2.977. Nhiều doanh nghiệp trong tầm ngắm thâu tóm của nước ngoài

(KTSG) – Thay vì rót vốn và từng bước triển khai dự án mất nhiều thời gian, các nhà đầu tư nước ngoài đến TPHCM hiện nay chọn đường đi tắt: thâu tóm các doanh nghiệp để thâm nhập thị trường nhanh hơn và sâu hơn.  

Các nhà đầu tư nước ngoài đến TPHCM hiện nay gia tăng hình thức mua lại cổ phần và góp vốn vào doanh nghiệp thành phố nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có để tham gia hoạt động ngay. Xu hướng đầu tư này dẫn đến sự gia tăng lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại trên địa bàn TPHCM lên hơn 50% tổng số giao dịch trên cả nước và cao gấp khoảng năm lần so với số dự án đầu tư trực tiếp (FDI). Đáng chú ý, bóng dáng các “ông lớn” nước ngoài cũng đang dần chi phối các thương hiệu lớn của thành phố.

Một bộ phận sản xuất tại Thịnh Phát. Ảnh từ trang web công ty Thịnh Phát

Nối dài danh sách M&A

Theo thông tin trên trang web của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable), bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, Thịnh Phát đã chính thức sáp nhập vào Tập đoàn Stark Corporation Public Company Limited và Phelps Dodge International (Thái Lan).

Trên thực tế, đây được xem là kết quả hoàn tất giao dịch mua lại ThiPha Cable và Công ty cổ phần Kim loại màu & nhựa Đồng Việt (Dovina) của Tập đoàn Stark (Thái Lan) mà trang tin Dealstreet gần đây thông tin và tin này thực sự đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Bởi lẽ đây không chỉ là thương vụ lớn có tổng giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ mà ThiPha Cable là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tư nhân lớn ở TPHCM và là một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn của Việt Nam.

Như vậy, vào thị trường Việt Nam, thay vì rót vốn triển khai thực hiện dự án ban đầu, nhà đầu tư đến từ xứ chùa vàng này đã đi con đường tắt bằng cách “thâu tóm” doanh nghiệp trong nước.

Đây được xem là một hướng đi mang tính chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh để có thể tham gia thị trường ngay và mong muốn mở rộng thị trường ở nước ngoài nhanh chóng.

Hơn 33 năm hình thành và phát triển, ThiPha Cable là một thương hiệu có tiếng về dây và cáp điện của Việt Nam, cũng là nhà cung cấp chính các mặt hàng này cho lưới truyền tải điện quốc gia, như đường dây 500KV, 220 KV, 110 KV… Công ty này đã và đang tham gia vào chương trình ngầm hóa và cải tạo lưới điện tại các thành phố lớn; các dự án năng lượng nông thôn…

Thipha Cable cũng ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các công trình sân bay, cầu cảng, đường bộ, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện, các công trình chung cư và nhà ở.

Sự hiện diện của ThiPha Cable ở các công trình tiêu biểu, như Tòa nhà Park Hill (Hà Nội), E-Home 3, 4, 5 tại TPHCM và tỉnh Bình Dương, Diamond Bay Resort 2 (Khánh Hòa), sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất… cùng các dự án ở thị trường nước ngoài như Tháp Vatanac, Hong Kong Land (Campuchia) hay nhà máy (Coca Cola Myanmar) cho thấy tầm cỡ và uy tín của doanh nghiệp này.

Do đó, với việc thâu tóm ThiPha Cable, nhà đầu tư Thái Lan này có thể tận dụng được các nguồn lực sẵn có và uy tín của doanh nghiệp này để khai thác và phát triển.

Theo giới phân tích, thương vụ này là đại diện cho giao dịch công nghiệp khu vực tư nhân lớn hàng đầu trong nước trong ba năm gần đây, phản ánh sự hấp dẫn của thị trường TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, khẳng định vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Cáp điện Thịnh Phát chỉ là cái tên mới nhất nối dài danh sách các thương hiệu doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM rơi vào tay hoặc nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh Sabeco, Điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh… Sự kiện nói trên cũng cho thấy xu hướng thâu tóm và sáp nhập tại Việt Nam với các tay chơi đến từ nước ngoài đang tiếp tục phát triển.

Xu hướng thâu tóm của nhà đầu tư ngoại

Nguyễn Kim là tên tuổi gần đây trong các thương vụ “bán mình” của các doanh nghiệp nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Ảnh: Thành Hoa.

TPHCM là một thị trường trọng điểm của cả nước, nên việc thâu tóm doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM có thể giúp nhà đầu tư mở rộng thị trường khắp cả nước và xuất khẩu. Do đó, ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thành phố cũng khá đa dạng từ bán lẻ, sản xuất thực phẩm, đồ tiêu dùng nhanh, tài chính, các doanh nghiệp bất động sản, sản xuất công nghiệp… Những lĩnh vực này đang có sức hút mạnh mẽ cho hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại.

Trên thực tế trong hơn ba năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có xu hướng tăng cao về hình thức đầu tư mua cổ phần hoặc góp vốn vào doanh nghiệp trong nước mà giới quan sát cho là đầu tư qua giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) thay vì đầu tư trực tiếp (FDI).

Đáng chú ý tại TPHCM hình thức đầu tư này gia tăng mạnh khi các thương vụ mua lại doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều.

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, trong bốn tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20 – 4 vừa qua), thành phố chỉ có 369 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký gần 200 triệu đô la, trong khi có đến 1.707 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn và mua cổ phần doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đạt hơn 1 tỉ đô la. Tính ra, số dự án FDI chỉ bằng khoảng 1/5 số lượt góp vốn và mua cổ phần.

Như vậy, trong bốn tháng qua, nhà đầu tư ngoại góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM chiếm đến hơn 53% tổng lượt giao dịch đầu tư theo hình thức này trên cả nước (cả nước có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài).

TPHCM là một thị trường trọng điểm của cả nước, nên việc thâu tóm doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM có thể giúp nhà đầu tư mở rộng thị trường khắp cả nước và xuất khẩu. Do đó, ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thành phố cũng khá đa dạng từ bán lẻ, sản xuất thực phẩm, đồ tiêu dùng nhanh, tài chính, các doanh nghiệp bất động sản, sản xuất công nghiệp… Những lĩnh vực này đang có sức hút mạnh mẽ cho hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại.

Tổng lượt mua cổ phần và góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài trong bốn tháng đầu năm 2020. Đồ họa: Hùng Lê

Theo giới phân tích, thay vì phải đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới với nhiều thủ tục, thì việc thâu tóm một doanh nghiệp có sẵn không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn tận dụng được cơ sở khách hàng, chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực đã quen thuộc, thấu hiểu đặc tính thị trường, cũng như các nền tảng cơ sở pháp lý…

Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào TPHCM qua hình thức M&A, các ý kiến cho rằng một phần do hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch với các doanh nghiệp trong nước. Và với gần 100 triệu dân, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong những năm qua cũng được cho là nguyên nhân thu hút mạnh dòng vốn ngoại qua hình thức M&A được coi là con đường nhanh nhất để các doanh nghiệp ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam.

Mặt khác, các chuyên gia tư vấn còn cho rằng, trong nhiều thương vụ M&A lý do quan trọng để doanh nghiệp Việt bán cho nhà đầu tư nước ngoài là bởi nhu cầu về gia tăng tài chính để phục vụ cho kế hoạch phát triển.

Nhiều doanh nghiệp khi muốn mở rộng thì phải huy động thêm vốn, kêu gọi nhà đầu tư mới vào tham gia hoạt động quản trị và điều hành. Bởi, nếu cứ duy trì hoạt động như cũ thì sẽ bị các doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực quản trị tốt hơn đè bẹp.

Một bộ phận sản xuất của Thipha Cable. Ảnh minh họa: website công ty

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế hội nhập sâu rộng của Việt Nam hiện nay, không ít doanh nghiệp nội địa cũng cho rằng đây là cuộc chơi khốc liệt và nhận thấy khó có thể trụ vững khi các đối thủ ngoại mạnh cả về thương hiệu, công nghệ và tiềm lực tài chính đang xâm nhập sâu vào thị trường trong nước, nên quyết định bán.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, cho rằng trong thời gian qua thị trường còn chứng kiến các doanh nghiệp TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung khi thấy nhà đầu tư đặt vấn đề mua với giá cao thì cũng đã quyết định bán, rồi đầu tư cho mảng kinh doanh khác hoặc rút khỏi thị trường.

Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp, thương hiệu lớn trên địa bàn thành phố nói riêng và trong nước nói chung ngày càng rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài hoặc bị mất quyền kiểm soát.

Đáng chú ý, giới phân tích cho rằng thương chiến Mỹ – Trung và hậu Covid-19 sẽ xuất hiện xu hướng các công ty, tập đoàn nước ngoài có kế hoạch dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á để tránh phụ thuộc nguồn cung và Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm đến của nhà đầu tư.

“Trong khi đó, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp trong nước trên thị trường chứng khoán giữa đại dịch Covid-19 bị rớt xuống thê thảm khiến nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm trên thương trường sẽ nhanh chân thâu tóm”, ông Đức lưu ý.

Lê Hoàng

—————————–

Thời báo Kinh tế SG (Câu chuyện quản trị) 06-5-2020:

https://www.thesaigontimes.vn/td/303213/nhieu-doanh-nghiep-trong-tam-ngam-thau-tom-cua-nuoc-ngoai.html

(114/1.911)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,623