217b. Đối đáp Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB

(ANVI) – Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm bị truy tố về các tội Lừa đảo tài sản, Kinh doanh trái phép, Trốn thuế và Cố ý làm trái… do TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm 20/5 – 05/6/2014

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, đối đáp tại Phiên toà ngày 30-5-2014.

1. Về việc uỷ thác sai hay đúng?

1.1 Hợp đồng uỷ thác đã thanh lý chưa?

Chưa, chỉ là tất toán khoản tạm ứng, chưa thanh lý.

1.2 Tại sao không gửi thị trường liên ngân hàng?

Thì cũng tương tự như tại sao Vietinbank nhận gửi tiền tiết kiệm rồi lại còn nhận tiền gửi của cá nhân dưới nhiều hình thức khác?

Nếu kết luận như Luật sư bảo vệ VietinBank rằng: Hậu quả là do chính ACB thực hiện chủ trương ủy thác sai. Thì hóa ra tiền là nguồn nguy hiểm cao độ?

2. Về việc uỷ thác gửi tiết kiệm hay uỷ thác gửi tiền?

2.1. Gửi theo Hợp đồng tiền gửi và theo hình thức gửi tiết kiệm khác nhau thế nào?

Bản chất đều là tiền gửi của khách hàng, cùng chung một gốc tài khoản cấp 42. Khác nhau là 1 giao dịch thì nhận Hợp đồng tiền gửi, một giao dịch thì thẻ tiết kiệm.

2.2. Không giữ thẻ tiết kiệm thì sao?

Nếu khoản nào đúng là gửi tiết kiệm thì khách hàng có quyền giữ thẻ tiết kiệm.

Việc giữ thẻ tiết kiệm hay giữ Hợp đồng tiền gửi thì cũng như nhau về pháp lý, vì đều là một loại Giấy chứng nhận tiền gửi.

Và cần khẳng định rằng cả hai đều không phải là giấy tờ có giá, mà chỉ là gần giống với giấy tờ có giá. Điều này hay bị nhầm, giống như hồ sơ vụ án toàn nhầm lẫn giữa cầm cố, thế chấp và bảo lãnh bằng thẻ tiết kiệm. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-02-2012. Ví dụ, Điều 19 về “Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá” quy định:

– Khoản 1. Trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn….

– Khoản 2. Trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm….

– Khoản 3. Trong trường hợp nhận cầm cố giấy tờ có giá….

Nhưng vấn đề pháp lý mấu chốt là, giữ hay không giữ thẻ tiết kiệm thì Vietinbank cũng không được phép tự dưng mang thẻ tiết kiệm của khách hàng đi cầm cố để cho người khác vay vốn và khấu trừ nghiến đi.

3. Tại sao lại khẳng định trách nhiệm của Vietinbank?

3.1. 32 hợp đồng gửi tiền có phải là hình thức hay không?

Hợp đồng thật từ lúc lập cho đến bây, giờ, liên tục đã, đang và sẽ thật.

Nếu cho rằng 32 HĐ giả, chỉ là hình thức, để che đậy hợp đồng thật trái pháp luật giữa ACB và HN, thì hợp đồng giả là vô hiệu, còn giao dịch gửi tiền thật vào Vietinbank vẫn có hiệu lực theo quy định tại Điều 129 về “Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo” của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Đây là phần dân sự trong vụ án hình sự, luật cho phép tách ra thành vụ án dân sự riêng, nên đừng nói rằng không áp dụng pháp luật dân sự.

Kể cả chúng có là hợp đồng giả đi chăng nữa, thì vì thế mà VietinBank được nhận tiền, sử dụng tiền và giựt tiền của khách hàng, là ngư ông đắc lợi, đục nước béo có à?

3.2. Tiền đã vào tài khoản nào?

Tiền gửi của khách hàng không vào tài khoản của Vietinbank mở tại Sở Giao dịch NHNN số 49 Lý Thái Tổ, vì đây là một tài khoản riêng của Vietinbank, với tư cách là một khách hàng của NHNN.

Nói tiền đã vào tài khoản của Vietinbank, thì quá đơn giản để hiểu rằng tiền đã vào tài khoản của khách hàng mở tại Vietinbank.

Tiền đã vào tài khoản của phòng giao dịch hay chi nhánh HCM tại Hàm Nghi thì cũng là của Vietinbank vì mấy trăm điểm giao dịch cũng chỉ là một pháp nhân Vietinbank. Nếu nói tiền vào phòng giao dịch chứ không vào đến trụ sở chính của Vietinbank thì sẽ còn nhiều vụ Huyền Như nữa.

3.3. ACB hay tại Vietinbank bị chiếm đoạt?

Đại diện VKS đã nói Phiên toà này chỉ khẳng định số tiền bị chiếm đoạt đã xảy ra. Nhưng vấn đề mấu chốt là chiếm đoạt của ai?

Đại diện Vietinbank sáng nay có nhắc đến việc: Về hình thức ACB và VietinBank không có giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng nào. Vậy thì ACB có hay không có lỗi cũng chẳng nằm trong quan hệ gửi tiền giữa cá nhân với Vietinbank.

Vietinbank đã sập bẫy của Huyền Như, đó là các khoản vay được bảo đảm bằng việc cầm cố thẻ tiết kiệm của chính Vietinbank, vì vậy đã nhận hợp đồng cầm cố giả để cho vay tiền; đã định đoạt trái luật tài sản là tiền gửi của khách hàng;

Tiền gửi dù có bấp hợp pháp, việc gửi tiền dù có sai sót, nhưng nếu Vietinbank làm đúng pháp luật thì không bao giờ bị mất. Ngược lại, dù mọi thứ đều hợp pháp, hợp lệ, nhưng Vietinbank cứ chấp nhận chữ ký sai, hợp đồng cầm cố giả, thì kiểu gì cũng mất tiền.

Những sai phạm của hệ thống Vietinbank là môi trường, điều kiện tạo ra và nuôi dưỡng tội phạm lừa đào, là nguyên nhân trực tiếp, quyết định và duy nhất, dẫn đến việc tiền gửi bị rút, bị chuyển khỏi tài khoản của khách hàng.

Huyền Như đã lừa đảo VietinBank. Diễn đạt bằng ngôn ngữ pháp lý là “chính cán bộ Vietinbank đã chiếm đoạt tiền của Vietinbank”. Còn diễn đạt bằng ngôn ngữ đời thường là Vietinbank đã bị nội bộ rút ruột, là “kẻ lừa đang ở ngay sau lưng nhà ngươi”.

Cuối cùng, xin HĐXX đặc biệt cân nhắc, vì bản án này có thể là phát đại bác bắn vào toàn bộ doanh nghiệp, doanh nhân./.

—————————–

4. Về tư cách tham gia tố tụng của ACB đúng hay sai:

4.1. Tranh luận:

– Luật không quy định pháp nhân là người bị hại, nên chỉ có thể đóng vai nguyên đơn dân sự. Mà nguyên đơn thì không phải đương nhiên.

– Các bị cáo hay ai đó nói ACB bị thiệt hại thì không phải là ACB nói mình bị thiệt hại.

– Bị thiệt hại vì Vietinbank chưa trả tiền, khác thiệt hại vì bị Huyền Như chiếm đoạt.

– ACB chỉ yêu cầu Vietinbank bồi thường, chứ không có Đơn yêu cầu bồi thường.

4.2. Vietinbank có lỗi trong việc không kiểm tra, giám sát, để nhân viên mình làm sai, rút tiền của khách hàng, sao lại đổ cho khách hàng không kiểm tra, giám sát tiền trong tài khoản của Vietinbank.

5. Về việc uỷ thác sai hay đúng?

5.1. Tại sao Điều 106 quy định việc uỷ thác theo quy định của NHNN. Quy định có rồi, đó là uỷ thác cho vay 742. Kế hoạch soạn thảo quy định của NHHN hướng dẫn Luật cũng chỉ là uỷ thác cho vay. Chỉ sau khi đã xảy ra Huyền Như thì Thông tư số 04/2002 mới đưa thêm vài câu về ủy thác đầu tư nói chung, mà vị đại diện NHNN đã nhiều khẳng định trước phiên tòa rằng Thông tư này chủ điều chỉnh về ủy thác cho vay.

5.2. Vì vậy, tìm nổ đom đóm mắt trong các văn bản sau cũng không thấy quy định nào hạn chế TCTD được phép ủy thác ngoài cho vay:

– Tờ trình số 139/TTr-CP ngày 13-9-2009 của Chỉnh phủ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi);

– Báo cáo số 322/BC-UBTVQH12 ngày 15-5-2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội V/v Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi);

– Báo cáo số 340/BC-UBTVQH12 ngày 15-6-2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi);

– Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010;

– Đề cương giới thiệu Luật Các TCTD của Bộ Tư pháp và của NHNN Việt Nam (tất cả đang có trên các trang web chính thức của Quốc hội, NHNN, Bộ Tư pháp).

5.3. Đến thời điểm nào thì không được uỷ thác gửi tiền:

Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18-6-2012 của Thống đốc NHNN Quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cho phép việc gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng, cụ thể tại khoản 3, Điều 28 về “Hiệu lực thi hành”, đã được sửa đổi theo điểm b, khoản 13, Điều 1, Thông tư số 01/2013/TT-NHNN, đã quy định như sau:

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thực hiện các hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán và các giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa là 03 tháng) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”

Như vậy, việc giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi trước ngày 01-9-2012 và sau đó được sửa đổi đến trước ngày 07-01-2013 là được phép và hợp pháp. Việc uỷ thác cũng chỉ là một hoạt động giống như giao việc, uỷ quyền, để thực hiện việc gửi tiền. Nếu tại thời điểm đó ACB không được uỷ thác gửi tiền thì cũng không được thực hiện hợp đồng dịch vụ giửi giữ xe của khách hàng đến giao dịch à vì đâu có trên Giấy phép?

5.4. Việc uỷ thác để gửi tiền của mình tại nơi khác cũng không phải là một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để mà phải thực hiện theo Điều 9, Luật Doanh nghiệp.

5.5. Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2005 cũng như Luật Các TCTD năm 1997 và 2010 tuyệt đối không có chữ nào quy định về Phó Chủ tịch HĐQT và thường trực HĐQT. Nhưng ACB và hàng vạn doanh nghiệp khác đang có Phó Chủ tịch HĐQT. Chính Thống đốc NHNN còn chuẩn y hàng trăm lượt chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Nhưng không thể nói rằng đó là sai. Chưa khẳng định được những vấn đề pháp lý như vậy mà kết tội hình sự thì thật là nguy hiểm.

6. Giao dịch gửi tiền và trách nhiệm của VietinBank

6.1. Tài khoản tiền gửi và tài khoản thanh toán:

Khoản 22, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các TCTD quy định như sau:

“22. Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.”

Khoản 2, Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 quy định như sau:

“2- Việc mở và sử dụng các tài khoản thanh toán khác không phải là tài khoản tiền gửi thanh toán (như tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản séc bảo chi, tài khoản chuyển tiền, tài khoản tiền vay,…) thực hiện theo các quy định hiện hành.”

Như vậy, thì phải hiểu rằng: “tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản séc bảo chi, tài khoản chuyển tiền, tài khoản tiền vay,…” đều là “các tài khoản thanh toán”.

6.2. Tất cả 32 hợp đồng gửi tiền do hai Phó Giám đốc Vietinbank HCM là Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng ký với các nhân viên ACB là hoàn toàn hợp pháp. Tiền vào đã hợp pháp, tiền ra bất hợp pháp là hoàn toàn thuộc về Vietinbank. Chỉ phần chênh lệch vượt trần lãi suất là bất hợp pháp.

6.3. Luật sư VietinBank cho rằng: VietinBank không được hưởng lợi gì?

– Thế thì nhận mấy trăm tỷ đồng hôm trước, hôm sau sẽ lập tức trả lại ngay

– VietinBank đã khẳng định các hợp đồng và số tiền gửi vào là hợp pháp, VietinBank không biết gì về các giao dịch bất hợp pháp, vậy

6.4. Và cả hai không phải là giấy tờ có giá, mà chỉ là gần giống với giấy tờ có giá. Cái này hay bị nhầm, giống như hồ sơ vụ án toàn nhầm lẫn giữa cầm cố, thế chấp và bảo lãnh bằng thẻ tiết kiệm. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-02-2012. Ví dụ, Điều 19 về “Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá” quy định:

– Khoản 1. Trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn ….

– Khoản 2. Trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm….

– Khoản 3. Trong trường hợp nhận cầm cố giấy tờ có giá….

7. Những vấn đề khác (đã chuyển cho Luật sư Đôn Hùng trình bày)

7.1. Ngay sau khi nhận định, việc ủy thác của ACB là đúng pháp luật, Công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m lại viết: “Tuy nhiên, việc ACB thực hiện nghiệp vụ uỷ thác đối với 19 nhân viên của ACB khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm quy định tại Điều 106 Luật các TCTD năm 2010, quy định “Ngân hàng thương mại được quyền uỷ thác, nhận uỷ thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Như vậy, sau khi đã khẳng định rất rõ ràng rằng, việc uỷ thác gửi tiền của ACB là được phép, thì NHNN lại kết luận rằng, việc uỷ thác cho cá nhân là vi phạm vì chưa có hướng dẫn (!?). Trong khi, tại thời điểm xảy ra sự việc, NHNN chưa có hướng dẫn về việc uỷ thác cho cả cá nhân cũng như pháp nhân. (Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17-7-2002 chỉ điều chỉnh về ủy thác cho vay, không điều chỉnh về hoạt động ủy thác nào khác). Vậy thì nghịch lý không thể chấp nhận được là: Hợp pháp cũng như bất hợp pháp hay nói cách khác, cho phép theo kiểu cấm, đánh đố. Như vậy, khác nào quy định của Luật đã gài bẫy doanh nghiệp?

7.2. Quan điểm rõ ràng của NHNN rằng, các ngân hàng thương mại vẫn được làm tất cả các hoạt động như đang làm, nên đã được thể hiện tại Mục 9 về “Hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại”, Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Các TCTD số 322/BC-UBTVQH12 ngày 15-5-2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau: “Các hoạt động mà ngân hàng thương mại đang thực hiện và dự kiến sẽ được thực hiện đã được thể hiện tại các quy định này. Theo đó, đối với các ngân hàng thương mại, ngay khi được cấp phép thành lập và hoạt động, ngân hàng thương mại có thể được thực hiện ngay 20 nhóm hoạt động kinh doanh; và chỉ có 6 nhóm hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro thì ngân hàng thương mại phải xin phép để được hoạt động.”

7.3. Ủy thác đầu tư thuộc vào 20 nhóm hoạt động kinh doanh bình thường, không thuộc vào 6 nhóm hoạt động phải xin phép (gồm: Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế; tham gia hệ thống thanh toán quốc tế, góp vốn, mua cổ phần; kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh;…).

7.4. Chỉ từ ngày 02-5-2012 trở đi, các TCTD mới phải thực hiện theo những quy định mới có hiệu lực tại Thông tư số 04/2012/TT-NHNN ngày 08-3-2012 của Thống đốc NHNN Quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc này cũng giống như nguyên tắc: Người đi đường phải tuân theo “đèn tín hiệu giao thông”. Nhưng không thể bắt lỗi người đi đường vượt đèn đỏ khi đèn xanh thì không có, đèn đỏ thì không hoạt động, thậm chí mới chỉ dự định lắp đặt đèn đỏ. Đến nay bộ thủ tục hành chính xxx (nếu chưa nói trong Luận cứ).

7.5. Ngân hàng Nhà nước không thể giải thích khác, vì trước đây NHNN không hề cấp Giấy phép ủy thác cho bất kỳ ngân hàng nào, mà chỉ chuẩn y nội dung đó trong Điều lệ của tất các ngân hàng.

7.6. Lỗi chậm hướng dẫn của NHNN:

Điều 8 về “Văn bản quy định chi tiết”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định:

1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay; trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết [.…]

2. Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.”

Khoản 2, mục II, Phần B, Kế hoạch số 5286/KH-NHNN ngày 15-7-2010 của Thống đốc NHNN V/v Triển khai Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD viết như sau: “Trên cơ sở danh mục văn bản và dự kiến tiến độ xây dựng đã được phê duyệt, các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan triển khai việc xây dựng các văn bản hướng dẫn hai Luật Ngân hàng, đảm bảo tiến độ xây dựng và ban hành phù hợp với thời điểm có hiệu lực của hai Luật Ngân hàng vào ngày 1/1/2011”.

Như vậy lỗi chậm hướng dẫn là của NHNN, của cơ quan Nhà nước, chứ không phải là lỗi của doanh nghiệp làm sai.

7.7. Nếu như một hoạt động chưa hề được tiến hành bao giờ, nay mới được quy định trong Luật Các TCTD là phải chờ hướng dẫn của NHNN thì đúng là cần phải chờ hướng dẫn. Nhưng hoạt động ủy thác vẫn đang được thực hiện một cách bình thường (theo Điều 72 về “Nghiệp vụ uỷ thác và đại lý”, Luật Các TCTD năm 1997) từ nhiều chục năm qua, tại tất cả các ngân hàng thương mại, dù là được thành lập từ 20-30 năm trước hay mấy năm gần đây. Vì vậy, chỉ khi nào có hướng dẫn mới, khác đi thì phải thực hiện, còn không thì đương nhiên được làm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005;

7.8. Nếu giải thích khác đi, nếu không đúng như thế, thì cơ quan soạn thảo, triển khai luật đã tự phủ nhận mình, gây ra oan sai, đánh lừa Quốc hội và “có tội” với doanh nghiệp.

7.9. Nếu cứ cho là vi phạm, thì cũng không thể bỏ qua một thực tế hiển nhiên là, vì chưa coi vi phạm đó đáng phải xử lý, nên ngay cả chế tài xử phạt hành chính cũng chưa có, nhưng lại bị xử phạt hình sự. Việc này có thể so sánh với việc vi phạm quy định về cho vay thì vừa có quy định xử phạt hành chính (khoản 5, Điều 14 về “Vi phạm về cho vay”, Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20-10-2011) vừa có quy định tại Điều 179 về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Như vậy có thể nói rằng, mắc lỗi chưa đến mức phải xử phạt hành chính, nhưng lại phải chịu xử phạt hình sự.

7.10. Thường trực HĐQT ACB là những người tuân thủ nhất, bài bản nhất, nghiêm túc nhất, đúng đắn nhất, tử tế nhất,… trong ngành Ngân hàng mà bị rơi vào tình cảnh phạm tội cố ý làm trái như vậy, thì nguy cơ pháp lý khủng khiếp sẽ giáng xuống đầu bất cứ doanh nghiệp, doanh nhân nào.

(3.585 chữ) #ACB #Vietinbank #huyenhu #baukien #nguyenduckien

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,917