224. Hộ kinh doanh cần được chuyển thành doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh cần được chuyển thành doanh nghiệp.

(PL) – Hộ kinh doanh ra đời và phát triển đã thay thế cho vai trò của công ty tư doanh và doanh nghiệp tư nhân, là một tổ chức kinh tế lai tạp giữa hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân, một mô hình kinh doanh khiếm khuyết, méo mó và sai lầm về pháp lý.

Hộ kinh doanh cần được chuyển thành doanh nghiệp

Từ tiểu thương đến hộ kinh doanh

Cá nhân kinh doanh, từ năm 1945 trở đi, được gọi là “tiểu thương”, “tiểu chủ”; từ 1956 (sau cải cách ruộng đất) trở đi, được gọi là “tiểu thương”; từ năm 1966 trở đi, được gọi là “hộ kinh doanh riêng lẻ” hay “hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp”; từ sau năm 1976 được gọi là “hộ kinh doanh cá thể” và “hộ tiểu công nghiệp”. Từ Luật Doanh nghiệp năm 2005 trở đi, chỉ còn gọi là hộ kinh doanh, bỏ từ “cá thể”.

Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp, tuy nhiên nó lại là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp và được ghi nhận trong cả 3 Luật Doanh nghiệp vào các năm 1999, 2005, 2014. Từ khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, quy định của pháp luật không có một bước tiến triển nào về hộ kinh doanh, đồng nghĩa với việc đã thụt lùi quá xa so với các loại hình doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh do 1 hộ gia đình, 1 cá nhân hoặc 1 nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ. Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Nếu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, thành viên hộ (chủ hộ) kinh doanh có thể lên đến hơn 10, thậm chỉ cả trăm người, trong khi công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ được phép tối đa đến 50 thành viên; quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh có thể bằng một công ty lớn hay thậm chí là một tập đoàn, vì chỉ khống chế duy nhất số lượng lao động, mà không giới hạn về thành viên, vốn và doanh thu. Hộ kinh doanh đã có quy mô doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ mà không trở thành doanh nghiệp thì thật là vô lý.

So sánh hộ kinh doanh với doanh nghiệp

Hộ kinh doanh giống với doanh nghiệp, đều là thương nhân theo Luật Thương mại năm 2005 và buộc phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy xét về bản chất kinh tế thì hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp siêu nhỏ, nếu tính theo tiêu chí số lượng lao động và hoàn toàn có thể như là một doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn, nếu tính theo tiêu chí vốn và doanh thu.

Xét về khía cạnh pháp lý, thì hộ kinh doanh gần giống nhất với doanh nghiệp tư nhân, là một tổ chức kinh doanh có quyền tự do kinh doanh, không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản.

Một số quy định về hộ kinh doanh khác với doanh nghiệp thì không thấy có lý giải về cơ sở pháp lý, khoa học hay thực tế, mà chỉ vì tên gọi không phải là doanh nghiệp. Ví dụ Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 trước đây và năm 2014 hiện nay quy định, muốn kinh doanh bất động sản thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, tức là hộ kinh doanh không được phép tham gia kinh doanh bất động sản, dù pháp luật đất đai và xây dựng không hạn chế và dù có đủ vốn pháp định 20 tỷ đồng. Hay trước đây có một điểm khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp có con dấu tròn 36 ly do Công an quản lý, trong khi hộ kinh doanh không có, thì nay đã gần như bị xoá nhoà ranh giới này.

Bảng so sánh hộ kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và công ty TNHH
TTTiêu chíHộ kinh doanhDoanh nghiệp tư nhânCông ty hợp danhCông ty TNHH
1.Bảo hiểm xã hộiKhôngPhải đóngPhải đóngPhải đóng
2.Báo cáo tài chínhKhôngPhải cóPhải cóPhải có
3.Biển hiệuPhải cóPhải cóPhải cóPhải có
4.Con dấuKhông quy địnhCó 2 nội dungCó 2 nội dungCó 2 nội dung
5.Công đoànKhông cầnPhải có khi > 5 lao độngPhải có khi > 5 lao độngPhải có khi > 5 lao động
6.Doanh thuKhông hạn chếKhông hạn chếKhông hạn chếKhông hạn chế
7.Đăng ký kinh doanhTại cấp huyệnTại Sở KHĐTTại Sở KHĐTTại Sở KHĐT
8.Điểm kinh doanh1 điểmKhông hạn chếKhông hạn chếKhông hạn chế
9.Điều lệKhông cóKhông cóPhải cóPhải có
10.Hội nghị người lao độngKhông cóPhải có nếu > 10 lao độngPhải có nếu > 10 lao độngPhải có nếu > 10 lao động
11.Kế toán trưởngKhông cóPhải cóPhải cóPhải có
12.Lao động< 9 ngườiKhông hạn chếKhông hạn chếKhông hạn chế
13.Nội quy lao độngKhông cóPhải có nếu > 10 lao độngPhải có nếu > 10 lao độngPhải có nếu > 10 lao động
14.Người đại diện theo pháp luậtCác thành viênChủ doanh nghiệpChủ tịch hoặc Giám đốcCó 1 hoặc nhiều đại diện
15.Phá sảnKhông phá sảnPhá sản xong vẫn chịu trách nhiệmPhá sản xong thành viên vẫn còn chịu trách nhiệmPhá sản xong không còn chịu trách nhiệm
16.Số thành viênKhông hạn chế1 cá nhân>  2 cá nhân là thành viên hợp danh1 < 50 cá nhân hoặc pháp nhân
17.Thanh toán không dùng tiền mặtKhông bắt buộc> 20 triệu> 20 triệu> 20 triệu
18.Thuế giá trị gia tăngPhương pháp trực tiếp (khoán)Phương pháp khấu trừ, trừ 1 số trường hợpPhương pháp khấu trừ, trừ 1 số trường hợpPhương pháp khấu trừ, trừ 1 số trường hợp
19.Thuế thu nhậpCá nhânDoanh nghiệpDoanh nghiệpDoanh nghiệp
20.Thủ tục giải quyết tranh chấpKinh doanh thương mạiKinh doanh thương mạiKinh doanh thương mạiKinh doanh thương mại
21.Trách nhiệm tài sảnVô hạnVô hạnHữu hạnHữu hạn
22.Tư cách giao dịchCá nhânCá nhânPháp nhânPháp nhân
23.Tư cách pháp nhânKhông cóKhông có
24.Vốn kinh doanhKhông hạn chếKhông hạn chếKhông hạn chếKhông hạn chế

Tóm lại, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, là một giải pháp thay thế cho doanh nghiệp trong suốt thời kỳ dài không muốn thừa nhận các công ty, doanh nghiệp tư nhân, đã đến lúc cần phải được thay đổi cơ bản. Ngày nay, hành lang pháp lý đã có đủ cho các tổ chức kinh tế, thì không còn lý do gì giữ lại một mô hình kinh doanh lai tạp giữa hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân, tạo ra quá nhiều sự bất hợp lý, bất công bằng giữa các chủ thể kinh doanh.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản 2 Điều 10 về “Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản” của Luật này lại quy định “2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy  mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.” Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10-9-2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất) thì là kinh doanh với quy mô nhỏ.

Như vậy việc kinh doanh bất động sản với quy mô lớn (không phải là dự án hoặc là dự án nhưng không tính tiền đất) vẫn không phải thành lập doanh nghiệp. Và việc cho thuê bất động sản thì thường là hoạt động liên tục, hết năm này qua năm khác nhưng vẫn không bị coi là “thường xuyên”.

Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nếu hộ kinh doanh chỉ có 1 người thì có thể dễ dàng thay đổi để thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH 1 thành viên. Nếu hộ kinh doanh có từ 2 hoặc 3 thành viên trở lên thì có thể dễ dàng thay đổi để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, việc hộ kinh doanh có muốn chuyển thành doanh nghiệp hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ hộ, trên cơ sở các yếu tố lợi ích về quản lý, thuế, lao động, bảo hiểm, lợi nhuận,…

Vì vậy, nếu để tự nguyện chuyển đổi thì sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tục duy trì mãi mãi hàng triệu hộ kinh doanh. Cách hợp lý nhất là cần sửa luật theo hướng quy định chuyển toàn bộ hộ kinh doanh hiện hành thành doanh nghiệp, mà trước hết là đối với hộ kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Cũng không loại trừ việc tạo ra một mô hình doanh nghiệp tư nhân mới, có nhiều hơn một chủ doanh nghiệp. Có thể so sánh việc này với mô hình công ty trước năm 2006, đã là công ty thì phải có ít nhất 2 thành viên, nhưng các công ty nhà nước chưa được chuyển đổi, thì lại chỉ có 1 chủ sở hữu duy nhất là Nhà nước.

Các hộ kinh doanh đang đăng ký kinh doanh hiện nay cần được chuyển thành doanh nghiệp, còn khái niệm hộ kinh doanh chỉ nên dành cho các cá nhân hoạt động kinh doanh nhưng lại không phải đăng ký kinh doanh. Đó là các cá nhân tự mình hằng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (tại địa điểm cố định hoặc lưu động), nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm các hộ gia đình và cá nhân sau đây đang thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký (trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện) theo quy định của pháp luật hiện hành:

Thứ nhất là, các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;

Thứ hai là, buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

Thứ ba là, buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

Thứ tư là, bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

Thứ năm là, buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

Thứ sáu là, thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

Thứ bảy là, các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Vấn đề cơ bản cần giải quyết là, dù lựa chọn cách thức khuyến khích hay bắt buộc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thì vẫn cần phải có những quy định riêng cho phù hợp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Kế toán, các Luật thuế,… cần có những quy định riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ tránh phải tuân thủ pháp luật về quản lý, điều hành, lao động, hạch toán, báo cáo,… rất lằng nhằng, phức tạp. Chẳng hạn, hiện nay tuy đã có chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vẫn hoàn toàn không phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ nói chung và việc khuyến khích chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nói riêng.

BOX

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017:

“Điều 16. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh

  1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
  2. a) Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật;
  3. b) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
  4. Nội dung hỗ trợ bao gồm:
  5. a) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
  6. b) Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  7. c) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
  8. d) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

đ) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

  1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
  2. Hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.”

———————————-

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

Báo Pháp luật VN số 36 (162) 9-2017       

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.383. Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu.

Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu. (HTV1) - Chương trình có sự...

Trích dẫn 

3.903. Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức...

Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. (MK) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,450