2.909. Chứng khoán phái sinh quốc tế: Miếng pho mát trong bẫy chuột (Bài 2) – Rủi ro giao dịch “lách luật”

(ĐTCK) Hàng nghìn nhà đầu tư đang bị bủa vây bởi những lời mời chào hấp dẫn từ chứng khoán phái sinh quốc tế, hàng chục triệu USD có thể đang âm thầm chảy ra khỏi Việt Nam, với một thị trường hư hư thực thực và khoảng trống pháp lý…

Bài 2: Rủi ro giao dịch “lách luật”

Không chỉ chịu rủi ro lớn từ biến động thị trường, hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế còn chịu rủi ro pháp lý, do quy định hiện hành chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính.

Dòng tiền đầu tư phải “ẩn danh”

Trong vai một nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán đã tiếp cận một người xưng là nhân viên tư vấn đầu tư của Alfa Media.

Theo hướng dẫn của người này, để tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, nhà đầu tư cần nạp tiền từ tài khoản ngân hàng nội địa Việt Nam sang tài khoản đầu tư thông qua bốn cách: nạp trực tiếp bằng thẻ Visa, Master; nạp Internet Banking qua ATM của ngân hàng; nạp trực tiếp tại quầy giao dịch ngân hàng vì tài khoản giao dịch có liên kết với tất cả các ngân hàng ở Việt Nam hoặc nạp trực tiếp thông qua ví Ngân Lượng.

Ngược lại, khi muốn rút ra thì tiền sẽ được chuyển về thẻ ATM của nhà đầu tư, hoặc chuyển về thẻ Visa Debit có chức năng nhận tiền.

Nhân viên tư vấn trên khẳng định, mọi hình thức nạp và rút tiền của nhà đầu tư đều thông qua ngân hàng nội địa tại Việt Nam, có hóa đơn in sao kê hoặc hóa đơn điện tử xác nhận của ngân hàng gửi về email cá nhân. Tài khoản đầu tư liên kết với tất cả các ngân hàng nội địa Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, VPBank, SHB, MSB, ABBank, BIDV…

“Chỉ cần chuyển tiền trong ngày, đến tối là chị đã có thể giao dịch”, người này nói.

Ðường đi của dòng tiền đầu tư được anh Nguyễn Văn Huấn, người từng “đánh” CFD mô tả: Các sàn giao dịch đều mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, có tài khoản ngân hàng để mở cổng thanh toán thông qua đơn vị trung gian thanh toán.

Nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản tại đơn vị trung gian thanh toán và nạp tiền vào đó là có thể giao dịch chứng khoán phái sinh quốc tế.

Giả sử nhà đầu tư muốn nạp 500 USD vào tài khoản, công ty cung cấp dịch vụ CFD sẽ thông báo nộp số tiền 11,65 triệu đồng (quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại thời điểm đó – PV).

Ðến khi cần rút tiền, lại làm các thao tác thiết lập tài khoản và tiền sẽ về tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư.

Một nhà đầu tư kể, anh được hướng dẫn chuyển tiền từ VIB sang tài khoản Ngân Lượng với nội dung “nộp tiền cho phiếu thu…”. Còn một nhà đầu tư khác thì cung cấp sao kê giao dịch nạp 23 triệu đồng qua thẻ Master Card của SHB với nội dung mua hàng hóa/dịch vụ từ Ngân Lượng online.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao các nội dung chuyển tiền mà nhà đầu tư được hướng dẫn lại chuyển qua Ngân Lượng và không ghi cụ thể lý do chuyển tiền là nhằm đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế mà phải ẩn danh là giao dịch online hoặc chuyển tiền cho phiếu thu X, Y, Z…?

Và những giao dịch chuyển tiền để đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế như trên có hợp pháp và được pháp luật Việt Nam bảo vệ?

Cũng theo lời nhân viên Alfa Media, hiện công ty này đang hỗ trợ cho hàng nghìn nhà đầu tư với giá trị giao dịch lên tới cả triệu USD mỗi ngày.

Sau cổ phiếu MMM, những ngày này, họ đang tập trung mời chào nhà đầu tư bỏ vốn vào CFD cổ phiếu Coca – Cola với mức giá 3 USD/CFD. Thông tin đưa ra là tập đoàn nước giải khát quốc tế này sắp chia cổ tức 0,41 USD/cổ phiếu.

Rủi ro kép với nhà đầu tư

Tìm hiểu của nhóm phóng viên cho thấy, Thông tư 105/ TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ 15/8/2016 quy định, chỉ có các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mới được đầu tư ra nước ngoài.

Các công ty chứng khoán được đầu tư tối đa 30% vốn chủ sở hữu vào chứng khoán quốc tế; công ty quản lý quỹ được đầu tư 20% vốn chủ sở hữu, còn các quỹ đầu tư tại Việt Nam được đầu tư 20% giá trị tài sản ròng trên thị trường ngoại.

Trong khi với nhà đầu tư cá nhân, ngoại trừ mục đích khám chữa bệnh hoặc chu cấp cho con em du học, pháp luật ngoại hối Việt Nam hiện nay chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính.

Liệu các ngân hàng và Ngân Lượng có biết, các giao dịch chuyển tiền đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế là giao dịch chưa được cho phép?

Tiền nạp vào tài khoản đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế được ẩn danh dưới việc thanh toán cho phiếu thu, thanh toán mua hàng hóa.

Nếu những giao dịch này là bất hợp pháp, ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư? Bởi nếu các giao dịch này vi phạm pháp luật, khi có tranh chấp xảy ra, chắc chắn nhà đầu tư sẽ nắm đằng lưỡi vì giao kết có thể bị tuyên vô hiệu.

“Khi đầu tư theo hướng này, ngoài rủi ro rất lớn về thị trường, nhà đầu tư còn chịu thêm rủi ro lớn về pháp lý, vì hầu như hoạt động ở trong nước là chưa được phép, còn hoạt động ở nước ngoài thì pháp luật Việt Nam gần như không bảo vệ được trong trường hợp có tranh chấp, rủi ro xảy ra”, luật sư Trương Thanh Đức nhận xét.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, giao dịch thông qua sàn sử dụng hình thức hợp đồng chênh lệch (CFD), thay vì mua chứng khoán trực tiếp của nước sở tại tại Việt Nam là những trường hợp biến tướng theo hướng “lách luật”.

“Thực chất, hợp đồng CFD không phải mua cổ phiếu, do đó, nếu sàn đóng cửa thì nhà đầu tư sẽ mất tiền. Thậm chí, dù nhà đầu tư có thắng chăng nữa vẫn tồn tại rủi ro không rút được tiền, bởi nhà cái (chủ sàn không uy tín) ôm tiền bỏ chạy”, ông Khánh cảnh báo.

Cũng theo vị chuyên gia này, tỷ lệ đòn bẩy cao vừa là điểm thu hút vừa là rủi ro đối với nhà đầu tư, bởi thị trường chỉ cần biến động nhỏ cũng có thể tác động mạnh đến tài khoản của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư không có quyền lựa chọn việc sử dụng margin hay không vì đây gần như là bắt buộc khi tham gia hình thức này.

Phóng viên đã gọi điện đến với Công ty Alfa Media theo đường dây nóng, tuy nhiên người này từ chối trả lời và nói “vấn đề này phải trao đổi với lãnh đạo Công ty”, song cũng không cung cấp thông tin liên hệ.

Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho một số đơn vị trung gian thanh toán hoạt động, song với các giao dịch mà pháp luật chưa có quy định, ví dụ việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư tài chính, nhiều người băn khoăn liệu giao dịch trên có hợp pháp?

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, pháp luật hiện hành đã có các quy định cụ thể về các giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ giữa cá nhân, pháp nhân tại Việt Nam. Theo đó, việc chuyển ngoại tệ qua ngân hàng hay việc mang ngoại tệ qua               biên giới chỉ được thực hiện khi pháp luật cho phép. Tuy nhiên, với các giao dịch, thanh toán ngoại tệ xuyên biên giới, nhất là qua các phương thức giao dịch điện tử của cá nhân với nước ngoài thì gần như còn bị bỏ trống.

Nhóm phóng viên

—————————–

Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 03-3-2020:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chung-khoan-phai-sinh-quoc-te-mieng-pho-mat-trong-bay-chuot-bai-2-rui-ro-giao-dich-lach-luat-316711.html

(170/1.520)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại...

(VNB) Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại VNG có bất thường? (VNB) -...

Trích dẫn 

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần...

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần hài hòa lợi ích để phát...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,117