2.964. Nợ xấu có thể tăng nhanh trong năm 2022 do thiếu hành lang pháp lý

(KTSG) – Các chuyên gia và đại diện một số ngân hàng thương mại lo ngại nợ xấu nội bảng có thể tăng nhanh năm 2022, sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và Thông tư 14 về cơ cấu nợ hết hiệu lực.

Ngành ngân hàng đối mặt với áp lực nợ xấu

Tại hội thảo “Cần luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” sáng 19-2, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV – lo ngại nợ xấu sẽ trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022 với tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức cao nhất trong vòng 4 năm gần nhất, qua đó phá vỡ thành quả tái cơ cấu nợ giai đoạn 2016 – 2020 của các tổ chức tín dụng (TCTD).  Ông Lực dự báo nợ xấu nội bảng được dự kiến trong khoảng 2,3-2,5%, nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022. Con số này thậm chí có thể ở mức cao hơn từ năm 2024.

Lý giải dự báo này, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết khung pháp lý về xử lý nợ xấu có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho toàn ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào 30-6-2022. Ngoài ra, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ hết hiệu lực từ 15-8-2022.

Bối cảnh này khiến ông Lực lo ngại thiếu hụt cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa. “Tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung”, ông Lực nói.

Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV, cho biết ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi phải xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tương tự, ông Phan Thanh Hải – Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – cho biết ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi phải xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều khách hàng bị suy giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ, gồm bán đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại bị tạm dừng nhiều tháng cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.

Ông Trần Minh Đạt – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) – cho rằng dịch bệnh xuất hiện trong bối cảnh Nghị quyết 42 đã triển khai gần 2 năm và mang lại một số kết quả tích cực là yếu tố không may mắn với ngành ngân hàng.

“Covid-19 khiến bản chất của nợ xấu có sự thay đổi. Câu chuyện xử lý nợ của các ngân hàng trong bối cảnh đại dịch thực sự là rất khó, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu”, ông Đạt nói.

Về thực trạng nợ xấu tại các TCTD, số dư nợ xấu bình quân ở 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank năm 2021 tăng 17,3% so với năm 2020, theo thống kê từ báo cáo tài chính năm 2021 của các ngân hàng.

Đáng lưu ý, số dư nợ xấu năm 2021 tại một số ngân hàng đã tăng nhanh so với năm 2020, gồm VPBank tăng 60%, Vietinbank tăng 49%, VIB tăng 58%, HDBank tăng 43%.

Sớm luật hóa chính sách xử lý nợ xấu

Để giảm thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, các chuyên gia và đại diện Hiệp hội Ngân hàng thống nhất kiến nghị sớm luật hoá Nghị quyết 42 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan, hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Ông cho biết việc luật hóa Nghị quyết 42 có thể tiến hành theo hai bước. Thứ nhất, có thể gia hạn, điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Thú hai, xây dựng luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.

Tương tự, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – kiến nghị hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể và hợp lý hơn. Thậm chí, cần nâng chính sách lên thành luật để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả các khoản nợ xấu.

Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD, theo ông Đức, cần duy trì tối thiểu 5-10 năm nữa, tới khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Với trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành luật, vị này kiến nghị tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết 42.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng – kiến nghị cơ quan soạn thảo xây dựng theo hướng quy định cho phép các TCTD được lựa chọn áp dụng quy định của luật xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi luật về xử lý nợ xấu được thông qua, có hiệu lực.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – kiến nghị hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể và hợp lý hơn.

Với những vướng mắc pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng các cơ quan thi hành án cần áp dụng thủ tục rút gọn theo đúng quy định tại Phần thứ tư về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 03 ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân”.

Về việc bảo đảm quyền của chủ sở hữu tài sản, ông cho rằng không nên đặt ra vấn đề hỗ trợ xử lý tài sản bằng quy định pháp luật đặc thù với khoản nợ xấu không có tài sản bảo đảm.

Những khoản nợ này, theo ông Đức, cần được xử lý theo quy định chung như với mọi khoản nợ, trong đó có việc đòi nợ theo trình tự yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Với nợ xấu có tài sản bảo đảm, ông đề xuất có cơ chế pháp lý hỗ trợ để xử lý, trong đó tập trung vào việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở.

“Có thể coi quyền bảo đảm bằng tài sản là một dạng quyền định đoạt tài sản có điều kiện. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu tài sản chấp nhận việc tài sản bảo đảm sẽ được định đoạt nếu xuất hiện sự vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận bảo đảm”, ông Đức phân tích.

Về hậu quả pháp lý của việc bảo đảm, nhất là trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, ông Đức cho rằng có thể coi quyền bảo đảm tương tự quyền định đoạt tài sản.

Để tránh việc tổ chức tín dụng lạm quyền gây thiệt hại cho người có tài sản thế chấp, vị này đề xuất xây dựng quy định thêm điều kiện về thời hạn thông báo và xử lý tài sản bảo đảm theo hướng khuyến khích chủ sở hữu tài sản tự bán tài sản.

“Với tài sản bảo đảm là động sản thì thời hạn tối thiểu là 1 tháng, còn với bất động sản thì thời hạn tối thiểu là 6 tháng”, ông Đức nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị các cơ quan quản lý xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu khi ban hành luật xử lý nợ xấu hoặc kéo dài Nghị quyết 42, đặc biệt với hai nội dung gồm chứng khoán hóa nợ xấu, mua bán nợ xấu. Đồng thời, xây dựng hệ nguyên tắc cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh của chính sách để đảm bảo tính ổn định và lâu dài.

Ngoài ra, quy định rõ hơn về quyền chủ nợ, không ràng buộc các điều kiện về quyền thu giữ tài sản.

Vân Phong

————

Kinh tế Sài Gòn (Tài chính – Ngân hàng) 19-02-2022 (653/1.791):

https://thesaigontimes.vn/no-xau-co-the-tang-nhanh-trong-nam-2022-do-thieu-hanh-lang-phap-ly/

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,802