2.873. Đề án đấu giá biển số xe: Gỡ vướng pháp lý để khai thác “kho vàng” biển số xe

(TT)- Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, quyền mua bán biển số xe là hành vi bị cấm. Nếu như tới đây, khi mà việc đấu giá biển số xe được pháp luật cho phép, người dân sẽ được sở hữu biển số xe theo sở thích cá nhân, ngân sách sẽ có thêm nguồn tăng thu, và công tác quản lý Nhà nước về phương tiện vẫn được đảm bảo.

Đấu giá biển số xe sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người dân có sở thích chính đáng. Ảnh: QĐ

Từng thí điểm triển khai đấu giá biển số xe

Tính đến thời điểm này, câu chuyện đấu giá biển số xe không còn là vấn đề mới được các bộ, ngành chức năng mang ra bàn. Bởi trên thực tế, ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 127/TB-VPCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe ô tô.

Thời điểm năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Đến năm 2008, công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe.

Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Đơn cử, tại thời điểm đó đã ghi nhận một biển số “tứ quý” 9 ở tỉnh Nghệ An được bán với giá 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước là tài sản công; Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý Nhà nước. Chiểu theo các quy định nói trên, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công, nếu mang đấu giá phải thực hiện Luật Đấu giá tài sản.

Ngân sách tăng thu, người dân thỏa mãn lợi ích chính đáng

Tại Việt Nam, ô tô và xe máy hiện đang sử dụng biển 5 số. Thống kê cho thấy, tiêu thụ ô tô ở mức 400.000 xe/năm, có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. 2/3 trong số đó là xe ô tô đăng ký cá nhân, ngoài ra là gần 3 triệu xe máy/năm. Kho biển số có thể xem như một “kho vàng” nếu như pháp luật cho phép đấu giá biển số xe. Theo ý kiến từ các chuyên gia, cần có sửa đổi cơ sở về mặt pháp lý để phục vụ cho việc thực hiện đấu giá biển số xe. Điều này nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân cùng các bộ, ngành, địa phương.

Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cũng đang triển khai xây dựng đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá theo hai phương án.

Phương án 1, cho phép đấu giá biển số và sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành. Theo quy định hiện nay, thì biển số được gắn với phương tiện được đăng ký. Khi sang tên, đổi chủ, nếu chủ mới cùng trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì biển số đó vẫn được sử dụng. Nếu chủ mới ở ngoại tỉnh thì biển số sẽ thu lại, người dân đăng ký ở địa phương nào thì sẽ được cấp biển số tại tỉnh, thành phố đó (cấm mua bán, trao đổi biển số – PV).

Phương án 2, người trúng đấu giá biển số được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng, thế chấp. Tức là người sở hữu biển số đó khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho rằng, việc quan trọng nhất trong đề án thí điểm lần này, đó là tháo gỡ vướng mắc trong quy định của pháp luật về quyền của người trúng đấu giá đối với biển số.

“Nếu chỉ cho phép người trúng đấu giá sử dụng biển số theo phương tiện thì rất dễ cho công tác quản lý của cảnh sát giao thông. Nghĩa là khi mua bán, chuyển nhượng thì biển số đó sẽ theo phương tiện hoặc bị thu lại nếu chuyển nhượng ngoại tỉnh. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn đó là biển số trúng đấu giá được coi là tài sản để người dân có thể mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp… nghĩa là có đầy đủ quyền về tài sản đối với biển số đó” – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Theo luật sư Trương Thanh Đức thì đấu giá quyền tài sản nói chung, đấu giá biển số nói riêng chính là hình thức bán quyền tài sản. Các quyền tài sản đều có thể coi là loại tài sản thứ tư theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và được phép chuyển nhượng. Về bản chất, thì đó chính là việc cho phép mua bán các tài sản, chuyển giao quyền sở hữu. Người trúng đấu giá được giữ biển số, được chuyển lắp cho xe khác, được chuyển nhượng cho người khác, quyền được thế chấp và thừa kế. Việc pháp luật chấp nhận như vậy là điều hoàn toàn hợp lý, cần thiết, khả thi và không mâu thuẫn với các nguyên lý của pháp luật hay yêu cầu quản lý biển số của Nhà nước.

Ngoài ra, khi đấu giá cũng không có khái niệm biển số đẹp hay biển số xấu mà biển số theo nhu cầu của người dân. Trong kho số được đưa ra, người dân có quyền lựa chọn bất cứ số nào mình thích để tham gia đấu giá. Hình thức có thể là đấu giá bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu đấu giá do một đơn vị chuyên môn tổ chức hoặc đấu giá trực tuyến thông qua phần mềm. Trên cơ sở kho số, người dân lựa chọn, trả giá, khi hết thời gian thì phần mềm sẽ tự lọc ra người trả giá cao nhất. Những biển số không có người lựa chọn đấu giá, sẽ được quay về kho số để người dân không có nhu cầu đấu giá sẽ bốc ngẫu nhiên như hiện nay.

Như vậy, có thể nhận thấy nếu việc đấu giá biển số xe được triển khai trên thực tế, dù theo phương án nào thì cũng phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công, quản lý Nhà nước về trật tự xã hội. Còn cá nhân được thỏa mãn sở thích về biển số xe khi có nhu cầu trên tinh thần công khai, minh bạch, ngân sách tăng thu và người dân hưởng lợi.

 

Quang Đông

—————

Thanh tra (Đời sống) 08-10-2021:

https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/go-vuong-phap-ly-de-khai-thac-kho-vang-bien-so-xe-188874.html

(142/1.353)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,561