227. Bình luận về con dấu pháp lý của doanh nghiệp trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp.

(ANVI) – Hội thảo CIEM                                                                                             Hà Nội 09-10-2014    

BÌNH LUẬN VỀ CON DẤU PHÁP LÝ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP[1]

 

Giữ lại con dấu bắt buộc đối với doanh nghiệp và lại còn khoác thêm giá trị pháp lý cho nó, là đi ngược lại cả loài người, là tự trói mình vào sợi dây pháp lý rắc rối, không cần thiết, lợi ít, hại nhiều.

  1. Quy định hiện hành và việc thay đổi con dấu pháp lý:
  • Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì con dấu bắt buộc phải có đối với các pháp nhân, tổ chức nói chung, với các doanh nghiệp nói riêng. Điều này được thể hiện rõ nhất tại 2 quy định sau:
  • Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.”, theo quy định tại khoản 1, Điều 36 về “Con dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005;
  • Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước.”, theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng con dấu, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01-4-2009.
  • Quy định về con dấu của doanh nghiệp trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (Dự thảo ngày 19-9-2014) đã có những thay đổi cơ bản theo hướng, từ yêu cầu bắt buộc phải có con dấu và có vai trò quyết định giá trị pháp lý đối với văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp, sang “Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.” và Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.”, theo quy định tại khoản 1 và 3, Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp”.
  • Tuy nhiên, khi thể hiện nội dung nói trên trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp, thì còn bộc lộ một số điểm bất cập như:
  • Quy định một trong những nội dung đề nghị đăng ký doanh nghiệp là “mẫu dấu” tại khoản 8, Điều 24 về “Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”. Như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải có con dấu;
  • Quy định “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp” và “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu” tại Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp” là vẫn đề cao con dấu như trước đây.
  • Nếu quy định về con dấu trong Dự thảo Luật như nói trên, cùng với quy định “Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh” và “Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.”, thì vẫn gần như đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu và chưa thoát khỏi cái ô pháp lý chụp cho con dấu. Thế là cải cách nửa vời, gây hỗn loạn, lo lắng cho xã hội; gây thêm khó khăn, rắc rối cho doanh nghiệp. Nếu quy định như vậy, thì tốt nhất là hãy giữ nguyên như cũ.
  • Vì vậy, đề nghị phải quy định rõ là: Doanh nghiệp không bắt buộc phải có con dấu hoặc doanh nghiệp có thể có con dấu và việc đóng dấu của doanh nghiệp không nhằm khẳng định giá trị pháp lý của văn bản.
  1. Tại sao cần bỏ con dấu pháp lý?
  • Trước hết, cần xác định rõ vấn đề, không phải là việc thay đổi từ bắt buộc phải có con dấu theo quy định thống nhất của Bộ Công an sang bắt buộc phải có con dấu do doanh nghiệp tự quyết định, mà là bỏ hẳn việc bắt buộc phải có con dấu, tức không nhất thiết phải có con dấu. Khi đó con dấu chỉ có giá trị nhận biết, phụ thêm, như thể lô gô, biểu tượng, như là con dấu chức danh.
  • Thật đáng buồn khi màn chào đời, giao dịch đầu tiên của doanh nghiệp, luôn phải là gặp công an, chứ không phải là việc quản lý doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp dù đã được sinh ra, đã có giấy khai sinh hợp pháp rồi, nhưng lại vẫn coi như chưa được sinh ra, nếu chưa được công an cho phép khắc và sử dụng mẫu dấu.
  • Theo một nguồn thông tin, hiện nay, chỉ có 7 quốc gia quy định việc đóng dấu của doanh nghiệp mang tính bắt buộc và nhằm xác nhận chữ ký, tư cách pháp lý. Còn khoảng 171 quốc gia khác, thì con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một doanh nghiệp mà thôi.
  • Theo quy định pháp luật hiện hành, thì con dấu là tài sản, là báu vật, là linh hồn không thể thiếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên vì đó là những giá trị không có thật, nên dẫn đến những mâu thuẫn, rắc rối ghê gớm. Ngay cả khi có sự tranh chấp, xâm phạm con dấu, thì hầu như cũng không xử lý được các hành vi chiếm giữ con dấu pháp lý của doanh nghiệp. Công an thì cho rằng đó lả tranh chấp, là quan hệ dân sự, còn toà án thì cũng không thụ lý giải quyết tranh chấp. Thế là dẫn đến tình trạng bế tắc của doanh nghiệp.
  • Cá nhân cũng có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng khắp trong và ngoài nước, cũng ký đủ thứ đơn từ pháp lý, gửi khắp các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đâu có cần phải có con dấu? Vậy thì các pháp nhân hà cớ gì mà cứ phải dùng con dấu như bảo bối, vật bất ly thân?
  • Chính khoản 1, Điều 14 về “Hợp đồng trước đăng ký kinh doanh” của Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng như Điều 19 về “Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp” của Dự thảo Luật Doanh nghiệp cũng quy định có trường hợp giao dịch của doanh nghiệp không cần con dấu. Đó là quy định cho phép “Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.” và nếu “doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp đương nhiên tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết”. Như vậy rõ ràng, không cần con dấu, vẫn có thể ký và thực hiện hợp đồng với tư cách của doanh nghiệp.
  • Luật quốc gia và luật thị trưởng chấp nhận việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký tươi (ướt) và cũng đồng thời “phế truất” luôn con dấu pháp lý. Đã công nhận chữ ký điện tử thay cho chữ ký tay trực tiếp, thì cũng không có lý do gì mà không công nhận con dấu điện tử, tức là hai trong một (chữ ký và con dấu). Như vậy, thì có thể khẳng định ngay là có thể xoá bỏ con dấu như hiện nay, tức là hoàn toàn có thể bỏ hẳn con dấu 36 – 34 – 32 mm của doanh nghiệp và các bộ phận phụ thuộc.
  • Bỏ được con dấu pháp lý bắt buộc là cởi bớt một xiềng xích đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bám chặt vào con dấu, là tự mua dây buộc mình. Tuy nhiên, khi đã quá phụ thuộc rồi, “ngựa quen đường cũ” rồi, bị trói chặt quá rồi, đã trở thành một phần tất yếu rồi, nay được tháo dây, cởi trói, thì rất có thể lại thấy mất mát, tiếc rẻ, lo lắng, thậm chí là sợ hãi, vì cái gì cũng có hai mặt lợi và hại.
  1. Cái lợi của việc bắt buộc có con dấu pháp lý:
  • Tiện lợi trong việc nhận biết với chính nội bộ doanh nghiệp và mọi đối tượng ở bên ngoài doanh nghiệp, do con dấu, được quy chuẩn tương đối cụ thể, thống nhất và điều quan trọng nhất là được Bộ Công an “bảo lãnh”. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn vô cùng lộ cộ, lộn xộn, như phòng giao dịch của ngân hàng đang được ngành Công an yêu cầu khắc dấu theo ít nhất 3 cách như sau:
    • Ngân hàng ABC – Chi nhánh OPQ – Phòng giao dịch XYZ;
    • Phòng giao dịch XYZ – Chi nhánh OPQ – Ngân hàng ABC;
    • Chi nhánh OPQ – Phòng giao dịch XYZ – Ngân hàng ABC.
  • Đối tác, người liên quan có thể “trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn vào khuôn dấu, với một hay hai vành tròn, kích cỡ con dấu là 32, 34 hay 36 mm mà suy luận ra Công ty hay đơn vị có hay không có tư cách pháp nhân. Chẳng hạn các công ty sau đây, nếu chỉ căn cứ vào tên gọi hợp pháp, chính thức theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, thì là các công ty mà đã là công ty thì đương nhiên có đầy đủ tư cách pháp nhân, nhưng nếu “đọc” trên con dấu, thì có thể khẳng định rằng, đó chỉ là các chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc pháp nhân chứ không phải là công ty, không phải là các pháp nhân:
    • Công ty Giấy Tissue Sông Đuống – Tổng Công ty Giấy Việt Nam;
    • Công ty Vận tải biển Vinalines – Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam;
    • Công ty Điện thoại Đông thành phố – Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.
  • Dễ dàng trong việc phân biệt văn bản bản chính thức, đã phát hành của doanh nghiệp với các bản nháp, bản chưa công bố, ban hành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn với hàng trăm chi nhánh, hàng nghìn nhân viên, phát hành hàng vạn văn bản mỗi năm.
  • Dễ dàng sao chép, nhân bản, vì chỉ cần ký 1 bản, rồi photo đóng dấu là có giá trị như bản chính, lãnh đạo khỏi tốn công, tốn mực ký nhiều bản.
  1. Cái hại của việc bắt buộc có con dấu pháp lý:
  • Gây khó khăn cho việc hoàn thiện thủ tục hoạt động và giao dịch của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp thường phải mang dấu ra khỏi trụ sở để đóng trước mặt công chứng viên hay để đóng dấu tại chỗ ngay sau khi ký, nhằm nhanh chóng hoàn thiện hợp đồng, văn bản để thúc đẩy các giao dịch kinh tế, dân sự. Luật đã cơi nới bằng cách cho phép doanh nghiệp được sử dụng 2 con dấu. Nhưng có 2 con dấu, doanh nghiệp vẫn thấy chưa đủ. Bằng chứng là Công ty Honda Việt Nam, một doanh nghiệp rất bài bản và uy tín, còn đề nghị cho doanh nghiệp có 3 con dấu.[2]
  • Người giữ dấu như giữ “linh hồn” của doanh nghiệp. Thế nên người đại diện theo pháp luật hay người có quyền to nhất trong doanh nghiệp đã ký văn bản, nhưng lại phải chờ nhân viên văn thư cộp dấu thì chữ ký của mình mới có giá trị pháp lý? Và rồi, về mặt pháp lý là quy định như thế, nhưng lại chẳng phải là thế. Hợp đồng ký giữa 2-3 bên, nếu không đóng dấu thì vẫn có hiệu lực, vẫn ràng buộc cam kết, không thể vô hiệu chỉ vì chưa đóng dấu, chưa “khẳng định giá trị pháp lý của khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ”. Nếu cho rằng, hợp đồng của doanh nghiệp chưa đóng dấu là chưa có hiệu lực, thì có thể suy rộng ra, hợp đồng ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ, không có tiêu đề “Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cũng vô giá trị? Vì theo quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Hình thức văn bản” và điểm a, khoản 1, Điều 5 về “Thể thức văn bản”, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08-4-2004 của Chính phủ về Công tác văn thư, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 09/2010/NĐ-CP ngày 08-02-2010, thì giấy tờ giao dịch của doanh nghiệp bắt buộc phải ghi Quốc hiệu.
  • Một nhà không có 2 chủ, một nước không có 2 vua, một văn bản của doanh nghiệp không thể quyết định bởi 2 yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu. Văn bản có chữ ký thật, mà đóng dấu giả thì giá trị đến đâu? Và ngược lại, đóng dấu thật mà chữ ký giả thì giá trị ra sao? Đáp án nào cũng không thoả đáng. Lúc nào cũng đặt doanh nghiệp “giữa 2 làn đạn”. Vậy thì chỉ có cách duy nhất là một mất một còn, giữ một, bỏ một. Qua thực tế các vụ tranh chấp liên quan đến con dấu như: Cưỡng chế giao nộp con dấu tại Công ty Đay Sài Gòn, cuộc chiến buộc Tổng Giám đốc bàn giao con dấu tại Công ty Bông Bạch Tuyết hay Công ty Sudico kêu cứu vì bị “cưỡm” con dấu, rồi Thủ tướng phải nhảy vào cuộc cho phép Trường Đại học Hùng Vương được khắc và sử dụng con dấu thứ 2,… đã cho thấy sai lầm về việc xác định sai vai trò pháp lý của con dấu.
  • Vì quá phụ thuộc, dựa dẫm, trông chờ, tôn thờ, trao cho con dấu quyền năng quá mức, nên mới dẫn đến tình trạng làm giả con dấu thì rất dễ lợi dụng lừa đảo. Cả một xã hội, khi thấy con dấu đỏ là tỏ rõ sự yên tâm chấp nhận, vì coi đã nắm được “bảo bối” pháp lý. Nếu không quá đề cao và quy định giá trị pháp lý bắt buộc của con dấu, thì Huỳnh Thị Huyền Như đã không dễ dàng lừa đảo Vietinbank để chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, mà phần lớn là thông qua 8 con dấu làm giả một cách vô cùng dễ dãi. Doanh nghiệp cũng dễ bị liên luỵ, hàm oan vì cùng lúc phải lo quản đồng thời hai yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu.
  • Không phù hợp, thậm chí mâu thuẫn trái ngược với quy định của pháp luật về giao dịch và chữ ký điện tử theo một loạt văn bản như:
    • Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.”, theo quy định tại khoản 1, Điều 124 về “Hình thức giao dịch dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005;
    • Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”, theo quy định tại Điều 15 về “Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại”, Luật Thương mại năm 2005;
    • “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”, theo quy định tại Điều 34 về “Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử”, Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
  1. Giải quyết vướng mắc khi bỏ con dấu pháp lý:
  • Khi con dấu đã không có giá trị pháp lý bắt buộc, thì cũng không còn phải đặt ra vấn đề lo ngại là khó khăn nhận diện, xác định con dấu trước tình trạng “trăm hoa đua nở”, vì khi con dấu chỉ là hoa, là nghệ thuật, là tinh thần, thì càng đua nở, càng phong phú càng tốt.
  • Tuy nhiên, con dấu pháp lý đối với doanh nghiệp đang được quy định trong hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản dưới luật. Vì vậy, việc bỏ con dấu pháp lý, bên cạnh việc không hề ảnh hưởng gì đối với một số quy định liên quan, thì cũng có nhiều vướng mắc pháp lý cần phải giải quyết. Nội dung cụ thể, xin xem Phụ lục Đánh giá sơ bộ vướng mắc đối với một số quy định trong 20 đạo luật hiện hành liên quan đến con dấu của doanh nghiệp và tổ chức tương tự doanh nghiệp, trong đó 28 điều khoản quy định về con dấu và có thể phân thành 2 nhóm như sau:
    • 19 điều khoản có vướng mắc pháp lý cần giải quyết, do luật quy định phải có con dấu. Ví dụ như khoản 5, Điều 29 về “Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn”, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: “Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.
    • 9 điều khoản không có vướng mắc pháp lý, không cần giải quyết, do luật không quy định cứng là phải có con dấu. Ví dụ, điểm đ, khoản 2, Điều 107 về “Uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: Giấy uỷ quyền phải có một trong các nội dung là: “đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.”
  • Một điều trong một đạo luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội là có thể hoá giải được quy định trong tất cả các đạo luật. Còn xử lý quy định nghị định, thông tư thì là điều quá đơn giản.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

PHỤ LỤC

Đánh giá sơ bộ vướng mắc đối với một số quy định trong 20 đạo luật liên quan đến

con dấu của doanh nghiệp và tổ chức tương tự doanh nghiệp

 

TTĐiều khoảnTên Điều luậtNội dungVướng mắc
0.      Dự thảo Luật Doanh nghiệp (ngày 19-9-2014)
0.1.24.8“Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”Phải có “Mẫu dấu”
0.2.27.2“Trình tự đăng ký doanh nghiệp”“2. Chính phủ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký con dấu,….
0.3.44“Con dấu của doanh nghiệp”“1. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.

3. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc đăng ký, chuyển giao thông tin quản lý con dấu đối với con dấu đã được cấp trước khi Luật này có hiệu lực.”

0.4.97.9“Chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên”“9. Hội đồng thành viên sử dụng bộ máy điều hành và bộ phận giúp việc, nếu có, và con dấu của Công ty để thực hiện nhiệm vụ của mình.”
0.5.98.4

98.6

“Chủ tịch công ty”“4. Chủ tịch công ty sử dụng bộ máy quản lý, điều hành, bộ phận giúp việc , nếu có và con dấu của Công ty để thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch công ty được quyền tổ chức việc lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước trước khi quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty. Chi phí lấy ý kiến chuyên gia tư vấn được quy định tại Quy chế quản lý tài chính của Công ty.”

“6. Quyết định của Chủ tịch công ty có giá trị pháp lý kể từ ngày được ký và đóng dấu với chức danh Chủ tịch công ty, trừ trường hợp phải được Cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.”

0.6.105.6“Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và kiểm soát viên”“6. Ban Kiểm soát có quyền sử dụng con dấu của công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”
0.7.176.1.c“Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh”“c) Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký”
0.8.204.1.c“Hồ sơ giải thể doanh nghiệp”“c) Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu, nếu có”
0.9.206.2.đ“Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện”Hồ sơ chấm dứt hoạt động có “đ) Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện, nếu có.”
1.Luật Doanh nghiệp năm 2005
1.1.36“Con dấu của doanh nghiệp”“1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai.”

1.2.85.1.g “Cổ phiếu”Một trong các yếu tố của cổ phiếu là “dấu của công ty”.
1.3.134.1.c“Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh” “c) Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký”
2.Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
267.1“Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.Không
3.Luật Kế toán năm 2003
3.1.19.4“Lập chứng từ kế toán”

 

“Chứng từ kế toán do đơn vị kế toán quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này lập để giao dịch với tổ chức, cá nhân bên ngoài đơn vị kế toán thì liên gửi cho bên ngoài phải có dấu của đơn vị kế toán.”
3.2.25.2“Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán”“2. Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai.”Không
4.Luật Cạnh tranh năm 2004
108“Đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”“đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên làm đơn khiếu nại.”Không
5.Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011
164.3.“Hình thức, nội dung đơn khởi kiện”“người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn;”
6.Luật Giao dịch điện tử năm 2005
24.2.“Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử”“2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này và chữ ký điện tử đó có chứng thực.”Không
7.Luật Thương mại năm 2005
17.5“Quyền của Văn phòng đại diện”“5. Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
8.Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005
107.2“Uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp”Giấy uỷ quyền phải có “đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.”Không
9.Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005
4.18“Giải thích từ ngữ”“Chữ ký của người đại diện của tổ chức trên công cụ chuyển nhượng phải kèm theo việc đóng dấu.”
10.Luật Công an nhân dân năm 2005
16.“Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân”“3. Quản lý hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân; quản lý con dấu;…”Không
11.Luật Luật sư năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012
33.3“Văn phòng luật sư”“3. Văn phòng luật sư có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật.”
12.Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006
12.1.19.6.“Quyền của Chi nhánh”“6. Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam”
12.2.124.5“Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài”“5. Có con dấu mang tên văn phòng theo quy định của pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp.”
13.Luật Thi hành án dân sự năm 2008
31.2.“Đơn yêu cầu thi hành án”“2. Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.”
14.Luật Các TCTD năm 2010
43.4“HĐQT, Hội đồng thành viên và cơ cấu HĐQT, Hội đồng thành viên”“4. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên sử dụng con dấu của tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”
15.Luật Trọng tài thương mại năm 2010
27.1.“Tư cách pháp nhân và cơ cấu của Trung tâm trọng tài”“1. Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.”
16.Luật Hợp tác xã năm 2012
16.1.35.3“Hội đồng quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác x㔓3. Hội đồng quản trị sử dụng con dấu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định tại Điều 36 của Luật này.”
16.2.39.6“Ban kiểm soát, kiểm soát viên”“6. Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được sử dụng con dấu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thực hiện nhiệm vụ của mình.”
17.Luật Quảng cáo năm 2012
17.1.29.5“Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn”“Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.”
17.2.31.3.d“Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo”“đ) Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo.”
18.Luật Đấu thầu năm 2013
 

18.1.

65.1“Hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn”“Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng.”Không
18.2.71.1“Hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn”“Đối với nhà đầu tư liên danh, tất cả các thành viên liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng.Không
19.Luật Xây dựng năm 2014
19.1.64.2.“Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án”“2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án có con dấu, tài khoản, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của chủ đầu tư.”.
19.2.138.2.d“Quy định chung về hợp đồng xây dựng”“Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”Không
20.Luật Công chứng năm 2014
5.1“Giá trị pháp lý của văn bản công chứng”“1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.”

 

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Tham luận thứ 6 của Luật sư Trương Thanh Đức, góp ý x ây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp trong 2 năm 2013 – 2014.

[2]   Tham luận Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp ngày 07-10-2014 tại VCCI.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,805