230. Vụ mất 245 tỉ đồng tại Eximbank: Không mất tiền đền thì mất tất! 

Vụ mất 245 tỉ đồng tại Eximbank: Không mất tiền đền thì mất tất! 

(TT) – Nếu ngân hàng cứ tiếp tục từ chối trách nhiệm bồi thường cho khách hàng bị mất tiền gửi như nhiều vụ việc đã xảy ra trong mấy năm qua, thì niềm tin vào hoạt động kinh doanh tiền tệ sẽ bị đổ vỡ nghiêm trọng. 
mất 245 tỉ đồng tại Eximbank

Eximbank không mất tiền đền cho khách hàng thì mất tất. Ảnh minh họa

Liên quan vụ việc bà Chu Thị Bình – khách hàng thân thiết của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã chứng khoán: EIB) bị Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM Lê Nguyễn Hưng rút ruột tài khoản 245 tỉ đồng, bỏ trốn ra nước ngoài gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích nguy cơ của Eximbank nói riêng và ngân hàng nói chung sẽ được và mất gì nếu không chịu đền tiền cho khách hàng sau vụ việc khách hàng bất ngờ mất tiền trong tài khoản tiết kiệm. 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguy cơ của khách hàng

Các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng tồn tại và phát triển được vì là nơi gửi tiền và đầu tư vốn an toàn ở cấp độ cao nhất. Nếu dân chúng không tin rằng đó là nơi gửi tiền an toàn hơn để ở nhà mình thì làm sao ngân hàng có thể huy động được hàng tỷ USD lãi suất bằng 0%?

Ngân hàng làm dịch vụ bảo quản tài sản, giữ nguyên trạng hay huy động tiền gửi của khách hàng để quay vòng vốn kinh doanh, mà bản chất là vay tiền thì cũng đều có trách nhiệm giống nhau là bảo đảm an toàn tiền bạc và trả lại nguyên vẹn cho người gửi.

Nếu vì bất kỳ lý do nào đó mà ngân hàng không chi trả đầy đủ, kịp thời, thì tranh chấp xuất hiện. Nếu vẫn không thương lượng, hòa giải được nữa thì cách thức giải quyết đúng luật chỉ còn là yêu cầu cơ quan tài phán phân xử. Đối với tranh chấp về việc gửi tiền tiết kiệm thì buộc phải đưa ra Tòa án xét xử theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự, thì bắt buộc phải qua điều tra của cơ quan Công an, truy tố của Viện kiểm sát và xét xử theo thủ tục hình sự. Một vụ án như vậy, nhanh thì cũng trên dưới 1 năm, còn chậm thì vài ba năm.

Tuy nhiên, nếu tòa án cứ tuyên ngân hàng không phải chịu trách nhiệm, giống như đã xét xử với vụ án siêu lừa Huyền Như và một số vụ án khác, thì người gửi tiền sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng cả tiền gốc lẫn lãi. Khách hàng mất tiền chờ kết quả xét xử trong trường hợp này cũng vô vọng chẳng khác gì chờ kết cục cái chết đã định trước.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh nhân vật cung cấp

Rủi ro có thể mất tiền gửi tại ngân hàng bất cứ lúc nào không đáng sợ bằng nguy cơ khách hàng chỉ có quyền đòi lại tiền gửi của mình từ tội phạm. Tin tưởng vào ngân hàng, mà lại cứ mất tiền do bị cán bộ ngân hàng lừa đảo trong chính ngân hàng thì không khác gì gặp phải kẻ lừa đảo ngoài chợ giời (!?)

Các vụ việc này còn cho thấy một nghịch lý rằng, khách hàng nói chung, khách hàng VIP nói riêng lại được khuyến cáo từ bỏ các dịch vụ chăm sóc tiện ích, chất lượng và hợp pháp, trong đó có giao dịch tại nhà. Ngân hàng đã “tự giết” mình khi tạo ra sự oan nghiệt, khách hàng càng quan trọng, càng mang lại nhiều lợi nhuận, kết quả cho ngân hàng thì lại càng đối mặt với nguy hiểm, rủi ro mất tiền.

Nguyên nhân và trách nhiệm

Quá nhiều vụ việc mất tiền xảy ra, với số lượng lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã cho thấy, các ngân hàng đang có những lỗ hổng mất an toàn rất nghiêm trọng.

Theo quy định của pháp luật, trong đó có quy định về tiền gửi tiết kiệm tại khoản 2, Điều 15 về “Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm”, Quy chế tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết đính số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì ngân hàng phải “đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác và an toàn”.

Cụ thể là ngân hàng phải bảo đảm ít nhất 4 yếu tố hợp lệ, khớp đúng là chủ thẻ tiết kiệm, chữ ký của chủ thẻ, thẻ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của người rút tiền, đặc biệt là với các khoản tiền lớn hàng tỷ đồng trở lên. Vì vậy, kẻ gian dù có trong tay cả thẻ tiết kiệm và chứng minh nhân dân của khách hàng thì cũng không thể rút được tiền gửi nếu ngân hàng không làm sai.

Trường hợp rút tiền theo uỷ quyền thì ngân hàng cũng phải xác định được chính xác và chắn chắn là ai lĩnh tiền thì mới được phép chi trả. Nếu sau này có gian lận, sai sót, nhầm lẫn thì cũng dễ dàng truy tìm và truy cứu trách nhiệm. Ngân hàng chi tiền mà không phát hiện ra giấy ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc do chính ngân hàng xác nhận) giả mạo thì cũng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Ngay cả trường hợp người được ủy quyền rút tiền hợp pháp, hợp lệ nhưng lại chính là cán bộ, nhân viên ngân hàng có nhiệm vụ giao dịch tiền gửi của khách hàng thì cũng vẫn phải xác định là lỗi của chính ngân hàng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, chính việc “phủi tay” hay là việc đùn đẩy trách nhiệm từ pháp nhân sang cá nhân của các ngân hàng là tác nhân nguy hiểm dẫn đến hàng trăm vụ rút ruột, lừa đảo, biển thủ, chiếm đoạt tiền tại ngân hàng. Ảnh minh họa

Nếu các cán bộ ngân hàng liên quan đến tiền gửi và giao dịch của khách hàng đều làm thật đúng nguyên tắc, quy trình trong tất cả các công đoạn thì rất khó có thể xảy ra việc mất tiền hoặc dù có mất tiền thì cũng sẽ không có nhân viên nào phạm pháp. Tuy nhiên, ngày cả khi đó cũng không đồng nghĩa với việc ngân hàng không có lỗi. Ví dụ trước đây, đã từng có một vụ việc dù ngân hàng không thể phát hiện ra khi chi trả tiền gửi cho một người sinh đôi cùng trứng mang thẻ tiết kiệm và chứng minh nhân dân của người kia đến rút tiền, nhưng Tòa án vẫn xác định ngân hàng có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người gửi tiền.

Do vậy, có thế nói có đến 99% các vụ việc mất tiền gửi, Ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường, cho dù khách hàng có thể có một số sơ hở, thiếu sót thậm chí là vi phạm, sai trái nào đó. Vì nguyên nhân chính yếu dẫn đến mất tiền thường là do lỗi và sai phạm của chính các cán bộ, nhân viên ngân hàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao là huy động vốn của khách hàng gửi tiền.

Điều 87 về “Trách nhiệm dân sự của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định, pháp nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện. Điều này cũng tương tự trong lĩnh vực hành chính, đó là Nhà nước phải bồi thường theo Luật Bồi thường của Nhà nước năm 2017 khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân.

Ngoài ra, việc mất tiền của khách hàng gửi tiền thực chất chỉ là việc liên quan đến khách hàng, còn chính ngân hàng mới mà người bị mất tiền, vì theo quy định tại Điều 464 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015, tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng là thuộc sở hữu của ngân hàng.

Tội phạm gian lận, lừa đảo, tham ô, chiếm đoạt tiền của ngân hàng sở hữu hay quản lý thì cũng đều phải chịu trách nhiệm với ngân hàng. Tội phạm là những người có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến giao dịch của khách hàng nên mới liên lụy tới khách hàng và mới bị các cơ quan pháp luật hiểu một cách lệch lạc là chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Như vậy, việc ngân hàng đẩy trách nhiệm bồi thường cho cá nhân không phải là lỗi từ quy định của Ngân hàng Nhà nước hay của pháp luật, mà là do việc cố tình hiểu nhầm lẫn bản chất của vấn đề, sai lầm về nguyên lý phân định trách nhiệm và việc áp dụng không đúng quy định pháp luật.

Nguy cơ của ngân hàng

Chính việc “phủi tay” hay là việc đùn đẩy trách nhiệm từ pháp nhân sang cá nhân của các ngân hàng là tác nhân nguy hiểm dẫn đến hàng trăm vụ rút ruột, lừa đảo, biển thủ, chiếm đoạt tiền tại ngân hàng.

Mấu chốt để ngăn chặn tình trạng mất tiền là phải quy được trách nhiệm bồi thường khách hàng cho pháp nhân ngân hàng thay vì trách nhiệm của các cá nhân sai phạm. Nếu ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong mọi mất mát của khách hàng thì sẽ buộc họ phải bằng mọi cách nâng cao yêu cầu an toàn, thắt chặt các quy trình kiểm soát, chấn chỉnh kỷ luật nội bộ, giảm thiểu rủi ro, sai phạm. Ngân hàng chỉ có thể bảo đảm an toàn cao nhất tiền gửi của khách hàng, nếu như họ phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất do chính nhân viên của họ gây ra, nếu như họ không còn đùn đẩy, giải thoát trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chỉ có như vậy thì mới mong chặn đứng hay ít nhất cũng là giảm thiểu các vụ việc bỗng dưng mất tiền có nguy cơ dày hơn, nhiều hơn, lớn hơn.

Chưa kể, xét về khía cạnh kinh doanh, số tiền bồi thường cho khách hàng chính là khoản chi phí cần thiết và khôn ngoan nhất để mua giữ, duy trì, nuôi dưỡng niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, yếu tố quyết định trong thành bại của hoạt động kinh doanh tiền tệ. Sự an toàn cho người gửi tiền cũng chính là sự an toàn của hệ thống ngân hàng, phải là mục tiêu số 1, trên cả hiệu quả kinh doanh. Điều gì đã, đang và sẽ xảy ra khi người dân cứ nơm nớp lo sợ về việc mất tiền gửi bất cứ lúc nào nếu như không may dính vào một số rất ít cán bộ ngân hàng lừa đảo, phạm pháp?

Đối với hoạt động kinh doanh tiền tệ thì đồng tiền gắn liền với niềm tin, vì vậy mất tiền cũng là mất niềm tin. Lời cảnh báo, mất niềm tin là mất hết vẫn luôn là điều quan trọng nhất với mỗi ngân hàng!.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——————

Tin tức Việt Nam (Tài chính) 28-02-2018:
https://tintucvietnam.vn/vu-mat-245-ti-dong-tai-eximbank-khong-mat-tien-den-thi-mat-tat-d182575.html

(2.003)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,854