2.959. Cổ đông thiệt hại lớn khi cổ phiếu HAG bị huỷ niêm yết: Ai chịu trách nhiệm?

(VNB) – Trước việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) có thể đối mặt với “án” huỷ niêm yết, nhiều cổ đông hoang mang “đứng ngồi không yên” khi tài khoản của mình đang bị “bào mòn”. Giả sử việc huỷ niêm yết được thực hiện, thiệt hại lớn nhất chắc chắn sẽ thuộc về cổ đông. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, hiện nay HAG có khoảng hơn 30.000 cổ đông lớn nhỏ, việc cổ phiếu “giảm sốc” khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng khiến các cổ đông “sốt xình xịch”.

Thiệt hại lớn cho nhà đầu tư

Cụ thể, ngay trong phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu HAG đã “đo sàn” ngay từ những phút đầu tiên. Dưới áp lực bán mạnh mẽ, thị giá HAG không thể trở mình, chốt phiên giảm 6,85% về 11.550 đồng/cp.

Phiên sáng ngày 15/2, cổ phiếu HAG tiếp tục giảm sàn về giá 10.750 đồng. Dư bán hơn 24 triệu cổ phiếu với tình trạng trắng bên mua.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thuộc trường hợp bị huỷ niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019. (Ảnh: Int)

Được biết, tình trạng này xuất phát từ nguy cơ phải huỷ niêm yết, theo Nghị định 155 do Chính phủ ban hành. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thuộc trường hợp bị huỷ niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.

Trước đó, giá cổ phiếu HAG đã tăng mạnh kể từ tháng 11 năm 2020 từ vùng giá 6.000 đồng/cp lên mức cao nhất là 16.000 đồng/cp trước khi điều chỉnh xuống 11.550 đồng/cp như hiện nay, do kỳ vọng lớn từ cổ đông vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 và 2022.

Việc giảm giá này dẫn đến việc thua lỗ của nhà đầu tư đang nắm giữ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của các cổ đông.

Anh Nhật Nam (Hà Nội) mua 200.000 cổ phiếu HAG với giá 15.000 đồng/cp vào ngày 14/1/2022 sau khi nghiên cứu báo cáo tài chính 2 năm trở lại đây và nhận thấy tình hình kinh doanh đang có chiều hướng khả quan, số nợ đang giảm nhanh. Đồng thời, mạnh dạn dùng hết số tiền tiết kiệm, thậm chí vay mượn thêm của bạn bè để đầu tư mã cổ phiếu này. Hiện, anh đang lỗ hơn 28% do gần đây giá HAG giảm liên tục trước thông tin HAG phải đối mặt với án hủy niêm yết tại thời điểm này.

“Việc HAG làm ăn thua lỗ đã xảy ra từ trước đó mà không thấy cơ quan chức năng áp dụng hình phạt. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về vấn đề hủy hay không hủy niêm yết HAG để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Nếu HAG bị huỷ niêm yết thì không công bằng với các cổ đông mới và những nỗ lực thay đổi, phát triển tích cực trong hoạt động kinh doanh của HAGL”, anh Nam nói.

Tương tự, chị Hoàng Thanh Tâm (Tp.HCM), một cổ đông mới mua cổ phiếu HAG thời điểm gần đây nêu ý kiến: “Tại sao khi xác định HAGL làm ăn thua lỗ 3 năm liên tục trong báo cáo kiểm toán vào tháng 4/2021 mà UBCKNN không hủy niêm yết vào thời điểm đó? Đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 tháng trôi qua, giá cổ phiếu HAG tăng hơn 2 lần so với tháng 4/2021, nếu hủy niêm yết HAG tại thời điểm này thì những cổ đông mới sẽ rất thiệt thòi”.

Mới đây, một nhóm cổ đông của HAG đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Trong đó, nhóm cổ đông đã đưa ra một số lý do cho rằng không đủ cơ sở để hủy niêm yết mã HAG. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, có hay không việc tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, hủy hoại sự hoạt động minh bạch của thị trường chứng khoán và trả lời rõ cho cổ đông nếu hủy niêm yết cổ phiếu HAG thì căn cứ vào đâu, quy định, điều luật nào để hủy?

Trên thực tế, HAGL chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh. Riêng trong quý IV/2021, với điểm sáng liên quan đến tiết giảm các loại chi phí, đặc biệt là cắt giảm đáng kể nợ nần, lợi nhuận ròng tập đoàn đạt hơn 142 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận ròng tương ứng vào mức 184 tỷ đồng – đánh dấu năm đầu Hoàng Anh Gia Lai có lãi kinh doanh trở lại sau thời gian tái cấu trúc quyết liệt và quyết định buông bỏ HAGL Agrico (HNG).

Đáng chú ý, trong đầu năm 2022, HAGL đang liên tục bán ra cổ phiếu HNG với cùng mục đích là ngân hàng thu nợ, từ ngày 17/1-10/2/2022 hoàn tất bán ra 48,1 triệu cổ phiếu; ngay sau đó là tiếp tục đăng ký bán ra 25,4 triệu cổ phiếu HNG, từ 15/02 đến 16/03/2022.

Nhiều ý kiến trái chiều

Vừa qua, HAGL đã có văn bản kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: “Cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường”.

Hiện tại, việc HAG bị huỷ niêm yết trên HoSE đang có nhiều dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết. Bởi điều này có thể tạo tiền lệ xấu, khiến tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ của thị trường chứng khoán không được đảm bảo.

Mặc dù cổ phiếu HAG có thể chuyển sang UpCOM, đến khi đạt các điều kiện niêm yết trở lại thì có thể quay lại sàn HoSE, song một số chuyên gia cũng đồng tình rằng việc không còn niêm yết trên HoSE sẽ khiến tập đoàn khó khăn trong việc huy động vốn thời gian tới.

Trước những thông tin về cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết, luật sư Hồ Ngọc Diệp – Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, về mặt pháp luật, hủy là đúng nhưng xét về thực tế không đúng. Luật là áp dụng thực tế, quy định rằng sản xuất kinh doanh phù hợp kiểm toán. Còn đây là có sự khác biệt của kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kiểm toán. Sau khi phát hiện ra sự lỗ của HAG trong 3 năm 2017, 2018, 2019 thì không có điều luật nào nói đến hồi tố để hủy cả.

“Theo tôi đây là sự ngoại lệ, luật pháp chưa quy định nên không thể áp dụng điểm e, khoản 1, điều 120 của Nghị định 155 mà đưa cổ phiếu HAG khỏi sàn HoSE. Mặt khác, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nay HAG làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại”, Luật sư Diệp nói.

Còn Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề ở 2 khía cạnh là lý và tình. Theo quy định của pháp luật, HAGL sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc cho kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã là năm 2022, nếu quy định không nêu rõ về trường hợp hồi tố huỷ niêm yết kết quả kinh doanh thì không nên huỷ niêm yết cổ phiếu của HAGL ở thời điểm hiện tại. 

Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận rằng, quy định huỷ niêm yết có mục tiêu là đảm bảo tính minh bạch thị trường, không để các mã cổ phiếu xấu, không đủ điều kiện vẫn huy động được vốn, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Tuy nhiên trong trường hợp này, đã qua giai đoạn đó, thì việc huỷ không còn cần thiết nữa.

Hải Giang

—————

VNBusiness (Chứng khoán) 16-02-2022:

https://vnbusiness.vn/goc-nhin/co-dong-thiet-hai-lon-khi-co-phieu-hag-bi-huy-niem-yet-ai-chiu-trach-nhiem-1083693.html

(156/1.479)

VNBusiness (Chứng khoán) 16-02-2022 (156/1.479):

https://vnbusiness.vn/goc-nhin/co-dong-thiet-hai-lon-khi-co-phieu-hag-bi-huy-niem-yet-ai-chiu-trach-nhiem-1083693.html

 

Hải Gian

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,908