2.641. Sắp có quy định về hàng “Sản xuất tại Việt Nam”: Minh bạch xuất xứ để người tiêu dùng không bị đánh lừa

Tranh của ĐAN

(LĐ) – Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Việc xây dựng Nghị định quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam, hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu rõ hơn các tiêu chí, quy định cụ thể như thế nào là hàng hoá được sản xuất ở Việt Nam.

Quy định về hàng “Sản xuất tại Việt Nam”

Tại dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương quy định: Các trường hợp được phép thể hiện là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và cách thể hiện như sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam; Hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Đối với các hàng hoá có công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì sẽ được coi là không có nguồn gốc Việt Nam.

Nghị định mới cũng “khai tử” cụm từ “Made in Vietnam” mà tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm sau: Sản xuất tại Việt Nam; Chế tạo tại Việt Nam; Nước sản xuất: Việt Nam; Xuất xứ: Việt Nam; Sản xuất bởi: Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, về nguyên tắc, dự thảo Nghị định này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Nghị định chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua. Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Người tiêu dùng sẽ không bị đánh lừa

Đánh giá tác động sơ bộ một số nội dung đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho hay, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử”.

Ngày 6.10, trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đơn vị xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam cho biết, việc xây dựng Nghị định quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam, hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu rõ hơn các tiêu chí, quy định cụ thể như thế nào là hàng hoá được sản xuất ở Việt Nam; tránh hiện tượng đánh lừa người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm thông qua việc đưa thông tin sản xuất tại Việt Nam bằng việc dán nhãn “made in Việt Nam”.

Đồng thời, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trong nước trở nên minh bạch hơn và tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước về xác định và thể hiện đúng xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa.

Việc xây dựng Nghị định này, theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu sẽ khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước mở rộng và phát triển các phương thức sản xuất mới theo thông lệ quốc tế mà vẫn đảm bảo việc thể hiện nguồn gốc, xuất xứ trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ cho hoạt động thương mại trong nước. Ngoài ra, góp phần ngăn chặn gian lận xuất xứ của Việt Nam khi xuất sang nước ngoài.

Trả lời câu hỏi về việc, nếu Bộ Công Thương được giao soạn thảo dự thảo Nghị định này, tiến tới có thể áp dụng trong tương lai, các doanh nghiệp cần làm gì để tránh các vi phạm về xuất xứ, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy trình, thủ tục về dán nhãn, nắm được tinh thần của nghị định, sản phẩm của mình làm ra đáp ứng được mức độ như thế nào thì cần thể hiện cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có quy định chi tiết về vấn đề ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa. Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi có cơ sở để tin rằng biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội.

Quy định về hàng “Sản xuất tại Việt Nam” thực chất là sự sửa sai quy định hiện hành

* Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Trương Thanh Đức – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, đề xuất này của Bộ Công Thương không phải là sáng kiến mới, thực chất là sự “sửa sai” quy định hiện hành tại điểm c khoản 1 Điều 10 về “Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá” và Điều 15 về “Xuất xứ hàng hóa”, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14.7.2017 của Chính phủ về “Nhãn hàng hoá”. Cái chưa phù hợp của Nghị định trên là chỉ quy định duy nhất “xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá”, mà không có trường hợp ngoại trừ “Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá”.

“Đây là một đề xuất tháo gỡ bế tắc, việc dự kiến ban hành Thông tư về xuất xứ hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước trước đây là điều không thể và hoàn toàn không cần thiết”, ông Đức nói và cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định cần giảm thiểu sự khác biệt về quy định xuất xứ hàng hoá xuất, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Đây là vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm vì quy định này góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng thời giảm bớt sự khó khăn trong việc thực thi của doanh nghiệp và nhận biết của người tiêu dùng”, ông Đức cho biết. 

* Ông Vũ Tuấn Anh-CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn giấy in nhiệt Athena Việt Nam: Quy định hiện nay tỉ lệ nội địa hóa đối với hàng “made in Viet Nam” chỉ 30% là quá thấp, tôi cho rằng cần phải đạt 50% mới phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp một nghịch lý là hàng hóa Việt Nam đang phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài với tỉ lệ khá lớn. Do đó, chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Theo tôi, cần lộ trình đối với hàng Made in Viet Nam, ví dụ giai đoạn 2021-2025 thì tỉ lệ nội địa hóa 30%, nhưng từ giai đoạn 2025-2030 tỉ lệ này phải cao hơn và từ 2050 thì tỉ lệ nội địa hóa phải đạt 50%-60%. Muốn vậy, các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước cần phải tái cơ cấu lại và bắt kịp nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

CƯỜNG NGÔ

—————————

Lao Động (Kinh doanh) 07-10-2020:

https://laodong.vn/kinh-te/sap-co-quy-dinh-ve-hang-san-xuat-tai-viet-nam-minh-bach-xuat-xu-de-nguoi-tieu-dung-khong-bi-danh-lua-842539.ldo

(285/1.747)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.405. Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị...

Bộ Tài chính đề xuất nợ 10-100 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh, ngưỡng cao...

Trích dẫn 

3.951. Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt...

Thu thuế TNCN 11 tháng vượt dự toán cả năm, đạt khoảng 170.000 tỷ đồng. (MK)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,139