2.762. Yêu cầu 600 gian hàng và website gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm hàng giả, hàng nhái

(LĐ) – Với chiêu bài “khuyến mãi, giảm giá” trên mạng, đã có không ít các mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng tung ra thị trường, đặc biệt là tình trạng nâng giá sau đó giảm giá để thu hút khách.

Các nhà quản lý, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cũng cần phải “tỉnh táo” trước những thông tin khuyến mại sốc để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Khuyến mại… hàng kém chất lượng

Càng về cuối năm, nhu cầu mua bán hàng hóa càng nhiều. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, giao dịch hàng hóa qua các trang mạng xã hội tăng đột biến. Song song với những mặt tích cực thì hiện tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến.

Thực tế, hiện nay nhiều trang mạng xã hội facebook xuất hiện nhan nhản các livestream quảng cáo, bán hàng theo chiêu trò khuyến mại để câu khách như: Mua một chiếc ốp điện thoại nhưng được tặng kèm chiếc đồng hồ có giá trị cao hơn chiếc ốp này. Hay như mua miếng dán màn hình điện thoại lại được tặng tai nghe. Tuy nhiên, thực tế hầu hết những mặt hàng này đều kém chất lượng. Khách mua hàng ham rẻ khi mua đều phải ngậm ngùi.

Một tin nhắn quảng cáo lừa người tiêu dùng trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Văn Dương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cách đây không lâu khi thấy một quảng cáo về đấu giá để mua được sản phẩm giá rẻ trên mạng xã hội. Như nhiều người khác, anh click và tham gia chơi đấu giá. Cuối cùng anh đã có được chiếc đồng hồ Smart Watch (đồng hồ thông minh) với giá 500.000 đồng. Chiếc đồng hồ này được quảng cáo có giá nguyên gốc 1.000.000 đồng tuy nhiên, sau khi kiểm tra giá sự thật chỉ vài trăm nghìn và dùng được một thời gian ngắn thì hỏng.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội đã bắt hai đối tượng về hành vi sử dụng mạng viễn thông, Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc lập Facebook mạo danh người kinh doanh túi xách có tiếng trên mạng. Thông qua Facebook, hai đối tượng này mời chào mua hàng theo chương trình giảm giá, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền đặt cọc trước rồi chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của nhiều người.

Chia sẻ với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết có một chuyện đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây là việc các trang web bán hàng trực tuyến kê giá bán thật cao (cao hơn mức giá trung bình trên thị trường), sau đó tung ra chương trình khuyến mãi (giảm giá) lớn để lôi kéo, chiêu dụ khách hàng. Có những trang web công bố mức giảm giá lên tới 50%, mức thấp nhất thường là 10%.

“Với các khuyến mại “sốc”, do không có nguồn độc lập nào để xác nhận cho nên người tiêu dùng rất khó kiểm chứng. Cách duy nhất là người tiêu dùng cần thận trọng, so sánh giá sau giảm với giá chung trên thị trường để xác định là khuyến mại ảo hay thật”, vị chuyên gia này nói.

Ngoài ra, cũng có trường hợp, doanh nghiệp công bố tỉ lệ giảm giá sản phẩm lớn để thu hút người tiêu dùng truy cập trang web bán hàng của mình, nhưng khi khách đặt hàng lại nhận được thông báo đã hết hàng. Có trường hợp doanh nghiệp áp dụng chính sách giảm giá cho một số lượng ít ỏi hàng hóa, và sau vài tiếng đồng hồ thông báo đã bán hết hàng. Trường hợp này thường rơi vào các sự kiện lớn dành cho khách hàng mua sắm trực tuyến, ví dụ như các đợt mua sắm đầu mùa, các ngày lễ, tết…

Quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý?

Có thể nói, những người dính bẫy chủ yếu là người đang gặp khó khăn về tài chính, tiền bạc. Đánh vào tâm lý ham rẻ, thích nhận quà khuyến mãi của người dân, fanpage thường đăng tải thông tin “giảm giá sốc”, tặng quà cho số ít khách hàng đầu tiên hay tổ chức các mini game…

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết, những tháng đầu năm 2019, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử cả nước rà soát, gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái của gần 600 gian hàng và website.

Còn theo Tổng cục Quản lý thị trường, các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định thật giả như: Không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí khéo léo dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng… Các thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.

Đề cập vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, không thể để tình trạng khuyến mãi, giảm giá nhập nhèm như hiện nay được. Do đó cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng khuyến mãi, giảm giá để trục lợi từ khách hàng.

Cao Nguyên

————-

Lao động (Thị trường) 12-9-2019:

https://laodong.vn/thi-truong/yeu-cau-600-gian-hang-va-website-go-bo-hon-3750-san-pham-hang-gia-hang-nhai-753881.ldo

(65/1.045)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,841