234. Bình luận về hợp đồng vay tài sản trong Dự thảo Bộ luật Dân sự.

(ANVI) – Tham luận tại Hội thảo Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội 21-01-2015[1]                                                                   

1. Về khái niệm hợp đồng vay tài sản (Điều 486):

1.1. Điều 486 về “Hợp đồng vay tài sản”, Dự thảo Bộ luật quy định: “khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng”. Quy định này chưa bảo đảm tính bao quát đối với trường hợp tài sản vay là tiền, vì không có yếu tố “chất lượng” tiền ở đây. Vay tiền là loại hợp đồng vay quan trọng nhất, phổ biến nhất nhưng chưa được quy định trong đạo luật nào (trước đây, hợp đồng tín dụng được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, nhưng nay đã không còn được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010).

Ngoài ra, cần xem lại cách đặt tên Điều, cũng giống như trong toàn Bộ luật, không thể để tên Điều trùng với trên chương, mục, tiểu mục, vì không bảo đảm tính lô gic tối thiểu, trừ trường hợp các chương, mục, tiểu mục chỉ có 1 điều.

1.2. Vì vậy, đề nghị quy định riêng một hoặc một số điều về hợp đồng vay tiền. Đồng thời, cần sửa tên Điều này thành “Khái niệm hợp đồng vay tài sản”.

2. Về nghĩa vụ của bên cho vay (Điều 488):

2.1. Khoản 1, Điều 488 về “Nghĩa vụ của bên cho vay”, Dự thảo Bộ luật quy định một trong những nghĩa vụ của bên cho vay là: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận”. Quy định này cũng không phù hợp với hợp đồng vay tài sản là tiền, vì đối với việc vay tiền, nếu đã giao tiền “đầy đủ”, thì không cần quan tâm đến chất lượng và số lượng tiền.

Tương tự là khoản 2, hoàn toàn không cần thiết đối với hợp đồng vay tiền, khi quy định bên cho vay có nghĩa vụ: “2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.”

Đối với quy định tại khoản 3, bên cho vay có nghĩa vụ: “3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 492 của Bộ luật này hoặc luật có quy định khác.”:

2.2. Điều này mâu thuẫn với quy định tại Điều 490 về “Sử dụng tài sản vay” của Dự thảo Bộ luật, với quy định: “bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.”, chứ không chỉ được phép đòi lại tài sản trước hạn đối với trường hợp vay không có thời hạn như quy định tại Điều 492 (Dự thảo viết nhầm thành Điều 493).

2.3. Đồng thời, điều này cũng không bao quát được các trường hợp theo quy định của pháp luật ngân hàng. Theo đó, bên cho vay được quyền yêu cầu bên vay trả lại trước hạn đối với cả trường hợp vay có thời hạn, nếu “phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng”;

2.4. Ngoài ra, các khoản vay giữa Việt Nam với nước ngoài, trong đó có các khoản vay của Chính phủ Việt Nam, cũng bị ràng buộc điều kiện trả nợ tương tự như trên.

2.5. Vì vậy, đề nghị quy định riêng một hoặc một số điều về hợp đồng vay tiền. Đồng thời sửa đổi Điều này theo hướng, bổ sung trường hợp bên cho vay được quyền đòi lại tiền vay trước thời hạn, nếu pháp luật có quy định.

3. Về nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 489):

Khoản 5, Điều 489 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay”, Dự thảo Bộ luật quy định: “5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.” Quy định này không hợp lý ở mấy điểm sau:

3.1. Một trong những nghĩa vụ của bên cho vay là “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận” cũng không phù hợp với hợp đồng vay tài sản là tiền, vì đối với việc vay tiền, nếu đã giao tiền “đầy đủ”, thì không cần quan tâm đến chất lượng và số lượng;

3.2. Quy định “bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng.” là không hợp lý. Trong lĩnh vực ngân hàng cũng chỉ quy định “không quá 150%”, tức các bên có thể thoả thuận trong khoảng từ 100% đến 150% lãi suất trong hạn. Thậm chí mức cao nhất là 150% cũng cần phải xem lại, không bảo đảm quyền lợi của người vay, thường là bên yếu thế hơn.

3.3. Vì vậy đề nghị quy định riêng một hoặc một số điều về hợp đồng vay tiền và “lãi suất nợ quá hạn không quá 150% lãi suất vay”.

4. Về sử dụng tài sản vay (Điều 490):

4.1. Điều 490 về “Sử dụng tài sản vay”, Dự thảo Bộ luật quy định: “Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.

4.2. Đề nghị sửa cụm từ “trái mục đích” thành “sai mục đích” để nội dung rõ ràng và hợp lý hơn.

5. Về lãi suất (Điều 491):

5.1. Khoản 3, Điều 491 về “Lãi suất” quy định: “3. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.” Đây là quy định không hợp lý, vì như vậy thì từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay cao nhất không được vượt quá 18%/năm, trong khi trên thực tế giao dịch vay tiền của các tổ chức kinh tế và cá nhân với nhau cao hơn mức này là hoàn toàn bình thường và rất hợp lý. Đặc biệt là các tổ chức tín dụng (ngân hàng, các công ty tài chính, hợp tác xã tín dụng,…) có thể được phép cho vay đến 30 – 40%, thậm chí 60 – 70%/năm hoặc cao bao nhiêu cũng vẫn hợp pháp.

5.2. Vì vậy cần phải quy định theo hướng phù hợp với thực tế, ít nhất là 36%/năm, bao quát được cả lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng và giới hạn đủ rộng để bảo vệ các giao dịch theo sự thoả thuận tự nguyện dựa trên cơ sở cung cầu, có hay không có tài sản bảo đảm và các điều kiện liên quan khác.

6. Về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn (Điều 492):

6.1. Khoản 2, Điều 492 về “Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn” quy định: “ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.” Quy định này chưa bao quát và hợp lý đối với trường hợp ngân hàng là bên đi vay vốn (được gọi là huy động hay nhận tiền gửi của khách hàng). Theo quy định từ trước đến nay của ngành Ngân hàng, thì đối với các khoản tiền gửi kkông kỳ hạn, không phân biệt có hay không có lãi, khách hàng gửi tiền (cho vay tiền) thường không phải “báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý” hoặc nếu có thì chỉ phải báo trước đối với số tiền lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chi trả. Đặc biệt là đối với tiền gửi thanh toán của khách hàng (theo quy định tại khoản 12, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.”) thì đương nhiên được “đòi lại” bất cứ lúc nào.

6.2. Vì vậy, đề nghị quy định đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì cũng tương tự như đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi theo hướng sửa đổi, bổ sung như sau: Bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho bên vay biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không phải phải báo trước.

7. Về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn (Điều 493):

7.1. Khoản 2, Điều 493 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn” quy định: “ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn đồng thời có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý.” Quy định này đã khắc phục được sự bất hợp lý về việc, trả nợ trước hạn thì “phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn” tại Điều 478 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo quy định “có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý” thì lại quá chung chung, mơ hồ.

7.2. Vì vậy, đề nghị quy định rõ, là khi trả nợ trước hạn thì bên vay phải trả lãi với mức không quá 50% lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác với mức thấp hơn hoặc pháp luật có quy định khác.

8. Về Họ, hụi, biêu, phường (Điều 494):

8.1. Họ, hụi, biêu, phường, là 4 từ khác nhau để cùng chỉ một sự việc, tương tự như cách viết một cá nhân chết, mất, từ trần, qua đời, hy sinh,… Đồng thời, đã có một Nghị định quy định về việc này, thì cần phải xem xét chọn lọc những nội dung hợp lý của Nghị định để đưa vào Bộ luật, không nên tiếp tục duy trì một Nghị định riêng. Ngoài ra, cần bảo đảmsự thống nhất với quy định sử dụng từ “nặng lãi” hay “lãi nặng”. Hiện nay, Dự thảo quy định “Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”, còn Bộ luật Hình sự năm 1999 thì quy định về “Tội cho vay lãi nặng”.

8.2. Vì vậy, đề nghị chọn một từ điển hình nhất để quy định và đặt tên Điều luật, chứ không thể liệt kê tất cả các từ đó; đồng thời luật hoá Nghị định về việc này và thống nhất về từ ngữ với Bộ luật Hình sự.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Bài thứ 22 trong loạt bài góp ý xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,777