2.902. Vượt thách thức lớn để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ

(VNB) – Cơ hội từ hoạt động thương mại ở thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, song để tận dụng tốt lại là thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn hàng lớn, yêu cầu kỹ thuật khắt khe về chất lượng, môi trường, phòng vệ thương mại… sẽ là các yếu tố “cản đường” hàng Việt tiếp cận và gia tăng thị phần ở thị trường này.

Việc dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tại Hoa Kỳ, với chỉ số kinh tế và tiêu dùng có sự phục hồi mạnh sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cơ hội song hành với thách thức

Tại Diễn đàn Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới diễn ra chiều ngày 16/11, ông Nguyễn Thắng Vượng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm nay đạt 73 tỷ USD, dự báo cả năm đạt 100 tỷ USD.

Người Mỹ rất ưa chuộng sản phẩm giày dép của Việt Nam.

Ông Vượng đánh giá: “Hoa Kỳ là thị trường có sức tăng trưởng số một của Việt Nam, do đó tới đây cần có những định hướng tập trung vào một số ngành có triển vọng dài hạn như năng lượng, hàng không, hạ tầng… tạo động lực phát triển”.

Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ cũng có những thách thức không nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhìn nhận quan hệ ngày càng sâu rộng với đối tác lớn mạnh hơn chúng ta như Hoa Kỳ thì thách thức sẽ càng lớn.

Cụ thể, thách thức thứ nhất, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có chính sách kế thừa chọn lọc của Tổng thống Trump trong việc tạo áp lực lớn tới các đối tác trong quá trình đàm phán thì Việt Nam sẽ có những lưu ý cần phải theo dõi thận trọng.

Bên cạnh đó, trong quan hệ song phương của Việt Nam và Hoa Kỳ, có khoảng cách giữa yêu cầu và khả năng đáp ứng, do đó cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, trong quá trình đàm phán các hiệp định, Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại đang hưởng lợi từ các bất ổn toàn cầu, vì vậy cần tính toán kỹ lưỡng và cân đối khi giao thương hai nước.

Từ góc độ doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ năm nay kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD ở thị trường Hoa Kỳ.

Một số trở ngại gây thách thức cho doanh nghiệp như cước vận tải tăng mạnh, tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, ông Hoài tin rằng những vấn đề này chỉ là tạm thời, nếu nỗ lực thì không có gì là khó khăn với các doanh nghiệp.

Hiện, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Hoa Kỳ. Do vậy, ngành gỗ kỳ vọng sẽ sớm cán mốc đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD mỗi năm trong thời gian tới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam chỉ ra rất nhiều cơ hội lớn với ngành giày dép Việt Nam, như: một người Mỹ tiêu thụ trung bình hơn 6 đôi giày dép một năm. Hiện, ngành da giày Việt Nam là thị trường lớn thứ hai sau Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Trong năm 2020, đã có 453 triệu đôi giày dép của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

“Vừa rồi, khi Việt Nam mở cửa trở lại sản xuất, doanh nghiệp giày dép của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ thông qua Thương vụ, khách hàng liên hệ đặt hàng từ Việt Nam, cũng như một số đơn hàng cũng đã được dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam”, bà Xuân cho biết.

Chủ động trong hợp tác

Tuy vậy, thách thức ở thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Bà Xuân dẫn chứng, thị trường Hoa Kỳ với hơn 300 triệu dân nên đơn hàng rất lớn, chỉ có doanh nghiệp có đủ năng lực thì mới đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, thị trường này cũng ra yêu cầu cao về trách nhiệm xã hội, chứng chỉ chất lượng. Người Hoa Kỳ chỉ tiêu dùng sản phẩm có thương hiệu, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thông qua các nhãn hàng nổi tiếng để xuất hiện tại thị trường này.

“Chúng ta cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, phát triển chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi logistics”, bà Xuân khuyến nghị.

Liên quan tới thách thức logistics, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tổng Giám đốc Công ty T&M Forwarding cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quy định ngặt nghèo cả về hàng không và vận tải biển trong vấn đề cấp phép cho các doanh nghiệp.

Thị trường này trong thời gian qua có nhiều trở ngại khó khăn trong vấn đề vận tải biển và đứt gãy chuỗi cung ứng đang cần được giải quyết. Cước vận tải biển từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gấp 5-6 lần, tàu đến muốn dỡ hàng thì phải đợi 1 tháng, và đợi thêm 1-2 tuần mới có xe tải đưa hàng đến điểm tiêu thụ.

Vì vậy, ông Khoa cho rằng, hợp tác logistics rất quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng đến năng lực của các doanh nghiệp, đào tạo về chuyển đổi số. Và hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực này.

Đáng chú ý, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần giữ tâm thế thượng tôn pháp luật khi giao thương với Hoa Kỳ. Để đối phó với phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật và các hiệp định thương mại về phòng vệ thương mại…

Mặt khác, doanh nghiệp cần cân nhắc khi nhận trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh xuất khẩu giá thấp, nhất là sự mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Đặc biệt, doanh nghiệp không tiếp tay xuất nhập khẩu cho hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ mờ ám, đội lốt, không rõ ràng.

Lê Thúy 

———–

VietnamBusiness (Tiêu điểm) 17-11-2021:

https://vnbusiness.vn/viet-nam/vuot-thach-thuc-lon-de-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-vao-thi-truong-hoa-ky-1082311.html

(140/1.235)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924