(NLM) – Ngành thuế yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) có hoạt động thư tín dụng (L/C) kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1-1-2011, khiến các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp băn khoăn. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia tại tọa đàm “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng”.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tạo gánh nặng tài chính cho ngân hàng, doanh nghiệp
L/C là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng thương mại phát hành, bảo đảm người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ.
Ngày 22-4-2020, Tổng cục Thuế có Văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn có hoạt động L/C thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh, đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1-1-2011, ảnh hưởng không nhỏ tới các TCTD và doanh nghiệp. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ L/C phát sinh từ ngày 1-1-2011.
Các ngân hàng thương mại băn khoăn, do bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc hồi tố, truy thu thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo gánh nặng tài chính rất lớn đối với các ngân hàng thương mại và khách hàng doanh nghiệp.
chuyên gia tại tọa đàm “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA): Ngân hàng không thể ứng tiền nộp thay doanh nghiệp
Thuế GTGT là thuế gián thu (thu từ khách hàng), do vậy, từ nay, khi các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành L/C, các ngân hàng thương mại sẽ thu thuế GTGT của doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải nộp bổ sung tiền thuế GTGT đã phát sinh từ năm 2011 đến nay cho ngân hàng để nộp ngân sách, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đều đang hết sức khó khăn, Chính phủ và ngành ngân hàng đang có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong 10 năm có rất nhiều thay đổi, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể, phá sản, nên TCTD không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được và cũng không thể ứng tiền để nộp thay doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế cần xem xét, ban hành quy định theo hướng tiếp tục thực hiện thu thuế GTGT đối với L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 11754/BTC-CST ngày 6-9-2010, tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA): Thư tín dụng bảo lãnh không chịu thuế GTGT
Hiện nay có hai cách hiểu về L/C. Một bên coi L/C là phương thức thanh toán, một bên coi là hình thức bảo lãnh. L/C là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính với điều kiện bên thụ hưởng phải xuất trình toàn bộ chứng từ. Luật Các TCTD quy định L/C là hình thức thanh toán, nhưng thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước lại coi L/C là hình thức bảo lãnh. Hai điều đó hoàn toàn khác nhau.
L/C chỉ đơn giản là thanh toán thì chịu thuế GTGT, còn nếu chỉ mang tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế GTGT. Do vậy, việc gộp cả hai hình thức L/C đều phải chịu thuế GTGT là không khách quan. Theo tôi, cần xem xét lại hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước và xác định lại quy định thu thuế GTGT với hoạt động L/C.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Ngành thuế và ngân hàng cần bóc tách rõ ràng
Hệ thống luật thuế và ngân hàng còn nhiều rắc rối. Quy định về L/C và chính sách thuế không có gì thay đổi trong bao nhiêu năm nay, bây giờ lại tranh luận thu hay không thu thuế GTGT. Năm 1958, chúng ta quy định L/C là một trong những phương thức thanh toán.
Định nghĩa trong Luật Các TCTD không sai. Hoạt động nào đáng thu thì thu không thiếu một xu, hoạt động nào không đáng thu thì không được thu. Thu thuế GTGT với L/C, nếu nói cả cụm L/C thì vừa đúng luật, vừa trái luật, đúng với hoạt động thanh toán và sai với hoạt động bảo lãnh. Ngành thuế và ngành ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách rõ ràng hoạt động gì thu thuế GTGT, hoạt động gì không thu thuế GTGT.
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế: Truy thu thuế theo quy định của pháp luật
Hiện nay, chúng tôi cùng ngành ngân hàng xác định L/C gắn với với tín dụng đơn thuần thì không cần nộp thuế GTGT, còn những giao dịch liên quan đến thanh toán thì phải nộp thuế GTGT. Tuy nhiên, ngành thuế không bao giờ truy thu thuế không theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ vướng mắc này trên tinh thần đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục lắng nghe để có thêm thông tin tham mưu cho Bộ Tài chính giải quyết vấn đề này.
Do bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc hồi tố, truy thu thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo gánh nặng tài chính rất lớn đối với các ngân hàng thương mại và khách hàng doanh nghiệp. |
—————-
Năng lượng mới (Diễn đàn) 16-6-2021:
https://petrotimes.vn/thu-thue-hoat-dong-thu-tin-dung-bat-kha-thi-614262.html
(165/1.216)