215. Luật sư với việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

(ANVI) – Tham luận Hội thảo về công tác Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp                                                           

  Bộ Tư pháp – Hà Nội 18-4-2014

 

  1. Ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:
  • Trong nền kinh tế thị trường, cùng với yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả và phát triển, thì doanh nghiệp cần phải tuân thủ rất nhiều quy định của pháp luật. Nhu cầu hành xử bằng pháp luật từ chỗ gần như bằng không, thì nay đã khác và đang ở giai đoạn tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đòi hỏi tuân thủ pháp luật đối với các doanh nghiệp nói chung, đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nói riêng là điều vô cùng khó khăn, nan giải, đặc biệt là các doanh nghiệp không có đội ngũ nhân viên pháp chế nội bộ. Nhìn chung dù là doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ thì cũng đều phát sinh những vấn đề pháp lý thông thường về quản lý, hợp đồng, lao động,… Và rất nhiều doanh nghiệp không hề biết mình đang vi phạm pháp luật như ban hành điều lệ, nội quy lao động, thỏa ước tập thể sai, ký hợp đồng lao động sai, kỷ luật lao động cũng sai,… Chưa kể đến những vấn đề phức tạp hơn như quản lý sở hữu tri tuệ, hình ảnh, thương hiệu, nhãn hiệu, giao dịch với nước ngoài,… Hoặc vì không biết pháp luật mà doanh nghiệ phải chịu thiệt như chấp nhận điều khoản trong hợp đồng kinh doanh thương mại bất lợi, bị các cơ quan chức năng bắt bẻ, đòi hỏi thực hiện những điều trái luật,… Vì vậy, yêu cầu nắm bắt, hiểu biết và chấp hành pháp luật là một trong những đòi hỏi ngày càng cần thiết đối với doanh nghiệp.
  • Rủi ro pháp lý là vấn đề nghiêm trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi và hệ thống pháp luật đang chất chứa quá nhiều bất ổn, bất cập, bất công, lạc hậu, mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo, phức tạp, rối rắm, tản mạn, vô lý, kỳ lạ, ngang trái, sai sót, hời hợt, nông cạn,… Tuy nhiên, vì chìm sâu trong một xã hội chưa bao giờ thực sự coi trọng pháp luật, nên đa số doanh nghiệp thường không nhận thấy sự nguy hiểm của việc không biết luật pháp cũng như tầm quan trọng của việc nắm bắt và tuân thủ pháp luật, đồng thời cũng không cảm nhận được sự cần thiết phải có tư vấn pháp luật. Hoặc là dù doanh nghiệp có nhận thấy điều này, thì cũng dễ rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”, là sự ưu tiên sau nhiều nhu cầu thôi thúc, gấp gáp khác. Nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô không lớn, với chỉ một vài chục, thậm chí vài nhân sự, thì việc định biên một nhân sự pháp chế trong bộ máy lao động hoặc sử dụng dịch vụ luật sư bên ngoài là một việc làm “quá sức”. Do vậy, để có thể hình thành và phát triển được các doanh nghiệp nghiêm túc, tử tế, có trách nhiệm với xã hội, thì rất cần có sự hỗ trợ pháp lý từ bên ngoài, mà trước hết là từ Nhà nước. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.
  • Chính vì vậy, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05-5-2010. Đây là một trong những chương trình được thực hiện bằng các hình thức phù hợp và theo nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ để thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
  1. Vai trò của Luật sư tham gia Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:
  • Hiện nay số lượng và nội dung các điều khoản văn bản quy phạm pháp luật nhiều đến mức các doanh nghiệp gần như không thể theo dõi cập nhật và không tra cứu nắm bắt được nếu không có nhân sự chuyên trách và có trình độ pháp lý nhất định. Nếu như giai đoạn đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chỉ có khoảng 500 – 700 trang văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Công báo, thì nay đã lên tới trên 50.000 – 70.000 trang, tức là gấp khoảng 100 lần, một khối lượng văn bản khổng lồ. Từ thông tư, nghị định cho đến luật đều thường xuyên thay đổi chóng mặt. Và đặc biệt là trong nhiều trường hợp, không biết phải hiểu và thực hiện thế nào cho đúng quy định. Một Luật sư Pháp, ông S.Crit-Stop, đã từng phát biểu: “Việt Nam chưa có đủ cơ cấu hành chính và thiếu nhân viên có đủ kinh nghiệm chuyên môn để áp dụng đúng đắn các văn bản pháp luật. Và Việt Nam cũng không có đủ những chính sách cần thiết, do đó người ta không biết rõ trong hoàn cảnh nào thì phải áp dụng quy định nào và cũng không đoán được phản ứng của chính quyền trong từng trường hợp.”. Luật sư Benjamin Yap, Chủ tịch Hội Doanh nhân Singapore tại TP HCM cũng đã than phiền: “Luật Việt Nam có muôn ngàn cách hiểu, cùng một luật nhưng mỗi cơ quan khác nhau lại hiểu và giải thích theo một cách khác nhau.”.
  • Luật sư là một trong những lực lượng tốt nhất hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Luật sư đóng vai trò là “nhịp cầu” nối giữa pháp luật và kinh doanh: Biến sự bó buộc, khuôn khổ, công thức cứng nhắc của pháp luật thành sự tự do, sáng tạo, thay đổi linh hoạt của kinh doanh. Phần giải pháp về chính sách để thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014, ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập đến việc “Khuyến khích các các Luật sư, Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.” Tuy nhiên, cần nâng cao hơn nữa vai trò của Luật sư trong Chương trình này. Việc Luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình này sẽ phát huy tác dụng thật sự và thiết thực để thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là sự kết hợp một cách phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 21 về “Quyền, nghĩa vụ của luật sư”, Luật Luật sư năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định một trong các nghĩa vụ của Luật sư là “Thực hiện trợ giúp pháp lý”.
  • Luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngoài các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định hiện hành (doanh nghiệp được khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật; được giới thiệu, cung cấp, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; được giải đáp pháp luật – Giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và giải đáp thông qua các hình thức khác) còn có khả năng và điều kiện thuận lợi đảm nhận tốt công việc sau:
  • Gợi mở, tạo ra nhu cầu tìm hiểu, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý;
  • Hỗ trợ xây dựng và ban hành hệ thống văn bản định chế của doanh nghiệp (về thẩm quyền, thể thức, kỹ thuật soạn thảo, căn cứ ban hành và nội dung các quy chế, quy định nội bộ doanh nghiệp);
  • Chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo nhân viên và các tư vấn viên khác (nếu có) đảm nhận công việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp;
  • Góp phần củng cố, xây dựng đội ngũ luật sư phục vụ doanh nghiệp vốn đang rất thiếu hụt về số lượng và hạn chế về năng lực, kinh nghiệm;
  • Đảm nhận vai trò mạng lưới hỗ trợ và xây dựng, duy trì cơ chế và mạng lưới hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
  • Mở ra cánh cửa mới, xã hội hoá, chuyển giao công việc tư vấn pháp luật cho các luật sư và công ty luật, khi kết thúc chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
  1. Đề xuất, kiến nghị triển khai thực hiện các hoạt động và định hướng của Chương trình đến năm 2020:
  • Với việc triển khai bước đầu hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy đã đạt được tác dụng, hiệu quả tốt, nhưng thời gian diễn ra còn quá ngắn, mới chỉ mang tính chất thí điểm và tiếp cận bước đầu. Vì vậy, cần kéo dài Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020 để mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng và thực chất hơn. Đồng thời, Chương trình cần mở rộng các hoạt động hỗ trợ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ tại các doanh nghiệp và tại địa phương đảm nhận công việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
  • Để việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thật sự thiết thực và có tác dụng lan toả sâu rộng, thì cần tập trung ưu tiên vào việc xử lý các vấn đề pháp lý bất cập chung, quan trọng, liên quan đến nhiều doanh nghiệp.

Ví dụ, có lộn ngược lịch sử lại cả 1.000 năm, thì cũng không doanh nghiệp nào lại có thể ngờ rằng, việc nhận thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của cá nhân hoặc pháp nhân để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo thoả thuận trong các hợp đồng kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp lại bất thình lình trở thành vô hiệu vì bị coi là trái luật. Trong khi Điều 21 về “Quyền của chủ sở hữu nhà ở” của Luật Nhà ở năm 2005 đã quy định rõ chủ sở hữu có đầy đủ quyền của chủ sở hữu là “bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý, thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.”

Vì vậy, cần yêu cầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định “Chủ sở hữu nhà ở được thế chấp nhà ở để bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ nhưng chỉ được thế chấp tại một tổ chức tín dụng” tại Điều 114 về “Điều kiện thế chấp nhà ở”, Luật Nhà ở năm 2005 được hiểu thế nào và có vi Hiến vì trái với quy định về quyền sở hữu trong Hiến pháp hay không?

Hay cần phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề,… soạn thảo các mẫu Điều lệ, nội quy lao động, quy chế,… theo từng lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mà doanh nghiệp nào cũng cần, đồng thời cũng hay gặp vướng mắc.

  • Cách hỗ trợ pháp lý hiệu quả nhất không phải là việc giúp doanh nghiệp và doanh nhân làm đúng luật, mà là việc yêu cầu các quan chức và cơ quan công quyền đừng ban hành những quy phạm trời ơi, đất hỡi, đồng thời phải hiểu đúng và làm đúng luật.

Ngân hàng M. dù có 100 giáo sư tiến sỹ hàng đầu về luật dân sự, thì cũng không biết phải làm thế nào để tránh được tai hoạ trước các nhận định và phán quyết của Toà án kiểu như: Muốn không bị tuyên vô hiệu “hợp đồng thế chấp” nhà đất của người thứ ba (theo Bộ luật Dân sự năm 2005), thì phải quay lại gọi là “hợp đồng bảo lãnh” như luật cũ đã hết hiệu lực (theo Bộ luật Dân sự năm 1995). Như vậy thì chẳng khác nào tuyên huỷ “Phán quyết trọng tài” theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, chỉ vì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 chỉ nhắc đến “Quyết định trọng tài”.

Nếu chưa “yên vị” trong tù, thì dù có sống 100 năm nữa hay có thành lập thêm 300 doanh nghiệp nữa, đại doanh nhân K. và dàn luật sư sừng sỏ quanh ông cũng không bao giờ có thể ngờ rằng, việc doanh nghiệp đường đường, chính chính mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu hợp pháp theo đúng Luật Doanh nghiệp mà mình lại bị kết tội kinh doanh trái phép theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (?!).

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – Bên cạnh VCCI – VIAC; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Uỷ viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp – Bộ Tư pháp; Uỷ viên Ban Chấp hành kiêm Phó Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện Chính sách Hội Các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam – VACD.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,771