2.674. Từ vụ “tuồn” 30.000 tỷ ra nước ngoài: Kiến nghị “ bịt” các “kẽ hở” chính sách , chặn vấn nạn chuyển tiền lậu qua biên giới

(PL) – Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định nghiệm ngặt nhằm kiểm soát dòng tiền, ngoại tệ chuyển ra nước ngoài. Song, từ vụ triệt phá đường dây vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài vừa qua cho thấy, hoạt động chuyển lậu tiền, ngoại tệ ra nước ngoài vẫn âm ỉ diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế… gây nhiều hệ luy cho nền kinh tế. Nghiên cứu thực tế và đối chiếu với các qui định pháp luật hiện tại, bài viết sau đây của Nhóm Phóng viên Pháp lý sẽ phân tích “bóc trần” những chiêu thức, thủ đoạn, kẽ hở của pháp luật đang bị các đối lợi dụng để “tuồn” tiền, ngoại tệ ra nước ngoài. Từ đó kiến nghị giải pháp ngăn chặn vấn nạn này.

Hoạt động vận Từ vụ “tuồn” 30.000 tỷ ra nước ngoài: Kiến nghị “ bịt” các “kẽ hở” chính sách , chặn vấn nạn chuyển tiền lậu qua biên giới

Nguy cơ rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế…

Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, vụ “tuồn” 30.000 tỷ ra nước ngoài là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30.000 tỉ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác. Hiện, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can và đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Tuy nhiên, con số gần 30.000 tỷ đồng được đề cập không khỏi khiến dư luận phải giật mình. Tiền đâu mà nhiều thế? Nguồn gốc tiền này đến từ đâu? Có những đối tượng nào liên quan đến số tiền này?… Nhiều chuyên gia nhận định, “số tiền trên rất có khả năng là do phạm tội mà có, chỉ có rửa tiền, buôn lậu hoặc trốn thuế… thì các đối tượng mới phải lén lút vận chuyển qua biên giới như vậy.

Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ vận chuyển trái phép qua biên giới hàng triệu USD của các đối tượng phạm tội nhằm che dấu, tẩu tán tài sản phạm tội hoặc rửa tiền… Điển hình như trong vụ Hồ sơ Panama, theo báo cáo này, trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2013, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 9,29 tỷ USD tiền bất hợp pháp ra khỏi biên giới, nghĩa là tổng cộng gần 93 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Và cụ thể nhất đại án ngân hàng BIDV của cha con Trần Bắc Hà và các đồng phạm, Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, bị cáo buộc vận chuyển trái phép 10,4 triệu USD ra nước ngoài, hoặc rửa tiền. Tuy nhiên Tùng đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng chưa làm rõ nguồn gốc và cách thức bị can có được số tiền trên. Cơ quan điều tra, Bộ Công an tách hành vi này ra khỏi vụ án để điều tra, xử lý sau.

Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà, bị cáo buộc vận chuyển trái phép 10,4 triệu USD ra nước ngoài,

Hay trong vụ án đường dây đánh bạc qua mạng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, qua điều tra, cơ quan công an phát hiện nhóm đứng đầu tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền. Theo đó các đối tượng đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài. Trong đó, Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng ở Singapore…

Quan những vụ án trên có thể thấy, hoạt động chuyển lậu tiền, ngoại tệ ra nước ngoài vẫn âm ỉ diễn ra. Nhưng bằng cách nào mà lượng tiền khủng như vậy có thể “tuồn” chót lọt ra nước ngoài bất chấp các quy định của pháp luật?

Việt Nam đã có chính sách kiểm soát hối đoái, trong đó gồm các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 70/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối, Luật Đầu tư… Theo đó, nếu muốn mang được một lượng tiền lớn ra nước ngoài qua con đường chính thức thì người có tiền phải chứng minh được nguồn gốc, lý do hoặc phải thông qua con đường nhập khẩu hàng hóa, những dự án đầu tư, kinh doanh đã được Chính phủ cho phép. Vậy, số lượng tiền lớn như vậy đã được chuyển ra nước ngoài chỉ có thể bằng con đường bất hợp pháp hoặc bằng cách “ lách kẽ hở” chính sách pháp luật .

Chiêu thức thủ đoạn chuyển tiền lậu và những kẽ hở chính sách

Trước hết, các đối tượng lợi dụng những kẽ hở pháp luật “lách” bằng cách cho, tặng, trợ cấp người thân … Nếu như trước đây, một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài (theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam) chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp; thì hiện nay theo quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung, không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài.

Cụ thể tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 70 quy định: “Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền”.

Điều đó có nghĩa, không còn giới hạn hạn mức chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, tổ chức tín dụng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi xem xét tính hợp lý của giao dịch chuyển tiền vào yêu cầu thực tế đối với các chứng từ, giấy tờ của người đó để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Khoảng trống này, vô hình trung trở thành “vỏ bọc” để giới “siêu giàu” lợi dụng chuyển, mang tiền ra nước ngoài bất hợp pháp.

Thứ hai, có một lượng ngoại tệ không nhỏ đã được chuyển ra nước ngoài thông qua giao dịch xuất nhập khẩu. Khách hàng đưa tiền cho công ty tại Việt Nam, số tiền chuyển đi một phần doanh nghiệp để thanh toán mua bán, nhưng một phần được tách ra. Cách này khá an toàn vì doanh nghiệp vẫn tiến hành giao dịch qua ngân hàng thương mại bình thường.

Đặc biệt, các đối tượng trung gian lợi dụng sự kiểm soát đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo để làm giả hồ sơ thương mại, xuất nhập khẩu và trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài.

Còn nhớ, năm 2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng đã mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền gần 2.300 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Ất, Nguyễn Mạnh Dũng cùng hai tay chân của Dũng là An Thế Anh và Nguyễn Quốc Hiến đã có hành vi làm giả, mua, bán hồ sơ thương mại và trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài cho nhiều người nhằm thu lợi bất chính. Hồ sơ thương mại ở đây được làm giả theo hình thức hồ sơ xuất nhập khẩu, được các bị cáo sử dụng làm căn cứ thực hiện đủ các giầy tờ như giấy đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền, phụ lục hợp đồng… phục vụ cho việc chuyển tiền tại các ngân hàng.

Có một lượng ngoại tệ không nhỏ đã được chuyển ra nước ngoài thông qua giao dịch xuất nhập khẩu. Khách hàng đưa tiền cho công ty tại Việt Nam, số tiền chuyển đi một phần doanh nghiệp để thanh toán mua bán, nhưng một phần được tách ra. Cách này khá an toàn vì doanh nghiệp vẫn tiến hành giao dịch qua ngân hàng thương mại bình thường. Đặc biệt, các đối tượng trung gian lợi dụng sự kiểm soát đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo để làm giả hồ sơ thương mại, xuất nhập khẩu và trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài.

Hình thức thứ ba, là lợi dụng lỗ hổng kiểm soát cổng thanh toán quốc tế Paypal, Payoneer, các giao dịch tiền ảo qua hệ thống điện tử … Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng đến nay, các cổng trung gian thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính… vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hay công nhận. Điều này đồng nghĩa, các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế, giao dịch tiền ảo trên hệ thống điện tử đang hoạt động không phép và không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Bằng hình thức này, rất nhiều người giàu có trong nước có thể chuyển tài sản của mình qua tài khoản của người khác ở nước ngoài.

Các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế, giao dịch tiền ảo trên hệ thống điện tử đang không chịu sự quản lý của cơ quan nào…?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

“Quy định pháp luật hiện nay khá tù mù, gần như giao hoàn toàn cho các ngân hàng thương mại tự quyết định trong nhận chuyển tiền ra nước ngoài.

Chỉ cần một cá nhân hay doanh nghiệp có đủ chứng từ như: Hợp đồng dưới dạng vay trả nợ, tặng, cho… (dù chỉ là chứng từ giả, hay thật đã được nâng khống giá trị) là đã có thể chuyển hàng triệu, hàng tỷ USD một cách hợp pháp từ Việt Nam sang nước ngoài.

Một cách chuyển tiền khác nghe có vẻ hoang đường nhưng lại có thật, được một đại gia tại TP HCM tiết lộ là qua đầu tư trang sức, vật phẩm giá trị. Với những tay tài phiệt giàu có, bỏ tiền mua một chiếc nhẫn kim cương, đồng hồ… thương hiệu quốc tế có giá lên tới cả triệu USD và có thể đeo đi khắp nơi. Vì là trang sức thương hiệu quốc tế, nên sau đó có thể mang tới đúng cửa hàng của thương hiệu đó bán. Tất nhiên, trong trường hợp này, khi bán đi, món đồ sẽ mất khoảng 10-15% giá trị ban đầu.

Kiến nghị giải pháp chặn chuyển tiền lậu qua biên giới

Quay trở lại vụ “tuồn” 30.000 tỷ ra nước ngoài, hàng loạt câu hỏi đang chờ trả lời và chắc chắn sẽ có câu trả lời khi quá trình điều tra hoàn tất. Cũng từ vụ án này, mới thấy tài sản ẩn náu rất lớn trong nền kinh tế và hoạt động vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài luôn tiềm ẩn những nguy cơ rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế… gây nhiều hệ luy cho nền kinh tế.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức từ cơ quan quản lý về số lượng ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài, nhưng chắc chắn rằng đã có một lượng tiền rất lớn hàng năm được âm thầm chuyển ra nước ngoài qua nhiều hình thức.

Trong bối cảnh nội lực nền kinh tế còn hạn chế, vấn đề tội phạm chưa được tiêu trừ, nếu không kiểm soát được số lượng tiền, ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần phải cảnh giác hơn nữa, siết chặt hơn nữa các biện pháp, bịt kín mọi con đường có thể tạo ra “cửa ngõ” cho tiền tệ xuất biên trái phép.

Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến các giao dịch chuyển tiền qua biên giới là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay. Phải tăng cường các giải pháp siết chặt về mặt thủ tục hành chính đối với từng trường hợp được phép chuyển tiền ra nước ngoài mà các đối tượng hướng đến, từng bước hạn chế và tiến tới không còn “lọt lưới” những bộ hồ sơ hợp thức hóa từ con đường làm khống, làm chui…

“Kiến nghị vấn đề trên, chúng tôi muốn nói đến vai trò “gác cửa” dòng tiền chảy ra nước ngoài một chiều được pháp luật trao quyền cho các tổ chức tín dụng có khách quan và quá tầm, khi mà số lượng tội phạm trong lĩnh vực này có xu hướng gia tăng và công nghệ làm giả giấy tờ đang ngày càng tinh vi và phức tạp ? Trong bối cảnh như hiện nay, theo chúng tôi việc giao thêm chức năng hậu kiểm thủ tục hành chính cho một cơ quan trung gian khác là cần thiết vừa chia sẻ trách nhiệm vừa khắc phục được sự độc quyền của các tổ chức tín dụng”.

Tăng cường kiểm soát dòng tiền trong nước, đặc biệt cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ từ cách đây nhiều năm, buộc các giao dịch lớn phải thực hiện thông qua chuyển khoản, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Khi bỗng nhiên có một khoản tiền lớn được chuyển vào trong ngân hàng thì các cơ quan an ninh tiền tệ quốc gia và bản thân các ngân hàng sẽ kiểm soát được ngay nguồn gốc dòng tiền giao dịch trong hệ thống, nhằm hạn chế sự lưu thông của các dòng tiền không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Việc chứng minh các giao dịch tại Việt Nam, nguồn tiền có tại Việt Nam và yêu cầu nộp, truy thu nộp thuế đầy đủ cũng sẽ hạn chế việc chuyển tiền, bởi cầm một số lượng tiền mặt lớn cũng ít khi xảy ra.

Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có doanh thu tại VN nhưng hoạt động kinh doanh “bất thường” và lại chuyển lợi nhuận hoặc đầu tư ra nước ngoài số lượng lớn. Đặc biệt , chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy định pháp luật liên quan đến các cổng thanh toán quốc tế, tiền ảo… để có cơ sở pháp lý giám sát các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế, giao dịch trên hệ thống điện tử thông qua các dạng tiền ảo mật mã máy tính… Đây cũng là một giải pháp quan trọng, nếu các cơ quan chức năng của VN làm được vậy cũng ngăn chặn được một phần “ chảy máu” ngoại tệ.

Nam Kiên

—————————

Pháp lý 31-12-2020:

https://phaply.net.vn/tu-vu-tuon-30-000-ty-ra-nuoc-ngoai-kien-nghi-bit-cac-ke-ho-chinh-sach-chan-van-nan-chuyen-tien-lau-qua-bien-gioi/

(98/2.680)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008