2.756. Hoàn thiện điểm “xấu” của chính sách để xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19

(CT) – Dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại khi nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Cần một chính sách tổng thể và dài hạn, và đặc biệt là luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu để có thể giúp doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế vượt qua ảnh hướng khó khẳn do dịch bệnh.

Thông tin trên được diễn giả nêu lên tại tọa đàm: “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 – Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”, do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vào sáng 23/6 tại Hà Nội.

Lo nợ xấu dềnh lên

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Nợ xấu là hiện tượng không thể tránh khỏi của bất kỳ nền kinh tế nào, giải pháp để giải quyết nợ xấu là vấn đề rất quan trọng. Đối với hệ thống tín dụng của nước ta, vấn đề nợ xấu từng rất trầm trọng, đặt ra bài toán nan giải cho Nhà nước. Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 42, với hành lang pháp lý đó cùng với sự cố gắng của hệ thống NHNN, chúng ta đã có những cố gắng rất lớn trong giải quyết nợ xấu.

Tuy nhiên, hiện nay đại dịch COVID-19 đang tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bóng ma nợ xấu lại quay trở lại.

Tọa đàm: “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 – Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vào sáng 23/6 tại Hà Nội

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Từ cuối năm 2018 đến ngày 30/04/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 500 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%, các ngân hàng đều có báo cáo tài chính sạch, nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty khai thác và quản lý tài sản mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối.

“Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp giãn đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ” – ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.

Theo thống kê, tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết (24 ngân hàng) đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%.

“Trong báo cáo của các ngân hàng cho thấy, con số nợ xấu trong Quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại

Chia sẻ từ thực tiễn, ông Nguyễn Huy Tài – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB cho biết: Trước tác động của dịch COVID-19, SHB đã chủ động rà soát, phân loại khách hàng và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm quản lý và thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ cũng không khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do cán bộ xử lý nợ gặp khó khi tiếp tục sử dụng phương thức đôn đốc thu nợ; việc thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án bị ngưng chệ do dịch bệnh; việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 cũng bị ngưng trệ do chính quyền nhiều địa phương đang phải tập trung phòng, chống dịch; đặc biệt, do dịch bệnh hoạt động sản xuất, dịch vụ đình trệ, khách hàng doanh nghiệp mất nguồn thu, khách hàng cá nhân bị chậm lương, nghỉ không lương… gây nên nợ quá hạn, nợ xấu.

Về khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên chia sẻ: Bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20-30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt là khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.

“Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển” – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.

Cùng quan điểm này, ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa chia sẻ, trước dịch COVID-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang, nhưng khi dịch đến không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. Do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động, nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Các doanh nghiệp du lịch đang bên bờ vực phá sản. Vì thế, chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tiếp cận khoản vay không có lãi. Đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN là khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất.

Cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả

Nêu giải pháp hỗ trợ cho ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa tình trạng nợ xấu trong thời gian tới, các diễn giả đều nhận định: Khi nền kinh tế khó khăn, việc xử lý nợ xấu càng khó khăn. Chỉ khi nào, nền kinh tế hanh thông trở lại, người dân cảm thấy lạc quan vào sản xuất kinh doanh, việc phát mãi tài sản mới thuận lợi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã và đang đồng thuận tiếp tục tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạ lãi suất cho vay, miễn, giảm một số phí dịch vụ để chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp, người dân duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng.

Ông Hùng cũng kiến nghị, hiện dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng nên việc bán các khoản nợ xấu của TCTD đã gặp nhiều khó khăn. Đề nghị NHNN và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

Ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC: Nợ xấu hiện nay vẫn chưa phản ánh ảnh hưởng của COVID-19 nhờ các chính sách giảm nợ, giãn nợ

Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC cho rằng, diễn biến đại dịch COVID-19 còn diễn biến, thậm chí phức tạp hơn. Nợ xấu hiện nay vẫn chưa phản ánh ảnh hưởng của COVID-19 nhờ các chính sách giảm nợ, giãn nợ.

“Chúng tôi đề nghị NHNN tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua các chính sách, có thể thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài hơn nữa. Về phía TCTD, chúng tôi đề nghị tùy nguồn lực mà hỗ trợ khách hàng phù hợp. Gọi là hỗ trợ khách hàng, nhưng thực sự là tiềm năng để tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc với khách hàng đó. Trong thực tế, chúng tôi cũng đang thực hiện cơ cấu đối với các khách hàng chúng tôi mua nợ từ thị trường. Đối với khách hàng có khả năng phục hồi, chúng tôi đã áp dụng cơ cấu như giảm nợ, giãn nợ” – ông Đoàn Văn Thắng cho hay.

Về vấn đề xử lý nợ xấu theo ông Nguyễn Quốc Hùng: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Muốn kéo dài thì phải đánh giá, tổng kết những mặt được, mặt chưa được, nếu không thì bổ sung vào các bộ luật dân sự ra sao, để TCTD có hành lang thông thoáng để xử lý.

Còn luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn có những điểm “xấu” và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành Ngân hàng được tốt hơn.

“Cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào Hệ thống Toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn” – Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua.

Hoàng Lan – Thùy Linh

—————-

Công thương (Tài chính) 23-6-2021:

https://congthuong.vn/hoan-thien-diem-xau-cua-chinh-sach-de-xu-ly-no-xau-trong-dai-dich-covid-19-159437.html

(139/2.178)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,791