2.982. Cấp bách gia hạn Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa xử lý nợ xấu

(KT) – Nghị quyết 42 được các chuyên gia ví von như “gậy thần” giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) hóa giải bài toán nợ xấu. Tuy vậy, chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều chuyên gia kiến nghị, cấp bách gia hạn Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa xử lý nợ xấu. 

Ảnh minh họa – Nguồn:Internet

Số nợ xấu được xử lý tăng cao nhưng rủi ro vẫn đang tiềm ẩn

Chia sẻ những tác động tích cực của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42), ông Phan Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – đã dẫn số liệu của ngân hàng mình.

Cụ thể, tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã được xử lý lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến nay của BIDV là gần 100.500 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (từ năm 2012 đến trước ngày 15/8/2017), số nợ xấu được xử lý bình quân là khoảng 15.000 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, thu hồi nợ xấu nội bảng của BIDV đã tăng nhanh kể từ khi có Nghị quyết 42. Năm 2021, BIDV thu hồi nợ xấu nội bảng trên 8.000 tỷ đồng; trước đó, khi chưa có Nghị quyết 42, con số này chỉ ở khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Không riêng BIDV, việc xử lý nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD cũng đã được cải thiện rõ nét kể từ khi có Nghị quyết 42. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD đã được xử lý khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).

Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021 đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (2012-2017).

Box: Tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, giai đoạn 2012-2015, xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2021, xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.

Mặc dù việc xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực song rủi ro vẫn đang tiềm ẩn. Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nợ xấu của hệ thống các TCTD gia tăng do ảnh hưởng bởi đại dịch là điều đã được dự báo trước.

Dẫn báo cáo tài chính năm 2021 của các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho biết, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số nhà băng với mức tăng từ 40 – 60% so với năm 2020. Bình quân số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 17,3% so với năm 2020.

Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết, đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đã khiến các hoạt động liên quan đến xử lý nợ xấu như: Nộp đơn khởi kiện, thi hành án, triệu tập đương sự, bán đấu giá, thẩm định giá… bị ngưng trệ. Đồng thời, nền kinh tế cũng chịu nhiều ảnh hưởng, năng lực tài chính của các nhà đầu tư suy giảm. Vì vậy, có khoản nợ, ngân hàng vẫn chưa thể chuyển nhượng được dù nhiều lần rao bán.

Luật hóa xử lý nợ xấu – cần lộ trình phù hợp

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng mạnh do ảnh hưởng của Covid-19, các chuyên gia đều bày tỏ quan ngại: Nếu việc xử lý nợ không tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết 42 thì điều này sẽ khiến ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI – cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng nâng Nghị quyết 42 lên thành Luật để bảo đảm việc xử lý kịp thời, hiệu quả. Đây không chỉ là trọng trách của ngành ngân hàng mà còn là nhiệm vụ chung của cả nền kinh tế.

“Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”- Luật sư Đức khuyến nghị.

Để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu nhằm hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng các giải pháp mạnh mẽ, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến khung pháp lý cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022. Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết này trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

Theo ông Lực, việc luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo 2 bước sau: Bước 1, điều chỉnh, cập nhật, gia hạn Nghị quyết 42 trong khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho Dự thảo Luật, kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc đã được chỉ ra. Bước 2, tiến hành xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.

Đồng ý việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu có thể có lộ trình, trước hết là gia hạn Nghị quyết 42 nhưng ông Phan Thanh Hải cho rằng, việc gia hạn phải có sửa đổi, nếu gia hạn mà những quy định gây vướng mắc cho các bên liên quan vẫn tồn tại thì việc xử lý nợ xấu khó đạt được mục tiêu ở giai đoạn tiếp theo. Sau 3 năm gian hạn, cần tiến tới luật hóa Nghị quyết này để tạo hành lang pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu và đảm bảo phù hợp, thống nhất với các luật liên quan./.

Thành Đức

———–

Kiểm toán (Kinh tế – Xã hội) ngày 20-02-2022:

http://baokiemtoannhanuoc.vn/kinh-te—xa-hoi/cap-bach-gia-han-nghi-quyet-42-tien-toi-luat-hoa-xu-ly-no-xau-153624

(101/1.154)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,613