2.724. Áp thuế giá trị gia tăng 10% đối với thư tín dụng: Vướng mắc vẫn chưa được tháo bỏ

(ĐTCK) – Kinh nghiệm quốc tế theo thông lệ cho thấy, phần lớn không áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C), một số nước có tính thuế trực thu với hoạt động L/C như Thái Lan, Trung Quốc. Bangladesh, nhưng chỉ với L/C nhập khẩu chứ không thu thuế với L/C xuất khẩu.

Tại buổi Toạ đàm “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng” tổ chức chiều 11/5 đề cập Văn bản số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 của Tổng cục Thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế địa phương: từ thời điểm Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định, nên đề nghị các cục thuế rà soát hướng dẫn các TCTD trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, ngân hàng hoạt động chủ yếu ở 3 mảng: Tiền gửi, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán. Trong 3 hoạt động trên thì chỉ có cung ứng dịch vụ thanh toán là phải nộp thế. Về dịch vụ thanh toán, bà Yến cho biết, cũng đưa ra là thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế và chỉ khác nhau ở việc nói rõ các hình thức cụ thể.

“Không thể quy ngay L/C là hình thức dịch vụ thanh toán mà chỉ là một phương thức công cụ trong đó”, bà Yến nêu quan điểm.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, chúng ta cần làm rõ khái niệm L/C là gì? Bởi hiện nay có hai cách hiểu về L/C: một bên coi là một phương thức thanh toán, một bên coi đây là một hình thức bảo lãnh. Cần làm rõ cách hiểu để có thể đưa ra khuyến nghị.

Theo bà Cúc, L/C chỉ đơn giản là thanh toán thì chịu thuế GTGT, thư tín dụng mà tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế GTGT. Do vậy việc gộp cả 2 đều phải chịu thuế là không khách quan.

“Tôi mong muốn, bây giờ chúng ta xem xét lại văn bản. Nếu hướng dẫn của Tổng cục Thuế, ngân hàng chưa hiểu rõ thì các bên phải xác định lại, xử lý các vướng mắc. Bàn lại trong hoạt động L/C từ khái niệm để tách ra, cơ quan thuế sẽ căn cứ theo đó để tính toán”, bà Cúc nói.

Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nêu quan điểm, L/C vừa là cung cấp tín dụng vừa là thanh toán. “Ví dụ, tôi muốn giao dịch với nhà nhập khẩu của Nhật, doanh nghiệp này thông qua ngân hàng rồi mở L/C. Trong trường hợp L/C này là L/C bảo lãnh, đó là một loại tín dụng thay vì ngân hàng phải phát thư bảo lãnh cho nhà xuất khẩu để bảo lãnh cho nhà xuất khẩu. Nếu nhà xuất khẩu không trả tiền hoặc hàng thì ngân hàng trả. Trong trường hợp này, ngân hàng không phải cho vay tiền mà cho vay uy tín”, ông Hiếu dẫn chứng.

Có mặt tại buổi Toạ đàm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, hệ thống luật về thuế và hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều rắc rối.

“Thu thuế với L/C, nếu cứ nói một cụm L/C thì vừa đúng luật vừa trái luật. Đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng, trong khi đó L/C là thư tín dụng. Mặc dù khái niệm cơ bản vẫn còn nhiều rắc rối, chúng ta nên bóc tách nghiệp vụ và giải quyết. Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách ra, cái gì thu cái gì không cho rõ ràng”, luật sư Đức nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Vụ phó Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, câu chuyện thu thuế GTGT với L/C đặt ra lâu và có nhiều cuộc họp diễn ra ở các cấp. Đây là vấn đề khó khăn trong nhận thức của các bên.

Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách ra, cái gì thu cái gì không cho rõ ràng.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Quan điểm của NHNN cho rằng L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa mang tính chất tín dụng và thanh toán. Ngay cả quốc tế khi giới thiệu sản phẩm này ra trên thị trường thanh toán quốc tế đều dùng từ credit không phải payment. Đây là thư tín dụng, không phải thư thanh toán. Bản chất tín dụng không thể phủ nhận. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, hoạt động thư tín dụng mang tính chất bảo lãnh, trung gian giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu.

“Vì sao cần L/C mà không dùng thanh toán, bởi vì trong quan hệ thanh toán quốc tế, khi người xuất khẩu và người nhập khẩu chưa tin tưởng lẫn nhau, chưa hiểu biết, không đủ uy tín cần trung gian đứng giữa để bảo đảm thanh toán theo hợp đồng thương mại. Bản chất của L/C là hoạt động bảo lãnh trung gian giữa người mua và người bán. Và khi quá trình làm ăn giữa hai bên có sự tin tưởng sẽ chuyển sang hình thức đơn giản hơn”, ông Bắc nói.

Tại sao đặt vấn đề L/C là hình thức thanh toán? Ông Bắc cho biết, NHNN đã lần lại các văn bản của Bộ Tài chính và các bên có trích dẫn Khoản 15, Điều 4, Luật Các TCTD cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản là… thư tín dụng.

“Nếu mổ xẻ câu chữ của luật, theo tôi, chúng ta phải hiểu trong cung ứng dịch vụ thanh toán có loại hình thư tín dụng chứ không thể hiểu ngược lại. Về mặt câu chữ, trong cung ứng dịch vụ thanh toán có L/C chứ không phải ngược lại”, ông Bắc nói.

“Về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta đã trích dẫn Khoản 15, Điều 4, Luật TCTD 2010, tuy nhiên, nếu trích dẫn điều này thì chưa đầy đủ. Chúng ta còn điều khác cũng tại Luật TCTD như Khoản 4, Điều 14 hay như Khoản 3, Điều 98 của Luật Tín dụng. Và NHNN chấp thuận bằng rất nhiều văn bản và gần đây nhất là Thông tư 22/NHNN”, ông Bắc nói thêm.

Cũng theo ông Bắc, Luật Tín dụng và Luật Các TCTD 2010 không hề phủ nhận bản chất lưỡng tính của L/C và bản chất này không thay đổi. Chúng ta không thể hiểu Luật Các TCTD 2010 phủ nhận bản chất tín dụng của L/C và cho rằng L/C chỉ là dịch vụ thanh toán. Pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục mạch cũ, cho rằng L/C có hai bản chất vừa là cấp tín dụng vừa là thanh toán. Các văn bản dưới luật cũng đi theo mạch đó. Có các Nghị định, Thông tư của NHNN cũng theo mạch quy định L/C là hoạt động mang tính chất lưỡng tính.

Ông Bắc cho biết, các ngân hàng hiện nay vẫn thực hiện nghiêm túc Công văn 11754. Có ý kiến cho rằng, khi Luật Các TCTD ra đời thì các văn bản dưới luật như Công văn này tự hết hiệu lực, tức là không cần ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực của 11754. Tuy nhiên, nếu Luật Các TCTD ra đời nhưng không phủ nhận tính chất lưỡng tính của L/C, nên Công văn 11754 vẫn đang được thực hiện.

“Chúng tôi đề nghị không truy thu thuế từ 2010 vì nhiều lý do. Nếu thực hiện theo Văn bản 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế sẽ có một số tác động, bất cập. Bởi thuế GTGT là thuế gián thu, nếu nộp bổ sung các tổ chức phải liên hệ lại với khách hàng, điều này rất không khả thi do nhiều doanh nghiệp không giao dịch hoặc phá sản”, ông Bắc nói.

Cũng theo ông Bắc, một điểm nữa là việc truy thu tạo áp lực và gánh nặng cho ngân hàng trong việc kê khai điều chỉnh thuế. Truy thu thuế, tiền phạt cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19. Các TCTD nếu không thu được của doanh nghiệp cũng phải tự bỏ tiền để thanh toán hoàn thuế… cũng ảnh hưởng đến doanh thu.

“Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, do đó nếu bây giờ áp dụng thì ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của quốc gia. Đề nghị các bộ, ngành ngồi lại tìm hướng tháo gỡ thuận lợi nhất để tham mưu lên Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề này thông qua giải pháp giải quyết hài hòa lợi ích của các bên”, ông Bắc nói.

Nhuệ Mẫn

———————–

Đầu tư chứng khoán (Tài chính) 12-5-2021:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/ap-thue-gia-tri-gia-tang-10-doi-voi-thu-tin-dung-vuong-mac-van-chua-duoc-thao-bo-post269031.html

(149/1.593)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,072