(KTSG) – Hàng vạn cán bộ liên quan đến tín dụng ngân hàng đang nơm nớp như cá nằm trên thớt với nguy cơ gây nợ xấu và mất vốn. Vì đâu?
Anh H. bạn tôi, một nhân vật kỳ cựu trong nghề ngân hàng, thông thạo nghiệp vụ, cực kỳ cẩn thận, chặt chẽ và nghiêm túc, nhưng đã không biết bao nhiêu lần bị khủng hoảng mất ăn, mất ngủ vì nghề. Gần đây anh H. lo về một khoản cho vay cách nay hơn năm năm ở một ngân hàng anh từng làm việc. Đứng trước nguy cơ có thể bị bị khởi tố hình sự, anh H. buộc phải lựa chọn giải pháp góp tiền đền bù.
Ở ngân hàng nơi công tác cũ, anh là giám đốc chi nhánh, đã ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp với khách hàng cho vay vài trăm triệu đồng, sau nhiều năm số nợ lên đến hơn một tỉ đồng. Nay phát hiện ra sai phạm, có những giấy tờ không phải là chữ ký của khách hàng. Trách nhiệm trong việc này thuộc về những người ký tên trên hồ sơ như cán bộ tín dụng, trưởng phòng và giám đốc chi nhánh. Nhưng thực ra, giám đốc chi nhánh chỉ là người ký cuối cùng, khi đã đầy đủ hồ sơ và chữ ký của các bộ phận liên quan. Nhân viên là người phải trực tiếp lập và kiểm soát hồ sơ, tránh gian lận, sai sót. Nguyên tắc chung là các bên phải ký hợp đồng thế chấp trước mặt công chứng viên, nhưng pháp luật cho phép ngoại lệ, nên giám đốc chi nhánh ngân hàng cũng không nhất thiết phải có mặt.
Về tình và lý là thế, nhưng trên thực tế, qua nhiều vụ án trong nhiều năm nay, không ít sếp như vậy rơi vào vòng lao lý vì hành vi “cố ý làm trái” hoặc “thiếu trách nhiệm”. Để đánh đổi sự an toàn pháp lý cho bản thân, để giữ yên vị trí quản lý đang làm, họ đành hùn nhau trả đủ số nợ gốc.
Nhân viên các công ty trong các lĩnh vực phi ngân hàng gần như không bao giờ lo bị tù tội vì khách hàng chây ỳ hoặc vỡ nợ không trả được tiền mua hàng hóa, nhân viên ngân hàng thì không được như vậy!
Một chuyện khác, khi có tin rất xấu tại một ngân hàng nọ, một chị làm nghề tái thẩm định tín dụng, đã rưng rưng nói với tôi: cho dù bất kỳ hậu quả vụ này ra sao, cũng không bao giờ làm ngân hàng nữa. Tôi tin rằng những lời “phụ bạc” nghề nghiệp đó là thật lòng. Nhưng nghề nó vận vào người, cũng không dễ gì bỏ được. Chẳng hạn, năm ngoái một cán bộ tín dụng Vietcombank bị tạm giam oan bốn tháng vì khoản vay mất vốn, sau khi được đình chỉ điều tra, vẫn quay lại nghề cũ, nơi cũ.
Lớn hơn, thời sự hơn là vụ án ở Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đang được xét xử trở lại. Nhiều cán bộ ngân hàng này thoát được việc bị truy tố hình sự về hành vi chi chênh lệch lãi suất cho khách hàng nhưng trước đó, họ đều phải đền bù đủ số tiền đã trót chi ra. Điều day dứt lớn hơn còn ở chỗ, với cả những người bị truy tố, trước câu hỏi nếu được quay lại giai đoạn đen tối trước đây thì sẽ làm thế nào, những tưởng câu trả lời sẽ là không hành động phạm pháp nữa, nhưng phần lớn vẫn cho rằng… không có cách nào khác.
Nếu người nào đó tham ô, chiếm đoạt tiền bạc thì bị trừng trị nghiêm khắc là thỏa đáng, không cần thương xót. Nhưng nếu lắng nghe, tìm hiểu thật kỹ, đi sâu vào thực tế, thì không khỏi băn khoăn khi rất nhiều cán bộ ngân hàng không hề có hành vi chiếm đoạt tiền bạc của ai và không biết mình phạm pháp mà vẫn bị tù tội với mức án rất cao.
Nhiều người đọc đến đây có vẻ khó chấp nhận nhưng qua nhiều năm làm việc tư vấn pháp lý trong môi trường này tôi đã trực tiếp chứng kiến và rút ra như vậy. Đầu tư kinh doanh được ví tựa như là việc đánh bạc với tương lai, nhưng lại dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, nên mọi sự rắc rối, đổ vỡ đều dẫn đến cửa ngân hàng, nơi được ví như mạch máu và xương sống của nền kinh tế. Cùng với nền kinh tế, phải mất nhiều năm nữa để “thay máu” thì các ngân hàng Việt Nam mới có thể vững chắc và chuẩn mực thực sự. Một người bạn khác của tôi cũng từng thốt lên, thôi thì đành chấp nhận, đến đâu thì đến, chứ giờ có bỏ nghề cũng không thoát.
Với nghề ngân hàng, chỉ cần sơ sẩy một chút là dẫn đến lỗ đen thất thoát chục tỉ, trăm tỉ đồng. Vì vậy chẳng bao giờ được phép buông lỏng nguyên tắc, coi nhẹ quy trình và không có chỗ cho sự đơn giản, dễ dãi, nhẹ dạ, cả tin, nể nang. Quá nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp đã vẽ lên bức tranh ngân hàng chẳng lấy gì làm tốt đẹp: quản trị ngân hàng còn lỗ hổng, ông chủ ngân hàng tham lam, thiếu vô tư; sức ép phải phát triển quá nóng, tăng trưởng tín dụng quá nhanh; khủng hoảng kinh tế, thị trường thất thường; doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hàng loạt; hồ sơ, số liệu sai lệch; khách hàng làm ăn gian lận, chụp giật; quan hệ tín dụng nhưng thiếu hẳn chữ tín; người vay chây ỳ, bội ước; môi trường pháp lý và kinh doanh quá nhiều rủi ro; hệ thống pháp luật và các công cụ pháp lý kém hiệu quả, bảo vệ con nợ bội ước hơn là bảo vệ chủ nợ… Chung quanh đống nợ xấu khổng lồ hiện nay thì tất nhiên là chẳng có cái gì là đẹp!
Tất cả những điều tôi nói trên đây không nhằm bênh vực cá nhân hay ngân hàng nào. Những ông chủ ngân hàng hay người làm công ăn lương đều phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, sai trái, lỗi lầm của mình, điều đó không sai. Nhưng gốc rễ của cơ sự này từ đâu, thì đúng là một câu chuyện dài mà trách nhiệm đầu tiên phải là ở các cơ quan canh giữ luật lệ thị trường.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn 30-8-2017:
http://www.thesaigontimes.vn/164160/a.html
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tam-trang-nghe-ngan-hang-396611.html
Bài gốc
Tiền bạc, bạc tiền
Luật sư Trương Thanh Đức
Trọng tài viên VIAC
Anh H. bạn tôi, một nhân vật kỳ cựu trong nghề ngân hàng, thông thạo nghiệp vụ, cực kỳ cẩn thận, chặt chẽ và nghiêm túc, nhưng đã không biết bao nhiêu lần bị khủng hoảng mất ăn, mất ngủ vì nghề. Gần đây anh H. lại hoảng hốt lo sợ trước một khoản vay trước đó hơn 5 năm. Đứng trước nguy cơ có thể bị bị khởi tố hình sự, anh H. đã buộc phải lựa chọn cách thức khôn ngoan nhất là góp tiền đền bù trước khi có nguy cơ bị khởi tố. Tôi bất đắc dĩ phải ủng hộ và rất day dứt.
Ở ngân hàng nơi công tác cũ, anh là giám đốc chi nhánh, đã ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp với khách hàng cho vay vài trăm triệu đồng, sau nhiều năm số nợ lên đến hơn một tỷ. Nay phát hiện ra sai phạm, có những giấy tờ không phải là chữ ký của khách hàng. Đương nhiên sai trái là thuộc về những người ký tên trên hồ sơ như cán bộ tín dụng, trưởng phòng và giám đốc. Nhưng giám đốc thì không ai lại phải chịu trách nhiệm về việc chữ ký đó có đúng là của khách hàng không, vì chỉ là người ký cuối cùng, khi đã đầy đủ hồ sơ và chữ ký của cán bộ liên quan. Nhân viên phải trực tiếp lập và kiểm soát hồ sơ tránh gian lận, sai sót. Thậm chí nguyên tắc chung là các bên phải ký hợp đồng thế chấp trước mặt công chứng viên, nhưng pháp luật đã quy định cho phép ngoại lệ, giám đốc ngân hàng không nhất thiết phải có mặt.
Về tình và lý đều là thế, nhưng trên thực tế qua nhiều vụ án trong nhiều năm nay, không ít người rơi vào vòng lao lý vì bị quy kết hết nhẽ, không tội cố ý làm trái thì cũng bị tội thiếu trách nhiệm. Và cuối cùng, để đánh đổi sự yên thân, để giữ yên vị trí đang làm thì đành hùn nhau trả đủ số nợ gốc để thoát khỏi vòng tố tụng cay nghiệt.
Nhân viên các công ty gần như không bao giờ lo bị tù tội vì khách hàng chây ỳ hoặc vỡ nợ không trả được tiền mua hàng hóa. Nhưng nhân viên ngân hàng thì luôn đối mặt với tội phạm và hình phạt nếu khách hàng không trả được nợ vay. Thực tế đã thấy nhiều, mất tiền tỷ kiểu gì cũng tội. Mà không cần tiền tỷ, chỉ cần không thu hồi được 100 triệu đồng vốn vay là đã gay go, vì là mức cấu thành tội phạm hình sự vi phạm quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội phạm tương tự. Chỉ có may mắn thì mới không bị điều tra và truy tố.
Một chuyện khác, khi có tin rất xấu tại một ngân hàng nọ, một chị làm nghề tái thẩm định tín dụng, đến xin tôi tư vấn đã rưng rưng nói, cho dù bất kỳ hậu quả vụ này ra sao, cũng không bao giờ làm ngân hàng nữa. Tôi tin rằng những lời “phụ bạc” nghề nghiệp đó hoàn toàn là sự thật. Nhưng nghề nó vận vào người, dễ gì bỏ được. Chẳng hạn, năm ngoái một cán bộ tín dụng Vietcombank bị tạm giam oan 4 tháng vì khoản vay mất vốn, sau khi được đình chỉ điều tra, vẫn quay lại nghề cũ, nơi cũ. Tôi biết rõ có 4 cán bộ ngân hàng bị giam oan từ 2 tháng đến hơn 1 năm, thì có 3 người vẫn quay lại nghề cũ.
Lớn hơn là vụ án ở Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) sắp xét xử trở lại, có tới 34 cán bộ ngân hàng bị khởi tố về hành vi đã chi hơn 1 tỷ đồng chênh lệch lãi suất cho khách hàng. Và 227 cán bộ khác cũng bị quy kết là phạm tội cố ý làm trái vì đã chi thêm tiền lãi cho khách hàng từ 100 triệu đồng trở lên. May là vì quá đông, nên được tha xử lý hình sự, nhưng vẫn phải đền bù đủ số tiền đã trót chi ra.
Điều băn khoăn ở đây là, một sai phạm phổ biến mà có thể khẳng định cả vạn người trong ngành Ngân hàng dính phải. Điều day dứt ở đây là, hơn 260 con người bị quy kết là tội phạm đó, được hỏi là nếu được quay lại giai đoạn đen tối trước đây sẽ làm thế nào, thay vì trả lời sẽ không hành động phạm pháp nữa, thì phần lớn vẫn cho rằng không có cách nào khác.
Phải chăng một từ mặc định “tiền bạc”, nên nghề kinh doanh đồng tiền cũng bạc? Không còn hiếm vụ án có vài chục cán bộ ngân hàng ra tòa như đã xảy ra ở vụ Thủy sản Phương Nam, Sóc Trăng, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại dương,…
Nếu người nào đó tham ô, chiếm đoạt, tư túi, lợi dụng tiền bạc thì bị trừng trị nghiêm khắc là thỏa đáng, khỏi cần thương xót. Nhưng nếu lắng nghe, tìm hiểu thật kỹ, đi sâu vào thực tế, thì không khỏi băn khoăn khi có quá nhiều cán bộ ngân hàng không hề chiếm đoạt tiền bạc của ai và không biết mình phạm pháp mà vẫn bị tù tội với mức án rất cao. Một người bạn khác của tôi cũng từng thốt lên, thôi thì đành chấp nhận, đến đâu thì đến, chứ giờ có bỏ nghề cũng không thoát. Điều này nếu không phải là sự oan trái trớ trêu thì cũng là sự oan nghiệt của nghề. Có lẽ phải đến 90% số cán bộ ngân hàng không có hành vi chiếm đoạt tiền bạc đã bị tù tội là một dạng oan.
Cũng giống như chúng ta đã hết sức thận trọng nhưng tai họa ung thư vẫn phát tác và đe dọa khủng khiếp, hàng vạn cán bộ liên quan đến tín dụng ngân hàng đang ngày đêm nơm nớp như cá nằm trên thớt với hiểm nguy nợ xấu và mất vốn.
Đầu tư kinh doanh được ví tựa như là việc đánh bạc với tương lai, nhưng lại dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, nên mọi sự rắc rối, đổ vỡ đều dẫn đến cửa ngân hàng, nơi được ví như mạch máu và xương sống của nền kinh tế.
Quá nhiều nguyên nhân trực tiếp và lý do gián tiếp đã vẽ lên bức tranh ngân hàng ảm đạm: Sức ép phát triển quá nóng, tăng trưởng tín dụng quá nhanh; khủng hoảng kinh tế, thị trường thất thường; doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hàng loạt; hồ sơ, số liệu chế biến, sai lệch; khách hàng làm ăn gian lận, chụp giật; quan hệ tín dụng nhưng thiếu hẳn chữ tín; người vay chây ỳ, bội ước; môi trường pháp lý và kinh doanh quá nhiều rủi ro; hệ thống pháp luật và các công cụ pháp lý kém hiệu quả, bảo vệ con nợ bội ước hơn là bảo vệ chủ nợ. Chung quanh đống nợ xấu khổng lồ thì tất nhiên là chẳng có cái gì là đẹp.
Với nghề ngân hàng, chỉ cần sơ xẩy một chút là dẫn đến lỗ đen thất thoát chục tỷ, trăm tỷ. Vì vậy chẳng bao giờ được phép buông lỏng nguyên tắc, coi nhẹ quy trình và không có chỗ cho sự đơn giản, dễ dãi, nhẹ dạ, cả tin, nể nang.
Cùng với nền kinh tế, phải mất nhiều năm nữa để thay máu thì các nhà băng mới có thể vững chắc và chuẩn mực. Với điều kiện không chỉ ngân hàng ứng xử đúng luật và không chỉ trừng trị máy móc theo luật, vì nhiều khi cái lý của luật rất trái ngược với cái lý trên thực tế.
Những ông chủ ngân hàng hay người làm công ăn lương đều phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, sai trái, lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, xử lý sai phạm của ngành Ngân hàng cũng cần đặt trong bối cảnh chung tất yếu. Khi mở hầu bao cho vay thì ngân hàng rất dễ trở thành thủ phạm, nhưng khi là kho tồn, bãi đọng chứa đựng nợ xấu của nền kinh tế, thì đồng thời họ lại là nạn nhân.
Hà Nội 15-8-2017