2.894. Nợ gần 100 triệu vì vay 8 triệu đồng qua app

(LĐ) – Nhiều chiêu thức của các ứng dụng (app), website cho vay tiền online tiếp tục diễn ra phức tạp thời gian qua. Sự biến tướng và nở rộ của dạng tín dụng đen này đang bủa vây người dân và đòi hỏi xử lý mạnh mẽ của cơ quan chức năng. 

Rơi vào bẫy nợ 

Với mục đích trang trải cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh, chỉ trong khoảng 4 tháng từ đang vay của 1 app vay tiền, anh N.T.H (nhân viên quán ăn ở Hà Nội) đã vay tới 16 app khác nhau như Cashwagon, Tubevay, Vinvay, Minivay, Wetien, NowC, Vayday, YoYo, Cashdone, Vndong, Andvay, Openvay…

“Ban đầu, tôi định vay 8 triệu đồng của app Cashwagon nhưng khi đến hạn, chưa có tiền thanh toán thì nhân viên của app này đã giới thiệu tôi nên vay ở các app khác để bù vào trả nợ. Sau 3 tháng, lãi mẹ đẻ lãi con, từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng, đến nay tôi đang phải gánh một khoản nợ gần 100 triệu đồng, với số tiền lãi tăng theo cấp số nhân hàng ngày” – anh H cho hay.

Những website hay app vay trực tuyến đều có điểm chung là thủ tục hết sức đơn giản, vay siêu tốc. Ảnh: Đ.T.

Điều đáng nói, các ứng dụng, website cho vay tiền có thủ tục rất nhanh gọn, đánh trúng vào tâm lý cần tiền nhanh của người dân.

Mất việc làm do dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị H (SN 1980, Hà Nội) đối mặt với hàng loạt khó khăn khi không còn nguồn thu nhập, buộc phải liều mình tìm dịch vụ vay nóng trên mạng.

Sau khi lần mò khắp các hội nhóm, chị H được giới thiệu về một dịch vụ cho vay nhanh, không cần tài sản đảm bảo thông qua website có địa chỉ cash24.vn.

Nói về các thủ tục vay tiền ở đây, chị H cho biết là hết sức nhanh gọn. Chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân, số điện thoại tham chiếu người thân là đã đủ điều kiện. Theo phản ánh, trên trang cash24.vn này, tuỳ mỗi khoản vay từ 10 triệu đồng, người dân phải chịu mức lãi từ 20% mỗi tháng và liên tục sẽ bị “hỏi thăm” người thân, bạn bè nếu không trả lãi đúng hạn.

“Trước 1 đến 3 ngày đến hạn, bên cho vay sẽ cho đòi nợ bằng cách điện thoại hoặc nhắn tin liên tục. Trường hợp người vay không nghe điện thoại, trễ hẹn trả nợ, bên cho vay sẽ liên tiếp uy hiếp bằng việc vu khống cho nạn nhân là trốn nợ, đăng truy nã lên mạng xã hội hoặc hù dọa sẽ quấy rối người thân và bạn bè của con nợ” – một độc giả nói với PV Lao Động về tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố của một số app cho vay tiền.

Nhiều chiêu thức mới 

Gần đây, nhiều chiêu thức mới trong hoạt động cho vay tiền online diễn ra phức tạp. Cuối tháng 10, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã triệt phá một đường đây cho vay nặng lãi, tín chấp bằng ảnh khiêu dâm.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thông qua tài khoản cá nhân trên trang web mecash.vn, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỉ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỉ đồng.

App vay tiền biến tướng trở thành một dạng tín dụng đen. Ảnh: T.L.

Trong khi đó, về lãi suất, ở một số nền tảng khác dù quảng cáo cho vay 10 triệu đồng với lãi suất 0% trong 10 ngày. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, người dùng mới tá hỏa khi thấy thời hạn phải thanh toán rút xuống còn 3 – 4 ngày. Với chính sách mập mờ, nếu thanh toán chậm hoặc vi phạm quy định thì người dùng sẽ bị cộng dồn nợ, thậm chí mất cả trăm triệu đồng khi vay tiền qua app online.

Chưa hết, hiện nay còn xuất hiện tình trạng giả mạo các tổ chức tài chính công nghệ (Fintech) để lừa đảo khách hàng. Vừa qua, một Fintech trong lĩnh vực thanh toán điện tử đã phải đưa ra cảnh báo về tình trạng này.

“Các đối tượng lợi dụng uy tín của đơn vị và thông báo cho vay tín dụng cá nhân, sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả, download app giả mạo, nhập thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào 1 tài khoản cá nhân chỉ định để chứng minh thu nhập và chiếm đoạt tài sản” – phía đơn vị này cho hay.

Theo đó, với chiêu thức này, rủi ro bị đánh cắp thông tin ngân hàng, các thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền mà mà nạn nhân không hề biết.

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc điều hành tại Công ty Luật ANVI) người dân nên cẩn trọng với những app trực tuyến cho vay quá dễ dàng.

Bởi không có Fintech hay ngân hàng nào cho vay qua mạng với những thủ tục đơn giản như vậy. Chưa kể, việc yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính lại càng sai, đó có thể là hành vi lừa đảo. Chuyên gia pháp lý khuyến cáo, khi cần vay tiền, người dân nên đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng để tránh các rủi ro có thể gặp phải. 

 

ĐÌNH TRƯỜNG

—————

Lao động (Thị trường) 31-10-2021:

https://laodong.vn/thi-truong/no-gan-100-trieu-vi-vay-8-trieu-dong-qua-app-969152.ldo?

(115/999)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661