2.783. Chủ đầu tư Thảo Điền Green nói gì sau khi xây chung cư trên đất công viên?

(BĐS) – Dù né tránh bình luận về việc các chuyên gia cho rằng xây chung cư trên đất quy hoạch công viên là trái luật nhưng chủ đầu tư Thảo Điền Green vẫn một mực khẳng định công ty đang làm đúng quy định.

Thông tin trên báo điện tử Dân Việt, cơ quan thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản SIC (SIC) chia sẻ: “Là doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực phát triển bất động sản, chúng tôi cam kết dự án do Công ty triển khai tuân thủ đúng những quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho khách hàng của mình luôn nhận được sự an tâm tuyệt đối khi đầu tư dự án. Với Thảo Điền Green, chúng tôi đặt nhiều tâm huyết để triển khai, phát triển và xây dựng dự án. Chắc rằng khi hoàn thành, cư dân sống tại đây sẽ được tận hưởng những trải nghiệm đẳng cấp, tinh tế và an bình”.

Ngoài ra, công ty này không bình luận gì về quan điểm của các chuyên gia cho rằng xây chung cư trên đất công viên là sử dụng đất sai mục đích và việc cấp phép xây dựng như vậy là trái quy định pháp luật.

Trước đó, Reatimes đã phản ánh thông tin trên trong bài “Sở Xây dựng TP.HCM cho doanh nghiệp xây chung cư trên đất công viên”, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản SIC (SIC) cho biết, việc dự án Thảo Điền Green xây dựng trên cả phần đất quy hoạch công viên cây xanh là đúng giấy phép xây dựng được cấp.

Liên quan đến dự án, ngày 6/7/2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Trần Kiên đã ký Giấy phép xây dựng số 87, cấp cho SIC được phép xây dựng công trình Chung cư cao tầng – Thảo Điền, tại đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Theo tổng diện tích sàn xây dựng trong nội dung giấy phép, được ký bởi ông Lê Trần Kiên, phần diện tích xây dựng chung cư bao gồm cả phần đất quy hoạch công viên cây xanh. Dự án Thảo Điền Green được tổng thầu dự án Central khởi công ngày 11/08/2020. Theo tiến độ cập nhật đến đầu tháng 7/2021, dự án cơ bản đã thi công xong phần móng.

Cần làm rõ nguồn gốc đất dự án Thảo Điền Green và việc điều chỉnh quy hoạch từ khi phê duyệt Khu nhà ở và biệt thự cao cấp (do Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh làm chủ đầu tư) đến nay

Trong bối cảnh nhiều dự án thiếu chỗ đậu xe thì việc mở rộng tầng hầm sẽ góp phần giải quyết vấn đề này, để nâng cao giá trị dự án cũng như giá bán. Tuy nhiên, nhiều dự án ở TP.HCM thời gian qua đã mất khá nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi tận dụng diện tích công viên để xây dựng tầng hầm.

Điển hình là dự án Gateway Thảo Điền, dù thi công đúng giấy phép xây dựng, dự án đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng những rắc rối liên quan đến việc xây dựng trên phần đất quy hoạch công viên trước đó khiến hàng trăm khách hàng mua căn hộ ở đây chờ nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp “sổ hồng”. Câu chuyện này trước đây đã được phản ánh trong bài TP.HCM: Chung cư bị treo “sổ hồng” vì chính quyền làm sai?.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, khu đất quy hoạch đang mục đích này nhưng lại làm mục đích khác chắc chắn là sai; trừ khi đã được cơ quan Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì việc cấp phép và tiến hành xây dựng chung cư trên đất quy hoạch công viên cây xanh mới trở thành đúng.

“Còn nếu chưa chuyển đổi thì ai dám? Ai cho phép? Bởi như thế là hoàn toàn vi phạm pháp luật và cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để điều tra làm rõ”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

“Tuy nhiên, cũng có thể là cấp thật, cấp giả hoặc xây lấn, xây sai bên phía nhà đầu tư. Vì vậy, cần tìm hiểu và làm rõ vụ việc. Còn khi đã có cơ sở chính xác về trường hợp cấp phép xây dựng chung cư trên đất quy hoạch công viên chưa chuyển đổi mục đích thì chắc chắn phải khẳng định là sai hoàn toàn.

Với những trường hợp như này, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay, xử phạt nghiêm theo đúng quy định của Pháp luật và Nhà nước. Còn không, khi toà toà chung cư được xây lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, gồm cả những người mua phải chung cư và người dân xung quanh công viên”, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Trong khi đó, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, với trường hợp, đất quy hoạch công viên nhưng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng chung cư thì việc cấp phép xây dựng và xây dựng là hoàn toàn có thể.

“Còn nếu thành phố chưa có văn bản pháp lý về mục đích chuyển đổi sử dụng đất và cụ thể ở đây là chuyển đổi từ đất quy hoạch công viên sang xây dựng chung cư mà được cấp phép xây dựng là hoàn toàn sai. Ngay bản thân sự việc đã là trái pháp luật.

Mục đích của đất quy hoạch công viên cây xanh là để trồng cây xanh, đảm bảo không gian vui chơi, không gian cộng đồng giúp hài hoà đô thị chứ không phải để xây một toà bê tông nhiều tầng hầm.

Sử dụng sai mục đích, lấn chiếm đất quy hoạch công viên cây xanh để xây chung cư là điều để lại rất nhiều hệ luỵ. Trước hết nó sẽ làm giảm thiểu số lượng cây xanh công cộng của thành phố, của công viên, bởi vì mất đất thì lấy đâu ra không gian để trồng cây, đặc biệt là các cây cổ thụ. Thứ hai là ảnh hưởng đến cảnh quan chung của đô thị. Nói một cách rõ hơn là góp phần phá vỡ quy hoạch đô thị”, kiến trúc sư Trương Văn Quảng chia sẻ.

Nhiều nghi vấn đặt ra trước sự “im lặng” của Sở Xây dựng TP.HCM

Để làm rõ cơ sở pháp lý cho việc cấp phép xây dựng chung cư trên đất công viên, phóng viên Reatimes đã nhiều lần liên hệ với Sở Xây dựng TP.HCM nhưng chưa nhận được phản hồi. Điều này khiến nhiều nghi vấn đặt ra chưa tìm được lời giải đáp.

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Sở Xây dựng TP.HCM liên tiếp cấp phép xây dựng trái luật, ngày 29/10/2020, Thanh tra Thành phố đã ban hành văn bản số 83/TB-TTTP-P3 kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện Dự án nhà ở tái định cư kết hợp kinh doanh tại phân khu số 11B đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Qua đó, Thanh tra TP.HCM chỉ ra nhiều sai sót của Sở Xây dựng TP.HCM. Theo đó, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 79/GPXD ngày 7/6/2016 khi Công ty Đông Mê Kông chưa duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phân khu 11B1 thuộc khu dân cư Đông Mê Kông, chưa được cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được UBND huyện Nhà Bè điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư Đông Mê Kông.

Sau đó, Sở Xây dựng tiếp tục cấp giấy phép xây dựng số 158/GPXD ngày 20/9/2016 khi Công ty Đông Mê Kông chưa thực hiện các nội dung ghi tại giấy phép xây dựng số 79/GPXD trên. Thanh tra TP.HCM cho rằng hành vi này vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình, chưa đúng quy định tại Khoản 1, 3 Điều 91, Khoản 2 Điều 95 và Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 và văn bản số 6462/UBND-ĐTMT ngày 14/12/2010 của UBNDTP.HCM. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Sở Xây dựng được phân công tại thời kỳ có liên quan.

Trước đó, Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra các sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại Bình Đăng (SaiGon SkyView), do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (Công ty con của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư.

Cụ thể, Thanh tra TP.HCM kết luận dự án SaiGon SkyView được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 22/GPXD ngày 30/1/2018 (giai đoạn 1 – phần ngầm) khi Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hợp pháp theo quy định của Luật Đất đai. Không chỉ vậy, tại dự án này, Sở Xây dựng ban hành quyết định số 161 năm 2009 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng (miễn giấy phép xây dựng) không đúng thẩm quyền.

Ngày 24/12/2020, Thanh tra TP.HCM đã có thông báo kết luận thanh tra số 161/TB-TTTP-P3 về chấp hành pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất và thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở Tân An Huy (huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Theo văn bản thông báo, Thanh tra TP.HCM cho biết, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 20/GPXD ngày 31/1/2013 có một số chỉ tiêu như tăng mật độ xây dựng, tăng tầng, tăng chiều cao và diện tích sàn, khi chủ đầu tư dự án Bệnh viện sản Nhi quốc tế Sài Gòn chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt, tại quyết định 425/QĐ-UBND ngày 13/9/2007 của UBND huyện Nhà Bè theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản 2506/UBND-VX ngày 31/5/2010.

Việc này là không đúng quy định, tại Khoản 1, Điều 65 của Luật Xây dựng năm 2003, quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng công trình trong đô thị: “Phù hợp với quy hoạch xây dựng tiết được duyệt”. Thanh tra TP.HCM đánh giá, trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng phòng cấp giấy phép xây dựng thuộc Sở Xây từng thời kỳ có liên quan.

Gần đây, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép xây dựng sai luật tại dự án Khu dân cư Lacasa phường Phú Thuận (quận 7), do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư.

Huyền Anh

—————-

Bất động sản (Dự án) 19-7-2021:

https://reatimes.vn/thao-dien-green-xay-chung-cu-tren-dat-cong-vien-20201224000005395.html

(244/1.902)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,383