2.890. Vẫn còn tư duy không quản được thì cấm

(DĐDN) – Là thành viên trong Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC khẳng định Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp phiên bản năm 1999 đã thể hiện một bước tiến dài trong hành trình tiến đến một không gian kinh tế tự do hơn.

Là thành viên trong Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cũng như là luật sư chuyên tư vấn cho doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý, Luật Doanh nghiệp đã thay đổi quyền tự do kinh doanh như thế nào, thưa ông?

Luật Doanh nghiệp, đã chuyển từ quản lý hầu như bằng “giấy phép”, bằng cho phép đến quản lý bằng việc xác định “điều kiện kinh doanh”, bằng tự do kinh doanh. Diễn đạt ngắn ngọn thì là việc thay đổi từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”, tức là từ chỗ liệt kê cho phép được làm cái gì thì nay là chỉ cấm cái gì mà thôi, còn lại là được làm. Đây là bước chuyển dài để tiến tới một không gian kinh tế tự do hơn. Đồng thời các nội dung này cũng đã được chuyển hầu hết từ Luật Doanh nghiệp sang Luật Đầu tư.

Luật Doanh nghiệp đã được xây dựng với cách tiếp cận về quyền tự do kinh doanh theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp. Một điểm nổi bật là hướng tiếp cận mới liệt kê một số ngành nghề cấm kinh doanh, ngoài các ngành nghề này, mọi chủ thể đều có quyền kinh doanh.

Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thì cũng đã thống kê được tương đối cụ thể, rõ ràng, minh bạch 243 ngành, nghề trong một danh mục kèm theo Luật để dễ dàng nắm bắt và tuân thủ.

Tại Điều 7 về quyền của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rằng, doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Vậy luật cấm gì? Điều 6 của Luật Đầu tư năm 2014 cấm đầu tư kinh doanh trong 7 ngành nghề sau: kinh doanh ma túy; kinh doanh hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người và kinh doanh pháo nổ. Để làm rõ hơn giới hạn cấm này, Luật Đầu tư năm 2014 còn có 3 phụ lục liệt kê chi tiết danh mục chất ma túy; danh mục hóa chất, khoáng chất và danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cấm kinh doanh. Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, đây là lần đầu tiên một văn bản luật, nhưng lại có các phụ lục quy định chi tiết và tỉ mỉ như vậy.

Tiến bộ của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quyền tự do kinh doanh còn thể hiện ở việc đăng ký kinh doanh không cần ghi ngành nghề. Trước đây trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, tại Điều 9 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Điều luật này trói buộc doanh nghiệp trong những ngành nghề, mà các nhà làm luật của Nhà nước liệt kê ra và cho phép doanh nghiệp đăng ký. Suy cho cùng, đó là sự ban phát quyền kinh doanh từ Nhà nước, trái với quy định “công dân có quyền tự do kinh doanh” tại Điều 57 Hiến pháp năm 1992 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ việc quy định ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo Điều 29 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ còn 5 hoặc 6 (trước đây là 9) nội dung là: Tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin về người đại diện theo pháp luật; thành viên công ty (đối với Công ty TNHH); và vốn điều lệ (trừ doanh nghiệp tư nhân).

Như vậy, quyền tự do kinh doanh như trong Luật đã được đảm bảo. Nhưng vì sao hàng năm Chính phủ vẫn phải ra hàng loạt chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh?

Luật thì đã được cải tiến rất thông thoáng, nhưng thực thi lại là câu chuyện khác. Tôi được biết có những giấy phép mà để có thể xin được nó, người kinh doanh đã phải bỏ ra hảng tỷ đồng.

Thêm vào đó, các “điều kiện kinh doanh” hiện nay còn đang quá phức tạp và trở thành rào cản đối với những ai muốn khởi nghiệp và gia nhập thị trường. Tinh thần cải cách mạnh mẽ của Luật Doanh nghiệp không được kế thừa khi xây dựng các Luật, nghị định và thông tư chuyên ngành liên quan đến doanh nghiệp. Vẫn còn tư duy không quản được thì cấm mà điển hình là đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua.

Cùng với đó, những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, trong đó có cả Luật Doanh nghiệp cũng là rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh.

Hiện tại, Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến. Vậy dự thảo Luật lần này cần phải khắc phục những vấn đề như trên như thế nào, thưa ông?

Tôi hiểu rằng, Ban soạn thảo đã rất nỗ lực nhưng công bằng mà nói việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2020 còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu. Điều này, sẽ dẫn đến nguy cơ Luật còn phải sửa đổi nhiều lần nữa rồi phá vỡ tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Để những sửa đổi trên đi vào thực chất, ban soạn thảo cần thay đổi một cách căn bản quan điểm khi sửa Luật.

Luật đã bỏ hoàn toàn việc ghi nhận ngành, nghề đầu tư, kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng cần phải bỏ hẳn việc vẫn phải kê khai, thông báo ngành, nghề tự do kinh doanh, vì thực chất thì vẫn là duy trì việc đăng ký hoàn toàn không cần thiết, kể cả việc thống kê, vì doanh nghiệp sẵn sàng thông báo toàn bộ vài nghìn ngành, nghề. Ngành, nghề tự do kinh doanh chỉ có ý nghĩa pháp lý và cần quản lý khi doanh nghiệp tiến hành kinh doanh thực tế thông qua quản lý hóa đơn, chứng từ, kế toán, tài chính, báo cáo, thống kê.

Chỉ cần giữ lại việc thông báo ngành nghề, kinh doanh có điều kiện, thậm chí vẫn cần ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kinh doanh) như trước đây.

Về chủ thể kinh doanh, cần loại bỏ hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân, công ty kinh doanh đến một quy mô nhất định theo Luật doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh rất nhỏ lẻ theo Bộ luật Dân sự. Bởi hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là và phải là doanh nghiệp tư nhân. Nếu tiếp tục thừa nhận chủ thể hộ kinh doanh, thì cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận loại hình doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm vô hạn nhưng lại có nhiều thành viên, trái ngược với nguyên lý cơ bản. Tất nhiên, phải quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế, không cần báo cáo tài chính, không có nhân viên kế toán.

Về loại hình công ty, bản chất pháp lý và nguyên lý quản trị, điều hành giữa hai loại công ty TNHH và cổ phần là như nhau (đều là công ty đối vốn và chịu trách nhiệm hữu hạn như nhau), nhưng pháp luật hiện nay lại được quy định rất khác nhau không hợp lý, không phù hợp với thực tế. Thật vô lý khi công ty cổ phần chỉ gồm 3 người là vợ, chồng và con thì phải có hội đổng quản trị, trong khi công ty TNHH 50 thành viên lại không. Vì vậy, cần thay đổi từ tên gọi và yêu cầu về quản trị, điều hành giống nhau, chỉ phân biệt theo quy mô từ đơn giản đến phức tạp từ 1, 2, 3, 11 đến 100 thành viên trở lên. Chẳng hạn dưới 11 thành viên hạn chế chuyển nhượng vốn, từ 11 thành viên trở lên phải có hội đổng quản trị, từ 100 thành viên trở lên đòi hỏi theo công ty đại chúng.

Một loạt vấn đề khác cũng cần phải bỏ hoặc thay đổi theo hướng khác hoàn toàn như: Bỏ quy định về ghi nhận vốn điều lệ trên đăng ký kinh doanh; bỏ quy định về người đại diện theo pháp luật như lâu nay để thay thế bằng quy định đại diện pháp lý; bỏ quy định bắt buộc phải có kế toán trưởng; bỏ quy định bắt buộc phải có ban kiểm soát. Và cuối cùng, là bỏ hẳn các quy định bắt buộc về con dấu và đóng dấu doanh nghiệp.

Huyền Trang thực hiện.

Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) 19-02-2020:

 (1.682).

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,532