2.661. Grab tăng giá cước và giảm tỷ lệ chia cho tài xế: Không phải do chính sách thuế thay đổi

(PLVN) – Từ ngày 5/12, Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7%. Nguyên nhân được Grab đưa ra là do Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) hướng dẫn Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ ngày 5/12 đã thay đổi cách tính thuế đối với hoạt động vận tải…

Tài xế Grab phản đối tăng giá cước và giảm tỷ lệ chia cho tài xế. 

Tài xế phản đối, Grab nói do Nghị định 126

Ngay sau khi hãng Grab tăng mức khấu trừ mỗi chuyến xe từ 20% lên hơn 27,2%, ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối.

Đối thoại với các tài xế, đại diện Grab cho rằng thực chất chiết khấu vẫn là 20%, còn phần tăng thêm là thuế GTGT áp dụng theo Nghị định 126.

“Theo quy định của Nghị định 126, thuế GTGT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, chúng tôi đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi”- đại diện hãng xe này cho hay.

Cũng theo đại diện Grab, theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Cũng theo đại diện Grab, trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, Grab đã tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này…

Không có chuyện tăng thuế!

Trao đổi với PLVN, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, theo quy định tại Nghị định 126, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế GTGT và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức. Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật thuế TNCN (biểu thuế tại Thông tư 92) không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.

Về tác động của chính sách thuế đối với Grab theo Nghị định 126, bà Lan cho biết, trong thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định.

“Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT – chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay…”- bà Lan nhấn mạnh.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng lưu ý, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay). Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Vừa tăng giá cước, vừa giảm tỷ lệ chia cho tài xế là không đúng

Nói về trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế GTGT theo quy định của pháp luật, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, bà Tạ Thị Phương Lan thẳng thắn: “Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Vì thực tế Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh”.

Về việc  Grab vừa có thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế tại thời điểm 5/12  mà trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày vừa qua phản ảnh Grab cho rằng do tác động của Nghị định 126 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7%, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định việc này là không đúng.

Khi Nghị định 126 có hiệu lực, việc thu thuế của các hãng taxi công nghệ được thực hiện bằng cách nào?

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các hãng taxi công nghệ phải khai nộp thuế GTGT trên 100% doanh thu thay cho cách kê khai cũ.

Ví dụ, trước đây đặt một chuyến xe Grab hết 100.000 đồng. Grab nhận về 20.000 đồng và chỉ phải kê khai 10% thuế GTGT cho khoản thu này. Còn tài xế nhận 80.000 đồng và phải chịu 3% thuế GTGT của cá nhân.

Lúc này, chính khách hàng là người chịu thiệt khi phải nhận 2 lần hóa đơn với mức 3% và 10% thuế GTGT của các khoản nêu trên nhưng chỉ có giá trị thanh toán phần 10% của 20.000 đồng.

Ngược lại, với cách tính thuế theo quy định mới, khi thu tiền từ khách hàng mức 100.000 đồng thì hãng Grab phải xuất hóa đơn với mức 10% thuế GTGT của đúng 100.000 đồng, khách hàng sẽ nhận được hóa đơn có giá trị thanh toán bằng tất cả số tiền mình bỏ ra.

Bên cạnh đó, tài xế sẽ chỉ bị khấu trừ 1,5% thuế TNCN mà không phải nộp thêm khoản thuế 3% thuế GTGT cá nhân. Và Grab sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác tài xế xe công nghệ.

* Luật sư Trương Thanh Đức:

“Cần có hướng dẫn thực hiện Nghị định 126”

Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng vấn đề nằm ở sự chưa rõ ràng trong Nghị định 126. Theo Luật sư Đức, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, cần xác định những đặc thù để từ đó đưa ra cách khấu trừ chính xác nhất.Trường hợp không thể xác định được khấu trừ, sẽ dẫn tới tình trạng đánh thuế GTGT như đánh thuế doanh thu.

Ông dẫn chứng,  trong mua bán vàng, nếu đánh thuế GTGT trên doanh số thì cả thị trường sẽ “sập”. Chính vì thế, cần có những hướng dẫn khác về Nghị định này.

Với trường hợp của các tài xế Grab, Luật sư Đức cho rằng chi phí mà Grab bỏ ra để vận hành không nhiều, trong khi chi phí của các tài xế lại rất lớn. Cụ thể, tài xế Grab phải bỏ phương tiện, trả tiền xăng xe, bỏ công sức trên mỗi cuốc xe. Nếu vẫn đánh thuế 10% trên tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là GTGT nữa mà nó giống thuế doanh thu.

“Rõ ràng, đối tượng bị tổn thương nhất là những người nghèo, những người phải bỏ công sức lao động để kiếm đồng tiền. Tự dưng nguồn thu của họ bị giảm đi một khoản thì họ phản đối cũng là đương nhiên”- Luật sư  chia sẻ.

Theo Luật sư Đức, để giải bài toán này, cần thiết phải xem lại chính sách thuế chứ không thể “cào bằng”. “Nếu Nhà nước vẫn áp dụng mức thuế này cần có khấu trừ xăng xe và các khoản chi phí khác cho tài xế. Nếu không thể xác định các khoản chi phí này bằng sổ sách, chứng từ có thể khấu trừ theo hình thức khoán. Xăng xe, công sức, khấu hao, vé, phí… có thể được tính và giảm cho tài xế ở một mức xác định giống như mức khấu trừ 11 triệu, người phụ thuộc giảm trừ 4,5 triệu của thuế TNCN…”- Luật sư Đức đề xuất. Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 hiện nay, Nhà nước cần “họp nhanh, tháo gỡ sớm”…

* Đại diện Công ty CP Be Group: 

“Chúng tôi đang chờ hướng dẫn”

Trao đổi với PLVN, đại diện Be Group- ứng dụng gọi xe của người Việt cho biết, Be chưa có động thái gì về việc này.

Theo đại diện Be Group, khác với tất cả những ứng dụng gọi xe hiện có trên thị trường, Be Group đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ngay từ ngày thành lập. Với mô hình là công ty vận tải cung cấp ứng dụng công nghệ, Be Group coi sự minh bạch là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong các chính sách và quá trình hoạt động, với cam kết mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều tuân thủ các quy định pháp luật: đóng đúng và đủ thuế, hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai, đóng thuế.

Liên quan đến Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12, Công ty cổ phần Be Group sẽ tiếp tục chờ đợi Thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế, để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ các tài xế tuân thủ các quy định pháp luật…”.

Thanh Thanh

—————————

Pháp luật Việt Nam (Kinh tế) 10-12-2020:

https://baophapluat.vn/kinh-te/grab-tang-gia-cuoc-va-giam-ty-le-chia-cho-tai-xe-khong-phai-do-chinh-sach-thue-thay-doi-561068.html

(397/1.990)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,014