2.993. Thầu phụ Lithaco kiện tổng thầu Hàn Quốc: Để không thua thiệt…

(ĐV) – Tranh chấp trong hợp đồng xây dựng giữa nhà thầu phụ và nhà thầu chính nước ngoài không hiếm, nhưng người thua thiệt luôn là các nhà thầu trong nước.

LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đưa ra nhận định như trên và theo ông, nguyên nhân một phần do những hạn chế yếu kém của nhà thầu phụ…

Chuyện không hiếm thấy

PV: – Mới đây, Công ty cổ phần cơ điện Liên Thành Việt Nam (Lithaco)  đã đình công, giăng biển hiệu để phản đối nhà thầu chính Công ty GS Engineering & Construction Corp của Hàn Quốc vì cho rằng bị chèn ép, vi phạm hợp đồng đối với nhà thầu phụ trong quá trình thực hiện các gói thầu về cơ điện tại depot (nhà ga và trạm bảo dưỡng) Long Bình và 3 nhà ga trên cao của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Cụ thể, nhà thầu phụ Việt Nam tố bị nhà thầu chính ép lắp thiết bị sai thiết kế, ép giá nhà thầu chọn nguyên liệu kém chất lượng, chấm dứt hợp đồng thầu phụ, rút bảo lãnh ngân hàng, chiếm giữ tài sản của Lithaco tại công trường, ngăn không cho kỹ sư và công nhân của nhà thầu phụ vào công trường, không nghiệm thu khối lượng công việc mà phía nhà thầu phụ Việt Nam đã hoàn tất… Việc này được cho là đã gây khó khăn, đẩy nhà thầu phụ đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông có bất ngờ trước những thông tin nêu trên hay không? Ông đánh giá như thế nào về việc lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam công khai các vướng mắc với nhà thầu chính trong một công trình đầu tư bằng vốn ODA?

LS Trương Thanh Đức: – Những trục trặc trong thực hiện hợp đồng xây dựng giữa các nhà đầu tư, nhà thầu chính, nhà thầu phụ không phải chuyện hiếm thấy, nếu không muốn nói là 100% các hợp đồng xây dựng đều ít nhiều đều có vướng mắc, tranh chấp ở mức độ khác nhau. Bởi lẽ, lĩnh vực xây dựng rất phức tạp, với rất nhiều công đoạn, chi tiết, vật liệu, cùng những yêu cầu, đòi hỏi khác biệt, nên cũng có rất nhiều sai lệch, mâu thuẫn khác nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Những tranh chấp thường thấy chủ yếu xuất phát từ các vi phạm, thực hiện không đúng thỏa thuận và mong muốn của nhiều bên như chủ đầu tư, giám sát, nhà thầu chính và nhà thầu phụ như: đề xuất các yêu cầu vượt quá phạm vi hợp đồng; tự ý thay đổi thiết kế; kéo dài thời gian thực hiện; thi công không đúng thiết kế; không bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình,…

LS Trương Thanh Đức

Nếu các tranh chấp này đã được dự liệu ngay trong hợp đồng thì khi phát sinh các bên sẽ dễ dàng giải quyết. Nhưng nếu các vấn đề chưa được các bên dự liệu khi soạn thảo và ký kết hợp đồng thì sẽ dẫn tới việc giải quyết gặp khó khăn. Đặc biệt, trong trường hợp hai bên không thiện chí, không tìm được tiếng nói chung, vụ việc sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các bên.

Khi xảy ra tranh chấp, các bên sẽ thắc mắc, khiếu nại và thương lượng giải quyết. Nếu đàm phán, thỏa thuận và tự hoà giải không được thì tất yếu dẫn đến việc khởi kiện, đưa nhau ra Toà án hoặc Trọng tài.

Việc để xảy ra nhiều hay ít tranh chấp là phụ thuộc vào quá trình soạn thảo và thực hiện hợp đồng, liên quan đến trình độ quản lý, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp và thái độ hợp tác của các bên trong quá trình thi công và xử lý thay đổi, vướng mắc phát sinh.

Trở lại cách hành xử của Công ty cổ phần cơ điện Liên Thành Việt Nam (Lithaco), đây cũng là một trong nhiều giải pháp giải quyết tranh chấp được các nhà thầu phụ lựa chọn khi không thể tìm được tiếng nói chung, đồng thời cũng không còn muốn dừng lại ở trạng thái “đóng cửa bảo nhau” nữa. Tuy nhiên, cách giải quyết này có mang lại hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào tính chất, mức độ của vụ việc, sự thiện chí cũng như khả năng ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.

Trước đây đã từng có vụ tranh chấp mà nhà thầu phụ kiện nhà thầu chính đòi bồi thường, nhưng lại bị bồi thường ngược. Đó là nhà thầu phụ là CTCP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh REE kiện tổng thầu Trung Quốc BUGG trong Dự án Hồ Tây vàng.

Khi đó, nhà thầu phụ đã khởi kiện đòi tổng thầu thanh toán các khoản còn lại của hợp đồng như phí bảo hành và một số khoản phát sinh tăng. Phía tổng thầu thừa nhận, có một số khoản phát sinh tăng là đúng, nhưng thấp hơn con số mà nhà thầu phụ đưa ra. Trong khi đó, nhà thầu phụ chậm tiến độ thi công nên tổng thầu đề nghị Tòa án xem xét vấn đề phạt hợp đồng vì chậm tiến độ. Cuối cùng, nhà thầu phụ đã bị phạt hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Như vậy, để bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của mình khi khi xảy ra tranh chấp hợp đồng xây dựng, yếu tố quyết định đối với nhà thầu phụ trong nước là phải có đủ kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên nghiệp về pháp luật, kỹ thuật, quản lý trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng và quá trình thi công để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng.

Chấp nhận làm thầu phụ thì không phải khi đã thi công hay khi đã xảy ra tranh chấp, mà ngay từ đầu các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng đã phải chặt chẽ, chi tiết, đúng pháp luật, để trước hết hạn chế tối đa việc vi phạm hợp đồng, sau đó là tránh dẫn đến việc khó khăn, bế tắc khi dựa vào hợp đồng để giải quyết.

Sơ suất hoặc sai phạm một trong hai khâu ký kết và thực hiện hợp đồng thì đều dẫn đến nguy cơ lớn là nhà thầu phụ bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

PV: – Dù kết quả giải quyết vụ việc nêu trên như thế nào, cũng không thể phủ nhận một hiện tượng đang xảy ra ở Việt Nam, đó là chúng ta cần đầu tư những công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nên buộc phải dùng nhà thầu ngoại. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt chỉ có thể tham gia với tư cách nhà thầu phụ, luôn đứng trước nguy cơ bị lấn lướt, chèn ép ngay trên sân nhà. Đây có phải là một nghịch lý cần phải được sửa đổi hay không? Hiện tượng này buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc đầu tư nhờ vào nguồn vốn ODA như thế nào?

LS Trương Thanh Đức: – Tôi không cho rằng đây là vấn đề nghịch lý hay khó hiểu trong trường hợp này. Chúng ta cần đầu tư những công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nhưng doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được về vốn, năng lực, trình độ kỹ thuật thì buộc phải sử dụng nhà thầu nước ngoài. Và khi đã sử dụng nhà thầu chính của nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ có thể làm nhà thầu phụ hoặc có thể còn không được làm nhà thầu phụ mà chỉ tham gia vào các khâu, đoạn râu ria bên ngoài. Nghe thì xót xa nhưng phải chấp nhận vì đó là quy luật thị trường, là câu chuyện của cạnh tranh về trình độ, năng lực, về giá thành… ai mạnh thì ở cửa trên, yếu phải chịu chiếu dưới.

Như vậy, nếu muốn vượt lên thân phận của một nhà thầu phụ sẽ không có cách nào khác là phải tự vươn lên, trong đó có việc phải bắt tay với các nhà thầu nước ngoài, nhà thầu trong nước cùng học hỏi, tích lũy thì mới có cơ hội để trở thành nhà thầu chính trong các dự án lớn.

Về cơ chế, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên, lựa chọn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực, trình độ khi tham gia thực hiện các dự án lớn. Như vậy, trên “sân chơi”, các doanh nghiệp trong nước không hề bị hạ thấp so với các nhà thầu nước ngoài, thậm chí còn ít nhiều được ưu ái về luật chơi.

Bản thân các doanh nghiệp nội nếu muốn vươn lên thì bắt buộc phải chấp nhận đầu tư tích lũy về các mặt chuyên môn kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ và con người. Đôi khi doanh nghiệp còn phải chấp nhận hoà, thậm chí chịu lỗ trong một số dự án để có được kinh nghiệm tham gia vào các dự án khác.

Tuy nhiên, nhà thầu trong nước không thể đòi hỏi cơ chế ưu tiên nếu không bảo đảm sự an toàn, chất lượng và tiến độ của công trình. Không thể lấy lý do vì muốn tạo cơ hội cho một doanh nghiệp trong nước nào lớn lên mà đưa ra các quy định đi ngược lại với quy luật thị trường, vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh. Không thể đòi hỏi ưu tiên, ưu ái cho doanh nghiệp “yếu” mà loại bỏ doanh nghiệp “khỏe” được nếu không có những cơ sở nhất định.

Riêng với việc đầu tư nhờ vào nguồn vốn ODA thì đã đến lúc cần hạn chế. Hiện nay, chúng ta không còn quá thiếu vốn như trước đây, vì thế, không cần thiết phải sử dụng nhiều nguồn vốn ODA nữa. Vì hầu hết vốn ODA giống như khoản đi vay lãi đắt, do kèm theo rất nhiều các điều khoản ràng buộc, kể cả những điều khoản bất lợi cho sự phát triển trong nước, trong đó có việc sử dụng nhà thầu, lao động và vật tư, hàng hoá, dịch vụ của nước ngoài.

Vì thế, những gì doanh nghiệp trong nước đã làm và có thể làm được tương đối tốt thì nên huy động nguồn vốn đầu tư trong nước, tránh tình trạng vay vốn rồi bị phụ thuộc và lợi ích tổng thể không cao. Bài học từ dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chính là bài học quá đắt trong việc bị nguồn vốn ODA “chi phối”.

Doanh nghiệp phải tự vươn lên

PV: – Một điều tương tự cũng đang xảy ra trong việc doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Các cam kết ban đầu khi đồng ý chủ trương đầu tư có vẻ như không được thực hiện nghiêm túc, dù nguyên nhân còn do nền tảng kỹ thuật còn thấp của doanh nghiệp Việt Nam.

Vậy trong điều kiện hiện nay, làm cách nào để doanh nghiệp Việt được tham gia sâu hơn và không ở trong thế bị chèn ép, thưa ông? Có nên có những ràng buộc kỹ càng hơn về công việc doanh nghiệp Việt được tham gia và quy chế ứng xử với doanh nghiệp Việt tương đương với cách chúng ta ứng xử với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam?

LS Trương Thanh Đức: – Rất khó để trả lời cho câu hỏi “làm cách nào” để cho doanh nghiệp Việt tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI và không còn ở thế bị chèn ép. Vì điều đó dường như phụ thuộc 80 – 90% vào bản thân các doanh nghiệp.

Chính doanh nghiệp phải là người hiểu rõ nhất về nội lực, trình độ và khả năng của mình, trên cơ sở đó họ sẽ biết và quyết định được việc mình có đủ khả năng để tham gia vào các chuỗi cung ứng cùng FDI hay không? Khi biết được mình có khả năng đến đâu thì họ cũng sẽ biết cách phải làm thế nào để tham gia được vào chuỗi cung ứng đó.

Gói thầu CP2 đoạn trên cao và các depot tuyến metro số 1 đã đạt 83 % khối lượng công việc

Nhìn thẳng vào thực tế, các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước đã tụt hậu khá xa, vẫn chưa có được vị trí và chỗ đứng ngay trong các chuỗi sản xuất trong nước, chứ chưa nói đến trên thế giới. Những vấn đề chính là do sự hạn chế về vốn, quy mô của các doanh nghiệp hỗ trợ, trình độ năng lực về công nghệ, lao động sản xuất của doanh nghiệp…

Vì vậy, ngoài việc trông chờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thì chủ yếu doanh nghiệp phải nỗ lực tự thay đổi, phải liên doanh, liên kết, tạo dựng nền tảng khoa học kỹ thuật tốt, nâng cao năng lực, trình độ quản lý từ đó mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất, không thể trông chờ nhiều vào chính sách, vào ưu tiên, ưu đãi được.

Tuy nhiên, về mặt quản lý, chính sách thu hút FDI cũng cần điều chỉnh chỉ thu hút có trọng tâm, trọng điểm, ở những lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực rất khó mà doanh nghiệp trong nước chưa làm được.

Thực tế, có một số lĩnh vực, kể cả xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp Việt có khả năng làm không kém, thậm chí còn tốt hơn cả doanh nghiệp nước ngoài, nhưng lại chưa được quan tâm cân nhắc đúng mức, khiến nhiều cơ hội đã bị lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Do đó, khi thu hút đầu tư cần ưu tiên nhìn vào lợi ích chung liên quan mà toàn xã hội và nền kinh tế cùng được hưởng, chứ không chỉ quá tập trung vào một vài yếu tố như kinh nghiệm đã có, máy móc hiện đại, nhất là bỏ thầu giá rẻ.

Điều rất quan trọng khi xét đến lợi ích quốc gia là doanh nghiệp trong nước sẽ hầu như sử dụng nguồn lực trong nước như lao động, máy móc, vật tư, nguyên liệu, trang thiết bị trong nước, đặc biệt là các khoản lợi nhuận, thuế thu nhập đều đóng góp cho đất nước, không bị chuyển ra nước nước ngoài. Như vậy, xét về cả một chu trình sản xuất là lọt sàng xuống nia, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà cả nền kinh tế và xã hội cùng được hưởng lợi.

Ngược lại, nếu chấp nhận để FDI vào, có thể chúng ta chỉ được hưởng một chút lợi ích từ một phần công ăn, việc làm, thuế gián thu (do người tiêu dùng đóng góp) đóng góp. Còn lợi nhuận có được do chuyển giá, do được hưởng những cơ chế ưu đãi kịch trần, cũng như trả tiền cho  lao động nước ngoài, kể cả lao động trái phép, gây ô nhiễm môi trường,… Không khéo, những hệ lụy mang lại thậm chí còn lớn hơn cả những lợi ích thu về.

PV: – Việt Nam đang có kế hoạch giải ngân một lượng lớn vốn đầu tư công để làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Liệu đây có là cơ hội cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng việt Nam tham gia hay không? Để họ trưởng thành, ngoài những ưu tiên trong lựa chọn đầu tư, cần phải tạo nên những sức ép nào về công nghệ, kỹ thuật? Xin ông phân tích cụ thể.

LS Trương Thanh Đức: – Tôi vẫn cho rằng cơ chế chỉ định thầu là một chủ trương đúng, nếu kiểm soát tốt. Không những thế, nó còn có thể tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp nội thử thách vươn lên tự khẳng định mình.

Sự thành công của các tập đoàn xây dựng lớn mạnh nhất Hàn Quốc chính là một ví dụ điển hình cho sự đi lên từ cơ chế chỉ định thầu.

Những sai phạm trong chỉ định thầu ở Việt Nam thời gian qua không phải là do chủ trương sai mà là do cách thức thực hiện không minh bạch, có tiêu cực, tham nhũng.

Với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công để làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 tới đây, cùng với hàng loạt các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn này như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành… tôi vẫn cho rằng sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp trong nước thử sức. Phần lớn các công trình hoặc là có thể chỉ định thầu hoặc là chỉ cần tổ chức đầu thầu trong nước, mà không cứ “sính” ngoại khi không thực sự bắt buộc.

Chẳng hạn có thể cân nhắc việc nới lỏng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực triển khai xây dựng công trình nói chung, mà không nhất thiết phải có kinh nghiệm xây dựng các công trình tương tự. Điều quan trọng là đánh giá khả năng hiện thực và tương lai, chứ không quá đòi hỏi kinh nghiệm và năng lực đã có.

Lấy một ví dụ đơn giản như việc mỗi năm một thành phố có thể trồng hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn cây xanh, nhưng toàn phải đánh trồng thủ công. Nếu mạnh dạn giao cho một doanh nghiệp nhận một gói thầu lớn, ổn định trong vài năm, thì họ sẵn sàng mua máy hiện đại đánh trồng cây, nâng cao năng suất, hạ giá thành, bảo đảm tiến độ cũng như tăng cao sự sống và hồi phục của cây.

Tất nhiên, cũng không vì ưu tiên cơ hội cho doanh nghiệp nội mà bỏ qua các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng công trình hay thời hạn hoàn thành. Phải kiên quyết loại bỏ những nhà thầu có trình độ chuyên môn và quản lý thấp, thường xuyên mắc lỗi như chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng công trình. Vì vậy, bản thân các nhà thầu trong nước phải chấp nhận đầu tư công nghệ, kỹ thuật, máy móc, con người để có thể đáp ứng được các đòi hỏi tối thiểu, tiến đến cạnh tranh sòng phẩng với các nhà thầu nước ngoài.

Yếu tố rất quan trọng là giá cả đấu thầu cũng cần hết sức cân nhắc. Đã xảy ra nhiều trường hợp, doanh nghiệp nước ngoài thắng thầu doanh nghiệp Việt Nam bằng chiêu trò bỏ thầu giá thấp, nhưng sau đó lại tìm mọi cách đội chi phí, thậm chí gấp nhiều lần. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu thì gần như mọi lợi ích đều không bị mang cho nước ngoài.

PV: – Xin cảm ơn ông!

Vũ Lan (Thực hiện)

—————————–

Đất Việt (Kinh tế) 18-5-2020:

https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thau-phu-lithaco-kien-tong-thau-han-quoc-de-khong-thua-thiet-3403173/

(2.651/3.288)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,904