2.827. Vì sao chỉ xử lý phạt SEVEN.am “cắt mác” Trung Quốc 170 triệu?

(DV) – Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, việc Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) xử phạt 2 công ty liên quan đến thương hiệu SEVEN.am 170 triệu đồng là đúng với các sai phạm đã xác định. Tuy nhiên, việc xử phạt khi chưa xác định được nguồn gốc, xuất xứ số sản phẩm bị “cắt mác” có thể dẫn đến việc, nếu phát hiện là hàng nhập khẩu sẽ không thể xử lý được tiếp.

Chiều 30/11, Tổng cục QLTT đã ra thông báo về kết quả xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang SEVEN.am của Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ.

Theo đó, Tổng cục QLTT quyết định phạt 110 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần MHA – chủ thương hiệu thời trang SEVEN.am và phạt Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ triệu 60 triệu đồng do nhiều vi phạm liên quan đến nhãn hàng.

Tuy nhiên, trong quyết định xử phạt của Tổng cục QLTT có nội dung, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan này chưa phát hiện có dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn theo phản ánh.

Nhiều cửa hàng thuộc hệ thống SEVEN.am đã hoạt động bình thường vào sáng 1/12.

Điều này, gây ra nhiều thắc mắc, nghi vấn trong dư luận, nếu không phải hàng nhập khẩu, vì sao SEVEN.am lại “cắt mác” sản phẩm? Việc cơ quan chức năng đưa ra quyết định xử phạt khi chưa xác định được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm liệu có “vội vàng”?

Trao đổi với Dân Việt, LS. Trương Thanh Đức cho biết, hình thức xử phạt như vậy là đúng với 5 hành vi phạm của 2 cty gồm:

“1. Sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định

2. Kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa

3. Kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc;

4. Kinh doanh hàng hóa không công bố hợp quy

5. Sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng”

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của LS.Trương Thanh Đức, hình thức, mức xử phạt trên áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Trong trường hợp phát hiện ra số sản phẩm của SEVEN.am là hàng nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý hành vi “cắt mác”, do sai phạm này đã bị xử phạt rồi.

“Nếu phát hiện ra hành vi cắt nhãn mác trên sản phẩm mà không xử lý là bao che. Nhưng trong trường hợp này, nếu chưa đủ bằng chứng, cơ sở như: hóa đơn, hợp đồng,… để chứng minh là hàng nhập khẩu, chỉ là mua trôi nổi ở đâu đấy hoặc mua ở trong nước. Sau đó, doanh nghiệp có hành vi cắt nhãn mác, không công bố hợp chuẩn thì xử lý  như vậy là hoàn toàn đúng.

Trong trường hợp này có 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, nếu là hàng nhập khẩu rồi cắt nhãn mác là 1 loại hành vi, hàng trong nước cũng là 1 loại hành vi, hai vấn đề sẽ khác nhau về mức độ.” Ls. Trương Thanh Đức cho hay.

“Nếu bây giờ phát hiện ra số sản phẩm đó là hàng nhập khẩu thì phải rút lại quyết định xử phạt cũ và áp dụng hình thức mới vì một hành vi không thể xử lý 2 lần. Hoặc sẽ phải xử lý những vấn đề gì mới như trốn thuế, khai báo hải quan,… chứ không thể xử lý hành vi “cắt mác” thêm lần nữa được.” Ls. Trương Thanh Đức nói.

Ngoài ra, Ls. Trương Thanh Đức phân tích thêm, hoạt động xử phạt hành vi sai phạm nhãn mác hàng hóa có thời gian hiệu lực nhất định. Do đó, trong trường này, việc xử lý hành vi khi chưa có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là “không ổn” nhưng vẫn phải làm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

“Đối với hành vi cắt, thay đổi thông tin nhãn mác, ví dụ đối với mặt hàng thực phẩm nếu sửa quá hạn thành còn hạn sử dụng thì phải xử lý ngay. Tuy nhiên, trong trường hợp này có vấn đề cần làm rõ, xác định xem có phải hàng nhập khẩu hay không? Việc xử phạt như vậy là không ổn?

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng có cái khó là nếu không xử lý thì sẽ hết thời hạn quy định. Nếu không xử lý ngay hành vi thay đổi nhãn mác sẽ nảy sinh bất cập, ví dụ như về sau không chứng minh được đó là hàng nhập khẩu, sai phạm nhãn mác cũng không xử lý sẽ dẫn tới bỏ lọt.” Ls. Trương Thanh Đức nhận định.

——————

Dân Việt (Kinh tế) 01-12-2019:

Vì sao chỉ xử lý phạt SEVEN.am “cắt mác” Trung Quốc 170 triệu? (danviet.vn)

(670/897)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,327