200. Hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh

(ND) – Sau 30 năm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật kinh doanh nước ta bên cạnh việc đã được xây dựng, sửa đổi một cách tương đối cơ bản, đầy đủ và tiến bộ, vẫn còn không ít bất cập, vướng mắc đòi hỏi tiếp tục được hoàn thiện.
Hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh

Sản xuất nông sản xuất khẩu tại Công ty CP xuất nhập khẩu VIFOCO (xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: TRẦN VIỆT

Đổi mới về pháp luật kinh doanh

Có thể nói, Bộ luật Dân sự năm 1985, với những quy định về quyền sở hữu tài sản, về hợp đồng, về trách nhiệm dân sự,… là đạo luật đầu tiên đặt nền tảng pháp lý chung cho hoạt động kinh doanh. Hai năm sau, ra đời đạo luật đầu tiên chuyên về kinh doanh là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Và ba năm sau, mới có luật “doanh nghiệp” cho nhà đầu tư trong nước là Luật Công ty năm 1990. Những năm sau đó thì các đạo luật trực tiếp và gián tiếp về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh đã liên tục được ban hành.

Đặc biệt, sau khi có quy định rõ ràng về quyền tự do kinh doanh của công dân trong Hiến pháp năm 2013, một loạt đạo luật được ban hành để cụ thể hóa quyền tự do đầu tư, kinh doanh. Có thể kể đến Luật Đầu tư năm 2014 với quy định hoàn toàn tự do đầu tư kinh doanh, ngoại trừ sáu ngành, nghề bị cấm và 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… Luật Doanh nghiệp năm 2014 với quy định không phải ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; việc tự do lựa chọn hình thức, nội dung, số lượng và việc quản lý, sử dụng con dấu; việc doanh nghiệp được phép có nhiều người đại diện theo pháp luật… Luật Nhà ở năm 2014 quy định cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam,… Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, với quy định không bắt buộc phải bán bất động sản qua sàn giao dịch,…

Bên cạnh đó, còn nhiều luật khác có những quy định thay đổi liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Luật Kế toán năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015,… Và thậm chí có cả những đạo luật tưởng chừng không liên quan, nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhìn chung, các đạo luật đã có nhiều điểm thay đổi theo xu thế tôn trọng quyền tự do đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân, gồm tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh; tự do liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư, kinh doanh; tự do quyết định cơ cấu, tổ chức, quản trị doanh nghiệp; tự do lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh; tự do huy động và sử dụng vốn; tự do tuyển chọn và sử dụng lao động; tự do lựa chọn và phát triển thị trường; tự do phân phối lợi nhuận;…

Còn nhiều quy định bất hợp lý

Trong lĩnh vực pháp luật về đầu tư, mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 quy định chỉ có sáu ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh và nhiều hành vi có tính chất đầu tư, kinh doanh bị cấm thực hiện. Thí dụ, hoạt động dịch vụ tổ chức đánh bạc, tuy không nằm trong sáu ngành, nghề bị cấm kinh doanh (đồng thời cũng nằm ngoài ba nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là “Kinh doanh xổ số”, “Kinh doanh casino” và “Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài”), tuy nhiên lại bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại” nhưng lại không có ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hòa giải thương mại”, không có ngành nghề kinh doanh vàng tài khoản (sàn vàng),… Bên cạnh đó một số ngành, nghề không thật sự cần thiết như “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”. Hay có những ngành, nghề thật sự không rõ ràng như “Kinh doanh thực phẩm” nhưng lại bao gồm ba nhóm khác nhau “thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành” của ba bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế. Trên thực tế đến thời điểm này đã tăng thêm ít nhất hai ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đó là “Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn” theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 và “Kinh doanh dược” theo Luật Dược năm 2016.

Về pháp luật về doanh nghiệp, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp được tự do kinh doanh và không phải ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng lại vẫn bắt doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký như cũ. Việc này gần như không có ý nghĩa gì, kể cả cho việc thống kê, vì doanh nghiệp được tự do khai báo hàng nghìn ngành, nghề, nên khác xa hoạt động kinh doanh thực tế của họ.

Trong lĩnh vực pháp luật về lao động, mặc dù Bộ luật Lao động năm 2012 đã xác định có thị trường lao động và sức lao động là hàng hóa, nhưng vẫn còn nhiều quy định ràng buộc quá chặt chẽ, dẫn đến ách tắc lớn trong việc tự do bán sức lao động và quyền tự do tuyển chọn, sử dụng lao động. Việc người lao động chấm dứt hợp đồng lao động cũng như việc doanh nghiệp sa thải lao động rất khó khăn. Doanh nghiệp cũng không được phép cho thuê, cho mượn lao động, dù chỉ là để giải quyết nhu cầu cần thiết tạm thời…

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật kinh doanh

Những bất hợp lý nêu trên cho thấy, cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy, không ngừng rà soát chỉnh sửa, bãi bỏ các quy định pháp luật bất cập để góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh. Kể cả những luật mới ban hành cũng không nằm ngoài diện xem xét sửa đổi. Chẳng hạn, đối với Luật Doanh nghiệp năm 2014, cần xem xét bỏ bớt một số trong tổng số 269 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm 267 ngành, nghề quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và hai ngành, nghề quy định ở văn bản luật khác), như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Xem xét bỏ yêu cầu phải làm thủ tục khai báo đối với ngành nghề tự do kinh doanh. Cần bãi bỏ hẳn việc bắt buộc phải đóng dấu doanh nghiệp, vì không cần thiết và không xác định được giá trị pháp lý là thế nào trong mối quan hệ với chữ ký. Cũng cần quy định, đã có nhiều người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chữ ký của tất cả những người ấy, thay vì chịu trách nhiệm đến đâu là theo quy định của Điều lệ công ty, đẩy hết rủi ro cho đối tác giao dịch.

Cần xem xét việc bãi bỏ hình thức văn bản là thông tư (đã bãi bỏ thông tư liên tịch) trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bởi vì, đến nay gần như đã có đủ các đạo luật, thì chỉ cần thêm một cấp văn bản hướng dẫn là nghị định.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

—————–

(1.396/1.396)

—————–

Bài gốc                                                                                                             Hà Nội 06-5-2016

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÌ TỰ DO KINH DOANH

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI

Trọng tài viên VIAC.

Sau 30 năm chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật kinh doanh nước ta bên cạnh việc đã được xây dựng và sửa đổi một cách tương đối cơ bản, đầy đủ và tiến bộ thì vẫn còn không ít bất cập, vướng mắc đòi hòi tiếp tục được hoàn thiện.

Đổi mới nhiều về pháp luật kinh doanh

Có thể nói, Bộ luật Dân sự năm 1985, với những quy định về quyền sở hữu tài sản, về hợp đồng về trách nhiệm dân sự,… là đạo luật đầu tiên đặt nền tảng pháp lý chung cho hoạt động kinh doanh. Hai năm sau, ra đời đạo luật đầu tiên chuyên về kinh doanh là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Và 3 năm sau, mới có luật “doanh nghiệp” cho doanh nhà đầu tư trong nước Luật Công ty năm 1990. Những năm sau đó thì các đạo luật trực tiếp và gián tiếp về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh đã liên tục được ban hành.

Đặc biệt sau khi có quy định rõ ràng về quyền tự do kinh doanh của công dân trong Hiến pháp năm 2013, thì đã có một loạt đạo luật được ban hành để cụ thể hoá quyền tự do đầu tư, kinh doanh. Có thể kể đến Luật Đầu tư năm 2014 với quy định hoàn toàn tự do đầu tư kinh doanh, ngoại trừ 6 ngành, nghề bị cấm và 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện,…; Luật Doanh nghiệp năm 2014 với quy định không phải ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; việc tự do lựa chọn hình thức, nội dung, số lượng và việc quản lý, sử dụng con dấu; việc doanh nghiệp được phép có nhiều người đại diện theo pháp luật,…; Luật Nhà ở năm 2014 với quy định cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam,…; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, với quy định không bắt buộc phải bán bất động sản qua sàn giao dịch,…

Bên cạnh đó, còn nhiều luật khác có những quy định thay đổi liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Luật Kế toán năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015,… Và thậm chí có cả những đạo luật tưởng chừng không liên quan, nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhìn chung, các đạo luật đã có nhiều điểm thay đổi theo xu thế tôn trọng quyền tự do đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân, gồm tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh; tự do liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư, kinh doanh; tự do quyết định cơ cấu, tổ chức, quản trị doanh nghiệp; tự do lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh; tự do huy động và sử dụng vốn; tự do tuyển chọn và sử dụng lao động; tự do lựa chọn và phát triển thị trường; tự do phân phối lợi nhuận;…

Vẫn còn nhiều quy định bất hợp lý

Bên cạnh những quy định hợp lý, tự do, cởi mở trong đầu tư kinh doanh thì vẫn còn nhiều điều luật quá chặt chẽ, cứng nhắc, không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh. Dưới đây xin điểm qua một vài lĩnh vực pháp luật.

Pháp luật về đầu tư: Mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 quy định chỉ có 6 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều hàng hoá, dịch vụ bị cấm kinh doanh và nhiều hành vi có tính chất đầu tư, kinh doanh bị cấm thực hiện. Ví dụ, hoạt động dịch vụ tổ chức đánh bạc tuy không nằm trong 6 ngành, nghề bị cấm kinh doanh (đồng thời cũng nằm ngoài 3 nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là “Kinh doanh xổ số”, “Kinh doanh casino” và “Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài”), tuy nhiên lại bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như 2015. Trong số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại” nhưng lại không có ngành, nghề “Hoạt động dịch vụ của tổ chức hoà giải thương mại”, không có ngành nghề kinh doanh vàng tài khoản (sàn vàng),… Bên cạnh đó một số ngành nghề không thật sự cần thiết như “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”. Hay có những ngành nghề thật sự không rõ ràng như “Kinh doanh thực phẩm” nhưng lại bao gồm 3 nhóm khác nhau “thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành” của 3 bộ là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Trên thực tế đến thời điểm này đã tăng thêm ít nhất 2 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đó là “Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn” theo quy định của Luật Khí tượng thuỷ văn năm 2015 và ”Kinh doanh dược” theo Luật Dược năm 2016.

Pháp luật về doanh nghiệp: Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp được tự do kinh doanh và không phải ghi nhận ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng lại vẫn bắt doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký như cũ. Việc này, gần như không có ý nghĩa gì, kể cả việc thống kê, vì nó được tự do khai báo hàng nghìn ngành, nghề, nên khác xa hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Hay con dấu của doanh nghiệp, không xác định có giá trị pháp lý thế nào, nhưng vẫn bắt buộc phải có và các đối tác giao dịch buộc phải quan tâm đến việc quy định nội bộ của doanh nghiệp. Rồi doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, nhưng lại có thể không chịu trách nhiệm về chữ ký của họ, vì quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của người đại diện theo pháp luật thế nào là theo quy định của Điều lệ công ty,…

Pháp luật về lao động: Mặc dù Bộ luật Lao động năm 2012 đã xác định có thị trường lao động và sức lao động là hàng hoá, nhưng vẫn còn nhiều quy định ràng buộc quá chặt chẽ, dẫn đến ách tắc lớn trong việc tự do bán sức lao động và quyền tự do tuyển chọn, sử dụng lao động. Việc người lao động chấm dứt hợp đồng lao động cũng như việc doanh nghiệp sa thải lao động rất khó khăn. Doanh nghiệp cũng không được phép cho thuê, cho mượn lao động, dù chỉ là để giải quyết nhu cầu cần thiết tạm thời. Về tiền lương, quy định mức tối thiểu chênh lệch quá nhiều, gần gấp 3 lần giữa khối doanh nghiệp với khối nhà nước. Luật Công đoàn năm 2012 cũng quá bất hợp lý khi bắt doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương (thậm chí còn phải đóng trong cả trường hợp không có tổ chức công đoàn).

Pháp luật về lãi suất: Trong khi lãi suất vay mà các doanh nghiệp và cá nhân vay nhau thì bị khống chế không quá 13,5% trong nhiều năm nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và không quá 20%/năm từ năm 2017 theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì lãi suất vay ngân hàng lại gần như không có giới hạn. Rồi cả Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như 2015 đều quy định mức lãi suất chậm trả quá cao. Khi doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ đúng hạn vì khó khăn, thì ngoài việc vẫn phải trả lãi vay, còn phải trả thêm 9%/năm (theo Bộ luật năm 2005) hoặc trả thêm 1/2 mức lãi suất trong hạn (bằng 150% lãi suất quá hạn theo Bộ luật năm 2015). Đặc biệt, nếu chậm trả nợ sau khi đã có phán quyết của Toà án hoặc Trọng tài, đối với nợ dân sự chỉ phải trả tổng cộng 9% (hiện hành) hay 10%/năm (từ năm 2017), nhưng nếu là lãi vay ngân hàng thì phải trả 150% lãi trong hạn, tức là nếu vay mức lãi suất tương đối thấp là 10%, thì phải trả 15%/năm, nếu vay 20% thì phải trả 30%/năm.

Đấy mới chỉ là kể đến luật, còn các nghị định, thông tư thì còn nhiều quy định chặt chẽ, trói buộc, vô lý hơn kìm hãm hoạt động kinh doanh.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật kinh doanh

Cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy, không ngừng rà soát chỉnh sửa, bãi bỏ các quy định pháp luật bất cập để góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu để khẳng định và đổi mới về quyền sỡ hữu đất đai, về kinh tế thị trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa và về kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong Hiến pháp năm 2013.

Kể cả những luật mới ban hành cũng không nằm ngoài diện xem xét sửa đổi. Chẳng hạn đối với Luật Doanh nghiệp năm 2014, cần xem xét bỏ bớt một số trong tổng số 269 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Xem xét bỏ yêu cầu phải làm thủ tục khai báo đối với ngành nghề tự do kinh doanh. Cần bãi bỏ hẳn việc bắt buộc phải đóng dấu doanh nghiệp, vì không cần thiết và không xác định được giá trị pháp lý là thế nào trong mối quan hệ với chữ ký. Cũng cần quy định, đã có nhiều người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chữ ký của của tất cả những người ấy, thay vì chịu trách nhiệm đến đâu là theo quy định của Điều lệ công ty, đẩy hết rủi ro cho đối tác giao dịch.

Cần xem xét việc bãi bỏ hình thức văn bản là thông tư (đã bãi bỏ thông tư liên tịch) trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Hiện nay, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện việc thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Thực ra, từ 11 năm trước đây, quy định này đã được nêu tại Điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trong nhiều năm trước đây, pháp luật kinh doanh chủ yếu dưới hình thức các nghị định và thông tư, đến nay gần như đã có đủ các đạo luật, thì chỉ cần thêm một cấp văn bản hướng dẫn là nghị định.

Việc vẫn tiếp tục duy trì tội đầu cơ hay bổ sung tội sa thải lao động trái phép trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là không cần thiết và không hợp lý trong nền kinh tế thị trường khuyến khích tự do kinh doanh cũng như tuyển chọn và sử dụng lao động.

Không thể bỏ qua tình trạng thực tế, càng ban hành nhiều quy định pháp luật, thì doanh nghiệp ngày càng vi phạm và lách luật nhiều hơn, vì một trong những nguyên nhân chính là pháp luật quá phức tạp, bất hợp lý và khó tuân thủ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——————-

Nhân Dân (Pháp luật) 27-5-2016:

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/29705402-hoan-thien-phap-luat-thuc-day-hoat-dong-dau-tu-kinh-doanh.html

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,768