2.991. Đàm phán, hợp tác để có mức phí hợp lý cho ngành ngân hàng 

(HQ) – Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Luật sư Trương Thanh Đức (ảnh), Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc giải quyết nên dựa vào việc đàm phán theo cơ chế thị trường giữa ngân hàng với các doanh nghiệp, không nên có sự can thiệp từ cơ quan chức năng.

Ông đánh giá như thế nào về việc ngân hàng có công văn xin giảm phí từ các nhà mạng và các tổ chức thẻ quốc tế?

– Trong điều kiện nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đều có những hành động, chủ trương, chính sách cũng như khuyến khích các đối tác, doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, theo tinh thần cùng nhau vượt qua khó khăn chung.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng phải “kêu” khi có các ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh doanh, lợi nhuận. Bởi thực tế, bản thân ngân hàng đang phải cắt giảm chi phí kinh doanh, giảm lương… để giảm lãi suất, giảm phí hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Những hành động này thậm chí có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh năm 2020 của ngành ngân hàng, do đó, nếu các đối tác không chung tay hỗ trợ ngành ngân hàng thì cũng có phần “bất công”.

Theo phân tích báo cáo tài chính quý I của ngành ngân hàng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã bị ảnh hưởng đến nguồn thu từ dịch vụ.

Tiêu biểu tại TPBank, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 1.727,5 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 28%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MB cũng sụt giảm nhẹ khoảng 2%, còn 745 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 7%, xuống 240 tỷ đồng. Saigonbank ghi nhận lãi từ dịch vụ giảm 24%, đạt 7,6 tỷ đồng… Ngay cả những ngân hàng có quy mô và nguồn thu lớn từ dịch vụ dù không giảm nhưng cũng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank tăng nhẹ 5,43%, đạt 1.127 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận quý I của ngân hàng này giảm 11% so với cùng kỳ. VietinBank cũng đạt 1.059 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngân hàng tăng mạnh thu nhập từ dịch vụ. Trong đó, VPBank báo lãi dịch vụ hơn 695 tỷ đồng, tăng 33%. Thu từ dịch vụ thanh toán và ngân quỹ 247,3 tỷ đồng, cao hơn 62% so với quý I/2019 với đóng góp từ kinh doanh thẻ, dịch vụ thanh toán. MSB cũng đạt tăng trưởng 110%, nhờ mảng dịch vụ thanh toán và dịch vụ khác. NCB ghi nhận lãi mục dịch vụ tăng 144% từ 3,3 tỷ đồng lên 8,2 tỷ đồng. Techcombank cũng báo lãi 862 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, tăng 73% so với quý I năm trước, chủ yếu đến từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng 48%…

Tuy nhiên, với sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, đây là theo các nguyên tắc thị trường, thỏa thuận, cam kết qua hợp đồng nên sự thay đổi phải qua đàm phán, chia sẻ. Tất nhiên, khách hàng có cơ sở nếu hợp đồng có điều khoản về xem xét miễn trách, điều chỉnh hợp đồng… khi xảy ra hoàn cảnh bất khả kháng. Vì thế, những thỏa thuận này là việc của hai bên có thiện chí hợp tác hay không. Như với việc ngân hàng đề nghị doanh nghiệp viễn thông trong nước giảm cước, các ngân hàng luôn là đối tác lớn, sử dụng dịch vụ nhiều nên sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Do đó, trong môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, việc hợp tác hợp lý sẽ giúp giữ chân khách hàng, tăng thêm gắn bó, kết nối lâu dài, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi, nguồn thu của chính nhà mạng.

Nhìn chung, tất cả đều là câu chuyện lợi ích với “cái tâm” của doanh nghiệp, tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như khả năng tài chính của các doanh nghiệp. Ví dụ như với các ngân hàng lớn, ngân hàng có vốn nhà nước, xin giảm phí cũng là để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19, nếu không thì khách hàng vẫn sử dụng, ngân hàng vẫn đủ tiềm lực chi trả nên vẫn có thể giữ được lợi nhuận cao. Trong khi đó, với các ngân hàng nhỏ, chịu cạnh tranh khách hàng thì việc giảm cước phí sẽ có lợi, giảm được đồng nào hay đồng ấy.

Với những tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard, theo ông, việc đàm phán sẽ có những khó khăn nào?

– Với các tổ chức quốc tế cũng vậy, trên cơ sở đàm phán, chia sẻ thì các tổ chức này có thể tự nguyện giảm hoặc không. Cơ quan quản lý không thể can thiệp “thô bạo” hoặc tạo sức ép để các tổ chức này giảm. Bởi các tổ chức này gần như theo dạng “độc quyền”, không phải chịu sự cạnh tranh lẫn nhau như các doanh nghiệp viễn thông trong nước, nên họ đồng ý giảm hay không, thậm chí là tăng phí thì các ngân hàng và khách hàng cũng phải chịu. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp tăng hay giảm phí đều có nguyên do hợp lý.

Tất nhiên, các tổ chức quốc tế này vẫn sẽ có sự nhìn nhận dựa trên sự thiện chí hợp tác khi nhận thấy khách hàng có những khó khăn thật sự, hoặc dựa trên những thỏa thuận “có đi có lại”. Vì thế, phía Visa mới đây có chia sẻ quan điểm là sẽ xem xét giảm phí trong chiến lược dài hạn. Điều này hoàn toàn đúng khi tất cả việc liên quan đến kinh doanh phải nằm trong kế hoạch dài hạn. Còn trong ngắn hạn, có thể các tổ chức này vẫn thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng, hoặc chỉ giảm không nhiều thì vẫn phải xem xét, chưa có lý do gì để giảm phí ngay như đề xuất.

Thưa ông, từ những vấn đề nêu trên, phía cơ quan quản lý nên có những động thái nào?

– Như tôi đã nói ở trên, trừ một số đơn giá nhà nước, tiền nhà nước thì mới có quy định rõ bao nhiêu, được giảm thế nào, điều kiện, tiêu chuẩn thủ tục ra sao… còn lại các loại cước, phí như trên thuộc về nguyên tắc thị trường, do các doanh nghiệp đặt ra theo các cam kết, thỏa thuận thì có quyền giữ nguyên hoặc thay đổi theo đàm phán, hợp đồng. Phía cơ quan quản lý tuyệt đối không được can thiệp vào những vấn đề hoàn toàn mang tính thị trường như vậy. Cơ quan quản lý chỉ nên có những trao đổi, chia sẻ, khuyến khích với các đối tác để giúp các ngân hàng bày tỏ thiện chí, tạo điều kiện thay đổi thỏa thuận.

Xin cảm ơn ông!

Trong 3 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Mặc dù, các chương trình giảm phí tác động không nhỏ đến doanh thu nhưng các ngân hàng cam kết sát cánh, đồng hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến, tiết giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.

Hương Dịu (thực hiện)

—————————–

Hải Quan (Doanh nghiệp) 17-5-2020:

https://haiquanonline.com.vn/dam-phan-hop-tac-de-co-muc-phi-hop-ly-cho-nganh-ngan-hang-126625.html

(778/1.498)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,633