Ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Sở mới chỉ nhận được đề án xin thí điểm của ĐH FPT xin thí điểm ứng dụng T.Net. Sở sẽ họp nghe đơn vị này báo cáo sau đó mới quyết định. Những đơn vị nào muốn tham gia thí điểm phải được Bộ GTVT chấp thuận. “Đơn vị nào tự ý cung cấp phần mềm và lái xe tự ý kết nối là sai. Khi phát hiện đơn vị nào chưa được phép hoạt động Sở sẽ tổng hợp báo cáo Bộ GTVT xử lý theo quy định. Còn khi đã được phép hoạt động, nếu vi phạm sẽ xử lý vi phạm theo Nghị định 46 và Thông tư 10 của Bộ GTVT”, ông Tuyển nói.

Việt Khuê – Ánh Tuyết

—————

Pháp luật & Xã hội (Doanh nghiệp) 12-7-2018:

http://phapluatxahoi.vn/no-ro-ung-dung-goi-xe-canh-tranh-grab-can-bo-khung-quan-ly-taxi-cong-nghe-118602.html

 

(458/1.550)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,604