(TCNH) – Ngày 30/9/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn còn có đại diện một số Bộ, ngành; đại diện các tổ chức tài chính quốc tế; Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN; chuyên gia tài chính, ngân hàng; lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM).
(Tạp chí Ngân hàng xin lược trích một số phát biểu, ý kiến nổi bật tại Diễn đàn).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong thời gian qua, tình hình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42). Đây là Nghị quyết có giá trị pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Song song với quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, NHNN cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg (Quyết định số 1058) phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Quyết định số 1058 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm thực tế triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, tăng cường năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro; chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm.
Xác định việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành Ngân hàng trong suốt giai đoạn 2016-2020, NHNN cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan; cụ thể hóa các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.
Sau một thời gian triển khai trên thực tế, các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Đến nay, về cơ bản: Thứ nhất, các TCTD đã không ngừng nỗ lực triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra; thứ hai, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, các TCTD đảm bảo các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật; thứ ba, chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2%; thứ tư, quy mô tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ năm, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, xử lý; thứ sáu, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của TCTD. Đó là, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số TCTD, nhất là các NHTM Nhà nước còn khó khăn, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước…
Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, cho rằng:
Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) các khoản nợ xấu của TCTD. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành có liên quan xử lý.
Về định hướng và giải pháp, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để ban hành chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ TCTD và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế và thực tế áp dụng chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD… Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Và cuối cùng, nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Trong tham luận tại Diễn đàn, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc VAMC đánh giá về những tác động tích cực của Nghị quyết số 42 đối với hoạt động xử lý nợ: Khẳng định quyền chủ nợ của VAMC/TCTD; góp phần nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng; tạo động lực khuyến khích TCTD bán nợ; giúp tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tính đến tháng 8/2020, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 329.007 tỷ đồng. Trong đó: Mua nợ bằng TPĐB sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng.
Về khó khăn, vướng mắc, theo ông Đỗ Giang Nam, trước hết, thực tế quy định khác nhau giữa Nghị quyết số 42 và văn bản pháp luật khác về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Kế tiếp, Nghị quyết số 42 chỉ mang tính chất thời điểm, có hiệu lực 5 năm. Do đó, cần có văn bản pháp luật thay thế khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.
Một khó khăn khác là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất.
Về định hướng và giải pháp để tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ, theo đại diện của VAMC, thì cần: Hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện; Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ); Thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin; Minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm).
Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong thời gian qua, bám sát định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, VietinBank đã thực hiện triển khai tái cơ cấu hoạt động và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đến thời điểm hiện tại, VietinBank đã kiện toàn nhân sự thực hiện phương án tái cơ cấu tại VietinBank giai đoạn 2016-2020. Ban giám đốc Ngân hàng đã chỉ đạo các bộ phận tích cực triển khai xây dựng phương án tái cơ cấu bám sát khung hướng dẫn của NHNN. Trong đó có 3 nội dung trọng yếu về tái cơ cấu lại là: Nâng cao năng lực tài chính; Nâng cao năng lực quản trị điều hành; Xử lý nợ xấu đi đôi với kiểm soát chất lượng tăng trưởng.
Với việc tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu (đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, xử lý TSBĐ, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng rủi ro…), đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ nợ xấu được VietinBank chủ động kiểm soát ở mức an toàn theo quy định của NHNN (dưới 3%). Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực cho đến nay, VietinBank đã xử lý thu hồi hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Tại phiên thảo luận thứ 1 của Diễn đàn với chủ đề: Nhìn lại quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, các diễn giả đã thảo luận, đánh giá về những kết quả đã đạt được sau khi có Nghị quyết 42.
Theo ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, trong thời gian vừa qua, chất lượng quản trị của hệ thống các TCTD được tăng cường, củng cố; hoạt động điều hành cũng tiến gần tới tiêu chuẩn quốc tế – tách bạch rõ ràng giữa hoạt động quản trị và điều hành. Tiếp theo, Thông tư 41 và 13 đã tạo ra hành lang, sân chơi và phạm vi để bảo đảm việc điều hành bài bản trong một tổ chức tín dụng. Các TCTD đã giải quyết nhiều yếu kém, tồn tại trong giai đoạn trước.
Về nợ xấu, giai đoạn trước tỷ lệ nợ xấu là 17,2% nhưng hiện nay chất lượng tín dụng đã được cải thiện, trở nên tốt hơn nhiều. Tình trạng sở hữu chéo, chi phối đan xen giữa các ngân hàng đã được khắc phục nhờ có những quy định pháp luật nghiêm khắc – giúp hạn chế hoạt động đầu tư, cho vay giữa ngân hàng và các công ty sân sau. Cuối cùng, các bộ, ngành đã xây dựng được một hành lang pháp lý hoàn chỉnh.
Trong quá trình tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42, đã nhận thấy những quy định phát huy tác dụng trong thực tế, tạo điều kiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho quá trình xử lý nợ. Hiện Chính phủ đã giao NHNN phối hợp với các Bộ, ngành xem xét, nghiên cứu dự định sẽ luật hóa các quy định nói trên, đưa vào Luật các Tổ chức tín dụng. Nếu điều này trở thành sự thật, các ngân hàng có phát sinh nợ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có khoản nợ với ngân hàng đều sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xử lý khoản nợ, giúp tiết kiệm thời gian giải quyết khoản nợ rất nhiều so với trước đây.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc VAMC cho rằng, hoạt động quản trị đã thay đổi, tình trạng sở hữu chéo và bị các ông chủ ngân hàng chi phối đã được kiểm soát, con số nợ xấu đã giảm mạnh, khác biệt giữa thời kỳ có Nghị quyết số 42 và chưa có Nghị quyết số 42. Sự khác biệt cơ bản trước và sau Nghị quyết số 42, đó là sự thay đổi trong ý thức của khách hàng về việc trả nợ. Nghị quyết số 42 cho phép VAMC và các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu mạnh trong vấn đề thu hồi nợ và thu hồi TSBĐ. Trước đây có nhiều khách hàng chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ thì Nghị quyết số 42 đã giúp khách hàng ý thức được nghĩa vụ trả nợ, có vay có trả. Và điều này thể hiện ở số liệu thu hồi nợ do biện pháp tự trả nợ tăng mạnh. Số liệu thu hồi nợ sau khi Nghị quyết số 42 đi vào thực tế đã tăng gấp 4 lần, biện pháp bán nợ thể hiện sự tích cực, đa dạng hóa hình thức mua bán nợ.
Ông Đỗ Giang Nam chia sẻ rằng hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…
Phương pháp bán nợ này tuy nhiên vẫn còn tiệm cận tại Việt Nam. Quan trọng nhất của phương pháp này là tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với khoản nợ xấu.
Đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 42, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng thực tế Nghị quyết số 42 giống như chìa khoá giúp giải quyết nút thắt về tài sản tranh chấp, giúp việc giải chấp tài sản để trả nợ. Nếu không có Nghị quyết 42 thì nợ xấu sẽ phát sinh rất lớn.
Có thể nói đó là một chính sách hiệu quả, khả thi, hữu dụng nhất về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực kinh tế.
Còn ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank chia sẻ, các ngân hàng khi phát sinh nợ xấu, đi thu hồi nợ không có sự hợp tác của khách hàng sẽ rất khó khăn. Nhưng sau khi có Nghị quyết số 42 đã bảo vệ quyền chủ nợ tốt hơn, thuận lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu
Ông Nguyễn Thế Huân cho biết, VietinBank đang vận dụng nhiều nhất giải pháp bán nợ ra thị trường để xử lý nợ xấu. Đây là một trong những giải pháp mà trong Nghị quyết số 42 có đề ra cho phép bán nợ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị gốc của khoản nợ. Như vậy, giải pháp đã tạo hành lang pháp lý cho phép các ngân hàng yên tâm trong việc bán nợ một cách công khai và minh bạch. Thị trường chấp nhận giá như thế nào thì khoản nợ sẽ được bán với giá như vậy.
Biện pháp này đã giúp tiết kiệm khá nhiều nguồn lực, thời gian và công sức của ngân hàng, qua đó cho phép ngân hàng tăng cường nguồn lực để tiếp tục cho vay.
Ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân điểm lại diễn biến tình hình kinh tế, tài chính thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19: những tác động tới kinh tế và thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam
Về tác động và khả năng ứng phó của nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương. Theo chuyên gia kinh tế này, nguyên nhân là: Khu vực phi chính thức lớn; Phụ thuộc vào xuất khẩu; Phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế; Tỷ lệ lạm phát và lãi suất cao; Sức khỏe của hệ thống tài chính chưa vững; Thâm hụt tài khóa và gánh nặng nợ cao trước đại dịch.
Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDVchia sẻ về những diễn biến tác động đến vấn đề xử lý nợ xấu hậu Covid-19.
Về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Ngân hàng, theo TS. Cấn Văn Lực, có 5 tác động chính: Thứ nhất, sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao, tăng trưởng tín dụng thấp (tính đến 15/9/2020: tín dụng tăng khoảng 4,81%). Thứ hai, chất lượng tài sản xấu đi: nợ xấu tăng, nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Thứ ba, lợi nhuận giảm (20 – 25% năm 2020 như các NHTM Trung Quốc). Thứ tư, ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh (trong 6 tháng đầu năm 2020: mobile banking tăng trưởng 180%). Thứ năm, hành vi, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của khách hàng thay đổi, cần thiết kế sản phẩm và dịch vụ phù hợp.
Các tác động khác có thể kể đến như: Thay đổi hạn mức tín dụng, mô hình lượng hóa rủi ro; Thay đổi kênh phân phối (kênh số/điện tử tăng nhanh); Hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn nếu không có phương án dự phòng; Thị trường chứng khoán biến động, giá cổ phiếu ngân hàng giảm; Các loại rủi ro tăng.
Trước nhận định đó, TS. Cấn Văn Lực đã đề xuất một số giải pháp đối với các ngân hàng thương mại, đó là: Cần thực hiện mô hình 5 Rs: Respond (ứng phó với đại dịch); Recover (phục hồi nhanh); Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh); Restructure (tái cơ cấu); Resilience (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài) (theo tư vấn của các chuyên gia CPA – Úc và diễn giả). Kế tiếp, tập trung vào 4 yếu tố: người lao động, năng lực tài chính, khách hàng và đối tác.
Phiên thảo luận thứ 2 có chủ đề “Những vấn đề đặt ra đối với công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025″. Các diễn giả, qua thực tiễn hoạt động của ngân hàng, hoặc qua đánh giá, nghiên cứu đã chia sẻ về kinh nghiệm, đề xuất những khuyến nghị chính sách về xử lý nợ xấu thời gian tới.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, MB cũng như tất cả các ngân hàng khác phải phân tích kỹ lưỡng về tình hình kinh tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với các nhóm ngành để đưa ra chính sách tín dụng phù hợp. Ví dụ, các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải hiện đang chịu ảnh hưởng rõ nét bởi dịch bệnh.
Hiện MB đang tập trung chính sách ưu đãi tín dụng cho những doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực lĩnh vực xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ trên tinh thần ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp cho thấy bản thân chủ doanh nghiệp còn suy nghĩ nhiều hơn ngân hàng. Họ luôn tính toán phải đầu tư vào đâu, khi nào đi vay, vay bao nhiêu tiền.
Bà Hà cho rằng khi có sự kết hợp của hai bên sẽ bảo đảm hiệu quả cho vay tốt hơn. Với ngân hàng MB, khách hàng được giảm lãi suất cho vay, giãn nợ đã bắt đầu trả được nợ từ quí II, quí III/2020, chứ không cần chờ tới năm sau.
Theo đại diện của MB, trong Quyết định số 1058 có nội dung về việc từ lệ thuộc vào tín dụng sang kinh doanh đa dịch vụ, áp dụng CNTT trong quá trình chuyển đổi này. Với MB, Ngân hàng xác định rõ tính lệ thuộc vào tín dụng phải giảm đi khi NHNN siết room tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng không nhất thiết phải thu phí chuyển tiền, mở tài khoản. Qua quá trình chuẩn bị trong suốt quá trình tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020, MB đã đầu tư các nền tảng phục vụ hai nhóm khách hàng là SME Care và BizMB với mong muốn giúp các doanh nghiệp trong cộng đồng kết nối, tương tác, quảng cáo dịch vụ, sản phẩm cho nhau, từ đó tạo thành một liên kết cộng đồng. Nếu doanh nghiệp, tổ chức gặp vướng mắc về thuế, phí, thủ tục hải quan thì MB sẽ tổ chức diễn đàn đối thoại, mời chuyên gia tư vấn.
Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDVdẫn chứng Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Thông tư 01 sửa đổi, từ đó nêu quan điểm ngân hàng cần sự sửa đổi gì để tăng sự đồng hành?
Theo TS. Cấn Văn Lực, ngân hàng sẽ cần ba thứ. Thứ nhất, sự đồng hành quyết liệt hơn của Bộ Tài chính, sự đồng hành, vào cuộc của Bộ, ban, ngành (vốn hiện tại chưa phải là quyết liệt). Thứ hai, ngân hàng cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía NHNN, ví dụ đẩy mạnh cho vay tái cấp vốn, qua đó giảm chi phí đầu vào cho hệ thống ngân hàng, tăng tiềm lực để xử lý nợ xấu và cho vay nhiều hơn. Thứ ba, phí bảo hiểm tiền gửi hiện tương đối lớn, nếu được giảm sẽ có nguồn lực tốt hơn để hỗ trợ khách hàng, phù hợp với tình hình miễn giảm phí cho khách hàng.
Đề cập đến giải pháp tăng vốn tại các ngân hàng, mối tương quan giữa tăng vốn và hỗ trợ xử lý nợ xấu sẽ được xử lý thế nào, TS. Cấn Văn Lực cho rằng không nên so sánh lãi suất tại Việt Nam và thế giới. Lãi suất tại Việt Nam ở mức trung bình cao so với quốc tế và khu vực, chủ yếu do 4 nguyên nhân: (i) lạm phát còn cao (khoảng 4% so với thế giới khoảng 2%); (ii) rủi ro doanh nghiệp cao xếp hạng tín nhiệm BB – hạng đầu cơ, thì lãi suất 5 – 7% bằng USD và 15% bằng VND (theo yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài); (iii) chi phí giao dịch tại nền kinh tế của Việt Nam chính thức và không chính thức cao; và (iv) lãi suất đầu vào phải duy trì hấp dẫn để thu hút nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng.
Cấn Văn Lực cũng đánh giá Việt Nam nên cố gắng giữ mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là thành công vì khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu vốn tăng lên và lãi suất có thể tăng nhẹ trong thời gian tới.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết NHNN được giao và đang phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các hành lang pháp lý. Ngày 3/9/2020, NHNN đã làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất, định hướng sửa Thông tư 01. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nên khi thực hiện giãn, miễn, giảm lãi phí… cho doanh nghiệp họ cũng phải tính đến áp lực tài chính làm sao để đảm bảo hoạt động. Vì vậy, NHNN đang nghiên cứu để sửa Thông tư 01 nhằm đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.
Đề cập đến vấn đề niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán, ông Trần Đăng Phi cho biết đã có chỉ đạo cụ thể. Hiện phần lớn ngân hàng đã thực hiện niêm yết, một số khác đang hoàn thiện yêu cầu, quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đề án của NHNN cũng có lộ trình để giúp các ngân hàng có thời gian khắc phục các khó khăn hiện hữu, đặc biệt về vấn đề sở hữu. Từ nay đến năm 2021 sẽ có một số ngân hàng niêm yết, còn lại một số ngân hàng thực sự khó khăn thì NHNN sẽ có lộ trình cụ thể.
Đức Thuận, Đặng Anh
—————————
Tạp chí Ngân hàng (Công nghệ ngân hàng) 16-10-2020:
(88/4.706)