221. Bình luận về các chủ thể trong Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015.

(ANVI) – Hội thảo Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015                                                QN 18 – 20/7/2014

BÌNH LUẬN VỀ CÁC CHỦ THỂ TRONG DỰ THẢO (14-7-2014) BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015[1]

 

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định ít nhất 4 chủ thể quan hệ dân sự gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác. Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định 2 chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Dưới đây là bình luận chung quanh các chủ thể này.

  1. CÁ NHÂN:[2]
  2. Về Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên (Điều 13):
  • Mốc “đủ 15 tuổi” được quy định là căn cứ pháp lý đối với nhiều hành vi pháp lý trong Dự thảo Bộ luật Dân sự như:
    • Khoản 2, Điều 13 về “Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành” quy định: “ Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện hành vi pháp lý phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ hành vi pháp lý phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi”. Và khoản 3 quy định “3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện hành vi pháp lý, trừ hành vi pháp lý liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu và hành vi pháp lý khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”;
    • Khoản 2, Điều 21 về “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” quy định: “ Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp luật quy định khác.”;
    • Khoản 2, Điều 35 về “Người được giám hộ” quy định: “ Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và người mất năng lực hành vi dân sự phải có người giám hộ.”
  • Trên cơ sở những quy định như trên của Bộ luật Dân sự, đã kéo theo các quy định của pháp luật khác liên quan đến hành vi pháp lý của cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên, như trong Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động,… Tuy nhiên, việc xác định mốc “đủ 15 tuổi” của Bộ luật Dân sự là thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tế, không thống nhất với một loạt quy định đặc biệt quan trọng về độ tuổi từ “đủ 14 tuổi” trong các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
    • Thứ nhất, đủ 14 tuổi là tuổi phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 về “Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013;
    • Thứ hai, đủ 14 tuổi là tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm nghiêm trọng trở lên theo quy định tại khoản 2, Điều 12 về “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự”, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009);
    • Thứ ba, đủ 14 tuổi là tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Điều 303 về “Bắt, tạm giữ, tạm giam”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
    • Thứ tư, đủ 14 tuổi là tuổi được học nghề, tập nghề theo quy định tại khoản 1, Điều 61 về “Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động”, Bộ luật Lao động năm 2012;
    • Thứ năm, đủ 14 tuổi là tuổi phải thực hiện việc đăng ký lưu trú theo quy định tại khoản 2, Điều 31 về “Lưu trú và thông báo lưu trú”, Luật Cư trú năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013);
    • Thứ sáu, đủ 14 tuổi thì phải qua thủ tục xác minh về nhân thân đối với hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 30 về “Miễn thủ tục xác minh về nhân thân, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008”;
    • Thứ bảy, đủ 14 tuổi là tuổi được và phải làm Chứng minh nhân dân (là cơ sở pháp lý để thực hiện các hành vi pháp lý) theo quy định tại khoản 1, Điều 3 về “Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân”, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03-2-1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 106/2013/NĐ-CP;
    • Thứ tám: Cần xem lại để thay đổi quy định về trẻ em là người chưa đủ 18 tuổi thay vì dưới 16 tuổi trong Điều 1 về “Trẻ em”, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 như hiện nay (độ tuổi từ 16 đến chưa đủ 18 được bảo vệ thấp hơn, chứ không phải không còn là trẻ em).
  1. Về nơi cư trú của cá nhân (Mục II, Chương II, Phần thứ nhất):
  • Các điều gồm Điều 28 về “Nơi cư trú”, Điều 29 về “Nơi cư trú của người chưa thành niên”, Điều 30 về “Nơi cư trú của người được giám hộ”, Điều 31 về “Nơi cư trú của vợ, chồng”, Điều 32 về “Nơi cư trú của quân nhân”, Điều 33 về “Nơi cư trú của người làm nghề lưu động”, Dự thảo Bộ luật gần như trùng lặp với các điều từ 12 đến 17 của Luật Cư trú năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013).
  • Vậy thì hoặc cần loại bỏ các quy định trên trong Bộ luật Dân sự hoặc quy định một cách khái quát các nội dung trên để tránh việc trùng lặp với Luật Cư trú. Đồng thời cần cân nhắc về việc, quyền tự do cư trú là một trong những quyền dân sự quan trọng, đã được quy định tại Điều 23 “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước” Hiến pháp năm 2013, nhưng lại không được nhắc đến và cụ thể hoá trong Dự thảo Bộ luật Dân sự.
  1. Về Tuyên bố mất tích (Điều 59):
  • Khoản 2, Điều 59 về “Tuyên bố mất tích” quy định: “ Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.” trùng lặp với quy định tại khoản 2, Điều 89 về “Căn cứ cho ly hôn”, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 cũng như khoản 2, Điều 56 về “Ly hôn theo yêu cầu của một bên”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”
  • Vì vậy, đề nghị loại bỏ quy định trên trong Bộ luật Dân sự, đặc biệt đây là nội dung đặc trưng thuộc về Luật Hôn nhân và gia đình.
  1. PHÁP NHÂN: [3]
  2. Về Khái niệm pháp nhân (Điều 65):
  • Điều 65 về “Pháp nhân”, Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định:

“1. Pháp nhân là một chủ thể được thành lập hoặc được thừa nhận theo quy định của Bộ luật này, các luật khác có liên quan.

  1. Pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
  2. Pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”
  • Dự thảo trên đã bỏ 1 trong số 4 điều kiện để được công nhận pháp nhân, đó là “có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” so với quy định hiện hành. Điều kiện thứ nhất và thứ hai là hợp lý, phải đáp ứng được đối với một pháp nhân. Riêng điều kiện thứ 3 của Dự thảo cần xem xét viết theo hướng đây là một quyền, một hệ quả của pháp nhân. Vì vậy đề nghị sửa khoản 3 như sau:

3. Pháp nhân được quyền nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

Tức là đã là pháp nhân thì đương nhiên có quyền này, chứ không phải là phải đáp ứng được điều kiện này thì mới được công nhận là một pháp nhân.

  • Khoản 2, cần thay thế từ “tổ chức” bằng từ “pháp nhân”:

2. Pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.”

Vì tổ chức là một khái niệm rộng, mơ hồ, không nhất thiết là pháp nhân, nên nếu có tài sản không độc lập với tổ chức nhưng độc lập với các cá nhân, pháp nhân khác thì vẫn bảo đảm yêu cầu pháp lý.

  • Đồng thời, cần xem xét quy định một trong những vấn đề pháp lý quan trọng và thiết thực nhất gắn với pháp nhân, đó là pháp nhân chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản của mình, thay cho quy định không rõ “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.
  • Ngoài ra, cần sửa tên Điều 65 “Pháp nhân” thành “khái niệm pháp nhân” để tránh trùng lặp với tên Chương. Việc trùng lặp này không sai luật, nhưng không bảo đảm tính lô gic, vì đặt tên điều như vậy dẫn đến cái chung không bao quát được cái riêng. Việc đặt trùng tên điều và tên chương, mục chỉ hợp lý, đồng thời là bắt buộc trong một trường hợp duy nhất, đó là chương, mục chỉ có 1 điều duy nhất. Đồng thời cần xem xét xử lý tất cả các trường hợp tương tự trong Dự thảo Bộ luật Dân sự.
  1. Về Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận (Điều 67):
  • Điều 67 về “Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận” quy định: “Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận là pháp nhân trong hoạt động không tạo ra lợi nhuận hoặc có tạo ra lợi nhuận nhưng không chia cho các thành viên mà dùng lợi nhuận để thực hiện các hoạt động quy định trong điều lệ.” Tuy nhiên, khoản 7, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định: “ Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.” Như vậy các pháp nhân này được luật định hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng vẫn có thể “hưởng lợi tức hằng năm”.
  • Vì vậy cần xem xét lại quy định tại Điều 67 theo hướng “hoặc có tạo ra lợi nhuận nhưng không nhằm mục đích chia cho các thành viên mà dùng lợi nhuận để thực hiện các hoạt động quy định trong điều lệ.”. Điều này còn phù hợp với xu thế hình thành và phát triển của một số doanh nghiệp thuộc loại doanh nghiệp xã hội. Đồng thời một số quy định liên quan của các pháp nhân này, chẳng hạn, trường đại học cũng có Hội đồng quản trị như đối với công ty cổ phần, nhưng chưa được đề cập đến tại Điều 88 về “Cơ cấu tổ chức của pháp nhân” và quy định tại các điều từ Điều 81 đến điều 110 (Mục Pháp nhân không vì mục đích lợi nhuận).
  1. Về Đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Điều 71):
  • Khoản 2, Điều 71 về “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân” quy định: “ Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân, trừ trường hợp điều lệ, quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc luật quy định pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật”. Điều này có thể chỉ đúng với pháp nhân công. Còn đối với pháp nhân là doanh nghiệp hoặc tương tự, nếu chỉ có một người đại diện theo pháp luật là Giám đốc, thì chưa chắc Giám đốc đã là người đứng đầu. Nếu Công ty có Chủ tịch (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên) thì Chủ tịch mới là người đứng đầu chứ không phải là Giám đốc.
  • Vì vậy cần phải bỏ quy định “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân”, vừa không cần thiết, vừa không đúng trong một số trường hợp.
  1. Về Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân (Điều 74):
  • Điều 74 về “Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân” quy định: “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lý của pháp nhân, trừ các trường hợp không được ủy quyền theo quy định của điều lệ, nghị quyết của hội đồng thành viên, nghị quyết của hội đồng quản lý quỹ, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do luật định”. Việc chỉ loại trừ theo “nghị quyết của hội đồng thành viên, nghị quyết của hội đồng quản lý quỹ” là chưa bảo đảm tính bao quát đối với công ty cổ phần có nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị.
  • Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng bao quát hơn, như quy định loại trừ theo nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền của pháp nhân.
  • CÁC CHỦ THỂ KHÁC:
  1. Khác với Bộ luật Dân sự hiện hành, Dự thảo Bộ luật Dân sự không quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là các chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Việc loại bỏ hộ gia đình và tổ hợp tác với tư cách là một chủ thể quan hệ dân sự trong Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn vì những lý do sau:[4]
  • Hộ gia đình là một tập hợp cá nhân biến động thường xuyên, không có cơ sở pháp lý để xác định. Không có sự phân biệt trách nhiệm dân sự giữa hộ gia đình và các thành viên của hộ gia đình. Vì vậy, về thực chất pháp lý, hộ gia đình là chỉ là một hoặc một số cá nhân xác định và tham gia quan hệ dân sự với tư cách của các cá nhân;
  • Tổ hợp tác không có sự phân biệt trách nhiệm dân sự giữa tổ hợp tác và các thành viên tổ hợp tác. Vì vậy, về thực chất pháp lý, tổ hợp tác là chỉ là một số cá nhân xác định và tham gia quan hệ dân sự với tư cách của các cá nhân;
  • Việc biểu quyết đối với các pháp nhân được thực hiện theo tỷ lệ số lượng thành viên hay tỷ lệ sở hữu vốn (từ trên 50%), trong khi việc biểu quyết đối với hộ gia đình và tổ hợp tác luôn là 100%, tức là về bản chất là không có sự biểu quyết, mà là phải được tất cả các thành viên đồng ý;
  • Nếu quy định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể tham gia quan hệ dân sự thì còn phải quy định nhiều chủ thể khác tương tự như: Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh (trong Luật Doanh nghiệp năm 2005); cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, gồm chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện,… (trong Luật Đất đai); nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (trong Luật Giáo dục); Ban quản trị nhà chung cư (trong Luật Nhà ở); công đoàn cơ sở (trong Luật Công đoàn; nhà hộ sinh, phòng khám đa khoa (Luật Khám bệnh, chữa bệnh),…;
  • Việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác được thực hiện theo nguyên tắc, các thành viên có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau, cùng tham gia vào một quan hệ như đối với một nhóm người nhất định. nhất định.
  1. Chủ thể khác của quan hệ dân sự:
  • Dự thảo Bộ luật Dân sự cần xác định rõ quan điểm, chỉ có 2 chủ thể là cá nhân và pháp nhân tham gia các quan hệ dân sự nói riêng và các quan hệ pháp luật khác nói chung. Vì vậy, không nên sử dụng các từ “cơ quan”, “tổ chức” thay cho “pháp nhân”, trừ các trường hợp thật đặc biệt, không thể thay thế. Do đó cần rà soát, loại bỏ các từ cơ quan, tổ chức trong các quy định sau:
    • Khoản 2, Điều 3 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”;
    • Điểm b, khoản 2, Điều 17 về “Quyền nhân thân”;
    • Khoản 1 và 3, Điều 15 về “Hạn chế năng lực hành vi dân sự”;
    • Khoản 1, Điều 16 về “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình”;
    • Khoản 3, Điều 180 về “Bảo vệ quyền sở hữu và vật quyền khác”;
    • Các quy định khác.
  • Ví dụ, khoản 1, Điều 66 về “Thành lập pháp nhân” quy định: “ Cá nhân hoặc tổ chức đều có thể thành lập pháp nhân.” thì cần khẳng định rõ, chỉ có cá nhân và tổ chức có tư cách pháp nhân thì mới được phép thành lập pháp nhân. Do đó cần xác định luôn đó là pháp nhân thay vì tổ chức chung chung không phải là pháp nhân, “1. Cá nhân hoặc pháp nhân đều có thể thành lập pháp nhân.”.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Bài thứ 19 trong loạt bài tham luận xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2]   Xem “Bình luận Chủ thể quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2005” – Luật sư Trương Thanh Đức, Tham luận Hội thảo Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, Liên đoàn Luật sư Việt Nam HN 05-12-2012.

[3] Xem bài “Bình luận chế định pháp nhân và đại diện pháp nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2005”, Luật sư Trương Thanh Đức – Hội thảo về Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ Tư pháp và JICA tổ chức ngày 30-8-2011.

[4] Xem bài “Bình luận chế định Hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự năm 2005”, Luật sư Trương Thanh Đức – Hội thảo Các quy định về chủ thể, giao dịch và đại diện trong Bộ luật Dân sự năm 2005 – Định hướng sửa đổi, bổ sung – Bộ Tư pháp, Hà Nội 5 – 6/6/2012.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921