(ĐTCK) – Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nói chung, vụ kiện đòi tiền cho vay nói riêng từ trước đến nay như một cái bẫy pháp lý. Nếu để quá thời hiệu khởi kiện thì người cho vay sẽ mất quyền khởi kiện đòi nợ tại toà án và trọng tài. Tức là, bên cho vay coi như mất trắng cả tiền gốc và lãi, còn bên đi vay thì nghiễm nhiên được xoá nợ một cách hợp pháp.
Thời hiệu khởi kiện nói chung, khởi kiện đòi lại tài sản cho vay nói riêng đã bị thay đổi quá nhiều, gây ra khó khăn và rủi ro pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp
Thời hiệu khởi kiện thay đổi quá nhiều
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các hợp đồng cho vay tài sản nói chung, cho vay tiền nói riêng, nếu quá thời hiệu khởi kiện sẽ có nguy cơ mất quyền đòi nợ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời hiệu khởi kiện được phép kéo dài hơn. Đó là một số quãng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu, nếu bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong một phần hay đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện hoặc các bên đã tự hoà giải với nhau.
Trong khoảng 25 năm qua, đã có ít nhất 6 lần thay đổi về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng nói chung và hợp đồng cho vay nói riêng, với thời hiệu lần lượt là vô hạn, 3 năm, 6 tháng, 2 năm, vô hạn, 2 năm và chuẩn bị là 3 năm hoặc vô hạn. Ngoài ra, còn nhiều thời hiệu khởi kiện khác được quy định tại một số đạo luật chuyên ngành.
Thời hiệu khởi kiện đòi nợ không bị hạn chế trước thời điểm 1/7/1991. Trong khoảng 5 năm sau đó, thời hiệu khởi kiện là 3 năm theo quy định tại Điều 56, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991. Thời hiệu khởi kiện là 6 tháng nếu kiện đòi nợ hợp đồng kinh tế, theo quy định tại Điều 31, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 và kéo dài trong khoảng 12 năm, từ 1/7/1994 đến 30/6/2006.
Tiếp theo, thời hiệu khởi kiện hợp đồng dân sự không bị hạn chế trong giai đoạn 10 năm, từ 1/7/1996 đến 30/6/2006, do Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đều không quy định thời hiệu khởi kiện cụ thể.
Sau đó, thời hiệu khởi kiện dân sự hay kinh tế, thương mại đều là 2 năm theo quy định tại Điều 21, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003; Điều 427, Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 319, Luật Thương mại năm 2005; Điều 33, Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Điều 159, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi năm 2011). Trong giai đoạn này, Toà án nhân dân tối cao từng có công văn và một số bản án (như Bản án giám đốc thẩm số 08/2003/HĐTP-KT ngày 29/5/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án dân dân tối cao) hướng dẫn không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các vụ kiện hợp đồng tín dụng.
Từ 1/1/2012, thời hiệu khởi kiện đòi nợ không bị hạn chế theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Từ ngày 1/7/2016 trở đi, thời hiệu khởi kiện đòi nợ là vô thời hạn hay 2 năm hoặc 3 năm (từ năm 2017), một lần nữa trở lên tù mù, rắc rối.
Ẩn số thời hiệu khởi kiện
Hiện nay, đang có quan điểm khác nhau về việc có hay không có thời hiệu khởi kiện đối với vụ kiện đòi nợ cho vay.
Điều 155 về “Không áp dụng thời hiệu khởi kiện”, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện về “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” và đã bỏ đi trường hợp “đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu” được quy định tại Điều 159, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Bên cho vay cũng không có cơ sở pháp lý để áp dụng quy định về đòi lại “quyền sở hữu tài sản” đối với tranh chấp cho vay tiền, vì khác với cho mượn tài sản, sau khi giao nhận tài sản vay, bên cho vay không còn “quyền sở hữu tài sản” vay, mà “bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”, theo quy định tại Điều 464 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vì vậy, nếu theo đúng các quy định trên, thì thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tiền cho vay nói riêng và tài sản cho vay nói chung sẽ là 3 năm (giống với 20 năm trước kia và khác với 10 năm gần đây).
Có một điểm khác với trước đây, là thời hạn này thay vì tính từ khi xảy ra tranh chấp như trước, thì sẽ được tính “từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm” theo quy định tại Điều 429, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
(1.009/1.009)
—————–
Bài viết gửi đăng Đầu tư Chứng khoán Hà Nội 10-6-2017
CHẬM KHỞI KIỆN MẤT QUYỀN ĐÒI NỢ
Luật sư Trương Thanh Đức
Giám đốc Công ty Luật ANVI
Trọng tài viên VIAC
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nói chung, vụ kiện đòi tiền cho vay nói riêng từ trước đến nay luôn như một cái bẫy pháp lý quá phức tạp. Nếu để quá thời hiệu khởi kiện, thì người cho vay sẽ mất quyền khởi kiện đòi nợ tại Toà án và Trọng tài. Tức là, bên cho vay coi như mất trắng cả tiền gốc và lãi, còn bên đi vay thì nghiễm nhiên được xoá nợ một cách hợp pháp.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tiền cho vay theo quy định Điều 429, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có thay đổi cơ bản so với trước đây. Như vậy, các hợp đồng cho tài sản nói chung, cho vay tiền nói riêng, nếu quá thời hiệu khởi kiện thì sẽ có nguy cơ mất quyền đòi nợ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời hiệu khởi kiện được phép kéo dài hơn. Đó là một số quãng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu, nếu bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong một phần hay đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện hoặc các bên đã tự hoà giải với nhau.
Thay đổi quá nhiều
Trong khoảng 25 năm qua, đã có ít nhất 6 lần thay đổi về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng nói chung và hợp đồng cho vay nói riêng, với thời hiệu lần lượt là vô hạn, 3 năm, 6 tháng, 2 năm, vô hạn, 2 năm và chuẩn bị là 3 năm hoặc vô hạn. Ngoài ra, còn nhiều thời hiệu khởi kiện khác được quy định tại một số đạo luật chuyên ngành.
Thời hiệu khởi kiện đòi nợ không bị hạn chế trước thời điểm 01-7-1991. Trong khoảng 5 năm sau đó, thời hiệu khởi kiện là 3 năm theo quy định tại Điều 56, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991. Thời hiệu khởi kiện chỉ là 6 tháng nếu là kiện đòi nợ hợp đồng kinh tế, theo quy định tại Điều 31, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 và kéo dài trong khoảng 12 năm, từ 01-7-1994 đến 30-6-2006,
Tiếp theo, thời hiệu khởi kiện hợp đồng dân sự lại không bị hạn chế trong giai đoạn 10 năm từ 01-7-1996 đến 30-6-2006, do Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đều “quên” không quy định thời hiệu khởi kiện cụ thể.
Sau đó, thời hiệu khởi kiện dân sự hay kinh tế, thương mại đều là 2 năm theo quy định tại Điều 21, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003; Điều 427, Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 319, Luật Thương mại năm 2005; Điều 33, Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Điều 159, Bộ luật Tụng dân sự (sửa đổi năm 2011). Trong giai đoạn này, Toà án Nhân dân tối cao đã từng có Công văn và một số bản án (như Bản án giám đốc thẩm số 08/2003/HĐTP-KT ngày 29-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) hướng dẫn không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các vụ kiện hợp đồng tín dụng.
Từ 01-01-2012 trở đi, thời hiệu khởi kiện đòi nợ lại không bị hạn chế theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2004).
Và từ ngày 01-7-2016 trở đi, thời hiệu khởi kiện đòi nợ vẫn là vô thời hạn hay là 2 năm hoặc 3 năm (từ năm 2017), thì lại một lần nữa trở lên tù mù, rắc rối.
Ẩn số thời hiệu khởi kiện
Hiện nay, đang có quan điểm khác nhau về việc có hay không có thời hiệu khởi kiện đối với vụ kiện đòi nợ cho vay.
Điều 155 về “Không áp dụng thời hiệu khởi kiện”, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện về “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” và đã bỏ đi trường hợp “đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu” đã được quy định tại Điều 159, Bộ luật Tụng dân sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Bên cho vay cũng không có cơ sở pháp lý để áp dụng quy định về đòi lại “quyền sở hữu tài sản” đối với tranh chấp cho vay tiền, vì khác với cho mượn tài sản, sau khi giao nhận tài sản vay, thì bên cho vay không còn “quyền sở hữu tài sản” vay, mà “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”, theo quy định tại Điều 464 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vì vậy, nếu theo đúng các quy định trên, thì thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tiền cho vay nói riêng và tài sản cho vay nói chung sẽ là 3 năm (giống với 20 năm trước kia và khác với 10 năm gần đây). Có một điểm khác với trước đây, là thời hạn này thay vì tính từ khi xảy ra tranh chấp như trước, thì sẽ được tính “từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm” theo quy định tại Điều 429, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tóm lại, thởi hiệu khởi kiện nói chung, khởi kiện đòi lại tài sản cho vay nói riêng, đã bị thay đổi quá nhiều, không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học cũng như thực tiễn nào, đồng thời luôn là nỗi ám ảnh nhức nhối và gây ra rất nhiều khó khăn và rủi ro pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
—————
Đầu tư Chứng khoán (Tiền tệ) 20-6-2017:
http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/cham-khoi-kien-mat-quyen-doi-no-191349.html