2.817. Định nghĩa về sự giàu có và các “siêu ông chủ”

(DT) – Nguyễn Vũ Quốc Anh là người đăng ký vốn góp gần 21,7 tỷ USD để lập “siêu” doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng tại TPHCM hồi tháng 5. Công chúng vẫn rất quan tâm, liệu rằng đây là thật hay chỉ là để… “nổ”?!

Nhấn để phóng to ảnh

Qua một số lần livestream (quay video trực tiếp trên trang cá nhân) của người này, tới 99% khả năng là việc góp đủ vốn đăng ký bất khả thi. Thế nhưng, điều người viết quan tâm lại không phải là bao nhiêu khả năng là thật, có bao nhiêu cam kết, hứa hẹn trong tương lai.

Lấy ví dụ về “siêu doanh nghiệp” 128.000 tỷ đồng được phát hiện gần đây, thật ngán ngẩm khi đã đăng ký 4 năm rồi nhưng lại không có doanh thu, hóa đơn, mà tổng giám đốc lại bán tạp hóa, nhà trong xóm…!

Nói như LS Trương Thanh Đức, “Tỷ phú thừa tiền cũng không ai làm như vậy. Và nếu mức vốn điều lệ lớn hàng tỷ USD mà doanh nghiệp không làm gì trong 4 năm qua thì là vấn đề bịp bợm, chẳng giải quyết gì”.

Thực tế là thông tin về những “siêu” doanh nghiệp với nguồn vốn hàng tỷ USD đã liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây. Công chúng hết ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, bật ngửa… nhưng kết quả cũng chỉ là một tràng cười vô thưởng, vô phạt. Nếu không góp đủ, mức phạt chưa tới 20 triệu đồng, chi phí cho một lần “nổi tiếng” có thể nói không phải là quá đắt.

Vậy vì sao đây vẫn là nội dung thu hút sự quan tâm? Tạm để bên những vấn đề về việc lập công ty ma/vốn ảo để phục vụ hoạt động phi pháp như lừa đảo, rửa tiền… thì đây còn là hồi chuông cảnh báo về sự lên ngôi của những giá trị ảo trong đời sống kinh tế – xã hội. Ngay trên sàn chứng khoán – nơi được xem là môi trường đề cao minh bạch cũng đầy rẫy “bom xịt”.

Việc phát hành mới cổ phần để tăng vốn điều lệ được nhiều doanh nghiệp triệt để vận dụng, đặc biệt là trong hai năm trở lại đây. Doanh nghiệp có thể huy động thêm được khối lượng vốn lớn (lên tới hàng nghìn tỷ đồng) trong thời gian ngắn chỉ dựa vào sự tín nhiệm của nhà đầu tư. Đây là nguồn vốn rất quan trọng để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện thêm các dự án, mở rộng quy mô và nâng hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, không ít các “siêu” thương vụ đơn thuần chỉ là “phát hành… giấy loại”. Thị trường liên tục phải đón nhận thêm cổ phiếu “rác” nhưng doanh nghiệp lại sử dụng vốn không đúng mục đích hoặc hiệu quả sử dụng vốn rất kém (lợi ích rơi vào tay ai lại là vấn đề cần xem xét!).

Kể cả có dùng chiêu trò “đội lái” để thao túng cổ phiếu thì đến một lúc, thị giá cổ phiếu cũng sẽ trở về xoay quanh giá trị thật. Nạn nhân chính là những người đầu tư cả tin chi hàng trăm nghìn đồng cho một cổ phiếu để rồi “cháy tài khoản” khi cổ phiếu đó bị trả về mức giá trị sợi rau, cọng hành.

Thế mới nói, doanh nghiệp và doanh nhân gắn với những từ “khủng” hay “nhất” thì không hiếm, nhưng không phải doanh nhân, doanh nghiệp nào cũng có tầm vóc và được công nhận. Vậy việc gì phải lóa mắt với những thứ “mạ vàng”, phải choáng ngợp vì “thùng rỗng kêu to”?

Người kinh doanh có tầm vóc có thể không cần chiêu trò gì để đánh bóng tên tuổi nhưng công chúng đều biết đến họ và kính trọng họ, chính bởi mục tiêu mà họ hướng đến là giá trị cống hiến cho cuộc sống, cho người dân và cho đất nước. Giá trị đó được hiện thực hóa, hiện diện trong cuộc sống thường ngày.

Xin trích lại một số phát ngôn mà doanh nhân giàu nhất nước Phạm Nhật Vượng từng trao đổi với báo chí, cũng là những đạo lý căn bản mà nhiều nhà kinh doanh chân chính rất tâm đắc:

“Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”.

Vị tỷ phú này cũng cho biết: “Tôi không quan tâm đến chuyện đó” khi lọt vào top 500 người giàu nhất thế giới vào năm 2018. “Quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”.

Nếu các doanh nhân trẻ, những người khởi nghiệp trong quá trình thành lập và phát triển doanh nghiệp đều nung nấu khát khao cống hiến, tận tụy vì lợi ích của người tiêu dùng… tin rằng, đất nước hoàn toàn có thể hi vọng vào một thế hệ “doanh nghiệp giá trị”. Thay vì phí thời gian sống ảo, hãy cứ nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật và… ăn thật!

Bích Diệp

—————-

Dân trí (Blog) 30-8-2021:

https://dantri.com.vn/blog/dinh-nghia-ve-su-giau-co-va-cac-sieu-ong-chu-20210830032239150.htm

(46/907)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,791