220. Bình luận Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015.

(ANVI) – Hội đồng Thẩm định Dự án Bộ luật Dân sự năm 2015                           BTP – HN 08-7-2014

BÌNH LUẬN DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

(Dự thảo ngày 04-7-2014 gồm 679 điềuthứ tự 671)[1]

 

Với vai trò là thành viên của Hội đồng Thẩm định Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thành lập theo Quyết định số 1533/QĐ-BTP ngày 03-7-2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi xin tham gia một số ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định như sau:

1.          Đánh giá chung:

1.1.     Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhưng Dự thảo Bộ luật Dân sự ngày 04-7-2014 đã được thay đổi khá nhiều so với dự thảo ngày 17-6-2014 và các dự thảo trước đó, rất tích cực tiếp thu các ý kiến tham gia. Nội dung Dự thảo khá tốt, giải quyết được hầu hết các vướng mắc và yêu cầu đã đặt ra, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng. Trong đó tôi nhất trí cao với một số nội dung sau:

–        Bố cục, Chương I, phân thành vật quyển và trái quyền;

–        Quy định chủ thể của Bộ luật Dân sự chỉ gồm cá nhân và pháp nhân, bỏ các chủ thể của Bộ luật Dân sự là tổ chức, hộ gia đình, tổ hợp tác;

–        Quy định hình thức của hành vi dân sự chỉ còn là bằng văn bản và không bằng văn bản, không gồm các thủ tục công chứng, chứng thực, đăng ký;

–        Quy định 3 hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung;

–        Một số quy định khác.

1.2.     Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều nội dung cần tiếp tục được xem xét, sửa chữa để hoàn thiện hơn, nhất là các vấn đề cụ thể, chi tiết.

2.          Về Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên (Điều 13):

2.1.     Khoản 2, Điều 13 về “Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành” quy định: “2. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện hành vi pháp lý phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ hành vi pháp lý phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi”. Và khoản 3 quy định “3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi tự mình xác lập thực hiện hành vi pháp lý, trừ hành vi pháp lý liên quan đến bất động sản,…”. Việc xác định mốc 15 tuổi dường như không có cơ sở pháp lý và thực tế hợp lý. Các quy định của pháp luật có ghi nhận cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên chỉ là hệ quả từ việc quy định về độ tuổi này trong Bộ luật Dân sự, ngoại trừ quy định tại Điều 1 về “Trẻ em”, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (trẻ em là người dưới mười sáu tuổi).

2.2.     Vì vậy, đề nghị xem xét thay đổi từ “đủ 15 tuổi” thành “đủ 14 tuổi”, vì các lý do liên quan đến một loạt quy định quan trọng về năng lực pháp lý dưới đây:

–        Thứ nhất, đủ 14 tuổi là tuổi chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 về “Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013;

–        Thứ hai, đủ 14 tuổi là tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm nghiêm trọng trở lên theo quy định tại khoản 2, Điều 12 về “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự”, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009);

–        Thứ ba, đủ 14 tuổi là tuổi được học nghề, tập nghề theo quy định tại khoản 1, Điều 61 về “Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động”, Bộ luật Lao động năm 2012;

–        Thứ tư, đủ 14 tuổi là tuổi phải thực hiện việc đăng ký lưu trú theo quy định tại khoản 2, Điều 31 về “Lưu trú và thông báo lưu trú”, Luật Cư trú năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013);

–        Thứ năm, đủ 14 tuổi là tuổi được và phải làm Chứng minh nhân dân (là cơ sở pháp lý để thực hiện các hành vi pháp lý) theo quy định tại khoản 1, Điều 3 về “Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân”, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03-2-1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 106/2013/NĐ-CP);

–        Thứ sáu: Cần xem lại để thay đổi quy định trẻ em là người chưa đủ 18 tuổi thay vì dưới 16 tuổi trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (còn độ tuổi dưới 16 thì cần bảo vệ cao hơn).

3.          Về Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận (Điều 76):

2.1.     Điều 76 về “Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận” quy định: “Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận là pháp nhân trong hoạt động không tạo ra lợi nhuận hoặc có tạo ra lợi nhuận nhưng không chia cho các thành viên mà dùng lợi nhuận để thực hiện các hoạt động quy định trong điều lệ.” Tuy nhiên, khoản 7, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định: “7. Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.” Như vậy các pháp nhân này được luật định hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng vẫn có thể “hưởng lợi tức hằng năm”.

2.2.     Vì vậy cần xem xét lại quy định tại Điều 76, đồng thời một số quy định liên quan của các pháp nhân này, chẳng hạn, trường đại học cũng có Hội đồng quản trị như đối với công ty cổ phần, nhưng chưa được đề cập đến tại Điều 88 về “Cơ cấu tổ chức của pháp nhân” và quy định tại các điều từ Điều 81 đến điều 110 (Mục Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận).

4.          Về Đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Điều 70):

3.1.     Khoản 2, Điều 70 về “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân” quy định: “2. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân, trừ trường hợp điều lệ, quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc luật quy định pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật.” Điều này có thể chỉ đúng với pháp nhân công. Còn đối với pháp nhân là doanh nghiệp, nếu chỉ có một người đại diện theo pháp luật là Giám đốc, mà quy định Giám đốc là người đứng đầu, tức Chủ tịch Công ty (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên) là người đứng thứ 2 là không hợp lý.

3.2.     Vì vậy, đề nghị xem lại, không nên quy định “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân”.

5.          Về Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân (Điều 73):

4.1.     Điều 73 về “Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân” quy định: “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lý của pháp nhân, trừ các trường hợp không được ủy quyền theo quy định của điều lệ, nghị quyết của hội đồng thành viên, nghị quyết của hội đồng quản lý quỹ, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do luật định”. Việc chỉ loại trừ theo “nghị quyết của hội đồng thành viên, nghị quyết của hội đồng quản lý quỹ” là chưa bảo đảm tính bao quát đối với công ty cổ phần có nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị.

4.2.     Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng bao quát hơn, như quy định loại trừ theo nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền của pháp nhân.

6.          Về Quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu (Điều 209):

Đề nghị thay từ “tài sản” bằng từ “vật” trong tên Điều 209 về “Quyền chiếm hữu vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật không xác định được ai là chủ sở hữu”.

7.          Về Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước (Điều 221):

Đề nghị thay cụm từ “Doanh nghiệp nhà nước” bằng cụm từ “công ty nhà nước”, vì doanh nghiệp nhà nước đang được quy định tại Điều 203 của Bộ luật Dân sự hiện hành tương đương với khái niệm Công ty nhà nước hiện nay, tức là ngân hàng nước sở hữu 100% vốn. Còn doanh nghiệp nhà nước hiện nay “là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” theo quy định tại khoản 22, Điều 4 về Giải thích từ ngữ, Luật Doanh nghiệp năm 2005.

8.          Về Xác lập quyền sở hữu theo bản án, quyết định của Toà án hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (Điều 258):

Đề nghị bổ sung từ “Trọng tài” vào sau từ Tòa án, vì phán quyết của Trọng tài cũng có thể là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu.

9.          Về Trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề (Điều 267):

9.1.     Đoạn 2, khoản 1, Điều 267 về “Trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề” quy định: “Trường hợp là tường riêng của chủ sở hữu bất động sản liền kề bất động sản của người khác thì có thể trổ cửa nhưng phải có lưới ngăn cách và lắp kính mờ. Cửa phải cách mặt đất hoặc sàn nhà từ 2 mét trở lên đối với tầng trệt.” Quy định này không rõ ở các nội dung “lưới ngăn cách”, “kính mờ” và “cửa cách mặt đất”. Khoản 2, Điều 267 quy định “Việc trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.”. Trên thực tế nội dung này rất khó tra cứu và không nhất quán:

–        Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14-12-1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định, chỉ được mở các cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi trên các bức tường cách ranh giới đất với nhà bên cạnh ít nhất 2 m. Khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh;

–        Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD-CSXD ngày 03-4-2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng không quy định về khoảng cách được mở cửa;

–        Tiêu chuẩn thiết kế Nhà ở liên kế số TCVN 9411:2012 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định “Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 m trở lên.”

9.2.     Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể nội dung này trong Bộ luật Dân sự, vì là một vấn đề đặc biệt quan trọng, cần phải rõ ràng để người dân tiếp cận và thực hiện. Hơn nữa nội dung quy định cũng đơn giản, ngắn gọn, không cần thiết phải lệ thuộc vào “thông tư”. Có thể tham khảo Tiêu chuẩn thiết kế Nhà ở liên kế số TCVN 9411:2012 quy định rõ “Trường hợp khu đất liền kề chưa có công trình được xây dựng hoặc là công trình thấp tầng thì được phép mở các loại cửa thông gió hoặc cửa kính cố định lấy ánh sáng. Cạnh dưới của các loại cửa này phải cách mặt sàn tối thiểu là 2,0 m. Tất cả các cửa này phải chấp nhận không được sử dụng khi công trình liền kề được xây dựng.”

9.3.     Đồng thời đề nghị bổ sung một số từ cho rõ ràng, chính xác, tránh việc hiểu nhầm:

–        Thêm từ “cạnh dưới” vào câu “Mép dưới cửa phải cách mặt đất hoặc sàn nhà từ 2 mét trở lên đối với tầng trệt.” tại khoản 1, Điều 267;

–        Thêm từ “mặt dưới” và trước từ mái che và thêm cụm từ “mặt dưới mái che” vào trước từ “cửa sổ” vào câu “Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.” tại khoản 3, Điều 267 (để tránh hiểu nhầm cửa sổ cách mặt đất 2,5 mét).

10.       Về Cầm cố giấy tờ có giá, vận đơn, sổ tiết kiệm (Điều 283):

10.1.  Khoản 1, Điều 283 về “Cầm cố giấy tờ có giá, vận đơn, sổ tiết kiệm” quy định: “1. Việc xử lý tài sản bảo đảm là trái phiếu, cổ phiếu, hối phiếu, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật về trái phiếu, cổ phiếu, hối phiếu, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm.” Đề nghị sửa đổi một số nội dung sau:

–        Thay thế cụm từ “trái phiếu, cổ phiếu” bằng từ “chứng khoán” cho bao quát và phù hợp với khoản 1, Điều 6 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Chứng khoán năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010, quy định: Chứng khoán bao gồm các loại sau đây: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định;

–        Thay thế từ “hối phiếu,” bằng cụm từ “công cụ chuyển nhượng” cho bao quát và phù hợp với Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” và Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định: Công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá “gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác”;

–        Thay đổi “sổ tiết kiệm” bằng “thẻ tiết kiệm” cho đúng với và pháp luật về ngân hàng, với thực tế và thống nhất (Điều này 2 lần viết là sổ, và 2 lần viết là thẻ).

10.2.  Vì vậy, tên Điều và nội dung khoản 1 cần được sửa đổi như sau:

“Điều 283. Cầm cố giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm, vận đơn

1. Việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán, các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, công cụ chuyển nhượng và ngân hàng

11.       Về Quyền của bên thế chấp và Quyền của bên nhận thế chấp (Điều 294 và 296):

11.1.  Khoản 3, Điều 294 về “Quyền của bên thế chấp” quy định, bên thế chấp có quyền “3. Bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn đối tượng của quyền thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp.” Đồng thời, khoản 3, Điều 299 về “Quyền của bên nhận thế chấp” quy định, bên nhận thế chấp có quyền “3. Yêu cầu bên mua, bên nhận trao đổi, bên nhận tặng cho, bên thuê, bên mượn giao lại tài sản là đối tượng của quyền thế chấp để xử lý khi khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản là đối tượng của quyền thế chấp.”

11.2.  Đây là quy định nhằm khuyến khích đưa tài sản tham gia vào quá trình trao đổi, lưu thông. Tuy nhiên cần giải quyết ít nhất là hai vấn đề sau:

–        Thứ nhất, phải quy định cụ thể, rõ ràng và khả thi cơ chế bảo đảm cho bên nhận thế chấp có thể theo đuổi, truy đòi tài sản thế chấp. Nếu không thì sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến quyền của các chủ nợ nói chung, của các tổ chức tín dụng nói riêng;

–        Thứ hai, việc bên thế chấp có quyền yêu cầu bên nhận tặng cho, bên thuê và bên mượn giao tài sản để xử lý là hợp lý. Tuy nhiên, việc yêu cầu bên mua và bên nhận trao đổi phải giao tài sản là không hợp lý, gây ra nhiều sự rắc rối, phức tạp.

12.       Về Tài sản là đối tượng của quyền bảo lưu (Điều 309):

Đề nghị quy định rõ việc bảo lưu quyền tài sản đối với tải sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, thì phải được ghi nhận rõ trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Việc này nhằm tránh gây ra sự phức tạp, rắc rối, rủi ro cho các đối tượng liên quan đến việc giao dịch tài sản.

13.       Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 343):

13.1.  Điều 343 về “Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” quy định: “Căn cứ vào quy định của luật hoặc theo thỏa thuận, các bên trong quan hệ nghĩa vụ có thể áp dụng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng một trong các biện pháp cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh hoặc biện pháp khác.

13.2.  Vì vậy, đề nghị thay thế cụm từ “một trong các biện pháp” bằng cụm từ “một hoặc một số biện pháp” để tránh việc hiểu rằng chỉ được sử dụng duy nhất một biện pháp bảo đảm.

14.       Về Đặt cọc, ký cược, ký quỹ (nội dung I về “Đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh”, Mục 3, Chương XII ):

14.1.  Các biện pháp bảo đảm đặt cọc, ký cược, ký quỹ tương tự như biện pháp cầm cố, thế chấp, là biện pháp bảo đảm đối vật.

14.2.  Vì vậy đề nghị xem xét chuyển sang phần vật quyền cùng với biện pháp cầm cố, thế chấp. Chỉ để biện pháp bảo đảm đối nhân ở phần này (phần trái quyền).

15.       Về Đặt cọc (Điều 344):

15.1.  Đoạn 2, khoản 1, Điều 344 về “Đặt cọc” quy định: “Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.”.

15.2.  Đề nghị xem lại, không nhất thiết việc đặt cọc phải bắt buộc bằng văn bản. Ví dụ như việc mua 1 chai bia Hà Nội có thể đặt cọc vài nghìn để bảo đảm cho nghĩa vụ trả vỏ chai.

16.       Về Ký quỹ (Điều 346):

16.1.  Điều 346 về “Ký quỹ” quy định:

1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

  1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.
  2. Thủ tục gửi và thanh toán do pháp luật về ngân hàng quy định.”

16.2.  Đề nghị xem lại quy định trên chưa bảo đảm tính bao quát, vì:

–        Thứ nhất, theo quy định trên, thì phải có 3 bên, là bên ký quỹ, bên nhận ký quỹ và bên ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế kỹ quỹ có thể thì cần một bên ký quỹ và ngân hàng đồng thời là bên nhận ký quỹ;

–        Thứ hai, theo quy định trên, thì ký quỹ phải có sự xuất hiện của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các công ty chứng khoán cũng thực hiện việc ký quỹ theo quy định tại Điều 104 về “Công bố thông tin của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ”, Luật Chứng khoán năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và Quyết định số 637/QĐ-UBCK ngày 30-8-2011 của Chủ nhiệm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc Ban hành Quy chế Hướng dẫn giao dịch kỹ quỹ chứng khoán;

–        Thứ ba, khoản 2, Điều 8 về “Quyền hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.” Như vậy không những ngân hàng, mà tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán cũng được thực hiện giao dịch ký quỹ.

17.       Về Hình thức bảo lãnh (Điều 348):

17.1.  Điều 348 về “Hình thức bảo lãnh” quy định “Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản.”

17.2.  Đề nghị xem lại việc quy định đặt cọc phải bằng văn bản, vì các lý do sau::

–        Thứ nhất, cũng giống như đặt cọc, việc này không nhất thiết phải làm thành văn bản;

–        Thứ hai, đặt cọc cũng quy định phải bằng văn bản, nhưng không tách thành một điều riêng;

–        Thứ ba, ký cược, ký quỹ cũng không bắt buộc phải làm thành văn bản, mặc dù nếu theo quy định hiện hành việc ký quỹ thông qua ngân hàng thì không thể không bằng văn bản.

18.       Về Nội dung của hợp đồng (Điều 404):

18.1.  Điều 404 về “Nội dung của hợp đồng” quy định như dưới đây là không rõ mục tiêu, khó hiểu, gây khó khăn cho việc áp dụng và xử lý tranh chấp:

Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:”

  1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
  2. Số lượng, chất lượng;
  3. Giá, phương thức thanh toán;
  4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  7. Phạt vi phạm hợp đồng;
  8. Các nội dung khác.

18.2.  Vì vậy đề nghị sửa theo hướng sau:

–        Khoản 1. Các bên có quyền thỏa thuận về nội dung của hợp đồng;

–        Khoản 2. Nội dung thông thường của hợp đồng bao gồm 7 nội dung nói trên và bỏ “các nội dung khác”.

19.       Về Phụ lục hợp đồng (Điều 410):

19.1.  Điều 410 về “Phụ lục hợp đồng” quy định:

1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

  1. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”

19.2.  Cần xem xét thay đổi quy định trên để bảo đảm sự bao quát, phù hơp với thực tế, không chỉ là “quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng” và cũng không chỉ kèm theo ngay tại thời điểm ký hợp đồng, mà trên thực tế được sử dụng rộng rãi để sửa đổi, bổ sung hợp đồng sau khi đã ký hợp đồng. Vì vậy, cần quy định theo hướng mở rộng cho phù hợp với thực tế và thống nhất với Điều 24 về “Phụ lục hợp đồng lao động”, Bộ luật Lao động năm 2012:

“1. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

  1. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Về Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.”

20.       Về Chất lượng của vật mua bán (Điều 438):

Đề nghị sửa từ “vật” thành “tài sản”, vì không chỉ mua bán vật, mà cả dịch vụ, phần mềm,… Hơn nữa điều này đang ở trong Mục Hợp đồng mua bán tài sản và các điều khác cũng đề cập đến đối tượng, địa điểm, phương thức giao tài sản.

21.       Về Tặng cho tài sản có điều kiện (Điều 468):

21.1.  Khoản 3, Điều 468 về “Tặng cho tài sản có điều kiện” quy định “3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

21.2.  Đề nghị tiếp tục giải quyết trường hợp thường xảy ra là, “sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện”, nhưng bên tặng cho đã chết, thì người thừa kế hay người được người tặng cho chi định “có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”hay không?

22.       Về Nghĩa vụ của bên cho vay (Điều 471):

22.1.  Khoản 3, Điều 471 về “Nghĩa vụ của bên cho vay” quy định, bên cho vay: “Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 480[2] của Bộ luật này.” Quy định này chưa bảo đảm sự bao quát đối với các hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 95 về “Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: “1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.”

22.2.  Vì vậy, đề nghị bổ sung vào cuối khoản 3, Điều 471 đoạn “và quy định khác của luật”.

23.       Về Lãi suất (Điều 474):

23.1.  Điều này quy định một trong những căn cứ là “áp dụng theo lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại trên thị trường.

23.2.  Đề nghị xem lại quy định này rất khó khăn đối với người dân, vì gần như không thể xác định được chính xác mức lãi suất, trong khi tranh chấp dân sự về lãi suất là tương đối phổ biến, với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nên căn cứ này cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy định này chỉ khả thi và hợp lý nếu như giao cho một cơ quan nào đó tính toán công bố lãi suất trung bình theo định kỳ để làm cơ sở cho người dân và các cơ quan pháp luật thực hiện.

24.       Về Họ, hụi, biêu, phường (Điều 477):

24.1.  Đề nghị xem lại cách đặt tên Điều như vậy là không hợp lý, vì 4 hoạt động đó chỉ là 1, thì cũng giống như viết là chết, tử, trừ trần, hy sinh. Vì vậy, đề nghị chỉ đặt tên điều là họ, sau đó giải thích tương tự là hụi, biêu, phường.

24.2.  Khoản 3, Điều này quy định “3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.” Đề nghị viết thống nhất với quy định tại Điều 163 về “Tội cho vay lãi nặng”, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

25.       Về Hợp đồng hợp tác (các điều từ Điều 506 đến 514):

Để nghị mở rộng hợp đồng không chỉ quy định đối với hình thức hợp đồng hợp tác của các tổ hợp tác, mà cần quy định mang tính bao quát cho cả các loại hợp đồng hợp tác nói chung như, hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư,…

26.       Về Thiệt hại cho cộng đồng (Điều 610):

Đề nghị sửa tên Điều thành “Bồi thường thiệt hại cho cộng đồng”, vì nội dung Điều này quy định về bồi thường thiệt hại, chứ không phải quy định về thiệt hại, đồng thời phù hợp với lo-gic của một điều thuộc Mục III “Bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể”.

27.       Về Di chúc miệng (Điều 630):

Đề nghị sửa từ “miệng” thành “lời nói” cho hợp lý và thống nhất với quy định tại Điều 16 về “Hình thức hợp đồng lao động”, Bộ luật Lao động năm 2012 (Bộ luật Lao động năm 1994 trước kia cũng quy định “hợp đồng miệng”).

28.       Về Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng (Điều 647):

Điều 647 về “Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng” quy định: “nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó.” Với những phân tích của Ban soạn thảo về sự bất cập của di chúc chung, mà tập trung ở thời điểm có hiệu lực của di chúc thì rất không nên giữ lại quy định này. Vì vậy, nếu giữ di chúc chung, thì để nghị chỉ dừng lại ở quy định “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật”.

29.       Về từ ngữ, kỹ thuật soạn thảo:

29.1.  Tên của III về “Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng” thuộc Mục 7, Chương XII, cần sửa thành “Sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng” để bảo đảm phù hợp với nội dung các điều khoản ở dưới.

29.2.  Tên Chương XIII “Hợp đồng thông dụng” cần sửa thành “Một số hợp đồng thông dụng” cho đúng với tính chất, không phải là tất cả các hợp đồng thông dụng.

29.3.  Về câu chữ Đề nghị bỏ các từ, cụm từ “một người”, “một người đã”, “một người là đã” trong các tên Điều 59 về “Tuyên bố một người mất tích”, Điều 62 về “Tuyên bố một người là đã chết”, Điều 63 về “Quan hệ nhân than và quan hệ tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết”, Điều 64 về “Huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết”

29.4.  Đề nghị bố cục theo khoản đối với một số điều luật chưa được bố cục theo khoản, điểm. Ví dụ như Điều 60 về “Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích” và Điều 333 về “Thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ”, nên bố cục 2 đoạn thành 2 khoản.

29.5.  Đề nghị không duy trì các đề mục I, II,… dưới các Mục (không biết gọi tên là gì), như trong các mục 2, 3, 4, Chương X về Quyền sở hữu, Mục 2, Chương XI về “Các vật quyền khác”,…. Bố cục này là trái với quy định tại khoản 3, Điều 5 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “3. Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm.” Có thể khắc phục bằng các cách sau:

–        Cách thứ nhất: Sắp xếp lại chương, mục để loại bỏ hẳn bố cục I, II,…;

–        Cách thứ hai: Đưa Mục I, Mục II,… thành một Mục quy định khái quát vẫn là Mục I, Mục II,… các nội dung I, II,… thành các Mục tiếp theo quy định cụ thể là Mục II, Mục III,…;

–        Cách thứ ba: Chuyển các bố cục I, II,… thành các Mục IA, IB, IIA, IIB,…

29.6.  Đề nghị rà soát loại trừ các đoạn văn không thuộc khoản nào trong các điều luật được bố cục theo khoản, điểm, như các điều 37 về “Điều kiện để cá nhân làm người giám hộ”, Điều 149 về “Không có quyền đại diện”,…. Trong mọi trường hợp, việc cắt bỏ các đoạn văn lửng lơ này có thể được thực hiện bằng một trong 3 cách thức cơ bản như sau:

–        Cách thứ nhất: Bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào, đồng thời giữ nguyên các nội dung khác;

–        Cách thứ hai: Bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào, đồng thời đổi tên điều cho phù hợp;

–        Cách thứ ba: Chuyển đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào thành một khoản chung, các khoản còn lại sẽ trở thành một hoặc một số khoản quy định cụ thể.

29.7.  Đề nghị rà soát loại trừ việc đặt tên điều trùng với tên khoản, mục, chương, như Điều 17 và Mục 2, Chương II, đều có tên là “Quyền nhân thân”, Điều 28 và Mục 3, Chương II, đều có tên là ”Nơi cư trú”,…. Việc đặt tên điều trùng với tên chương, mục chỉ sử dụng trong trường hợp Chương, mục chỉ có 1 điều (bắt buộc phải đặt trùng).

29.8.  Đề nghị sửa 4 từ “hàng ngày” thành “hằng ngày” cho đúng với chính tả.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Bài thứ 18 trong loạt bài tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2]   Điều 476 quy định đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thoả thuận khác.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,580