2.967. Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 thế nào? 

(TTTĐ) – Nghị quyết số 42 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng (đến 15/8/2022). Theo các chuyên gia, nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng.

“Câu chuyện xử lý nợ của các ngân hàng trong bối cảnh đại dịch thực sự là rất khó”

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. Tỉ lệ nợ xấu gộp tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) – cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Tại Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao Động tổ chức sáng 19/2, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh suốt 3 năm qua dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

undefined
Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động (tay phải) và ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng chủ trì Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”

Theo ông Hiển, trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2022 tới đây, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành.

Ông Hiển nhận định, nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ thì sẽ khó khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Minh Đạt – Phó Tổng Giám đốc MB khẳng định, Nghị quyết 42 là chính sách rất đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ. Từ khi Nghị quyết được thực hiện thì các tổ chức tín dụng được đa dạng trong việc xử lý nợ xấu. Qua đó, khách hàng cũng hợp tác hơn trong trả nợ, hạn chế những chủ tài sản chây ì.

Các khó khăn của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xâu tồn tại trong nhiều năm cũng đã được hướng dẫn giải quyết. Thu được nợ thì cũng là kênh dẫn vốn mới, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 42 được gần 2 năm thì COVID-19 lại xuất hiện, ông Trần Minh Đạt nhận định “đó là cái không may cho ngành ngân hàng. COVID-19 khiến bản chất của nợ xấu có sự thay đổi”.

undefined
Quang cảnh hội thảo

Câu chuyện xử lý nợ của các ngân hàng trong bối cảnh đại dịch thực sự là rất khó, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu.

Để xử lý nợ xấu trong đại dịch, theo ông Đạt, MB bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tập trung cho vay trong những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

“Chúng tôi cũng tập trung cho vay trong những lịch vực ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu nợ cho những khách hàng đủ điều kiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Chúng tôi rất thận trọng trong cơ cấu nợ, xuất phát từ đánh giá kỹ lưỡng thực trạng của khách hàng. Chúng tôi cũng duy trì hiệu quả công tác thu hồi nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức rất thấp”, ông Đạt nói.

Để nâng cao chất lượng tín dụng, Phó Tổng Giám đốc MB cho rằng, đó không phải chỉ là câu chuyện thu hồi nợ mà nó còn là quá trình xuyên suốt từ lựa chọn ngành nghề/lĩnh vực cho vay, lựa chọn doanh nghiệp tốt, quá trình giám sát/kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích. Khi mình đã lựa chọn tốt ngay từ đầu, nợ xấu sẽ ít phát sinh. Ngay cả khi chẳng may có rủi ro trong kinh doanh, nhưng khách hàng tốt, dùng vốn đúng mục đích thì cũng không bao giờ bị mất vốn hết.

Dự báo về tình hình nợ xấu trong năm 2022, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới cùng với môi trường pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2022 không hoàn toàn thuận lợi cho vấn đề giải quyết nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn trong năm 2022, hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 – 2020.

“Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, qui định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan”, TS Cấn Văn Lực nói.

Trước những áp lực trong vấn đề xử lý nợ xấu, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan; Hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn

Tại buổi hội thảo, ông Phan Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Điều này sẽ giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Bởi các quy định trong Nghị quyết 42 được điều chỉnh hoặc liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, như: Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế,… Trong đó, một số văn bản pháp luật được ban hành sau thời điểm NQ42 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu: Trong trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua việc luật hóa Nghị quyết 42 thì sau khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành và triển khai áp dụng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có cơ sở để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và đề xuất ban hành đồng bộ các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

“Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Hải nêu.

undefined
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, Nghị quyết số 42 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng (đến 15/8/2022). Nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch COVID-19.

“Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu nợ xấu của ngành ngân hàng nói riêng của và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, Luật sư Đức cho hay.

Hậu Lộc

———-

Tuổi trẻ Thủ đô (Kinh tế – Tài chính) 19-02-2022 (191/1.722):

https://tuoitrethudo.com.vn/xu-ly-no-xau-trong-dai-dich-covid-19-the-nao-190194.html

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,619