(VOVGT) – Một số ý kiến không đồng tình việc đặt ra 2 loại hình xe taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ khi bản chất của 2 loại hình này khá tương đồng.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Như bài viết trước đã đề cập, việc dự thảo Nghị định 86 sửa đổi thiếu dấu hiệu nhận biết, định danh với xe hợp đồng điện tử không chỉ khiến công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn, mà còn gây bức xúc cho các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Đặc biệt, một số ý kiến cũng không đồng tình với việc dự thảo đặt ra 2 loại hình xe taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ cũng thu hút sự chú ý của dư luận và các chuyên gia khi bản chất hoạt động của 2 loại hình này khá tương đồng.
Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi thiếu dấu hiệu nhận biết, định danh với xe hợp đồng điện tử gây bức xúc cho các doanh nghiệp taxi truyền thống. Ảnh: Báo Giao thông
Theo Điều 6, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, xe taxi tính tiền qua phần mềm được gọi là taxi điện tử, phải có mào “taxi điện tử”, phải niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định của Bộ GTVT. Trong khi đó, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ chỉ có phù hiệu “xe hợp đồng điện tử” gắn trên kính xe và các quy định đối với xe hợp đồng cũng “dễ thở” hơn nhiều so với quy định đối với taxi.
Đề cập quy định này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp.HCM cho rằng, thực tế xe hợp đồng điện tử hoàn toàn hoạt động như taxi vì hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh. Đó là chưa kể đẻ ra loại hình xe hợp đồng điện tử là trái với luật giao thông đường bộ.
Trong khi đó, xe hợp đồng điện tử cùng sử dụng xe dưới chỗ ngồi để kinh doanh; cùng đối tượng phục vụ, khách chủ yếu tại các đô thị; cùng sử dụng phần mềm để kết nối lái xe với khách hàng; cùng thu cước của khách hàng theo từng chuyến đi như taxi và taxi điện tử. Vì vậy, ông Hỷ cho rằng, xét về đặc điểm và bản chất kinh doanh chính là taxi, nên nhập vào loại hình taxi và quản lý như taxi.
Ông Tạ Long Hỷ cho biết:
“Phải khẳng định tất cả xe hợp đồng điện tử xét về đặc điểm, bản chất kinh doanh đó chính là taxi, do vậy nên nhập vào loại hình taxi và quản lý như taxi, không nên tạo ra, tạo thêm một loại hình vận tải mới, bởi vì nó hoàn toàn tương đồng, giống như taxi”.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cho rằng, bản chất của xe taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử đều có cách thức gọi xe như nhau, cơ sở tính cước đều dựa theo kilomet lăn bánh hoặc theo khoảng cách trên bản đồ Google. Phương thức thanh toán đều rất đa dạng và có thể trả bằng tiền mặt, quẹt thẻ ATM, thẻ Visa…
Ông Hùng cho biết thêm:
“Tôi xin nhấn mạnh là Grab và taxi là một loại hình taxi, một loại hình kinh donah, nhưng ban soạn thảo ở đây tôi cho rằng là có dấu hiệu có lợi ích nhóm bởi vì không có lý gì một loại hình, một bản chất kinh doanh như nhau mà lại tách làm 2 chủ thể”.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trên thực tế thì chúng ta nên đối xử với cả hai loại hình như nhau. Nếu có sự khác biệt cần quản lý bằng công nghệ.
“Chúng ta nên đối xử như một, còn nếu có những cái khác biệt thì chúng ta sẽ phải tăng cường quản lý và có những giải pháp quản lý bằng công nghệ, quản lý bằng phương tiện hiện đại, chứ chúng ta phân ra nhiều quá, quy định nhiều quá thì rất khó quản lý, kể cả cơ quan quản lý nhà nước và người thực hiện là các doanh nghiệp vận tải”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, không nên tách bạch làm 2 đối tượng để đề ra 2 cách quản lý khác nhau. Trước hết, cần giảm các điều kiện bất hợp lý, kéo gần cơ chế quản lý của taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử để đề ra chính sách quản lý một cách công bằng giữa các loại hình:
“Hiện nay, chúng ta cứ mải tranh luận với nhau, xe này là xe hợp đồng điện tử hay taxi điện tử? Quan điểm của chúng tôi là anh đã vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi trong đô thị là taxi, đưa nó vào taxi đã, thế còn đừng kéo taxi điện tử này bằng các điều kiện của taxi thông thường, truyền thống, mà phải xóa những điều kiện rất bất hợp lý lâu nay đối với taxi truyền thống”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, việc ra đời các công nghệ hỗ trợ vận tải ngày càng nhiều và đó là xu thế tất yếu.
Tuy vậy, cần phân định và quy định rõ các đối tượng cung cấp phần mềm và hỗ trợ dịch vụ vận tải với đơn vị kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả. Những nội dung này sẽ được chũng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.
Tác giả: Quách Đồng – Kênh VOV Giao thông
——————
VOV.GT (Tiêu điểm) 22-8-2018:
(115/1.039)