(TBKTSG) – Công sản, trong đó có đất đai thuộc sở hữu toàn dân, là một nguồn tài sản đặc biệt to lớn của nước ta, nếu như được quản lý hợp lý và sử dụng hiệu quả thì sẽ thúc đẩy phát triển, còn ngược lại sẽ là tai họa cho quốc gia.
Hai bên và ba phía
Trong giao dịch mua bán tài sản giữa hai bên tư nhân với nhau, các bên luôn tiệm cận thỏa thuận công bằng, sòng phẳng, vì gắn liền với mỗi bên là lợi ích thiết thực, sát sườn của chính họ. Bên này không dễ gì giành được lợi ích nhiều hơn nếu không có gì đánh đổi hay bên kia không chấp nhận thỏa hiệp.
Nhưng đối với việc mua bán tài sản, đặc biệt là tài sản công (công sản), giữa Nhà nước và tư nhân, thì ngoài hai bên mua bán chính thức, còn luôn xuất hiện thêm một bên ẩn danh, không chính thức, tạm gọi là “bên phẩy”, hay là hai bên nhưng lại là ba phía. Đó là những người đại diện, thay mặt cho bên Nhà nước quyết định việc mua, bán. Nếu như người đại diện không hoàn toàn chí công, vô tư, thậm chí lại còn mong chờ lợi ích cá nhân, thì quan hệ mua bán đã bị xoay trục hoàn toàn.
Khi đó, mọi thủ tục pháp lý và lợi ích giao dịch sẽ được dàn xếp theo kiểu “tay ba”, trong đó bên tư nhân tự dưng có thêm đồng minh từ bên kia. Kết cục dễ thấy là công sản sẽ được chọn bán cho ai để có lợi cho phía thứ ba, chứ không phải là bán với giá nào để có lợi cho Nhà nước.
Lợi công và lợi tư
Con người muốn tử tế thì cần không chỉ động viên, khuyến nghị, giáo dục, mà còn phải tuyển chọn, quản lý và xử lý nghiêm túc bằng pháp luật. Không làm được điều này thì khó mong ngăn chặn được nguy cơ công chức sắm hai vai và tư nhân… mua công chức kèm theo công sản. |
Khi quan chức có trách nhiệm ở bên Nhà nước nhưng lại có quyền lợi ở bên tư nhân trong quan hệ mua bán công sản thì lẽ tự nhiên sẽ trở thành điệp viên hai mang. Họ sẵn sàng biến giao dịch từ thuận mua vừa bán sang bài binh, bố trận, dàn xếp mua bán theo hướng mang lại món lợi tối đa cho bên cùng hội cùng thuyền về tiền bạc của mình.
Bên Nhà nước được lợi nhiều hay ít, nhà chức trách cũng không được hay mất tiền. Ngược lại, phía tư nhân càng được lợi thì cá nhân họ càng có nhiều cơ hội được hưởng thêm số hoa hồng, khoản lại quả, phần ăn chia, lộc hậu tạ. Như vậy, lợi ích phía Nhà nước không chỉ mâu thuẫn với lợi ích phía tư nhân, mà còn ngược lại với chính lợi ích của người thực thi công vụ.
Khi đó, quan hệ mua bán chính thức giữa hai bên trở thành không chính thức giữa “ba phía”, kiểu thế chân kiềng ngang ngửa nhau. Vì vậy “biểu quyết” chung cuộc, phần thua thiệt đương nhiên là nghiêng về bên Nhà nước, vì là phía thiểu số; phần thắng lợi thường dồn về bên kia, vì là phía đa số.
Trong quan hệ cho thuê tài sản của Nhà nước và Nhà nước mua tài sản của tư nhân cũng xảy ra điều tương tự, chỉ có khác là bán thì giá thấp mà mua thì giá cao. Phía thứ ba nếu nghiêng về Nhà nước thì hai bên hòa, nếu ngả về bên tư nhân, thì bên đó giành phần thắng đậm.
Mua bán công sản
Công sản chuyển sang tay tư nhân, thành tài sản tư (tư sản) không có gì sai, thậm chí là cần thiết và tất yếu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, như yêu cầu của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Mua bán thật thì không phải lo ngại việc chuyển dịch công sản sang tư sản, vì luôn đúng với mục tiêu và giá cả thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này đã bị lạm dụng, tham nhũng, trục lợi, làm cho công sản nhanh chóng, dễ dàng biến thành tư sản một cách rẻ rúng.
Vì vậy, cần tập trung vào một vài điểm mấu chốt trong việc mua bán công sản. Chẳng hạn, quan trọng nhất trong bán tài sản là khâu đấu giá, trong đó trọng tâm là phải thực chất. Tức là tiến hành việc đấu giá phải hết sức công khai, minh bạch, rộng rãi.
Vậy trước hết cần phải thay đổi ngay từ các đạo luật, vì còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, đối với những vấn đề cụ thể, khi đọc xong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì nghĩ rằng phần lớn tài sản trong doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng cũng là tài sản công.
Hay đối với vấn đề có tính nguyên tắc là mua bán tài sản theo giá thị trường, càng thấy thiếu công bằng, hợp lý. Nhà nước luôn đòi hỏi việc bán công sản nói chung, đất đai nói riêng cho tư nhân theo giá thị trường, nhưng chính Nhà nước lại không mua, mà thu hồi và bồi thường đất của tư nhân không theo giá thị trường. Hay cũng mảnh đất ấy, mua của Nhà nước thì gọi đúng bản chất là mua bán, nhưng “mua” của người đã mua của Nhà nước thì phải gọi là chuyển nhượng và khi “bán” cho Nhà nước thì lại bị gọi là thu hồi đất.
Hơn nữa, để đạt được mục tiêu mua bán công sản theo giá thị trường, chỉ thực hiện đúng luật thôi là chưa đủ, vì rất dễ dàng lách luật và lợi dụng. Chẳng hạn, việc thông báo công khai đấu giá, nếu cứ thực hiện đúng theo Luật Đấu giá năm 2016 thì có thể không mấy người biết, vì chỉ cần đăng hai lần với diện tích nhỏ bằng bao diêm ở vị trí không quan trọng, trên một tờ báo địa phương hầu như không có người đọc.
Chủ yếu vẫn là sự liêm chính của những con người có quyền thực thi việc mua bán công sản trước những cơ hội dễ dàng kiếm chác hàng tỉ đồng. Đấu thầu, đấu giá, mà cố tình vi phạm, lạm dụng, ngụy trang quân xanh, quân đỏ thì kết quả còn tồi hơn cả việc chỉ định mua bán. Khi đó, chỉ có thể bắt lỗi, bắt tội, bắt đền khi công sản bị bán quá rẻ mạt, mua quá đắt hay có vi phạm quá lộ liễu.
Do đó, mọi quy định, thủ tục và biện pháp bảo vệ lợi ích của Nhà nước cần tập trung vào việc loại trừ, hay ít nhất cũng phải giảm thiểu việc mâu thuẫn, xung đột lợi ích đối với lực lượng thứ ba như nêu trên. Mà con người muốn tử tế thì cần không chỉ động viên, khuyến nghị, giáo dục, mà còn phải tuyển chọn, quản lý và xử lý nghiêm túc bằng pháp luật. Chỉ làm được điều này khi công tác cán bộ được tuyển lựa một cách thật sự dân chủ, cạnh tranh, công khai, minh bạch. Không làm như vậy thì khó mong ngăn chặn được nguy cơ công chức sắm hai vai và tư nhân mua công chức kèm theo công sản.
Khoản 1, điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, giải thích tài sản công như sau: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”. |
Luật Đất đai mâu thuẫn với chính nó Luật Đất đai lâu nay đã quy định mâu thuẫn với chính nó, khi điều 112 quy định nguyên tắc định giá đất theo thị trường, nhưng điều 113 và 114 lại chấp nhận theo khung giá, mà trên thực tế thì thường thấp hơn thị trường khá nhiều. Giá thuê đất cũng luôn thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Nhà nước bán đất theo chính khung giá của mình ban hành thì tất nhiên là giá rất rẻ so với thị trường. Nếu việc mua bán không qua đấu giá thật sự (mà đấu giá ngụy trang), có khi còn bị sai lệch hơn cả bán theo chỉ định. Các doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân, pháp nhân thì cũng chỉ khác việc Nhà nước bán đất cho tư nhân ở chỗ đơn giản hơn về thẩm quyền, thủ tục và đương nhiên là sẽ dễ dàng biến tấu hơn. Bộ luật Dân sự quy định, quyền sử dụng đất (bao gồm cả đất thuê) cũng là một loại tài sản. Do vậy, thuê được đất của Nhà nước cũng là một mối hời rất lớn, đôi khi gần như mua được giá rẻ. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp, nếu không có việc “mua bán” lợi ích trong bóng tối thì không dễ gì được quyền thuê công sản. Nếu bán công sản theo đúng giá thị trường thì người ta chỉ mua tài sản, chứ không dại gì vừa mua đất, vừa phải mua… cán bộ. Mua bán thật thì luôn sát giá thị trường, dù là tư sản hay công sản. Ngoài việc cùng sử dụng chung các luật điều chỉnh trực tiếp quan hệ mua bán như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự… thì bên bán công sản còn phải căn cứ vào các luật về quản lý tài sản công, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức. |
(1.806/1.806)
Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——————
TB Kinh tế SG ngày 26-4-2018:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/271820/