(Soha) – Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI phân tích những kịch bản liên quan đến thương hiệu King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong bối cảnh bà ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, ngày 13/8, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ gặp gỡ báo chí, chia sẻ về cuộc sống, đạo cà phê và cuộc hôn nhân không còn chung tiếng nói, quan điểm với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
3 năm kể từ khi đệ đơn ly hôn ông Đặng Lê Nguyên Vũ và 2 năm từ khi bà Lê Hoàng Diệp Thảotạo dựng “đế chế” King Coffee cho riêng mình, một lần nữa, những vấn đề liên quan đến cuộc ly hôn kéo dài dai dẳng của cặp vợ chồng vua cà phê Việt nóng trở lại.
Vừa là “nội tướng” của Trung Nguyên, vừa là người vợ hợp pháp trên phương diện pháp luật, liệu tài sản mới hình thành của bà Thảo có bị tính vào tài sản chung, bị chia hoặc tranh chấp hay không?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI) cho rằng, trong thời gian chưa có quyết định ly hôn có hiệu lực của Tòa án thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là vợ chồng. Quyền sở hữu toàn bộ cổ phần của hai vợ chồng tại công ty mẹ và các công ty con đứng tên mỗi người vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
“Do vậy, rất có thể, thương hiệu cà phê mới của bà Thảo – King Coffee sẽ là tài sản chung bị chia khi có quyết định của tòa án về việc ly hôn với ông Vũ. Mức chia thế nào trước hết là do hai vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì về nguyên tắc sẽ được chia đôi”, luật sư Đức cho hay.
Để minh chứng cho phân tích này, luật sư Trương Thanh Đức đã viện dẫn khoản 1, điều 33 về “Tài sản chung của vợ chồng”, Luật Hôn nhân và gia đình”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Điều luật nhấn mạnh: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân”, trừ trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trở lại thương trường với “đế chế” King Coffee trong khi những tranh chấp thương hiệu, tài sản và vấn đề ly hôn với chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, luật sư Thanh Đức cho rằng, có rất nhiều giả định để nhìn nhận về việc thành lập King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong bối cảnh “nhạy cảm”, đặc biệt khi cả hai vẫn là vợ chồng trên phương diện pháp luật.
Theo vị luật sư, bà Lê Hoàng Diệp Thảo hoàn toàn có thể đánh giá được việc xây dựng King Coffee có thể được tính vào tài sản chung (hoặc riêng). Nhưng là một doanh nhân, nếu bà Thảo không làm gì thì có thể phải chờ đợi nhiều năm và sẽ lỡ mất cơ hội kinh doanh.
“Vì thế, trong thời gian đang tranh chấp tài sản và thương hiệu Trung Nguyên, bà Thảo vẫn tiếp tục công việc kinh doanh, cũng như tạo dựng hình ảnh, thương hiệu mới, sau này, dù có bị chia tài sản chung, thì vẫn còn được ít nhất một nửa”, luật sư Thanh Đức nói.
Nếu bị chia thì bà Thảo cũng sẽ được nhận lại gần một nửa tài sản của Trung Nguyên. Và không loại trừ khả năng, sau khi bù trừ, thì bà Thảo vẫn giữ nguyên toàn bộ tài sản, thương hiệu mới để tiếp tục bứt phá.
“Chưa kể, rất có thể tài sản của doanh nghiệp mới đứng tên người khác, chứ không phải bà Thảo, tức là không phải tài sản chung của vợ chồng, thì ông Vũ không có quyền được chia. Rất nhiều kịch bản để bà Lê Hoàng Diệp Thảo bảo vệ được quyền lợi ở King Coffee mà không để thương hiệu này mất đi”, luật sư Đức khẳng định.
Trong câu chuyện tranh chấp không có được sự đồng thuận giữa hai bên kéo dài, cụ thể là vụ việc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, luật sư Đức cho rằng, hai bên cần có cách nhìn và cách giải quyết có tình, có lý, nhân văn, để chia tay trong sự tôn trọng, tránh tổn thất quá lớn về tình cảm và tài sản.
“Nếu không vì mục đích trả thù hay không bị lợi dụng, thì hai bên nên bình tĩnh, thanh thản ngồi lại nói chuyện sòng phẳng với nhau để tháo gỡ vướng mắc và mang lại lợi ích cao nhất cho bản thân, cũng như con cái, gia đình và doanh nghiệp”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI).
Trước đó, năm 2015, bà Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa. Bà cũng có đơn gửi đến Chánh án TAND TP.HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn,nơi hai vợ chồng cùng sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7..
theo Nhịp sống kinh tế
Hoàng Linh – L.T
——————
Soha (Kinh doanh) 14-8-2018:
(1.008/1.008)