2.878. ABBank ‘đứng sau’ lô trái phiếu 800 tỷ của HTL Việt Nam: Liệu có dấu hiệu đảo nợ?

(VNB)Việc ABBank đứng ra là đơn vị thu xếp đợt phát hành trái phiếu cho HTL Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng liên tiếp đưa ra những cảnh báo về rủi ro liên quan đến ngân hàng “ôm” trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đã xuất hiện nghi vấn doanh nghiệp dùng trái phiếu để đảo nợ ngân hàng.

CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam (HTL Việt Nam) vừa phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 9,5%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) và ABBank.

HTL Việt Nam là ai?

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đầu tư, phát triển dự án khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 1 và 2, phía Đông đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Số tiền sử dụng đất phải nộp cho 2 lô đất này là 1.000 tỷ đồng, được chia thành 2 đợt nộp từ tháng 6 – 9/2021.

HTL Việt Nam – chủ đầu tư của dự án Gelexia Riverside được cho là có mối quan hệ mật thiết với Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền và ABBank.

Đây có thể là 2 lô đất trong đợt bán đấu giá 3 khu đất ký hiệu 1, 2, 3 của UBND tỉnh Phú Yên để thực hiện các dự án nhà ở tại khu vực phía đông đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa được tổ chức vào quý II/2021.

Trong đó, lô đất ký hiệu 1 (gồm 56 lô đất, diện tích 16.095,81 m2) có giá khởi điểm là 444,9 tỷ đồng; lô đất ký hiệu 2 (gồm 60 lô đất, diện tích 15.895,28 m2) có giá khởi điểm là 435,1 tỷ đồng; lô đất ký hiệu 3 (gồm 60 lô đất, diện tích 16.045,49 m2) có giá khởi điểm 442,48 tỷ đồng.

Ngoài các lô đất ký hiệu 1 và 2 do HTL Việt Nam trúng đấu giá, lô đất ký hiệu 3 nhiều khả năng đã thuộc về CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) – thành viên của CTCP Đầu tư Hải Phát (mã: HPX).

Cập nhật tới ngày 16/11/2017, HTL Việt Nam có quy mô vốn điều lệ 600 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Vũ Văn Hậu sở hữu 60% vốn điều lệ; ông Trần Nam Trung và bà Đặng Thị Bích Vân mỗi người sở hữu 20% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, ông Vũ Văn Hậu được biết đến là em trai của Chủ tịch Geleximco, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Vũ Văn Tiền. Ông Hậu cũng là cổ đông sáng lập, hiện đang giữ vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Geleximco.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của HTL Việt Nam hiện nay là ông Trần Đức Trường (SN 1990).

HTL Việt Nam là chủ đầu tư dự án chung cư Gelexia Riverside tọa lạc tại số 855 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án này có quy mô 3,5 ha, gồm 4 tòa nhà cao từ 31 – 33 tầng (gần 2.000 căn hộ), được khởi công xây dựng vào tháng 9/2016, tổng vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng.

Sự xuất hiện dày đặc của ABBank

Không chỉ đợt phát hành trái phiếu vừa qua, mà ABBank đã xuất hiện trong khá nhiều thương vụ của HTL Việt Nam. Có thể kể đến việc ngay sau khi sở hữu 2 khu đất của UBND tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp này đã thế chấp toàn bộ lợi ích kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất tại ABBank để đảm bảo cho các khoản vay.

Bên cạnh 2 dự án tại Phú Yên, ABBank còn cung cấp tài chính cho các dự án bất động sản khác của HTL Việt Nam. Có thể đến việc cuối năm 2019, HTL Việt Nam đã thế chấp toàn bộ quyền lợi hợp tác với Công ty Vạn Hương tại khu đảo Balboa thuộc dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) vào ABBank.

Đây là một siêu dự án lấn biển rộng 480ha được giới thiệu là dự án trọng điểm được tập trung nguồn lực tài chính nhân sự để phát triển tại Hải Phòng.

Ngoài HTL Việt Nam, ABBank còn là đơn vị thu xếp vốn cho “người có liên quan” Geleximco như dự án tòa nhà văn phòng PeakView Tower tại 36 Hoàng Cầu (Hà Nội). Chủ đầu tư Tân Hoàng Cầu đã thế chấp toàn bộ lợi ích kinh doanh khai thác của dự án để đảm bảo cho khoản vay tại ABBank.

Sau khi hoàn thành xây dựng, Tân Hoàn Cầu đã ký hợp đồng trao toàn bộ quyền quản lý tòa nhà cho Geleximco và nhận lại một khoản thu nhập cố định hơn 6,6 tỷ đồng mỗi tháng để thanh toán cho ABBank.

Trước đó, ABBank cũng là ngân hàng cung cấp tín dụng cho CTCP Đầu tư – Xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn (SCREC) để đầu tư dự án Khu dân cư Phú Mỹ rộng 35,5ha tại quận 7, TP.HCM. Khoản vay này được thế chấp bằng toàn bộ quyền lợi kinh doanh khai thác của dự án.

Tuy nhiên, một phần khoản vay đã bị quá hạn trong năm 2019 và SCREC không thể thanh toán dẫn đến việc giải ngân các đợt tiếp theo của dự án bị tạm dừng. Hiện, dự án này mới hoàn tất giải phóng mặt bằng khoảng 90% và đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng.

Trong khi ABBank cung cấp vốn cho SCREC, các công ty liên quan đến Geleximco đã âm thầm gom cổ phần của SCREC để sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần (gần 35%) đang trôi nổi bên ngoài của doanh nghiệp này.

Cụ thể, Công ty Geleximco Miền Nam từng nắm giữ 641.730 cổ phần và Công ty Geleximco Nam Sài Gòn từng nắm giữ 392.350 cổ phần của SCREC. Số cổ phần này đều được hai công ty trên thế chấp tại ABBank.

Nhìn vào quá trình vay nợ của HTL Việt Nam cùng các doanh nghiệp được cho là có liên quan tại ngân hàng “người nhà”, nghi vấn về một “liên minh đảo nợ” thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được đặt ra.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có dùng trái phiếu để đảo nợ ngân hàng hay không là câu chuyện lẩn khuất không dễ phát hiện. Việc kiểm soát thực trạng này sẽ càng khó khăn hơn nếu có sự bắt tay nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Trong một trao đổi với báo chí cách đây không lâu, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, thực chất việc sử dụng trái phiếu để đảo nợ cũng không dễ, bởi quan điểm quản lý của Ngân hàng Nhà nước cũng coi ngân hàng mua trái phiếu như một khoản cho vay và chịu các quy định về kiểm soát cho vay.

Tuy nhiên, việc đảo nợ bằng trái phiếu cũng không phải là quá khó nếu như ngân hàng và doanh nghiệp cố tình bắt tay nhau. Theo đó, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với mục đích sử dụng vốn khác với khoản tín dụng cũ, sau khi được giải ngân, tiền nếu “vòng” về ngân hàng sau một ngày thì có thể dễ lộ nhưng để vài tuần hoặc cả tháng thì việc kiểm soát sẽ khó hơn nhiều. Chưa kể “liên minh” đảo nợ sẽ thực hiện qua kết hợp của nhiều bên tham gia. Với hình thức này, tiền còn đi lòng vòng qua nhiều bên mới trở lại ngân hàng nên rất khó truy vết.

 

M.Khuê

—————

VNBusiness (Chứng khoán) 08-10-2021:

https://vnbusiness.vn/giao-dich/abbank-dung-sau-lo-trai-phieu-800-ty-cua-htl-viet-nam-lieu-co-dau-hieu-dao-no-1081619.html

(191/1.412)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,615