2.968. Trừng trị những kẻ coi thường quy định phòng, chống dịch

(KTĐT) – Được nhắc nhở chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19, thay vì tuân thủ, nhiều đối tượng đã chống đối, sử dụng bạo lực với người thi hành công vụ. Những hành vi này rất đáng lên án, cần thiết xử lý hình sự để răn đe.

Hàng loạt trường hợp chống người thi hành công vụ

Sáng 22/4, TAND quận Kiến An (Hải Phòng) đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án Vi Văn Thái (SN 1997, trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) có hành vi “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, Vi Văn Thái điều khiển xe mô tô không bật đèn chiếu sáng, chở Vi Văn Cộc (SN 1985, trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đi về phía chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở phường Đồng Hòa (quận Kiến An). Được yêu cầu dừng xe, nhưng Thái đã tăng tốc, va chạm với thành viên chốt kiểm soát. Tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả thẩm vấn công khai, HĐXX tuyên phạt bị cáo Vi Văn Thái 10 tháng tù giam.

Bị cáo Vi Văn Thái tại phiên tòa.
Trước đó, chiều 21/4, TAND thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử bị cáo Thái Xuân Hưng (SN 1983, trú tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó, Thái Xuân Hưng không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô theo hướng Hà Nội – Bắc Ninh, đi qua chốt kiểm dịch số 5 của thị xã Từ Sơn. Khi lực lượng chức năng giữ lại xử lý, Hưng không đồng ý đo kiểm tra thân nhiệt; đồng thời, chống đối, xúc phạm người thi hành công vụ. Tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Hưng phạm tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1, Điều 330 Bộ luật Hình sự với mức phạt 18 tháng tù.

Cũng trong ngày 21/4, Công an TP Đà Lạt đã triệu tập L.Q.D. (17 tuổi) và Lê Công Vinh Quang (21 tuổi), cùng trú tại TP Đà Lạt, để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ và không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tối 20/4, Đội CSGT – Công an TP Đà Lạt phát hiện 2 thanh niên đi xe không đeo khẩu trang, chạy tốc độ cao nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ, Lê Công Vinh Quang đã đạp cảnh sát giao thông rồi quay xe bỏ chạy. Công an TP Đà Lạt hiện đang tiến hành các thủ tục khởi tố đối tượng.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an các quận, huyện, thị xã trên cả nước cũng đã tạm giữ hình sự, kết án tù hàng loạt đối tượng về hành vi “Chống người thi hành công vụ” khi nhắc nhở chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tình tiết tăng nặng có thể phạt tù lên đến 7 năm

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thiều Dương – Giám đốc Công ty Luật Đại Việt cho hay, ngày 30/3/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC. Theo công văn này, đối với các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Nhận định về tội danh này, theo luật sư Nguyễn Thiều Dương, người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội. (Nghị quyết số: 04-HĐTPTANDTC/NQ năm 1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự cũng đã có hướng dẫn như vậy).

“Từ Chỉ thị 15/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân có trách nhiệm và nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hạn chế việc di chuyển, tuy nhiên rất nhiều trường hợp xúc phạm, cản trở, sử dụng vũ lực đối với các nhân viên chốt kiểm dịch, tổ công tác y tế, các thanh niên xung kích… thực hiện nhiệm vụ do chính quyền địa phương giao.

Trong bối cảnh dịch bệnh, những công dân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND, thôn, bản theo đúng tinh thần trong các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ phải được coi là người thi hành công vụ và các hành vi chống đối cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật” – luật sư Nguyễn Thiều Dương nhận định.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

“Các trường hợp chống người thi hành công vụ, không chấp hành quy định về kiểm tra, kiểm dịch y tế chống dịch… cùng với việc xử lý nghiêm cũng cần tuyên truyền rộng rãi nhằm hạn chế những hành vi vi phạm khác” – Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

HỒNG THÁI

———–

Kinh tế & Đô thị (Xã hội) 26-4-2020:

http://kinhtedothi.vn/trung-tri-nhung-ke-coi-thuong-quy-dinh-phong-chong-dich-382308.html

(83/1.043)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,402