Tiền ảo và tiền điện tử
(KTSG) – Những năm gần đây, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số (hay tiền mã hóa hay tiền ảo) đã liên tục xuất hiện và đi vào đời sống qua các con đường khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay các loại được gọi là tiền này vẫn chưa được chính thức điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.
Dù cũng được gọi là tiền, vì có một số đặc điểm tương tự, nhưng khác với tiền điện tử, tiền ảo không gắn với bất kỳ một đồng tiền chính thức nào. Ảnh: Internet
Tiền và tiền ảo
Tiền hay tiền thật là đồng tiền của quốc gia được phát hành và lưu hành hợp pháp. Theo pháp luật Việt Nam thì tiền gồm hai loại là tiền mặt và tiền điện tử (e-money hay electronic money), trong đó tiền mặt gồm tiền giấy và tiền kim loại. Như vậy, các loại khác dù có được gọi là tiền, như tiền ảo, cũng đều không phải là tiền theo pháp luật Việt Nam.
Tiền ảo (vitual currency) không phải là tiền thật, mà là một loại tiền kỹ thuật số, được tạo ra bằng phần mềm tin học và được sử dụng như một đồng tiền trong một nhóm thành viên cộng đồng mạng. Như vậy, dù cũng được gọi là tiền, vì có một số đặc điểm tương tự, nhưng khác với tiền điện tử, tiền ảo không gắn với bất kỳ một đồng tiền chính thức nào.
Tiền ảo không được công nhận là một phương tiện thanh toán hợp pháp, vì vậy nếu phát hành, cung ứng và sử dụng để làm phương tiện thanh toán là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử tội hình sự.
Tiền ảo đã được xác định không phải là tiền điện tử thông qua một loạt văn bản trong thời gian gần đây của một số bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (các công văn số 620/VPCP-KTTH ngày 14-4-2014, số 367/VPCP-KTTH ngày 14-1-2016, số 1644/VPCP-KTTH ngày 9-8-2016; Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11-4-2018).
NHNN cũng vừa công bố Dự thảo Báo cáo về việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử, trong đó phân biệt rõ sự khác nhau giữa tiền ảo và tiền điện tử như nói trên. Và theo đó, NHNN chỉ chịu trách nhiệm quản lý tiền điện tử.
Tiền điện tử
Tiền điện tử đang được hiểu là giá trị tiền thật được lưu giữ dưới dạng điện tử để sử dụng làm phương tiện thanh toán. Theo dự thảo báo cáo nói trên, qua rà soát các văn bản pháp luật hiện hành và đối chiếu với những đặc tính của tiền điện tử và thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy pháp luật Việt Nam mới chỉ thừa nhận hai hình thức là thẻ ngân hàng trả trước và ví điện tử.
Theo Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng”, thì thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán được phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận. Trong đó, thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
Khoản 8, điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016, quy định về dịch vụ ví điện tử như sau: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.
Theo quy định của pháp luật, ngoài sáu phương tiện thanh toán truyền thống (là tiền mặt và năm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu và ủy nhiệm thu), những năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin nên đã có thêm hai loại phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới là thẻ ngân hàng (loại trả trước) và ví điện tử.
Trong số tám phương tiện thanh toán nêu trên, riêng đối với tiền mặt, duy nhất do NHNN phát hành. Đối với các phương tiện thanh toán còn lại thì có thể do NHNN, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các tổ chức trung gian thanh toán hoặc doanh nghiệp phát hành.
Cần xây dựng một đạo luật quy định về các phương tiện thanh toán, trong đó có tiền điện tử
Hoạt động thẻ ngân hàng và ví điện tử trước hết là các hoạt động “chuyển tiền điện tử”, “thanh toán điện tử” và “giao dịch điện tử” theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo đó “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử”. Và “phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”.
Vẫn chưa có quy định hiện hành của pháp luật giải thích thế nào là “tiền điện tử”. Ngay cả việc xác định thẻ ngân hàng và ví điện tử là “tiền điện tử” cũng mới chỉ được đề cập đến trong dự thảo báo cáo nói trên của NHNN.
Ngoài ra, pháp luật vẫn còn bỏ ngỏ các loại thẻ cũng có một số đặc điểm giống tiền điện tử, do các doanh nghiệp phát hành để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ của chính họ hay đơn vị liên kết khác. Nếu không có quy định rõ ràng, thì việc sử dụng các loại thẻ, vé, tem, phiếu, giấy tờ khác làm phương tiện thanh toán cũng vi phạm pháp luật hành chính và hình sự giống như việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán
Do vậy, cần xây dựng một đạo luật quy định về các phương tiện thanh toán, trong đó có tiền điện tử. Đồng thời cần thừa nhận mở rộng một số phương tiện thanh toán như hối phiếu, phương tiện thanh toán khác, kể cả loại chỉ sử dụng để thanh toán trong một phạm vi hạn hẹp nhất định, trong đó không loại trừ tiền ảo.
Bên cạnh hai hình thức biểu hiện của tiền điện tử (thẻ ngân hàng trả trước và ví điện tử) đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trên thực tế hiện nay một lượng lớn giá trị đang được lưu trữ trên các điện thoại di động của các chủ thuê bao, trường hợp sử dụng giá trị này để thanh toán (thanh toán đa mục đích), xét theo những đặc tính của tiền điện tử thì những loại hình này cần xem xét, quản lý như một hình thái biểu hiện của tiền điện tử. Đối với việc sử dụng các loại thẻ cào điện thoại của các nhà mạng viễn thông, thẻ trò chơi trực tuyến (không phải phương tiện thanh toán theo pháp luật hiện hành)… sử dụng để thanh toán đa mục đích hoặc có thể quy đổi thành tiền mặt, tiềm ẩn những rủi ro phức tạp và ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ quốc gia… Do vậy, cần thiết phải có biện pháp để quản lý chặt chẽ các loại thẻ chỉ được thực hiện cho chính dịch vụ được cung cấp bởi nhà phát hành (thẻ thanh toán đơn mục đích), không để biến tướng thành thẻ đa mục đích sử dụng như một phương tiện thanh toán, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức phát hành và khách hàng. (Theo Dự thảo Báo cáo về việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử của NHNN) |
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
(1.239/1.239)
——————–
Bài viết gửi đăng TB Kinh tế SG Hà Nội 10-6-2018
Tiền ảo và tiền điện tử
Giám đốc Công ty Luật ANVI
Trọng tài viên VIAC
Những năm gần đây, tiền điện tử và tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa hay tiền ảo đã liên tục xuất hiện và đi vào đời sống qua các con đường khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay các loại được gọi là tiền này vẫn chưa được chính thức điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.
Tiền và tiền ảo
Tiền hay tiền thật là đồng tiền của quốc gia được phát hành và lưu hành hợp pháp. Theo pháp luật Việt Nam thì tiền gồm hai loại là tiền mặt và tiền điện tử (e-money hay electronic money), trong đó tiền mặt gồm tiền giấy và tiền kim loại. Như vậy, các loại khác dù có được gọi là tiền, như tiền ảo, cũng đều không phải là tiền theo pháp luật Việt Nam.
Tiền ảo (vitual currency) không phải là tiền thật, mà là một loạt tiền kỹ thuật số, được tạo ra bằng phần mềm tin học và được sử dụng như một đồng tiền trong một nhóm thành viên cộng đồng mạng. Như vậy, dù cũng được gọi là tiền, vì có một số đặc điểm tương tự, nhưng khác với tiền điện tử, tiền ảo không gắn với bất kỳ một đồng tiền chính thức nào.
Tiền ảo không được công nhận là một phương tiện thanh toán hợp pháp, vì vậy nếu phát hành, cung ứng và sử dụng để làm phương tiện thanh toán là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc về tội hình sự.
Tiền ảo đã được xác định không phải là tiền điện tử thông qua một loạt văn bản trong thời gian gần đây của một số bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (các Công văn 620/VPCP-KTTH ngày 14-4-2014, số 367/VPCP-KTTH ngày 14-01-2016, số 1644/VPCP-KTTH ngày 09-8-2016; Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11-4-2018).
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố Dự thảo Báo cáo về việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử, trong đó phân biệt rõ giữa tiền ảo và tiền điện tử. Và Ngân hàng Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm quản lý tiền điện tử.
Tiền điện tử
Tiền điện tử là giá trị tiền thật được lưu giữ dưới dạng điện tử để sử dụng làm phương tiện thanh toán. Hiện nay pháp luật Việt Nam mới chỉ thừa nhận hai loại tiền điện tử là thẻ ngân hàng trả trước và ví điện tử.
Theo Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng”, thì thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán được phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận. Trong đó, thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
Khoản 8, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đã được sửa đổi, bố sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 đã quy định về dịch vụ ví điện tử như sau: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.
Theo quy định của pháp luật, ngoài 6 phương tiện thanh toán truyền thống là tiền mặt và 5 phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu và ủy nhiệm thu, những năm gần đây nhờ công nghệ thông tin nên đã có thêm 2 loại phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới là thẻ ngân hàng (loại trả trước) và ví điện tử.
Trong số 8 phương tiện thanh toán nêu trên, riêng đối với tiền mặt thì duy nhất do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Đối với các phương tiện thanh toán còn lại thì có thể do Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các tổ chức trung gian thanh toán hoặc doanh nghiệp phát hành.
Yêu cầu pháp luật
Hoạt động thẻ ngân hàng và ví điện tử trước hết là các hoạt động “chuyển tiền điện tử”, “thanh toán điện tử” và “giao dịch điện tử” theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo đó “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử”. Và “phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”.
Vẫn chưa có quy định hiện hành của pháp luật giải thích thế nào là “tiền điện tử”. Ngay cả việc xác định thẻ ngân hàng và ví điện tử là “tiền điện tử” cũng mới chỉ được đề cập đến trong Dự thảo Bảo cáo nói trên của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra pháp luật vẫn còn bỏ ngỏ các loại thẻ cũng có một số đặc điểm giống tiền điện tử, do các doanh nghiệp phát hành để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ của chính họ hay đơn vị liên kết khác. Nếu không có quy định rõ ràng, thì việc sử dụng các loại thẻ, vé, tem, phiếu, giấy tờ khác làm phương tiện thanh toán cũng vi phạm pháp luật hành chính và hình sự giống như việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán
Do vậy, cần xây dựng một đạo luật quy định về các phương tiện thanh toán, trong đó có tiền điện tử. Đồng thời cần thừa nhận mở rộng một số phương tiện thanh toán như hối phiếu, phương tiện thanh toán khác, kể cả loại chỉ sử dụng để thanh toán trong một phạm vi hạn hẹp nhất định, trong đó không loại trừ tiền ảo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——————
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Thương mại điện tử) 28-6-2018:
http://www.thesaigontimes.vn/274399/Tien-ao-va-tien-dien-tu.html