2.943. LS. Trương Thanh Đức: “Đề nghị phạt lại ngành thuế lãi suất 18%/năm vì thu sai”

(BĐS) – Nếu chứng minh được rằng đầu ra đầu vào của doanh nghiệp “nhập nhèm”, có yếu tố trốn thuế, hoặc, bóc tách để chỉ ra được từng đồng, chỗ nào là trốn thuế, là chuyển giá, là sai… thì doanh nghiệp phải chấp nhận các khoản thu theo Nghị định 20, còn không, thì Bộ Tài chính cần hồi tố để tránh bất công với doanh nghiệp.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu, nhưng đây là thu sai, doanh nghiệp không chuyển giá, không ăn bớt, do đó cần phải sửa và khắc phục tận gốc.  

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC

Trăm dâu vẫn đổ đầu… doanh nghiệp

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 1/5/2017, được đặt ra nhằm mục đích chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp liên kết, doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chưa kịp đạt được mục tiêu đặt ra, khoản 3 Điều 8 của Nghị định đã trở thành “sợi dây” trói chặt, kìm hãm sự phát triển, mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước do “chống chuyển giá nhầm”.

Với hàng ngàn tỷ đồng thuế thu sai từ năm 2017 đến nay, không ít doanh nghiệp trong nước đang lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều, trong khi trách nhiệm nộp thuế vẫn phải thực hiện đầy đủ.

Hai điều mong mỏi nhất của doanh nghiệp trong các kiến nghị sửa đổi Nghị định 20 là nội dung tăng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% EBITDA và cho phép hồi tố áp dụng Nghị định sửa đổi đối với các năm 2017, 2018, đồng thời chi phí lãi vay không được trừ được chuyển tiếp sang các kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng không quá 5 năm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn, tê liệt nền kinh tế, doanh nghiệp lâm vào cảnh “khó chồng khó” như hiện nay, thì mong mỏi ấy lại càng cần thiết và có lý hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, sau hàng loạt kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở 3 lần với tinh thần “vướng đến đâu gỡ đến đấy” Bộ Tài chính vẫn lòng vòng trong một mớ bòng bong.

Mới đây nhất, sau khi xin ý kiến Bộ Tư pháp và nhận câu trả lời rằng, việc hồi tố đối với trường hợp này không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 20 với nội dung nâng trần chi phí lãi vay lên 30% EBITDA và không cho hồi tố áp dụng đối với năm 2017, 2018. Sau đó, mặc dù đa số các thành viên Chính phủ đều đồng ý cho phép hồi tố áp dụng đối với các năm 2017, 2018 khi sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định: “Nội dung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 vốn dĩ sai từ cơ bản, không có chuyện nâng trần chi phí lãi vay lên 30% EBITDA là hợp lý hay không, theo tôi, phải bỏ điều khoản này, giống như việc bỏ trần chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp trong năm 2015”.

Theo luật sư Đức, việc nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% EBITDA của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 20 tương tự với việc nâng trần chi phí quảng cáo, khuyến mại… từ 10% lên 15% đối với doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2007[1], nhưng, sau đó, Chính phủ đã gỡ bỏ mức trần khống chế này vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây là các khoản chi phí phát sinh thực tế, hợp pháp, hợp lệ của doanh nghiệp thì cần phải được chấp nhận được tính vào chi phí được trừ. Thứ hai, quy định áp trần bất hợp lý dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải gian dối, đối phó thay vì làm đúng, chi thật. Thứ ba, bản chất khoản chi của doanh nghiệp này cũng chính là khoản thu của doanh nghiệp khác, không phải là sự thất thoát, nên áp trần là không hợp lý.

Luật Doanh nghiệp 2007 quy định: Áp trần chi phí quảng cáo của doanh nghiệp là 10% tính trên tổng chi phí khấu trừ.

Sau đó, trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung, chi phí quảng cáo được nới trần từ 10% lên 15%. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản đối vì mức 15% vẫn chưa cởi trói cho họ trong quá trình hoạt động quảng cáo.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014 quy định: “Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng… nếu vượt quá 15% tổng số chi được trừ, doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí kinh doanh để trừ đi thu nhập chịu thuế“.

Ở thời điểm áp dụng, cách áp đặt trần cứng nhắc này đã gây sức ép lên cộng đồng doanh nghiệp vốn đang vật lộn trong khó khăn suốt thời gian trước đó.

Trước kiến nghị từ doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, từ ngày 1/1/2015, mức trần khống chế 15% đối với tất cả các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại của doanh nghiệp chính thức được gỡ bỏ.

“Do gần như không kiểm soát được chính xác các chí phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến phía nước ngoài, nên pháp luật các nước nói chung, Việt Nam nói riêng buộc phải đặt ra giới hạn để kiểm soát, tránh gian lận, dẫn đến thất thu thuế của nước sở tại. Tuy nhiên, ngay cả việc đã đặt ra giới hạn này, cũng vẫn còn phải thực hiện nhiều giải pháp khác thì quy định này mới có ý nghĩa trên thực tế”, luật sư Đức phân tích.

“Nếu doanh nghiệp làm sai, có dấu hiệu trốn thuế thật, thì 1 đồng cũng phải thu”, luật sư Đức khẳng định. Nhưng, thay vì “đánh” vào các doanh nghiệp nước ngoài có quan hệ liên kết thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước lại phải chịu tác động của Nghị định 20. Bởi vậy mà Nghị định 20 còn được gọi là “nghị định chống chuyển giá nhầm”.

Bài học nhãn tiền cho câu chuyện “giết nhầm còn hơn bỏ sót” của Bộ Tài chính là việc tăng tới 500 tỷ đồng tiền thuế phải nộp đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do áp dụng Nghị định 20. Và, con số thuế thu sai ấy không đi đâu khác mà lại dồn lên giá điện, dẫn đến tăng giá điện để bù lỗ cho EVN, để rồi người chịu thiệt, chịu “oan sai” cuối cùng lại là người dân.

“Con số 500 tỷ đồng thuế phải thu tăng lên đối với EVN mà nói, không phải EVN muốn chuyển giá, hay Tập đoàn thuộc Nhà nước lại có ý đồ gì với “túi tiền” của chính họ? Chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới là nhóm có mục đích chuyển giá, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ có thể là nhầm lẫn về kỹ thuật với các con số về thuế. Nhưng như trường hợp của EVN, số thuế phát sinh phải nộp tăng do quy định tại Nghị định 20 khiến Tập đoàn này thua lỗ và cuối cùng đã phải tăng giá điện để giảm lỗ”, ông Đức cho hay.

Vậy là trăm dâu lại đổ đầu… doanh nghiệp và người dân.

“Bản thân Bộ Tài chính cũng cực kỳ mâu thuẫn trong việc hồi tố”

Mặc dù đa số các thành viên Chính phủ đồng ý cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 khi sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20, nhưng trong tờ trình mới nhất, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm “không hồi tố” với những nguyên nhân như đã trình bày trước đó.

Trước hết là vướng về nhóm đối tượng, theo đó, nghị định hướng đến chỉ là một nhóm nhỏ, không ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, nên cần cân nhắc việc hồi tố.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho hay: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau: “1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

Qua rà soát, Bộ Tài chính thấy dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, việc áp dụng hồi tố cần được cân nhắc”.

Ảnh minh họa.

Lý do đầu tiên Bộ Tài chính không cho hồi tố là do đối tượng điều chỉnh chỉ rơi vào một nhóm đối tượng nên không được áp dụng. Nhưng, đối chiếu với khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 mà Bộ Tài chính đã dẫn chiếu: Việc hồi tố được áp dụng khi “để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội” thì thấy, việc hồi tố được áp dụng ngay cả với đối tượng là “tổ chức”, thậm chí là “cá nhân”, chứ không phải “một nhóm đối tượng” thì không được áp dụng như lý do đầu tiên mà Bộ Tài chính đưa ra.

Hơn nữa, ở điểm này, Bộ Tài chính cho rằng việc “sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế”, nghĩa là số ít nên không cho áp dụng hồi tố.

Thế nhưng, cũng trong văn bản này, ở phần cuối Bộ Tài chính lại đánh giá: “Mặt khác, như Bộ Tài chính đã báo cáo ở trên, việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn doanh nghiệp, nếu không xác định được số thuế phải nộp, số thuế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì dễ dẫn đến tiêu cực”.

Lý do nữa mà Bộ Tài chính đề cập tới là: “Qua rà soát Luật Thanh tra, Bộ Tài chính thấy đối với các doanh nghiệp ngành thuế đã xử lý truy thu qua thanh, kiểm tra nếu cho điều chỉnh kê khai xác định lại chi phí lãi vay được trừ theo phương án hồi tố thì việc kiểm soát số liệu kê khai lại số thuế sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác tuân thủ của doanh nghiệp. Việc kiểm soát chính xác số liệu kê khai lại sẽ gặp nhiều khó khăn vì nếu muốn xác định chính xác số thuế thì cần phải tổ chức kiểm tra nội dung điều chỉnh kê khai tại trụ sở doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuế chỉ được tiến hành thanh tra lại khi người ký quyết định thanh tra phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật cụ thể trong tiến hành hoạt động thanh tra hoặc cơ quan, người có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm sai lệch bản chất vụ việc. Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 17/5/2020 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”.

Thắng thắn đánh giá về tinh thần tiếp thu, sửa đổi Nghị định 20 của Bộ Tài chính, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: ” “Tội” to nhất của Bộ Tài chính là đã không tiếp thu, quyết định sửa đổi khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 khi Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo vào cuối năm 2018. Vào thời điểm đó, nếu Bộ Tài chính quyết tâm sửa và lấy ý kiến sửa đổi trong 1, 2 tháng thì hoàn toàn quyết được. Và khi đó, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo. Nếu quyết định ngay khi ấy thì sẽ không mất thời gian vào việc phân tích có nên cho hồi tố hay không như bây giờ”.

Nhưng, theo quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, Bộ Tài chính đang thể hiện sự mâu thuẫn trong việc hồi tố. Bởi, Bộ cho phép áp dụng hồi tố cho năm 2019 nhưng lại không áp dụng cho 2 năm trước đó là 2017 và 2018 với rất nhiều viện dẫn, lý do. Nhưng, nếu áp dụng cho năm 2019 thì nay cũng đã sang quý II/2020, đã hết thời hạn quyết toán thuế cho năm 2019. 

Hay chăng, như câu chuyện oan sai 40 năm ở Tây Ninh hay vụ việc oan sai 20 năm ở Cần Thơ, Bình Dương, Bộ Tài chính muốn để những “oan sai”, “thuế sai” này tiếp tục xảy ra để rồi 20 năm sau mới xin lỗi? 

“Như đã nói, nếu doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu. Nhưng đây là thu sai, doanh nghiệp không có tội, không chuyển giá, không ăn bớt. Do đó, “oan sai” này cần sửa sai và khắc phục tận gốc, bây giờ là cơ hội sửa sai, còn để nhiều năm nữa thì không sửa chữa khắc phục được nữa”, luật sư Đức cho hay.

Theo luật sư Đức, cũng sẽ có những vướng mắc, có khó khăn đối với Bộ Tài chính về câu chuyện khoản thuế đã thu nay phải tính toán để hồi tố, nhưng vẫn sẽ giải quyết được, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, thì những nỗ lực để trả lại những khoản thu sai của doanh nghiệp là cần thiết hơn bao giờ hết.

“Nếu chứng minh được rằng đầu ra đầu vào của doanh nghiệp “nhập nhèm”, có yếu tố trốn thuế, hoặc, bóc tách để chỉ ra được từng đồng, chỗ nào là trốn thuế, là chuyển giá, là sai… thì doanh nghiệp phải chấp nhận các khoản thu thuế, còn không, thì Bộ Tài chính cần hồi tố để tránh bất công với doanh nghiệp”, luật sư Đức phân tích.

Do đó, luật sư Trương Thanh Đức cũng đề nghị phạt lại ngành thuế lãi suất 18%/năm số tiền “thuế oan” doanh nghiệp đã nộp từ khi Nghị định 20 có hiệu lực cho tới nay (tương tự như mức lãi chậm nộp mà ngành thuế đang áp dụng đối với các doanh nghiệp chậm nộp tiền thuế), bởi, “thế mới là lẽ công bằng”.

Gia Minh

—————

Bất động sản (Tài chính BĐS) 09-4-2020:

https://reatimes.vn/ls-truong-thanh-duc-de-nghi-phat-lai-nganh-thue-lai-suat-18-nam-vi-thu-sai-20200408210054743.html

(1.261/2.663)

[1][1] Luật Thuế thu nhập DN.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,063