2.779. Cảnh báo mô hình đầu tư chung của nhóm NTeam: Mời gọi rót hàng nghìn USD, hứa hẹn lãi 15%/tháng nhưng bao tải tiền không thấy đâu, chỉ thấy tài khoản mất trắng

(DN&TT) – Theo luật sư, mô hình của NTeam đang biểu hiện rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chơi với em thì gần như tỷ lệ thua là không có, em biết cách chơi, điểm ra – điểm vào nên các anh chị an tâm. Bây giờ TCL đang chuẩn bị lên đến giá 5 USD nhé, và nó sẽ lên 10 USD, sau đó là 100 USD… Sắp tới TCL sẽ tăng rất mạnh nên quý vị chú ý nhé, chuẩn bị bao tải mà nhận tiền đi”, đây là một trong những lời mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư đồng TCL của nhóm NTeam.

TCL được nhóm này quảng cáo là cổ phiếu điện tử của công ty Techcapital Holding nhưng lại thể hiện dưới đồng coin. Người tham gia không thể tự mua bán mà phải thông qua nhóm NTeam với hình thức đầu tư chung.

Theo đó, muốn đầu tư tiền ảo TCL cùng NTeam, người tham gia phải chuyển tiền USD hoặc tiền VNĐ cho nhóm này. Sau đó nhóm sẽ bán cho nhà đầu tư đồng tiền TCL với quy đổi 1 TCL = 3-9 USDT tùy từng thời điểm, trong đó 1 USDT tương đương với 1 USD. Theo Nteam, số vốn đầu tư ban đầu sẽ bị khóa trong 15 tháng, hàng tháng được trả lãi 15% và trả bằng đồng TCL.

“Cái quan trọng không phải là nó sập mà là trước 15 tháng mình đã kiếm được 1 mớ rồi”, một người trong nhóm NTeam quảng cáo.

Ngoài ra, nhóm NTeam còn có nhiều chiêu trò tinh vi để dẫn dụ ngày càng nhiều người tham gia. Một trong những cách đó là cho người tham gia thắng vài lần đầu. Với lời hứa hẹn lợi nhuận cao, nhiều người không cần biết TCL là gì, tiền ảo hay cổ phiếu là gì, chỉ cần qua một buổi họp zoom online với NTeam đã đồng ý “rót tiền”. Tuy nhiên, bao tải đựng tiền không thấy đâu, chỉ thấy tài khoản gần như mất trắng.

Trả lời phóng viên VTV, một người phụ nữ cho biết vì ham lãi cao nên đã vay 200 triệu đồng để góp đầu tư chung với nhóm NTeam, toàn bộ số tiền đều được chuyển khoản bằng tiền VNĐ qua ngân hàng. Sau khi mua đồng TCL với giá đắt đỏ (3-9 USDT/TCL) thì khi rút tiền, đồng TCL chỉ có giá 0,2 USDT, tức mất giá trên 90% so với lúc mua vào.

“Họ bảo 1.000 USD thì họ trả 15% tiền lãi thì cũng ra được 2-3 triệu đồng/tháng nhưng rồi mình vào 7.000 USD, sau đó đem bán (TCL) thì tính ra chỉ được 200-300 ngàn đồng. Bây giờ tôi đang nợ người quen 7.000 USD, cầm cố đồ cho người ta, xong bây giờ không đủ tiền tôi phải đi lên Cao Bằng bán hàu nướng, súp cua. Không đủ đóng tiền lãi, không đủ tiền nuôi con luôn”, người phụ nữ này cho hay.

“9 tháng rồi mà vẫn không hoàn được gốc. Tổng số tiền tôi đầu tư giờ đã là 12.000 USD rồi”, một nhà đầu tư khác tiết lộ.

Thậm chí không ít người nhận lãi bằng TCL nhưng không thể rút ra vì quy định ví phải có tối thiểu 100 USDT mới được rút, phải nạp thêm tiền. Còn tiền vốn cũng phải sau 15 tháng mới được rút.

Hình ảnh được NTeam quảng cáo

Theo chuyên gia, một đồng tiền ảo có giá trị thì phải được giao dịch tại các sàn giao dịch coin lớn trên thế giới, còn TCL hiển nhiên không xuất hiện ở một sàn giao dịch nào ngoại trừ website mà chính NTeam cung cấp. Chưa kể, khi truy cập vào website của công ty Techcapital Holding mà NTeam giới thiệu thì chẳng rõ công ty này ở đâu. Website của NTeam hiện cũng không còn truy cập được.

Theo luật sư, các loại tiền ảo hiện không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra nhóm NTeam ngay từ ban đầu đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về 3-4 tháng sẽ hoàn gốc, rằng đồng TCL sẽ lên tới 100 USD, khiến nhà đầu tư tin tưởng và bỏ tiền vào.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi nhận định với VTV: “Trong trường hợp này có rất nhiều dấu hiệu vi phạm. Thứ nhất là đã tạo ra một sản phẩm sai trái, làm chiêu trò để lừa người khác. Thứ hai là đã cam kết hoàn toàn không đúng sự thật. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể yêu cầu pháp luật khởi tố điều tra, xử lý vụ này. Tất nhiên cái khó của các nạn nhân bây giờ là có thu hồi được tiền hay không, dòng tiền còn hay mất”.

Ngọc Diệp

—————-

Doanh nghiệp & Tiếp thị  (Kinh doanh) 15-7-2021:

https://cafebiz.vn/canh-bao-mo-hinh-dau-tu-chung-cua-nhom-nteam-moi-goi-rot-hang-nghin-usd-hua-hen-lai-15-thang-nhung-bao-tai-tien-khong-thay-dau-chi-thay-tai-khoan-mat-trang-20210715111109625.chn

(99/869)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,645