2.802. “Hiệu ứng phụ” khi ngân hàng có nhiều quyền trong xử lý nợ

(TBTC) – Các ngân hàng được trao nhiều quyền trong công tác xử lý nợ một phần đã giúp cho tình trạng nợ xấu được cải thiện đáng kể, nhưng mặt khác việc này cũng có những “hiệu ứng phụ”.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đồ họa: Hồng Vân

Quyền lực của ngân hàng và VAMC

Việc  Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Luật về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng không chỉ đang nhận được sự quan tâm của các ngân hàng mà còn của cả nhiều chủ thể kinh doanh khác. Lý do là, cơ chế pháp lý về xử lý nợ xấu có ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng khác nhau: Bên cho vay, bên đi vay, các tổ chức trung gian, các tổ chức kinh doanh tài sản, các cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật…

Theo dự thảo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Luật về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao.

Một số quan điểm cho rằng, việc xây dựng văn bản Luật mới có thể thực hiện trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Lý do là trong thời gian áp dụng từ năm 2017, Nghị quyết số 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Điều này cũng mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được giới chuyên môn đề cập là việc trao cho các ngân hàng và VMAC nhiều quyền hơn so với các chủ thể khác trong xử lý nợ xấu cũng có những “hiệu ứng phụ”.

Chẳng hạn, Điều 12 Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng trước cả nghĩa vụ thuế. Đây cũng là một trong những vấn đề gây ra các vướng mắc trong thực tế thực hiện Nghị quyết 42.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện năm 2020 đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42 cũng có đề cập về vướng mắc liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo. Ngoài ra, một số vướng mắc khác cũng được báo cáo đề cập  như việc thu giữ tài sản đảm bảo, việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự…

Cần có cơ chế thúc đẩy thị trường mua bán nợ

Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, ông Châu Đình Linh, Giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong những giải pháp về mặt pháp lý thời gian tới là nên có các quy định khuyến khích sự phát triển của thị trường mua bán nợ.

Tuy nhiên, để thị trường mua bán nợ hoạt động linh hoạt thì phải có sự công bằng về quyền của các chủ thể tham gia thị trường. Chẳng hạn, nếu luật quy định cho ngân hàng và VAMC có nhiều quyền hơn các đối tượng khác trong việc xử lý nợ xấu như: Quyền thu giữ tài sản, quyền phát mại tài sản, quyền ưu tiên trong thanh toán… thì sàn mua bán nợ có mở ra cũng chỉ có thể có các giao dịch mua bán giữa các ngân hàng với nhau là chính, các chủ thể khác sẽ không muốn tham gia.

Trong khi đó, đối tượng của thị trường mua bán nợ thực tế có thể có rất nhiều tiềm năng. Ngoài các công ty chuyên hoạt động mua bán nợ thì theo đánh giá của ông Linh, các công ty và nhà đầu tư bất động sản cũng có thể là những khách hàng tiềm năng cho các ngân hàng bán nợ xấu. Bởi vì, các nhà kinh doanh bất động sản có thể rất quan tâm đến một số khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản, mục đích họ mua các khoản nợ xấu về để nhận quyền định đoạt đối với bất động sản. “Theo đó, nút thắt có thể được mở nếu quy định pháp luật cho phép mở rộng thêm quyền cho nhiều bên mua đối với các giao dịch nợ xấu, trên cơ sở xác định rõ bên mua thuộc phạm vi là những đối tượng được xác định bằng những điều kiện cụ thể”, ông Linh nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cũng đặt vấn đề theo một hướng mở rộng hơn là nên chăng Luật về Xử lý nợ xấu không chỉ nên bó hẹp việc xử lý nợ xấu trong phạm vi ngành Ngân hàng. Theo đó, việc xử lý nợ xấu được luật hóa trên phạm vi chi phối các vấn đề liên quan đến nợ xấu chung trong toàn bộ các hoạt động kinh tế và chi phối các đối tượng, các thành phần khác ngoài các ngân hàng và VAMC.

Theo quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, để thị trường mua bán nợ hình thành và hoạt động có hiệu quả, cần phải được đảm bảo về chủ thể tham gia thị trường (có người bán, người mua, người cung cấp dịch vụ hỗ trợ…). Pháp luật cũng có thể xem xét việc mở rộng đối tượng được mua nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua, bán nợ (như mô hình Malaysia, Hàn Quốc…).

177.288 tỷ đồng nợ xấu đã được thu hồi

Lũy kế từ năm 2013 đến giữa năm 2021, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã phối hợp cùng các tổ chức tín dụng xử lý nợ với giá trị thu hồi nợ đạt 177.288 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.984 tỷ đồng, bằng 65,42% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến giữa năm 2021.
Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến giữa năm 2021, VAMC cũng đã tổ chức đấu giá thành công 21 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.297 tỷ đồng.

Chí Tín

—————-

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 15-8-2021:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-08-15/hieu-ung-phu-khi-ngan-hang-co-nhieu-quyen-trong-xu-ly-no-109315.aspx

(92/1.259)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,904